ĐẶC ĐIỂM DU KÍ VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỈ XX

202
i BGIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẠI HC HUTRƯỜNG ĐẠI HC KHOA HC --------------- NGUYN HU LĐẶC ĐIỂM DU KÍ VIT NAM NỬA ĐẦU THKXX Chuyên ngành : Văn học Vit Nam Mã s: 62 22 01 21 LUN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGVÀ VĂN HOÁ VIT NAM Người hướng dn khoa hc: PGS.TS. Trn Thái Hc HU- 2015

Transcript of ĐẶC ĐIỂM DU KÍ VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỈ XX

i

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

ĐẠI HỌC HUẾ

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC

---------------

NGUYỄN HỮU LỄ

ĐẶC ĐIỂM DU KÍ VIỆT NAM

NỬA ĐẦU THẾ KỈ XX

Chuyên ngành : Văn học Việt Nam

Mã số : 62 22 01 21

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HOÁ VIỆT NAM

Người hướng dẫn khoa học:

PGS.TS. Trần Thái Học

HUẾ - 2015

ii

LỜI CẢM ƠN

Tôi xin trân trọng cảm ơn Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế,

Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu đã tạo điều kiện thuận

lợi cho tôi học tập và nghiên cứu.

Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới PGS. TS. Nguyễn Thành,

PGS.TS. Hồ Thế Hà, TS. Hà Ngọc Hòa, TS. Tôn Thất Dụng, TS. Lê

Thị Hường, cùng các thầy cô giáo khoa Ngữ văn của hai trường:

Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Sư phạm và Phòng Sau đại

học - Trường Đại học Khoa học Huế đã giảng dạy và giúp đỡ tôi trong

quá trình học tập và nghiên cứu.

Đặc biệt, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến PGS.

TS. Trần Thái Học - người đã tận tình giúp đỡ tôi trong suốt quá trình

nghiên cứu khoa học và hoàn thành luận án này.

Huế, tháng 8 năm 2015

Nguyễn Hữu Lễ

iii

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của

cá nhân tôi. Các số liệu và kết quả nghiên cứu trong

luận án này là trung thực. Nếu sai, tôi xin chịu hoàn

toàn trách nhiệm.

TÁC GIẢ LUẬN ÁN

NGUYỄN HỮU LỄ

iv

MỤC LỤC

Trang

MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn đề tài ....................................................................................................... 1

2. Mục tiêu nghiên cứu ................................................................................................. 2

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ............................................................................ 3

4. Phương pháp nghiên cứu .......................................................................................... 4

5. Đóng góp mới của luận án ........................................................................................ 4

6. Cấu trúc luận án ........................................................................................................ 5

NỘI DUNG

Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

1.1.Về khái niệm và thể loại của du kí ...................................................................... 6

1.1.1. Ở nước ngoài .................................................................................................. 6

1.1.2. Ở trong nước .................................................................................................. 11

1.2. Về du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX ............................................................... 17

1.2.1. Ở nước ngoài .................................................................................................. 17

1.2.2. Ở trong nước .................................................................................................. 18

1.3. Nhận định về những vấn đề đặt ra từ tổng quan tình hình nghiên cứu ......... 21

Chương 2: VẤN ĐỀ LÍ THUYẾT THỂ LOẠI VÀ LỊCH SỬ DU KÍ VIỆT NAM

2.1. Thi pháp thể loại du kí ........................................................................................ 27

2.1.1. Cốt truyện ....................................................................................................... 28

2.1.2. Kết cấu ........................................................................................................... 32

2.1.3. Điểm nhìn trần thuật....................................................................................... 36

2.1.4. Thời gian và không gian................................................................................. 40

2.1.5. Ngôn từ ........................................................................................................... 43

2.2. Khái quát quá trình lịch sử của du kí Việt Nam .............................................. 49

2.2.1. Giai đoạn từ thế kỉ X đến thế kỉ XVII ............................................................ 49

2.2.2. Giai đoạn từ thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX ................................................ 51

2.2.3. Giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX .......................................................................... 57

2.2.4. Giai đoạn nửa sau thế kỉ XX (cho đến hết thập niên 80) ............................... 63

2.2.5. Giai đoạn thập niên 90 của thế kỉ XX đến nay .............................................. 65

v

Chương 3: ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG CỦA DU KÍ VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỈ XX

3.1. Sự phong phú về đề tài .................................................................................... 68

3.1.1. Đề tài khảo cứu văn hóa ............................................................................. 68

3.1.2. Đề tài lịch sử .............................................................................................. 71

3.1.3. Đề tài danh lam thắng cảnh ........................................................................ 73

3.1.4. Đề tài quốc tế ............................................................................................. 76

3.1.5. Đề tài dân tộc thiểu số ................................................................................ 79

3.2. Sự đa dạng về cảm hứng ................................................................................. 83

3.2.1. Cảm hứng viễn du ...................................................................................... 84

3.2.2. Cảm hứng yêu nước ................................................................................... 87

3.2.3. Cảm hứng tâm linh ..................................................................................... 92

3.2.4. Cảm hứng trữ tình ..................................................................................... 94

3.2.5. Cảm hứng thế sự ........................................................................................ 97

Chương 4: ĐẶC ĐIỂM HÌNH THỨC CỦA DU KÍ VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỈ XX

4.1. Cốt truyện. ........................................................................................................ 99

4.1.1. Cốt truyện hành trình ................................................................................. 99

4.1.2. Cốt truyện sự tích – huyền thoại ................................................................ 105

4.2. Kết cấu .............................................................................................................. 107

4.2.1. Kết cấu khung ............................................................................................ 107

4.2.2. Kết cấu trực quan ....................................................................................... 114

4.2.3. Kết cấu nhật trình – sự kiện ....................................................................... 115

4.2.4. Kết cấu tự sự – trữ tình ............................................................................... 118

4.3. Điểm nhìn trần thuật ....................................................................................... 122

4.3.1. Điểm nhìn đa diện đối với hiện thực .......................................................... 123

4.3.2. Điểm nhìn dịch chuyển của người kể chuyện ............................................ 125

4.4. Ngôn từ ............................................................................................................. 127

4.4.1. Sự kết hợp các ngôn ngữ ............................................................................ 127

4.4.2. Sự đa dạng của văn phong ......................................................................... 132

vi

Chương 5: NHỮNG TÁC GIẢ DU KÍ VIỆT NAM TIÊU BIỂU NỬA ĐẦU THẾ KỈ XX

5.1. Nguyễn Đôn Phục – phong cách truyền thống .............................................. 136

5.1.1. Triết lí về "sự đi" ........................................................................................ 136

5.1.2. Tiếp cận đối tượng trên phương diện lịch sử ............................................. 139

5.1.3. Ngôn từ cổ kính và biểu cảm ..................................................................... 143

5.2. Phạm Quỳnh – phong cách hiện đại .............................................................. 151

5.2.1. Văn du kí mang tính tư tưởng .................................................................... 152

5.2.2. Kết cấu và ngôn ngữ mang tính hiện đại ................................................... 155

5.2.3. Văn du kí giàu chất triệt luận ..................................................................... 162

5.3. Mãn Khánh Dương Kỵ – phong cách huyền thoại hóa ................................ 166

5.3.1. Cảm quan lịch sử và bút pháp huyền thoại hóa ......................................... 166

5.3.2. Nghệ thuật dựng cảnh và tạo không khí lịch sử ......................................... 170

5.3.3. Ngôn từ giàu tính tạo hình ......................................................................... 172

KẾT LUẬN .............................................................................................................. 176

NHỮNG CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN ....... 180

TÀI LIỆU THAM KHẢO ........................................................................................ 181

PHỤ LỤC ................................................................................................................. 186

1

MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn đề tài

1.1. Văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX là giai đoạn có ý nghĩa bước ngoặt

trong quá trình phát triển của văn học dân tộc. Sự xuất hiện các trào lưu văn học với

nhiều nhà văn tầm cỡ đã trở thành tâm điểm của nghiên cứu văn học vào những thập

niên cuối của thế kỉ XX. Trong nghiên cứu văn học, xu hướng tập trung vào những đối

tượng mang tính truyền thống cùng với các hiện tượng văn học được nhận thức đầy đủ

trở nên phổ biến, còn những bộ phận văn học nằm giữa lằn ranh như du kí thường bị bỏ

quên. Đối với vấn đề nghiên cứu thể loại, khi chú trọng vào những thể loại chính thống

như tiểu thuyết, truyện, thơ, kịch,... thì khả năng bỏ qua các thể loại cận văn chương như

tản văn, bút kí, hồi kí, du kí,... là không thể tránh khỏi. Hiện tượng tập trung vào một số

đối tượng trong nghiên cứu văn học đã bỏ qua một số bộ phận văn học mang tính đại

chúng, đồng nghĩa với việc tách văn học ra khỏi văn hóa, môi trường phát triển của nó.

Tính phổ biến của nghiên cứu văn học đã làm cho thể loại du kí nói chung, du kí Việt

Nam nửa đầu thế kỉ XX nói riêng chưa trở thành dấu ấn để thu hút được nhiều nhà

nghiên cứu. Bước sang thời đại thông tin, nghiên cứu văn học chịu sự tác động bởi nhiều

yếu tố không chỉ trong lãnh địa của mình mà còn vươn ra các lĩnh vực khác như văn

hóa, kinh tế, chính trị, du lịch,… nên du kí đã có cơ hội trở thành đối tượng của nghiên

cứu văn học.

1.2. Trong thập niên đầu của thế kỉ XXI, du kí đã trở thành hiện tượng văn học

thu hút nhiều nhà nghiên cứu, học giả ở Việt Nam quan tâm. Du kí đã từng có mặt trong

tiến trình của lịch sử văn học Việt Nam ở các dạng thức khác nhau. Trong văn học trung

đại Việt Nam, du kí được viết bằng chữ Hán dưới hình thức của các thể loại thơ, phú,

kí. Trước khi có nền văn học Quốc ngữ, trong văn học Việt Nam đã từng xuất hiện văn

bản có dạng du kí viết bằng chữ Quốc ngữ. Cho đến nay, du kí đã từng bùng phát hai

lần trong lịch sử văn học dân tộc: lần thứ nhất vào nửa đầu thế kỉ XX, lần thứ hai vào

đầu thế kỉ XXI. Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài, du kí chưa được nghiên cứu một

cách đầy đủ và nghiêm túc nên chưa có công trình lí luận và lịch sử dành riêng cho nó.

Vì thế, quan điểm thể loại về du kí ở Việt Nam chưa thống nhất. Trong các công trình lí

luận văn học của các học giả Việt Nam, du kí là tiểu loại nằm trong thể loại kí cùng với

các tiểu loại: kí sự, phóng sự, nhật kí, hồi kí, bút kí, tùy bút, kí hành, truyện kí, tản văn...

2

Trong khi đó, ranh giới giữa các tiểu loại của kí cũng không tuyệt đối, luôn có tình trạng

chuyển hóa, thâm nhập lẫn nhau. Tưởng rằng trong những cuốn sách lí luận và sách giáo

khoa, sự phân chia thể loại đã rạch ròi, nhưng thực tế văn học luôn diễn ra những yếu tố

ngoại biên, yếu tố mờ hay nhòe giữa các thể loại với nhau, nhất là đối với tác phẩm của

những nhà văn có năng khiếu đặc biệt và có sự linh hoạt cao độ khi cầm bút. Vì thế, vấn

đề đặt ra đối với nghiên cứu du kí là phải phân định những đường ranh thể loại của nó

với các thể loại khác trong văn học Việt Nam, không phải bằng sự suy lí mà bằng cách

khảo cứu đặc điểm của du kí qua thực tiễn sáng tác.

1.3. Trải qua quá trình phát triển và hình thành thể loại, du kí Việt Nam nửa đầu

thế kỉ XX xuất hiện trở lại với nhiều tác giả, tác phẩm đăng trên các báo và tạp chí đương

thời. Thể loại này đã thu hút nhiều nhà báo, nhà văn, học sinh, du khách đến với du kí

bởi sự mới mẻ và hấp dẫn của nó. Xét trong bối cảnh của quá trình hiện đại hóa văn học

nửa đầu thế kỉ XX, du kí là bộ phận văn học đã từng có vị thế trên văn đàn, nhưng bộ

phận văn học này, nói như Nguyễn Hữu Sơn, "còn chưa được chú ý đúng mức" [65,

tr.13], và tính cấp thiết của nó như ý kiến của Phong Lê: "…du ký trong hai thập niên

trước mốc lịch sử 1930, thì đến bây giờ mới được làm, trong khi đáng lẽ có thể làm sớm

hơn …" [30, tr.65]. Đã đến lúc du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX cần phải được nghiên

cứu một cách đầy đủ và nghiêm túc để làm minh bạch một số vấn đề về loại hình, thể

loại, đặc trưng và vị trí của nó đối với quá trình phát triển của lịch sử văn học dân tộc.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Với đề tài "Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX", công việc nghiên cứu

của luận án nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể sau đây:

2.1. Xác lập cách hiểu hợp lí về thể loại, khái niệm du kí, xây dựng các vấn đề lí

thuyết về thể loại của du kí để làm cơ sở phương pháp luận nghiên cứu lịch sử vận động

hình thành thể loại và đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.

2.2. Xác định những đặc điểm cơ bản của du kí Việt Nam về nội dung và hình

thức để thấy được những đóng góp của nó trong quá trình hiện đại hóa văn học và làm

phong phú diện mạo văn xuôi Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.

2.3. Chỉ ra được các phong cách tiêu biểu để góp phần minh chứng cho sự phát

triển của thể loại du kí trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.

3

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài luận án là du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX,

bao gồm những tác phẩm du kí đăng trên các báo và tạp chí nửa đầu thế kỉ XX: Nam Kỳ

tuần báo, An Nam tạp chí, Nam Phong tạp chí, Phụ nữ Tân văn, Tri Tân, Thanh Nghị,

Tao Đàn, Phong hóa, … và các ấn phẩm du kí xuất bản từ trước tới nay được sáng tác

trong giai đoạn này.

2.2. Phạm vi nghiên cứu

2.2.1. Phạm vi nghiên cứu lí thuyết của luận án là những vấn đề lí thuyết về loại

thể và lịch sử văn học. Từ yêu cầu của đề tài, luận án giải quyết hai nội dung cơ bản:

những vấn đề lí luận xung quanh thể loại du kí, quá trình hình thành, phát triển và những

đặc điểm của du kí trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX. Việc xác định đặc trưng

thể loại có ý nghĩa định hướng cho việc khảo sát những đóng góp của du kí ở thực tế

sáng tác.

2.2.2. Phạm vi nghiên cứu tư liệu của luận án bao gồm các tác gia tiêu biểu và

những tác phẩm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.

- Du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX có rất nhiều tác phẩm của nhiều tác giả. Mặc

dù bộ Du kí Việt Nam do Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm giới thiệu với 62 tác phẩm đăng trên

Nam Phong tạp chí thì chỉ là một phần của du kí Việt Nam trong giai đoạn này. Vì thế,

chúng tôi phải sưu tầm và khảo sát thêm nhiều tác phẩm du kí khác đã đăng trên các báo

và tạp chí đương thời hoặc đã xuất bản thành sách.

- Để đảm bảo tính hệ thống, chúng tôi điểm qua những tác phẩm du kí Việt Nam

trước thế kỉ XX, lấy đó làm cơ sở nhằm nghiên cứu sự vận động thể loại của du kí Việt

Nam nửa đầu thế kỉ XX.

- Du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX có sự phong phú về nội dung, đa dạng về

hình thức và đặc biệt xuất hiện nhiều tác giả với những phong cách khác nhau. Trong

một phạm vi tương đối, dựa trên xu hướng sáng tác, chúng tôi nhận thấy du kí giai đoạn

này có ba loại hình: du kí có yếu tố Hán, du kí mang phong cách hiện đại, du kí chứa

yếu tố hư cấu, tưởng tượng. Nhiệm vụ đặt ra của Luận án là phải lựa chọn các tác giả

tiêu biểu để khảo sát nhằm làm rõ đặc điểm phong cách tương ứng với ba loại hình nói

trên.

4

4. Phương pháp nghiên cứu

Từ đối tượng và phạm vi nghiên cứu đã được xác định, để đáp ứng yêu cầu và

đạt được mục tiêu của đề tài đặt ra, trong quá trình triển khai luận án, chúng tôi vận dụng

những phương pháp và thao tác chủ yếu sau:

4.1. Phương pháp lịch sử: là phương pháp tiếp cận sự vật, hiện tượng trong quá

trình hình thành và phát triển của nó. Phương pháp này yêu cầu khi xem xét đối tượng

phải đứng trên quan điểm lịch sử cụ thể và lịch sử phát triển. Sử dụng phương pháp này,

chúng tôi xem xét sự phát sinh và hình thành của du kí qua các giai đoạn phát triển trong

hoàn cảnh lịch sử, văn hóa nhất định.

4.2. Phương pháp cấu trúc – hệ thống: Nghiên cứu đặc điểm du kí Việt Nam

nửa đầu thế kỉ XX như một chỉnh thể hoàn chỉnh, như một cấu trúc chặt chẽ, hợp logic

trong mối quan hệ biện chứng giữa các yếu tố, giữa lí thuyết và thực tiễn sáng tác.

4.3. Phân tích - tổng hợp: Phân tích các phương diện, các quan niệm cụ thể về lí

thuyết du kí, từ đó tổng hợp, khái quát theo các bình diện nghiên cứu đặc điểm du kí

Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX. Phương pháp này con được vận dụng trong việc nghiên

cứu sáng tác các phong cách du kí tiêu biểu.

4.4. So sánh đối chiếu (đồng đại và lịch đại):

Về đồng đại : so sánh, đối chiếu các tác giả, tác phẩm; thể loại du kí với một số

thể loại khác trong cùng một thời kì để chỉ ra những chỗ giống và khác nhau ở mỗi đối

tượng, làm rõ đặc trưng cơ bản của các đối tượng đó.

Về lịch đại : so sánh đối chiếu thể loại du kí qua các thời kì về lí thuyết lẫn sáng

tác để thấy được sự tiếp biến của nó.

4.5. Các phương pháp liên ngành: Thi pháp học, Phong cách học, Văn bản học,

Mĩ học tiếp nhận được chúng tôi sử dụng trong luận án để khảo sát các vấn đề lí thuyết

thể loại và sáng tác du kí theo yêu cầu của đề tài đặt ra.

5. Đóng góp mới của luận án

5.1. Về lí luận

- Trên cơ sở khảo sát những công trình nghiên cứu trong và ngoài nước về du kí,

Luận án chỉ ra những điểm chưa thống nhất trong cách hiểu khái niệm và xác định loại

hình của thể loại du kí. Từ đó, Luận án đi đến xác lập một quan niệm mới về loại hình

của du kí trong văn học: du kí là một thể loại văn xuôi thuộc loại hình tự sự mang đầy

đủ đặc điểm của một thể loại và có khả năng tiếp nhận phương thức phản ánh hiện thực

5

của một số thể loại và loại hình nghệ thuật gần với nó, đồng thời ảnh hưởng trở lại với

những thể loại khác.

- Trong quá trình nghiên cứu lí thuyết để làm cơ sở phương pháp luận cho nghiên

cứu đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, Luận án đã xây dựng được một số vấn

đề lí thuyết thể loại của du kí, điều mà từ trước tới nay trong các sách lí luận văn học ở

Việt Nam chưa thực hiện được.

5.2. Về thực tiễn

- Trong quá trình khảo sát, chúng tôi đã tiến hành sưu tầm được một số lượng

tác phẩm du kí, nhất là những tác phẩm chưa được phát hiện hay bị bỏ quên trong quá

khứ. Đây là những sản phẩm quí giá làm giàu di sản văn học dân tộc trong quá khứ.

- Từ việc phân tích các đặc điểm phong cách thể loại, chúng tôi đưa ra những căn

cứ để phân định tác phẩm du kí, đồng thời chỉ ra những tác phẩm không phải là du kí

mà lâu nay nhiều người đã ngộ nhận nó. Luận án cũng xác định một số tác phẩm du kí

mà từ trước tới nay người ta coi nó thuộc thể loại khác như: tùy bút, tản văn, tiểu

thuyết,…

- Xác định đặc điểm của du kí, chúng tôi tiếp cận trên phương diện nội dung và

hình thức, qua đó chúng tôi dựng lại diện mạo của du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX

với những đặc trưng cơ bản của nó. Cùng với việc nghiên cứu về phong cách tác giả,

chúng tôi đi đến khẳng định: du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX là một bộ phận không

nhỏ của văn học dân tộc, có vị trí quan trọng trong văn học ở giai đoạn văn học dân tộc

trên con đường hiện đại hóa mà từ trước đến nay ít được đề cập trong các công trình văn

học sử.

- Kết quả nghiên cứu của luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo để biên

soạn giáo trình, tài liệu học tập và nghiên cứu cho các ngành: văn học, văn hóa học, du

lịch.

6. Cấu trúc luận án

Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục và tài liệu tham khảo, Luận án có tất cả 5

chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu

Chương 2: Vấn đề lí thuyết thể loại và lịch sử du kí Việt Nam

Chương 3: Đặc điểm nội dung của du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX

Chương 4: Đặc điểm hình thức của du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX

Chương 5: Các phong cách du kí Việt Nam tiêu biểu nửa đầu thế kỉ XX

6

NỘI DUNG

Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

Du kí là một hiện tượng của văn học đương đại. Vào giữa thập niên cuối của thế

kỉ XX, du kí đã được các nhà nghiên cứu của nhiều nước trên thế giới chú ý. Ở Việt

Nam, từ giữa thập niên đầu của thế kỉ XXI, du kí bắt đầu được quan tâm như là một hiện

tượng của lịch sử văn học dân tộc. Bởi vì sự mới mẻ của đối tượng nghiên cứu nên cho

đến nay, nhiều vấn đề lịch sử và lí luận về du kí ở Việt Nam đang còn để ngõ. Trong

chương tổng quan này, chúng tôi tổng thuật tình hình nghiên cứu trên thế giới và ở Việt

Nam để làm rõ một số vấn đề liên quan đến nội dung nghiên cứu của luận án như: khái

niệm, vấn đề thể loại, xu hướng nghiên cứu và cách tiếp cận.

1.1. Về khái niệm và thể loại của du kí

1.1.1. Ở nước ngoài

Những năm 90 của thế kỉ XX, sự trổi dậy của nghiên cứu và phê bình du kí như

là cuộc điều tra học thuật với nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế, các sách chuyên khảo,

các tạp chí và thu hút nhiều chuyên gia, nhiều nhà khoa học quan tâm. Sự ra đời của

Hiệp hội Du kí Quốc tế (ISTW – International Society for Travel Writing) với định kì

mỗi năm tổ chức hai hội nghị đã minh chứng cho sức mạnh và sự đa dạng ở một lĩnh

vực nghiên cứu văn học rộng lớn và còn được mở rộng trong khả năng thâm nhập vào

các ngành khác. Những vấn đề như: du kí thuộc loại hình văn học hay phi văn học, là

thể loại hay thể tài, là tiểu loại hay thể loại, hư cấu hay phi hư cấu, tính trung gian và

đường biên thể loại... là nội dung của tranh luận mang tính học thuật. Xu hướng nghiên

cứu liên ngành đã đặt du kí vào một số trường hợp đặc biệt, không những giải quyết

những bí ẩn của nó bằng lí luận mà còn mở ra hưởng phát triển của nó trong tương lai.

Hiện nay, nhiều học giả trên thế giới xem du kí là một thể loại thuộc loại hình văn học

du lịch và các khái niệm về du kí cũng xoay quanh đặc điểm của loại hình văn học này.

Mở đầu cho bài viết Mấy vấn đề lí thuyết về thể loại du kí (旅 游 文 学 论 纲),

Xu Zong Yuan (许 宗 元) đã khẳng định một cách mạnh mẽ rằng: "Định nghĩa về văn

học du lịch giữa những năm 80 của thế kỉ XX đã có những nhận thức khác nhau. Sau 20

năm tư duy hợp lí, hôm nay nó đã được định nghĩa như là một khoa học của thời gian"

[114]. Dựa trên kết luận Hội thảo Quốc tế về Văn học du lịch 1/11/2005, tổ chức tại Hoa

Kì, Xu Zong Yuan đã đưa ra định nghĩa: "Du kí là những câu chuyện du lịch mô tả,

7

tường thuật cảnh quan thiên nhiên và văn hóa của nơi mà tác giả đến, qua đó để đánh

giá, cảm quan về xã hội, phong tục, di tích,... là những tài liệu biểu hiện tư tưởng, cảm

xúc, cùng với những hiểu biết sâu sắc của tác giả" [114]. Yếu tố văn học trong văn bản

du lịch (tạm gọi là du kí), theo Xu Zong Yuan là đặc trưng thẩm mĩ, và theo ông hoạt

động du lịch cũng là hoạt động thẩm mĩ. Những vẻ đẹp của cảnh quan và thiên nhiên

biểu hiện bằng hình ảnh thông qua những cảm xúc trở thành nội dung thẩm mĩ của tác

phẩm du kí [114]. Định nghĩa của Xu Zong Yuan thiên về nội dung thẩm mĩ của du kí

nên chưa bao quát được các vấn đề thể loại mà chỉ dùng để làm căn cứ để phân kì lịch

sử và phân loại du kí Trung Quốc.

Tưởng chừng như du kí đã được định nghĩa một cách đầy đủ thì bốn năm sau,

vào năm 2009, V.A. Shachkova đã viết trong luận án tiến sĩ Thể loại du kí trong sáng

tác của Mark Twain những năm 60 – 70 thế kỉ XIX, đã cho rằng: "trong phê bình văn

học hiện đại, vẫn chưa có sự đồng thuận về ranh giới và dấu hiệu của du kí như là một

thể loại văn học". [110, tr.35]. Ông đã đưa ra định nghĩa về một tác phẩm văn học có

nội dung về một cuộc hành trình (tạm gọi là du kí) … "là sự kết hợp của các yếu tố kể

chuyện, thống kê, khoa học tự nhiên và xã hội biểu hiện bằng hình thức văn chương,

như là một câu chuyện về cuộc phiêu lưu, cảm xúc và suy nghĩ mang tính cá nhân về

điều có khả năng gây sự tò mò cho người khác – một cuộc hành trình được kết hợp bởi

các hình thức linh hoạt có nội dung phong phú và hấp dẫn" [110, tr.36]. Với quan niệm

lấy cuộc hành trình làm hạt nhân của tác phẩm du kí, khái niệm mà Shachkova đưa ra

bao gồm cả những tác phẩm du kí hư cấu, tức là cuộc hành trình tưởng tượng.

Trong cuốn Du kí đương đại châu Mỹ Latinh, bà Claire Linsay đã dẫn ra các quan

điểm về du kí của Patrick Holland, Graham Huggan, Jan Borm và đưa ra khái niệm ở

phương diện nhấn mạnh về đặc trưng của du kí: "Bất kì câu chuyện nào chi phối bởi các

đặc trưng: tính phi hư cấu, có nội dung liên quan đến một chuyến đi, một cuộc hành

trình diễn ra trong thực tế, trong đó tác giả, người kể chuyện và nhân vật chính là một

hoặc giống hệt nhau" [91, tr.144]. Quan niệm của Claire Linsay đã bao quát được nhiều

vấn đề của thể loại du kí, tách du kí ra khỏi tiểu thuyết phiêu lưu và viễn tưởng.

Cũng đề cập đến đặc điểm của du kí, trong bài Nghiên cứu du kí Hungari - thách

thức, cơ hội và phát hiện, Balazs Venkovits, đã cho rằng: ngoài việc cung cấp cho độc

giả những câu chuyện về vùng đất mới, những phong tục và những con người kì lạ thì

du kí còn cung cấp cho độc giả những cơ hội để thoát khỏi những thực tế hàng ngày,

8

độc giả không cần phải đi mà cũng được làm quen với các vùng đất xa xôi qua những

kinh nghiệm và sự chia sẻ được tác giả nói đến trong các bài du kí. Thông tin trong các

bài du kí ở hai cấp độ: … "một mặt cung cấp cái nhìn sâu vào xã hội trong quá khứ mà

không có sẵn từ một nguồn nào trong cuộc sống về phong tục dân gian, sự kiện lịch sử,

xu hướng văn hóa,... mặt khác, trong những bài du kí không chỉ bao gồm những gì du

khách nhìn thấy mà còn ở nền văn hóa riêng của họ, tức là những kiến thức và định kiến

về những nơi mà họ đến thăm". Nhấn mạnh đến yếu tố nhận thức của du kí như là sự

mong đợi của xã hội về cuộc hành trình, Balazs Venkovits nhìn nhận du kí như là …

"một hiện tượng văn hóa trong văn học về các cuộc hành trình: văn hóa cá nhân" [99,

tr.122]. Quan niệm này của ông đã đề cao vai trò của chủ thể trong tác phẩm du kí.

Vấn đề định nghĩa du kí còn phục thuộc vào quan niệm về thể loại của du kí. Ở

nước ngoài, vấn đề khái niệm và thể loại của du kí được tiếp cận ở hai quan niệm: hư

cấu và không hư cấu.

Về quan niệm coi du kí không thuộc thể loại hư cấu, V. Guminski đã đưa ra định

nghĩa: "Du kí là một thể loại dựa trên những thông tin đáng tin cậy của nhân chứng về

bất cứ nơi đâu nhưng phải là đầu tiên, không quen thuộc hoặc ít biết đến đối với người

đọc. Du kí tồn tại ở các hình thức: tiểu luận, ghi chú, nhật ký, tạp chí, nghị luận, hồi ký.

Ngoài chức năng nhận thức về cuộc hành trình, du kí còn có các chức năng: thẩm mĩ,

chính trị, báo chí, triết học, và các nhiệm vụ khác. Là một thể loại đặc biệt của văn học

du lịch, những câu chuyện về hư cấu, hành trình tưởng tượng (...) với các yếu tố tư tưởng

và nghệ thuật chiếm ưu thế, ở các mức độ khác nhau, nguyên tắc mô tả một cuộc hành

trình chi phối việc xây dựng văn bản" [107, tr.314-315].

Trái với quan niệm của V. Guminski, trong luận án Sự phát triển của thể loại du

lịch trong các tác phẩm của các nhà văn Nga thế kỷ XVIII-XIX (1999), V. A. Mikhailov

đã đưa ra quan niệm: "Du kí - một thể loại tiểu thuyết, dựa trên mô tả của quan sát thực

sự hay tưởng tượng trong cuộc hành trình xác thực (real) hoặc hư cấu cuộc phiêu lưu

của người anh hùng (thường là nhân vật chính - người kể chuyện), với tư cách nhân

chứng. Thông qua mô tả về cuộc hành trình đến nơi ít được biết đến hoặc không biết mà

bộc lộ suy nghĩ riêng, cảm xúc và ấn tượng đã phát sinh trong quá trình du lịch, cũng

như câu chuyện về những sự kiện xảy ra tại thời điểm du lịch" [109, tr.45].

Còn E. Stetcenko trên cơ sở tiếp cận các tính năng tổng hợp của thể loại du kí,

cho rằng thể loại này là một “thể loại biện chứng” mà theo ông … “vì nó tạo ra một sự

9

tương tác phức tạp giữa các yếu tố khách quan và chủ quan, thực tế và tưởng tượng, tĩnh

và động trong bức tranh mô tả cuộc hành trình,.... Đó là sự hình thành của một bức tranh

mạch lạc về sự tồn tại của các bộ phận khác nhau, cá nhân liên quan đến vũ trụ, các cá

nhân và các quốc gia đang trong quá trình tự khám phá" [106, tr.312].

Trong bài Du kí như là một thể loại hư cấu: những vấn đề lí thuyết, Shachkova

từ việc khái quát vấn đề của truyền thống văn học Xô-viết phản ánh trong các tác phẩm

của các học giả đi du lịch như W. Michelson, Kantorovich, D. Moldova, Boris

Kostelanetz", không xem xét các chuyến đi như một thể loại riêng biệt, độc lập, đề cập

đến nó chỉ như là một loại bài luận đã đưa ra kết luận về du kí: "… một cuộc hành trình

khám phá thiên nhiên đang trên bờ vực của nghệ thuật và khoa học, đó là kết hợp hữu

cơ những gì dường như là hai cực đối diện: tài liệu, số liệu, thống kê, thế giới của hình

ảnh, bao gồm tất cả các yếu tố của nó: chân dung, phong cảnh, nội thất và quan trọng

nhất, người kể chuyện mình là một yếu tố bắt buộc tạo nên cấu trúc của bất kì văn bản

trong thể loại du kí" [110, tr.278]. Tính hư cấu mà Shachkova đề cập ở đây là hư cấu

khách quan theo đặc trưng của thể loại, tức là dựa vào hai yếu tố bắt buộc: cuộc hành

trình và chủ thể là tác giả.

Đề cập du kí một cách "chuyên nghiệp" phải kể đến cuốn sách chuyên khảo Du

kí (Travel Writing) của Carl Thompson [97]. Trong cuốn sách này, Thompson đã bàn

về vấn đề thể loại của du kí, phác họa lại các cuộc tranh luận về định nghĩa, cung cấp

một cái nhìn tổng quan lịch sử rộng lớn của du kí từ thời trung cổ cho đến ngày nay, lí

giải những vấn đề tự truyện và hư cấu của du kí, đưa ra các vấn đề giới tính của tác giả

du kí, rút ra các đặc điểm của du kí thời kì thuộc địa và hậu thuộc địa. Trong chương

đầu: Xác định thể loại (Defining the genre), Thompson đã cho rằng: "vấn đề du kí có

một sự phát triển đặc biệt lây lan từ những nghiên cứu hậu thuộc địa (postcolonialism)

với những cuộc tranh luận về du kí không chỉ trong văn học mà cả văn hóa, chính trị,

lịch sử, nữ quyền, (…) và thể loại này đã gây ra cuộc tranh luận trong nghiên cứu văn

học về mối quan hệ giữa các hình thức thẩm mĩ và chức năng của văn bản, phân biệt

văn bản văn học và văn bản phi văn học" [97, tr.29]. Khi phân tích các cuộc tranh luận

đăng trên tạp chí Granta của nước Anh, ông đã nêu một số quan niệm của các nhà phê

bình du kí, trong khi Zweder Von Martels quan niệm: du kí (travel writing) có thể chấp

nhận các tài liệu khác nhau, từ sách hướng dẫn các tuyến đường, bản đồ cho đến câu

chuyện cuộc hành trình hay chỉ là kinh nghiệm khi ở nước ngoài… Bằng cách này, Von

10

Marktels cho rằng sách hướng dẫn và sách du lịch không phải là thể loại minh bạch mà

chỉ là hai nhánh của cùng thể loại. Còn nhà phê bình Fussell phân biệt sách hướng dẫn

du lịch và du kí, ở phương diện chức năng sách hướng dẫn du lịch định hướng hành

động còn sách du kí định hướng thẩm mĩ. Fussell trong khi bàn đến vấn đề hư cấu của

tác phẩm du kí đã cho rằng: loại du kí không hư cấu, người kể chuyện đóng vai trò là

phóng viên, nhưng việc mô tả phong cảnh của họ cũng để trang điểm cho những cảm

xúc của mình. Vai trò người kể chuyện sáng tạo, tức là nhà văn du kí tìm thấy chính

mình từ khi chuyến du lịch chưa bắt đầu còn người viết du kí nghiệp dư thì phải sau

chuyến du lịch. Còn Holland và Huggan cho rằng, phim du lịch có thể phục vụ như là

một phương tiện hữu ích để "thỏa mãn phần nào giới hạn những tham vọng của độc giả

và nhắc nhở những nhà văn du kí về trách nhiệm của mình" [97, tr.19]. Như vậy, những

vấn đề mà Thompson trình bày cho thấy, du kí là một thể loại khá lớn, đa dạng và phức

tạp, một thể loại mà trong đó bao gồm nhiều tiểu loại khác nhau, kể cả các tiểu loại hư

cấu và phi hư cấu khi viết về cuộc hành trình với những hình thức, phương thức khác

nhau.

Trong cuốn giáo trình The Cambridge Introduction to Travel Writing, Tim

Youngs cho rằng du kí là: "một hình thức văn chương nằm ở đâu đó giữa quan sát khoa

học và tiểu thuyết" [100, tr.4]. Mở đầu chương 1, ông dẫn ra câu nói của Jonathan Raban,

nhà văn du kí Anh: "một thể loại mà tôi không tin" (a genre in which I don’t believe).

Raban từng tuyên bố rằng ông không tin vào sự khác biệt giữa thực tế và hư cấu trong

tác phẩm du kí. Trong các cuộc thảo luận về đặc trưng của tác phẩm du kí, Raban phát

biểu: "Như là một hình thức văn học, du kí là ngôi nhà mở nổi tiếng là nơi hào phóng

để các thể loại khác nhau cùng chung sống. Nó chứa cả nhật kí, tiểu luận, truyện ngắn,

bài thơ văn xuôi, những ghi chép, nói chuyện lịch sử…" [100, tr.12]. Sau khi phân tích

các quan điểm khác nhau của các nhà nghiên cứu, phê bình về định nghĩa và thể loại của

du kí, Tim Youngs cho rằng: tác phẩm du kí hoặc thể loại du kí không có giới hạn

nghiêm ngặt có thể chấp nhận nhiều loại văn bản khác nhau … nhưng nó là một "thể

loại pha trộn" để tạo thành bản sắc riêng [100, tr.14].

Mặc dù có những quan niệm khác nhau về du kí, thậm chí có khi trái ngược nhau

nhưng những định nghĩa của những nhà nghiên cứu nước ngoài nói trên không coi du kí

là sự ghi chép của người du lịch mà quan niệm du kí là một thể loại văn học có sự dung

nạp các phương thức biểu hiện của các thể loại khác. Như vậy, nội dung của tác phẩm

11

du kí lớn hơn nhiều so với những gì mà tác giả thể hiện trong văn bản.

1.1.2. Ở trong nước

Trước khi du kí xuất hiện, trong văn học Việt Nam thời kì trung đại đã tồn tại

một số tác phẩm có phương thức sáng tác là ghi chép về những điều mắt thấy, tai nghe,

bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc trong những chuyến công cán hay đi du lịch. Qua sưu tầm và

khảo sát, chúng tôi nhận thấy từ du kí xuất hiện đầu tiên vào đầu thế kỉ XIX trong tác

phẩm Tam Kiều nguyệt dạ du kí (1805) của Ngô Thị Hoàng, Tam Ngô du kí của Nguyễn

Văn Siêu ( ?). Nhưng những năm sau đó, nhiều tác phẩm mang tính ghi chép về một

cuộc hành trình cũng không gọi là du kí mà gọi là kí (Như Tây kí, (1864) của Ngụy Khắc

Đản), là nhật kí (Như Tây sứ trình nhật kí (1864) của Phạm Phú Thứ, Tây phù nhật kí

(1865) của Tôn Thọ Tường), hoặc là kỉ lược (Tây hành kiến văn kỉ lược (1831) của Lý

Văn Phức) hay là chí lược (Hải trình chí lược (1834) của Phan Huy Chú) hoặc không

kèm tên thể loại (Chuyến đi Bắc Kì năm Ất Hợi (1876) của Trương Vĩnh Ký).... Khi du

kí xuất hiện trở lại ở Việt Nam vào đầu thế kỉ thế kỉ XX, từ “du kí” được gọi trở lại (Hạn

mạn du ký của Nguyễn Bá Trác). Mặc dù vậy, từ "du kí" lúc này đang còn xa lạ với mọi

người, nhất là khi nền lí luận và phê bình văn học nước ta đang còn trong giai đoạn sơ

khai, nhiều lí thuyết văn học chưa xuất hiện. Đến năm 1923, Nguyễn Trọng Thuật gọi

“kí sự” là “du kí”, khi dịch Thượng kinh kí sự của Lê Hữu Trác ra chữ Quốc ngữ với

tiêu đề : Một tập du kí của cụ Lãn Ông (đăng nhiều kì trên Nam Phong). Đến năm 1929,

trên tạp chí Phụ nữ Tân văn xuất hiện thiên du kí của Đào Trinh Nhất với bút danh là

Phạm Vân Anh có thêm phụ đính cho tựa đề là "tập du kí của một cô thiếu nữ". Từ năm

1930 trở về sau, những tên thể loại như: "du kí", "lữ kí" đã lần lượt xuất hiện trên một

số tạp chí như Tri Tân, Phụ nữ Tân văn, Thanh Nghị,... khi đứng trước các tiêu đề để

chỉ thể loại cũng như các thể loại khác: tiểu thuyết, tiểu thuyết tàu, truyện ngắn, thơ,...

Nửa đầu thế kỉ XX, người viết nhiều bài du kí nhất giai đoạn này là Phạm Quỳnh

đã nói lên quan niệm của mình về du kí. Ông cho rằng bài văn được gọi là du kí phải

gắn liền cuộc đi xa, dài ngày : "Đi sang Tây, sang Tàu, đi Phú Xuân, đi Đồng Nai, gọi

là cuộc "du lịch", trở về viết bài "du ký", còn do khả ; chớ đi tỉnh nọ sang tỉnh kia mà

nói "du lịch" với "du ký" thì tưởng cũng khí quá vậy" (Nam Phong, số 96, tr.507). Như

vậy, những bài viết sau cuộc đi tham quan phong cảnh tỉnh này, tỉnh kia không gọi là du

kí mà gọi là văn thuật sự đi chơi, thuộc loại văn kỉ sự. Nó về văn kỉ sự, theo Phạm Quỳnh

"… không phải là văn khảo cứu, nhà văn càng phải nên phân biệt lắm. Văn kỷ sự là cứ

12

sự thực mà thuật lại, cốt lấy tự nhiên giản dị, ngoài sự thực có thể điểm chút cảm tưởng

riêng, cũng là do sự thực mà phát ra, càng có cái vẻ thật thà mới mẻ lại càng hay, bất tất

phải bàng sư bác tập, điển cố xa xôi làm gì" (Nam Phong, số 96, tr.507). Trên quan niệm

của Phạm Quỳnh, chúng tôi nhận thấy từ kỉ sự (纪事) và kí sự (記事) có nghĩa giống

nhau: ghi chép sự việc theo thứ tự thời gian, nhưng ở từ kỉ sự (纪事) nhấn mạnh đến

tính phép tắc của văn chương. Cách gọi tên cho các bài viết sau chuyến du lịch của Phạm

Quỳnh dường như được người đương thời chấp nhận nên không thấy có sự trao đổi, bàn

cãi nào trên báo chí thời bấy giờ. Sau đó, trên văn đàn giai đoạn 1930 – 1945, không

thấy ai nói thêm về về du kí.

Sau những bài giới thiệu hay phê bình đăng trên Nam Phong, du kí Việt Nam

được nhắc đến trong một số công trình văn học sử, chủ yếu là nhìn nhận lại tính chất thể

loại của một vài tác phẩm cổ điển. Trong cuốn Nhà văn hiện đại, điểm lại các tác phẩm

của Trương Vĩnh Ký, khi nói về Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876), Vũ Ngọc Phan

đã viết: “Tập du kí này viết không có văn chương gì cả, nhưng tỏ ra ông là một người

có con mắt quan sát rất sành, vì cuộc du lịch của ông là cuộc du lịch lần đầu, ông lại đi

rất chóng. Tuy không có văn chương nhưng công nhận ngòi bút của ông rất linh hoạt”

[48, tr.24]. Sau khi nói về nội dung của tác phẩm này, Vũ Ngọc Phan đã đưa ra nhận xét

về văn chương Quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký: “…viết Quốc ngữ mà viết văn xuôi,

không ai cho là văn cả. Chỉ có làm thơ Nôm người ta mới chú ý đến, chứ viết Quốc ngữ

mà trơn tuồn tuột như lời nói, ai cũng cho là dễ dàng, đã được kể là " văn" đâu” [48,

tr.26]. Như vậy, với Vũ Ngọc Phan, những tác phẩm viết bằng chữ Quốc ngữ thế kỉ XIX,

trong đó có bài Chuyến đi Bắc Kì năm Ất Hợi chưa mang tính văn chương. Nhưng khi

bàn đến Phạm Quỳnh với quyển Ba tháng ở Paris, ông cho rằng : “là một quyển du kí

rất thú vị, chuyện ông kể có duyên, lại vui, tường tận từng nơi từng chốn, làm cho người

chưa bước chân lên đất Pháp, chưa từng đến Paris, cũng tưởng tượng ra được những

thắng cảnh và nơi cổ tích của cái kinh thành ánh sáng dưới trời Tây và chia sẻ ít nhiều

cảm xúc cùng nhà du lịch” [48, tr. 29]. Điều này cho thấy, Vũ Ngọc Phan đã thừa nhận

có văn du kí để phân biệt giữa bài ghi chép cuộc hành trình với tác phẩm du kí nhưng

chưa khẳng định tính thể loại của du kí.

Trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (1961), trong "Chương IV: Truyện

ký", Phạm Thế Ngũ cho rằng Thượng kinh kí sự là "một truyện dài du kí", tức là “loại

du kí nhằm ghi chép những điều tai nghe mắt thấy, bước chân từng trải trong những dịp

13

đi xa. Đối với nhà văn ta xưa, mỗi khi đi đâu xa, hoặc đi công vụ, hoặc chỉ là phiếm du,

nếu không có "túi thơ bầu rượu" trên vai thì cũng có giấy bút tùy thân để dọc đường theo

hứng mà kí sự. Song trong các dịp ấy, các cụ thường chỉ hay làm những bài thơ ngắn để

vịnh. Còn nếu như lợi dụng sự quan chiêm lịch lãm, chép thành hẳn một pho du kí văn

xuôi, có đầu có đuôi như một truyện dài thì rất ít có. Hiện nay chỉ còn lưu lại một tập du

kí của bậc danh nho và danh y là cụ Hải-Thượng Lãn-Ông, kể ra cũng là một tác phẩm

hiếm có và đặc sắc về nhiều phương diện trong văn học sử chữ Hán nước ta xưa” [41,

tr.175]. Thượng kinh kí sự được xem là một tác phẩm du kí mà việc ghi ghép những điều

mắt thấy tai nghe chỉ là "lợi dụng sự quan chiêm", còn cái chính vẫn là giá trị tư tưởng

và ý đồ nghệ thuật mà tác giả thể hiện trong tác phẩm. Để cho phù hợp với sự tiếp nhận

đời sau, người dịch tác phẩm của cụ Lãn Ông đã tổ chức lại: “Tập Thượng kinh kí sự

viết theo lối du kí, theo thời gian chép việc trước việc sau. Tuy nhiên, tự sự cũng có

đoạn mạch. Ông Nguyễn Trọng Thuật đem dịch ra Việt văn có dựa theo mạch ý mà chia

làm mười lăm chương” [41, tr.176]. Trong việc phân tích các sự kiện, chi tiết, Phạm Thế

Ngũ chú trọng đến nhân vật kể chuyện trong tác phẩm và đưa ra nhận xét: “Bên cạnh

con người thầy thuốc ấy, ta còn thấy hiện rõ hơn con người nhân bản của đạo Nho, tới

lui hợp lễ nghĩa, xử sự có trung thứ, tính nết đôn hậu, tình cảm dồi dào. Lòng tha thiết

với quê hương bản quán của ông làm cho chúng ta cảm động” [41, tr.183].

Những kiến giải của Phạm Thế Ngũ cho thấy tính không đồng nhất trong quan

niệm thể loại về du kí mang tính lịch sử như trường hợp Thượng kinh kí sự, từ một bản

ghi chép của một bậc danh y đời trước, đã được người đời sau tiếp nhận, hoàn chỉnh để

trở thành tác phẩm văn học. Vì thế, Thượng kinh kí sự không chỉ được gọi là tập du kí

mà còn định danh bởi các thể loại khác như: kí sự, truyện kí lịch sử, bút kí,...

Du kí được giới nghiên cứu và phê bình văn học nói đến với tư cách thể loại vào

những năm 60 của thế kỉ XX. Dựa trên quan điểm của các nhà lí luận Liên Xô và Trung

Quốc, các học giả Việt Nam chia văn học thành bốn thể loại: thơ, truyện, kịch, kí. Du kí

được xem là tiểu loại của thể loại kí. Trong cách phân chia tiểu loại, cũng có sự khác

nhau khi đặt du kí vào các cấp độ của tiểu loại. Nam Mộc phân chia kí thành các tiểu

loại: phóng sự, kí sự, tùy bút, bút kí; trong bút kí lại có các tiểu loại nhỏ hơn: nhật kí, du

kí, hồi kí, tạp văn, tiểu phẩm,... Tầm Dương lại đặt du kí vào trong kí sự, đứng bên các

tiểu loại như: hồi kí, truyện kí. Trên quan điểm coi kí là thể loại viết về người thật việc

thật, những vấn đề mà các nhà nghiên cứu bàn đến trong giai đoạn này là vấn đề hư cấu

14

trong các tác phẩm kí. Nam Mộc cho rằng: "… người thật việc thật trong cuộc sống và

trong tác phẩm kí có thể hoàn toàn nhất trí với nhau, tương xứng với nhau nhưng không

thể đồng nhất với nhau, giống hệt nhau" [37, tr. 34]. Như vậy, du kí trong giai đoạn này

cũng được coi là tiểu loại của thể loại kí văn học mang tính phi hư cấu không hoàn toàn,

tức là không phải hư cấu đến mức cao như tiểu thuyết, nói như Phạm Hổ “… người viết

cũng cần cải biên, sắp xếp, đảo lộn trình tự của các sự việc, tô đậm những nét chính hay

xóa mờ những nét phụ của những con người, những cảnh vật đưa vào trong bài” (Phạm

Hổ) [23, tr.24]. Trong bài Về thể ký, đăng trên tạp chí Văn học số 2 năm 1967, khi phân

loại thể kí, Tầm Dương coi du kí là một phần của kí sự: "Du kí là “kí” lại các sự (những

điều mắt thấy tai nghe) trong lúc “du”" [7, tr.35]. Trong bài viết Thể ký và vấn đề viết

về người thật việc thật, đăng trên tạp chí Văn học, số 6 năm 1967, khi nêu vấn đề về thể

loại của kí Nam Mộc đã coi du kí là một dạng của bút kí: “Có thứ bút kí phản ánh người,

việc và cảm nghĩ diễn biến trong không gian theo bước đi của nhà văn đó là du kí” [37,

tr.30].

Giống như các quan niệm nói trên, trong cuốn Quá trình hiện đại hóa văn học

Việt Nam 1900-1945 (2000), bàn về vị trí của thể loại du kí trong quá trình hiện đại hóa

văn học, nhà nghiên cứu Mã Giang Lân cho rằng: “Thể loại văn học đầu tiên viết bằng

chữ Quốc ngữ phải kể đến du kí. Đây là một hình thức bút kí văn học được ghi lại bằng

văn xuôi, thuật lại những chuyến đi của tác giả đến những vùng đất khác nhau. Nguồn

gốc của du kí cần tìm trong những hình thức tùy bút, kí sự truyền thống” [29, tr.44].

Vừa mang tính kế thừa vừa đưa ra quan điểm mới, trong cuốn Lược khảo lịch sử

văn học Việt Nam từ khởi thủy đến cuối thế kỉ XX (2004), ở phần "Văn chương hiện

kim", mục "Những bước đầu của tiểu thuyết", Bùi Đức Tịnh coi du kí như những thiên

kí sự kể những chuyện của chính tác giả "Được xem như là một loại tiểu thuyết, chỉ tô

điểm thêm đôi chút những sự thật mà tác giả đã chứng kiến" [75, tr.363].

Gần đây nhất, trong cuốn Văn học Việt Nam thế kỉ XX – những vấn đề lịch sử và

lí luận, ở "Chương I: Sự hình thành và phát triển của thể kí", khi nêu ra quan niệm về

thể kí cũng cho rằng “Kí là loại hình văn học trung gian giữa báo chí và văn học. Kí bao

gồm nhiều thể dưới dạng văn xuôi tự sự như bút kí, hồi kí, du kí, nhật kí, phóng sự, tùy

bút và cả hồi kí tự truyện” [14, tr.373]. Như vậy, công trình nghiên cứu về lịch sử và lí

luận văn học Việt Nam trong những năm gần đây cũng không có gì thay đổi với quan

niệm thể loại của du kí như đã nói trên.

15

Trong những năm 90 của thế kỉ XX, nghiên cứu, phê bình văn học thế giới đang

sôi động đi tìm bản chất thể loại của du kí thì ở Việt Nam, du kí được xem là sự biểu

hiện hình thức của kí, một thể loại văn học có đặc trưng cơ bản: viết về người thật, việc

thật.

Mở đầu bài “Kí và tiểu luận (ét-xe)", in trong Năm bài giảng về thể loại của

Hoàng Ngọc Hiến đã giới thiệu về kí: “Trong nghiên cứu văn học Việt Nam đương đại,

kí là một thuật ngữ được dùng để gọi tên một thể loại văn học bao trùm nhiều thể hoặc

tiểu loại: bút kí, hồi kí, du kí, kí chính luận, phóng sự, tùy bút, tản văn, tạp văn, tiểu

phẩm (ét-xe…)” [21, tr.7]. Theo quan điểm này, du kí là một tiểu loại của kí, nằm cùng

với các tiểu loại khác, trong đó có tiểu luận (essay), một tiểu loại mang tính tổng hợp:

triết luận, sáng tạo hình tượng nghệ thuật, tìm tòi nghiên cứu khoa học, không loại trừ

cảm hứng đạo đức, siêu nghiệm tôn giáo… và nó có đặc trưng riêng là “bố cục tự do”.

Như vậy, thuật ngữ ét-xe (essay) để chỉ cho một tiểu loại của kí có những điểm giống

với du kí, đó là sự vận dụng nhiều hình thức biểu hiện và mang tính tự do. Nếu xét vào

đặc trưng thể loại, có thể nhận ra du kí khác với ét-xe ở chỗ: cuộc hành trình và nhân

vật, người kể chuyện mình chi phối hình thức của tác phẩm.

Giáo trình Lí luận văn học (Hà Minh Đức chủ biên – 1995) cũng xem du kí là

một trong các hình thức của thể loại kí, bởi vì … “kí không phải là một thể loại thuần

nhất mà bao gồm nhiều hình thức ghi chép, miêu tả và biểu hiện về cuộc sống trong văn

xuôi từ kí sự, phóng sự, bút kí, hồi kí, du kí, đến nhật kí, tùy bút, tiểu phẩm văn học, bút

kí chính luận...” [15, tr.215]. Đặc điểm bao quát của thể kí mà giáo trình đã nhấn mạnh

là những hình thức ghi chép linh hoạt trong văn xuôi, với nhiều dạng tường thuật, miêu

tả, biểu hiện và bình luận về những sự kiện và con người có thật trong cuộc sống, với

nguyên tắc tôn trọng tính xác thực và chú ý đến tính thời sự của đối tượng miêu tả.

Nhưng trong cuốn giáo trình Lí luận văn học cũng do Hà Minh Đức chủ biên

(2008), du kí đã được xem là một thể loại đứng độc lập cùng với các thể loại khác (kí

sự, phóng sự, nhật kí, hồi kí, bút kí, tùy bút, tản văn) trong loại hình kí và đã đưa ra khái

niệm mang tính mô tả: "là thể loại ghi chép về vẻ kì thú của cảnh vật thiên nhiên và cuộc

đời, những cảm nhận suy tưởng của con người về những chuyến du ngoạm, du lịch..."

[16, tr.382]. Khái niệm này giống với định nghĩa trong Từ điển thuật ngữ văn học, cũng

coi … “du kí là thể loại văn học thuộc loại hình kí, biểu hiện với sự đa dạng về hình

thức miễn là mang lại những thông tin, tri thức và cảm xúc mới lạ về phong cảnh, phong

16

tục, dân tình của xứ sở ít người biết đến. Trong cuốn từ điển này, còn nêu lên các dạng:

dạng đặc biệt của du kí là phát huy tính chất ghi chép ... về các xứ sở tưởng tượng, có

tính chất không tưởng hay viễn tưởng khoa học; dạng ghi chép cảm tưởng, nhận xét về

những nơi danh lam thắng cảnh của đất nước” [19, tr.75].

Sở dĩ ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu coi du kí là tiểu loại của thể loại kí, là sự

ghi chép về người thật, việc thật của một cuộc hành trình nào đó vì du kí từ trước tới

nay chưa được xem là đối tượng nghiên cứu của văn học, nhiều tác phẩm du kí chưa

được sưu tầm, giới thiệu, lại chịu ảnh hưởng quá sâu của nghiên cứu và phê bình văn

học các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là vấn đề thể loại. Khi chưa có một khảo cứu nghiêm

túc về thực tiễn sáng tác thì mọi sự phán đoán dựa trên một số hiện tượng sẽ làm cho

người ta hoài nghi về loại hình và thể loại của du kí. Cho đến giữa thập niên đầu của thế

kỉ XXI, từ khi bộ Du kí Việt Nam - tạp chí Nam Phong 1917 - 1934 (2005) ra đời, chính

Nguyễn Hữu Sơn là người sưu tầm tuyển chọn cũng chưa mạnh dạn khẳng định du kí là

một thể loại mà chỉ "duy danh là thể tài du kí", tức là "nhấn mạnh hơn ở phía đề tài, phía

nội dung và cảm hứng nghệ thuật nơi người viết" [65, tr.13].

Cho đến nay, ở Việt Nam, quan niệm về thể loại của du kí, mặc dù đã được dịch

chuyển từ tiểu loại sang thể tài, nhưng về bản chất, du kí vẫn là tiểu thể loại của loại

hình kí. Qua khảo sát sự vận động thể loại của du kí Việt Nam, tham khảo các tác phẩm

du kí nước ngoài, theo chúng tôi để định danh đúng vấn đề thể loại của du kí cần phải

căn cứ trên thực tiễn sáng tác chứ không nên suy đoán hay dựa trên một vài hiện tượng.

Nhìn chung, hướng nghiên cứu du kí trên phương diện thể tài được Nguyễn Hữu

Sơn khởi xướng đã được nhiều người chấp nhận. Từ các quan niệm truyền thống viết về

sự đi đến Nguyễn Hữu Sơn đã chuyển sang viết về nơi đến, mà nơi đó là những danh

thắng của đất nước như Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Nội, Sài Gòn, Hà Tiên,... hay những

cảnh vật, phong tục, nếp sống ở xứ người như ở Pháp, ở Thái lan, ở Lào, ở Trung Quốc,...

Trên phương diện thể loại, nhiều quan niệm cho rằng du kí nằm ở vùng giao thoa với sự

hỗn dung thể loại. Trong bài Thể tài du kí chữ Hán thế kỷ XVIII-XIX từ những đường

biên thể loại, Nguyễn Hữu Sơn cho rằng: du kí có sự thể hiện rõ đặc điểm giao thoa, đan

xen, thâm nhập, chuyển hóa, hỗn dung và tích hợp thể loại theo nhiều hình thức và mức

độ khác biệt nhau [64, tr.9]. Điều không rõ ràng về đặc trưng thể loại của du kí đã ảnh

hưởng đến việc tiếp nhận du kí xét trên nhiều phương diện. Đã đến lúc du kí cần được

làm sáng tỏ về mặt thể loại, để không những phù hợp với xu hướng nghiên cứu du kí

17

hiện nay mà còn là cơ sở xác định sự tồn tại của du kí trong lịch sử văn học dân tộc với

tư cách là một thể loại. Khi du kí đã được định danh một cách rõ ràng thì những vấn đề

về đặc điểm và cách tiếp cận nghiên cứu du kí không còn bị cản trở bởi sự giao thoa và

các lằn ranh thể loại cùng với các quan niệm mơ hồ về du kí.

1.2. Về du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX

1.2.1. Ở nước ngoài

Mặc dù du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX trước đây ít được các nhà khoa học

trong nước nghiên cứu quan tâm nhưng trong một công trình nghiên cứu thực hiện ở

nước ngoài về tạp chí Nam Phong đã có điểm qua về vấn đề này. Trong chương III "Trào

lưu dung hòa: tản – văn" ở "Phần thứ ba" của luận án Tìm hiểu tạp chí Nam Phong,

Phạm Thị Ngoạn đã nói về du kí như sau:

"Chúng tôi đã ghi trên đây bài du ký của Lãn Ông, do Nguyễn Trọng Thuật dịch từ Hán

văn. Bài này ra mắt đã khuyến khích loại văn được phát triển. Nhưng Nam Phong còn

đưa ra nhiều khuôn mẫu khác nữa, dù là phiên dịch từ các tác giả Pháp văn; hay Phạm

Quỳnh khi ông ghi cảm tưởng nhân cuộc du lịch tại Pháp, trong “Pháp du hành trình

nhật kí”; hay trong “Hạn mạn du ký” Nguyễn Bá Trác nhắc nhở cuộc sống viễn du của

ông tại Trung Hoa và Nhật Bản. Có rất nhiều tác giả, và trong mỗi số Nam Phong đều

có nhiều trang dành cho các cuộc du ngoạn, các bài phóng sự, ghi lại những điều mất

thấy tai nghe, tả cảnh đất trời cũng như đời sống hàng ngày. Thật lý thú khi ta có dịp

đọc lại những bài như “Lời cảm cựu về mấy ngày chơi Bắc Ninh” của Nguyễn Đôn

Phục (NTR. số 100, tháng 10, 1925), “Qua chơi đất Ninh Bình” của Nguyễn Hữu Tiến

(NTR. số 94, tháng 4, 1925); “Sự du lịch đất Hải Ninh” của Trần Trọng Kim (NTR. số

71, tháng 5, 1923); “Bà Nà du kí” của Huỳnh Thị Bảo Hòa (NTR. số 163, tháng

6,1931) v.v. " [39, tr.205-206].

Phạm Thị Ngoạn đã cho rằng, tác phẩm Thượng kinh kí sự du kí của Lê Hữu Trác

được dịch ra chữ Quốc ngữ là tác nhân làm cho du kí nửa đầu thế kỉ XX hưng khởi.

Nhưng theo chúng tôi, trước khi "Một tập du kí của cụ Lãn Ông" xuất hiện trên Nam

Phong lần đầu tiên ở số 77 (tháng 11/1923) thì đã có 24 tác phẩm du kí đã được đăng

trên tạp chí này, chưa nói đến các tác phẩm du kí trong và ngoài nước đã được dịch như:

Sứ hoa nhàn vịnh (Phùng Khắc Khoan dịch), Du lịch về phía nam nước Tàu (Nguyễn

Đôn Phục dịch). Tác giả luận án này không đề cập đến thể loại du kí nhưng cũng đề cập

đến các khía cạnh của thể loại này như: về đề tài (các cuộc du ngoạn), về phương thức

18

phản ánh hiện thực (phóng sự, ghi chép, tả cảnh). Ngoài luận án này, chúng tôi không

tìm thấy thêm công trình nghiên cứu nào khác đề cập đến du kí Việt Nam nửa đầu thế

kỉ XX.

1.2.2. Ở trong nước

Ở Việt Nam, vào thời điểm du kí phát triển mạnh mẽ ở nửa đầu thế kỉ XX, vấn

đề thể loại của du kí chưa được mọi người quan tâm. Có người xem du kí chỉ là chuyện

kể lại một chuyến hành trình. Trong cuốn Văn học Việt Nam thế kỉ XX – những vấn đề

lịch sử và lí luận do Phan Cự Đệ chủ biên, với quan niệm du kí như là một thể của kí,

khi nói về du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, tác giả nhận định: “Một số tác phẩm đã

ghi lại được những tư tưởng và cảm xúc của tác giả trước thiên nhiên, đất nước và vấn

đề xã hội đương thời. Bên cạnh các tác phẩm mang hơi hướng tùy bút, đậm chất trữ tình

(các tác phẩm của Tương Phố, Đông Hồ) là các tác phẩm nặng về chất khảo cứu, biên

khảo, ghi chép phong tục (các tác phẩm của Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Trác)” [14,

tr.377]. Các nhà nghiên cứu này đã chưa thấy hết lịch sử và qui mô của du kí Việt Nam

nửa đầu thế kỉ XX, đó là du kí không phải dừng lại ở giai đoạn 1900 - 1930 mà vẫn tiếp

diễn trong cả giai đoạn sau đó (1930 – 1945), nhiều về số lượng tác phẩm, đa dạng về

nội dung và phong cách.

Mặc dù bộ Du kí Việt Nam - tạp chí Nam Phong 1917 – 1934 do Nguyễn Hữu

Sơn sưu tầm tuyển chọn ra mắt bạn đọc đã gây được sự chú ý của nhiều người nhưng

đang còn để ngỏ nhiều vấn đề về du kí Việt Nam nói chung và du kí Việt Nam nửa đầu

thế kỉ XX nói riêng. Qua khảo sát các bài báo khoa học, chúng tôi nhận thấy có một vài

hướng tiếp cận du kí nhưng phần lớn là tiếp cận trên phương diện thể tài, tức là về

phương diện nội dung của du kí.

Tiếp cận trên phương diện thể tài, Nguyễn Hữu Sơn có nhiều bài nghiên cứu

như: Thể tài du ký trên Tạp chí Nam phong (1917-1934) (Tạp chí Nghiên cứu Văn học

số 4/2007), Du ký về vùng văn hóa Sài Gòn – Nam Bộ trên Nam phong tạp chí (Tạp chí

Kiến thức ngày nay số 619), Du ký viết về Sài Gòn – Gia Định nửa đầu thế kỷ XX từ

điểm nhìn những năm đầu thế kỷ XXI (Tạp chí Khoa học xã hội số 11/2008), Du ký của

người Việt Nam viết về nước Pháp và mối quan hệ Việt – Pháp giai đoạn cuối thế kỷ

XIX – nửa đầu thế kỷ XX (Kỉ yếu Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 3 “Việt Nam

hội nhập quốc tế và phát triển”), Du ký viết về Hà Tiên nửa đầu thế kỷ XX (Tạp chí Kiến

19

thức ngày nay số 688), Đạm Phương nữ sử và những trang du ký viết về xứ Huế (Tạp

chí Kiến thức ngày nay số 751), Du ký của người Việt Nam viết về các nước và và những

đóng góp vào quá trình hiện đại hóa văn xuôi tiếng Việt giai đoạn thế kỷ XIX – đầu thế

kỷ XX (trong sách Văn học cận đại Đông Á từ góc nhìn so sánh do Đoàn Lê Giang chủ

biên), Thể tài văn xuôi du ký chữ Hán thế kỷ XVIII-XIX và những đường biên thể loại,

(Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam số 5/2012), Phạm Quỳnh và những trang du ký viết

về nước Pháp (Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 810).

Cũng theo hướng tiếp cận này, trong bài Nhân đọc du kí trên tạp chí Nam Phong,

Phong Lê đã đề xuất: “Do nhu cầu tìm hiểu về du kí nên trong bài này tôi muốn tìm một

cách tiếp cận với đặc trưng và mục tiêu của du kí qua các câu hỏi chung quanh việc Đi.

Đó là : Đi đâu ? Bằng phương tiện gì ? Ai đi và đi với ai ? Và đi với mục đích gì ? [32,

tr.52].

Cùng với các quan điểm nói trên, trong bài Du ký như một thể tài đăng trên báo

Thể thao và Văn hóa (26/4/2007), Phạm Xuân Nguyên quan niệm: “Du kí là thể tài

trung gian giữa thực và hư, tự truyện và dân tộc học, nó kết hợp nhiều bộ môn hàn lâm,

nhiều phạm trù văn học và nhiều mã xã hội. Nó cũng nêu lên nhiều vấn đề liên quan đến

quyền lực và sự tu thân, đến sự biểu hiện văn hóa cũng như sự tưởng tượng. Tóm lại, Đi

và Thấy cảnh và người, sự và việc, rồi Viết ra cảnh ấy người ấy, sự ấy việc ấy, kèm

theo nghĩ suy, cảm xúc của mình, có khi còn là phân tích, khảo cứu, ấy là du kí.”[42].

Ông đã đề cập đến ba thành tố của sự “đi”: không gian đi, thời gian đi, thành phần người

đi để xác định tính chất của từng bài du kí. Cũng trên quan điểm tiếp nhận du kí trên

phương diện thể tài, trong bài Đọc sách để đi chơi đăng trên báo Tuổi trẻ (23/3/2007),

Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Đọc du kí, để hiểu biết, có thêm thông tin tri thức là một

lẽ. Đọc những tác phẩm du kí này còn để hiểu thêm suy nghĩ, cảm xúc của những con

người đứng ở buổi đầu nền văn học hiện đại, muốn truyền tải và gửi gắm tới quốc dân

trong một nước đang tìm cách thoát lạc hậu đến văn minh” [43, tr.4].

Ngoài quan điểm tiếp cận du kí trên phương diện thể tài còn có một số cách tiếp

cận khác trong nghiên cứu du kí Việt Nam đầu thế kỉ XX. Tiếp cận trên phương diện

văn hóa, trong bài Giá trị văn hóa và văn học của du ký (khảo sát qua sách Du ký Việt

Nam), Nguyễn Thúy Hằng đã tập trung khảo sát các tác phẩm trong bộ Du kí Việt Nam

trên tạp chí Nam Phong ở ba phương diện: tác giả, bối cảnh văn hóa – xã hội và thể tài

để tìm ra những giá trị văn hóa và văn học của du kí [20]. Tiếp cận trên phương diện

20

ngôn ngữ, trong bài Nghệ thuật ngôn từ du ký Quốc ngữ Việt Nam giai đoạn giao thời,

Trần Thị Tú Nhi cho rằng: "ngôn ngữ nghệ thuật của tác phẩm du kí luôn có sự hỗn

dung cả hai tư duy: truyện và nghiên cứu để thỏa mãn mục đích trình bày nhận thức và

thể hiện kỹ năng văn chương. Bất kỳ tác phẩm du ký nào cũng tồn tại hai hệ thống ngôn

từ: ngôn từ khoa học và ngôn từ nghệ thuật" [45, tr.214]. Dựa trên quan điểm coi du kí

là tiểu loại của kí, tác giả đã phân tích ngôn từ khoa học và ngôn từ nghệ thuật trong các

tác phẩm du kí viết bằng chữ Quốc ngữ ở cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, sau đó, đưa

ra những nhận định về các đặc điểm ngôn từ du kí giai đoạn này gồm ba vấn đề: hệ

thống từ Hán Việt và lối biểu đạt biền văn, hệ thống từ cổ và phong cách diễn đạt cũ kĩ,

lạc hậu, hệ thống từ ngữ và lối diễn đạt khúc chiết du nhập từ phương Tây. Một hướng

tiếp cận khác để tìm hiểu tính cách con người trong đối tượng phản ánh của du kí, Võ

Thị Thanh Tùng có bài Tính cách người Nam Bộ - dấu ấn đặc sắc trong du kí Nam Bộ

nửa đầu thế kỉ XX. Trên cơ sở khảo sát các tác phẩm du kí của Đông Hồ, Khuông Việt,

Phạm Quỳnh đăng trên tạp chí Nam Phong, tác giả đã phác họa tính cách con người

Nam Bộ với những vẻ đẹp như: lòng tốt, sự rộng rãi và hiếu khách, tâm hồn hào sảng,

nghĩa hiệp, trọng nghĩa khinh tài,... [79]

Còn nhiều bài viết khác bàn về du kí trên tạp chí Nam Phong đăng ở các báo như:

Du kí Việt Nam của Trần Hữu Tá (báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, 10/4/2007), Về

bộ sách du kí Việt Nam – Nam Phong tạp chí, khát vọng chân thành của người trí thức

của Thiên Lương (báo An ninh Thủ đô 15/4/2007), Chuyện đi xứ người của Nguyễn

Vĩnh Nguyên (báo Thể thao và Văn hóa, số 49 ngày 21/4/2007), Đọc du kí Việt Nam mà

thấy ngoài muôn dặm của Nguyễn Anh (báo Văn hóa, số 1355, 30/3/2007),... đều tiếp

cận ở phương diện thể tài. Những bài báo này thông qua việc bàn về nội dung của du kí,

người viết nói lên cảm nhận của mình về du kí Việt Nam (chủ yếu các tác phẩm đăng

trên tạp chí Nam Phong).

Du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX là đối tượng có khả năng thu hút sự chú ý của

nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học nhưng cho đến nay, việc nghiên cứu đối tượng

này chỉ dừng lại các bài báo có tính thông tin hoặc trao đổi ý kiến. Một số công trình

nghiên cứu đã tiếp cận du kí trên một số phương diện như văn hóa, ngôn ngữ nhưng

chưa vượt ra khỏi quan niệm coi du kí là một thể tài. Vì thế, cho đến nay, du kí Việt

Nam nửa đầu thế kỉ XX chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu các yếu tố nội dung của du kí

như phân tích đề tài, mô tả đối tượng phản ánh. Ngay cả khi phân tích một số phương

21

diện hình thức của tác phẩm du kí như ngôn ngữ, nhiều người không đặt nó trong thuộc

tính của thể loại và yếu tính môi sinh văn hóa nên có những kiến giải lệch lạc hoặc đánh

giá thiên lệch về các giá trị mà du kí giai đoạn này có được; đồng nghĩa với việc không

thừa nhận sự đóng góp của du kí vào giai đoạn chuyển mình để hiện đại hóa văn học

dân tộc nửa đầu thế kỉ XX.

1.3. Nhận định về những vấn đề đặt ra từ tổng quan tình hình nghiên cứu

So với tiểu thuyết, du kí ra đời sớm hơn nhưng lại được nghiên cứu muộn hơn.

Thể loại tiểu thuyết được M. Bakhtin nghiên cứu trong những năm 20 – 30 của thế kỉ

XX mà "nguyên tắc phức điệu" là phát hiện lớn nhất của Bakhtin về đặc trưng thể loại

này. Du kí đã được Hiệp hội Du kí Quốc tế nghiên cứu trong hơn hai thập niên gần đây

nhưng cũng chưa xác định được đặc trưng thể loại của nó. Những khái niệm của những

nhà nghiên cứu đưa ra mà nội hàm của nó không vượt qua giới hạn của sự ghi chép cuộc

hành trình khách quan (có thể có sự chủ quan khi quan sát) về những gì mà tác giả chứng

kiến. Du kí đã vượt qua giới hạn của thể loại văn học để tham gia vào nhiều lĩnh vực:

văn hóa, du lịch, chính trị, chủng tộc, hải quan,... như là một nơi cung cấp thông tin, tư

liệu mang tính cá nhân về những nơi giả định rằng chưa ai biết đến với những gì còn

đang bí ẩn, gây sự tò mò. Bị ám ảnh bởi "sự di chuyển" hay sự thay đổi không gian theo

trật tự thời gian mà chủ thể thực hiện trong một lộ trình đã làm cho nhiều nhà khoa học

văn chương hoài nghi về tất cả những văn bản có nội dung về cuộc hành trình, những

câu chuyện kể lại các sự kiện xảy ra trong cuộc hành trình đều thuộc về văn học hành

trình hay văn học du lịch. Sự sắp xếp theo trình tự thời gian các sự kiện của cuộc hành

trình thông qua câu chuyện được kể lại, hoặc đang kể của người tham gia hành trình,

cũng là nhân vật kể chuyện và nhân vật chính đều trở thành cốt truyện của tác phẩm du

kí. Với ý nghĩa ấy, từ câu chuyện vượt biển trở về quê hương của người anh hùng

Odissey huyền thoại trong văn học cổ đại Hy Lạp cho đến những ghi chép của những

nhà thám hiểm như Christophoro Colombo ở thế kỉ XV về lục địa mới, những bài tiểu

luận ghi lại cảm xúc du ngoạm cảnh vật giống như Petrarch’s khi leo lên đỉnh Ventoux

vào năm 1336, những câu chuyện được kể lại về chuyến hành trình dài ngày giống như

chuyến hành trình sang các nước Ấn Độ, Pakistan, Srilanca của nhà sư Huyền Trang thế

kỉ VI, cuộc hành trình của Marco Polo ở thế kỉ XIII đều được coi là những tác phẩm du

kí trứ danh. Việc qui về một mối mọi sự ghi chép ở cái gọi là cuộc hành trình để gán

cho nó một loại hình văn học mới, văn học của những lằn ranh, đã làm rối tung lên

22

những vấn đề của thể loại văn học. Nghiên cứu du kí không còn được soi sáng bởi các

lí thuyết văn học như Cấu trúc học, Thi pháp học mà giới nghiên cứu thường làm đối

với thơ hay tiểu thuyết mà nó được nghiên cứu bởi các lí thuyết văn học đã biến tướng

thành vô vàn học thuyết khác nhau, với nhiều trường phái đan xen, lẫn lộn với nhau, đến

nổi người ta không biết đứng về bên nào hay nên đứng ở vị trí trung gian để nghiên cứu

hết mọi yếu tố và bản chất của đối tượng ? Khi nghiên cứu về thi pháp tiểu thuyết, M.

Bakhtin từng than về cái khó khăn đặc biệt chính là: tiểu thuyết là một thể loại văn

chương duy nhất đang biến chuyển mà còn chưa định hình. Vậy thì, ai dám đảm bảo

rằng, đã gần một thế kỉ, kể từ sau công trình thi pháp tiểu thuyết ra đời, tiểu thuyết không

còn biến chuyển nữa để nhường lại cho một thể loại khác ra đời muộn hơn, hay những

vấn đề mà Bakhtin nêu ra đã trở thành chân lí cất trong bảo tàng của mọi lí lẽ bất chấp

thời đại mà khoa học công nghệ không chỉ là phương tiện mà còn là yếu tố can thiệp cả

vào đời sống văn chương và phê bình văn học.

Thể loại văn học mang tính lịch sử. Thể loại ra đời, mất đi hay biến đổi đều không

thể vượt ra khỏi cái gọi là qui luật của lịch sử. Lotman từng nói: khi chúng ta nhìn về

phía trước, ta sẽ thấy những cái ngẫu nhiên, nhìn lại phía sau thì những ngẫu nhiên ấy

lại trở thành quy luật. Vì thế mà nhà lịch sử hầu như luôn luôn nhìn thấy quy luật và do

đó anh ta không thể viết được cái lịch sử như nó đã không xảy ra. Thế nhưng trên thực

tế, theo quan điểm này, thì lịch sử chỉ là một trong vô vàn con đường có thể đi. Một con

đường đã đi thì đồng thời là một sự đánh mất các con đường khác. Chúng ta lúc nào

cũng tìm được một cái gì và đồng thời đánh mất một cái gì đó. Mỗi bước ta đi tới đều là

một sự đánh mất. Và thế là chính ở đây ta "bắt gặp tính tất yếu của nghệ thuật" [33,

tr.433]. Tomachevski cũng đã đưa ra luận điểm về sự vận động của thể loại văn học vào

thời kì một thể loại nào đó tan rã, nó chuyển dịch từ trung tâm ra ngoại biên, thay thế vị

trí nó là những cái không đáng kể của văn học, "Từ các sân sau, dưới đáy của văn học,

hiện tượng mới ngoi lên và tiến vào trung tâm" [112, tr.134]. Theo quan điểm của

Tomachevski, trong quá trình phát triển của văn học, sẽ không có thể loại nào là tinh

anh, mà là quá trình thay thế thường xuyên các thể loại tao nhã bằng các thể loại phàm

tục; và sự thay thế này xảy ra ở hai hình thức, hoặc là thay thế hoàn toàn, hoặc là “sự

thâm nhập các biện pháp phàm tục vào thể loại tao nhã” [112, tr.205]. Tính lịch sử của

thể loại du kí không phải ở thời gian nó hình thành mà là thời gian tồn tại và biến chuyển

của nó từ hiện tượng được coi là tiểu loại, là thể tài, đang dịch chuyển vào trung tâm của

23

các thể loại. Du kí chỉ tồn tại khi sự di chuyển của con người đến những nơi ít người

biết đến, sự phát triển của du lịch, những cuộc hành trình đang được khích lệ và trở

thành đề tài không chỉ đối với văn học mà cả với nhiều lĩnh vực của đời sống và lịch sử.

Trong lịch sử phát triển của du kí, từ khởi thủy cho đến nay, thế kỉ nào cũng có

những nhà văn du kí trứ danh cùng với những tác phẩm xuất chúng, nhưng chỉ trong

những thời điểm nhất định, du kí mới hưng khởi như những trào lưu, sau đó chìm xuống,

có lúc tưởng chừng như mất đi. Trong văn học thế giới, với sự trổi dậy của đế chế Anh

ở thế kỉ XIX đã tạo cơ hội cho nhiều người, trong đó có nhiều nhà văn đi đến những

vùng đất khác nhau với những mục đích khác nhau đã hình thành nên một trào lưu du

kí trong văn học Anh mà sự lan tỏa của nó đến nhiều quốc gia khác cho đến thế kỉ XX.

Xét về lịch đại, du kí được xem là thể loại văn học ra đời vào thời kì bình minh của văn

học viết. Những ghi chép về các cuộc hành trình, khám phá vùng đất mới, thăm dò thuộc

địa, truyền giáo, hành hương đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm truyện kể.

Những cảm xúc trước vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên trong trong các cuộc chu du

thiên hạ đã là đề tài cho nhiều bài thơ, phú, ca, từ. Du kí ra đời sớm trong lịch sử văn

học nhân loại, và tồn tại trong suốt quá trình văn học cho đến ngày nay. Tuy nhiên, đã

có một thời gian khá dài, du kí không được coi trọng như nhiều thể loại văn học.

Ở Việt Nam, với chính sách khai thác thuộc địa, thực dân Pháp đã phát triển

ngành giao thông và du lịch ở Việt Nam, tạo cơ hội cho nhiều trí thức, nhà văn được di

chuyển đến những nơi danh lam thắng cảnh của đất nước, đi ra nước ngoài để chiêm

ngưỡng các nền văn hóa nên đã bùng nổ thể loại du kí trên báo chí và văn đàn Việt Nam

nửa đầu thế kỉ XX. Phát triển trong bối cảnh các thể loại văn học khác đã định hình và

chiếm vị thế tối ưu, du kí phải chấp nhận sự đánh mất của lịch sử, để rồi khi tính tất yếu

của nghệ thuật đã trở nên quá lớn, nó phải tìm lại những gì đã đánh mất. Như vậy, khi

nghiên cứu bất cứ một thể loại văn học nào cũng không tránh khỏi tính phức tạp của nó,

kể cả những thể loại (về quan niệm) nó chưa được định hình. Điều này cũng lí giải được

tại sao giới phê bình văn học các nước trên thế giới cho rằng du kí còn lớn hơn cả thể

loại, tức là nó thuộc về một loại hình văn học mà chứa đựng trong nó các hình thức thể

loại khác nhau (ghi chép, nhật kí, tiểu luận, tiểu thuyết, thơ, phú,...), còn các học giả

trong nước thì chỉ coi du kí là tiểu loại của một thể loại văn học: thể loại kí. Những yếu

tố thuộc về cuộc hành trình như: con đường, địa danh, địa điểm, sự kiện, hình ảnh,

không gian, thời gian,... nằm trong cấu trúc tác phẩm du kí thì ở Việt Nam, các nhà

24

nghiên cứu coi đó là thể tài. Tính bất nhất của lịch sử tiếp nhận đã minh chứng cho một

qui mô lớn về thể loại của du kí mà không đơn giản chỉ vài câu có thể định danh hay

phác họa bản chất, đặc trưng của nó được.

Một vấn đề liên quan đến thể loại của du kí là sự hư cấu trong sáng tạo nghệ thuật

và sự hư cấu trong tác phẩm du kí. Ở đây, chúng tôi không nhắc lại tính phi hư cấu của

du kí khi mà nhiều người đã quá thiên lệch nhìn nhận du kí như một sự ghi chép thông

thường về các cuộc hành trình theo kiểu "kí", cũng không bàn về mức độ hư cấu như

nhiều người đã bàn về tác phẩm kí, mà chỉ đề cập đến phương thức phản ánh của tác

phẩm thuộc thể loại văn học này. Hư cấu không đơn thuần là sáng tạo trong hoạt động

nghệ thuật mà hư cấu còn là phương thức phản ánh thế giới, phản ánh hiện thực. Theo

quan điểm "nhận thức luận" của Mác, thế giới trong nhận thức của con người không

phải là cái thế giới tự nhiên ở ngoài con người, tồn tại như một thực thể tự thân chưa có

sự tham gia của con người, có trước lịch sử con người, mà “tổng số những hoạt động

sống và cảm giác được của những cá nhân hợp thành thế giới ấy” [9, tr.326]. Trong hoạt

động thực tiễn, con người luôn luôn phản ánh thế giới để nhận thức và cải biến nó theo

nhu cầu và qui luật phát triển. Lịch sử nhân loại là lịch sử của một quá trình phản ánh

thế giới và sự tiến bộ của lịch sử chính là sự thay đổi của các phương tiện phản ánh.

Trong xã hội hiện đại, để phản ánh thế giới một cách tinh vi hơn, người ta sáng chế ra

các phương tiện vật lí, điện tử, thì sự sáng chế này cũng là một dạng của phản ánh. Khi

người ta dùng camera để ghi hình một cảnh vật, lúc đó thế giới chỉ là khoảng không gian

lưu lại bằng hình ảnh trong phạm vi ống kính. Nếu dùng bất cứ phương tiện gì để phản

ánh thế giới, không ai đảm bảo rằng việc phản ánh đó hoàn toàn khách quan, nằm ngoài

ý muốn của con người. Khi chụp một bức ảnh về bốn người đang ngồi trên một chiếu

bạc thì bức ảnh đó có thể là tư liệu về một canh bạc, để sử dụng làm kỉ niệm hay làm

bằng chứng phạm tội. Nhưng nếu đặt góc chụp từ trên xuống và xoay ống kín khi bấm

máy, thì bức ảnh đã trở thành một một tác phẩm nghệ thuật, mà bức ảnh đó đã ghi lại

hiện thực một cách đầy ẩn ý: bốn cái đầu cúi xuống chăm chú, những lá bài tây, bàn tay

đưa ra, bàn tay đè xuống, tất cả mờ ảo trong một vòng xoáy... để hướng về một đề tài:

canh bạc cuộc đời. Những kẻ say mê nghề đỏ đen đã trở thành những biểu tượng mới;

thông điệp cũ (tư liệu) biến mất để nhường chỗ cho vô vàn thông điệp mới, ở phía khán

giả dành cho nó. Đó là thông điệp nghệ thuật xuất hiện nhờ sự phản ánh thế giới bằng

nghệ thuật. Hư cấu chính là sự phản ánh thế giới bằng nghệ thuật. Với ý tưởng về "canh

25

bạc" và "vòng xoáy", mỗi nghệ sĩ có thể chọn cho mình đề tài "canh bạc cuộc đời" và

thể hiện đề tài đó bằng các chất liệu nghệ thuật khác nhau: chất liệu ngôn từ có truyện

ngắn "Canh bạc cuộc đời" của Lê Quang Xuân, chất liệu điện ảnh có bộ phim "Canh

bạc cuộc đời" của đạo diễn Lưu Gia Hào, chất liệu hội họa có bức tranh "Vòng xoáy

cuộc đời" của Hữu Ước. Như vậy, sự phản ánh thế giới của con người bằng nghệ thuật

mang tính cá thể và hư cấu chính là bản năng của nghệ thuật. Quay trở lại vấn đề hư cấu

của du kí. Mỗi tác phẩm du kí là một sự phản ánh thế giới của nhà văn trong việc cá thể

hóa sử dụng chất liệu ngôn từ để ứng xử với thế giới mà mình nhận thức, nên không thể

phủ nhận được sự hư cấu của du kí. Vì thế, du kí không bị đông cứng bằng một hình

thức thể loại cố định, cũng không bị ràng buộc bởi bất cứ đề tài nào định sẵn mà nhờ

"cơ duyên" nào đó mà nhà văn có dịp phản ánh thế giới bằng viết tác phẩm du kí. Mọi

sự hư cấu đều có một quá trình tích lũy. Tích lũy trong sáng tác du kí chính là ghi chép,

nhật kí, hồi tưởng, tưởng tượng và đọc những tác phẩm du kí khác trước đó. Chỉ khi nào

hội tụ đủ mọi yếu tố cần thiết thì quá trình sáng tác mới được bắt đầu. Không có nhà văn

nào vừa đi du lịch, thám hiểm vừa sáng tác cả. Nếu có thì cũng chỉ ở giai đoạn tích lũy

mà thôi. Với quan điểm phản ánh luận, du kí cũng là một loại hình văn học và không

thể không hư cấu, nhưng đó là một kiểu hư cấu đặc trưng của thể loại này.

Trên cơ sở tiếp thu và chọn lọc các thành tựu nghiên cứu trong và ngoài nước,

chúng tôi khẳng định du kí là một thể loại văn học với những đặc trưng riêng của nó.

Những đặc trưng của thể loại du kí sẽ được trình bày trong chương tiếp theo. Với quan

niệm du kí là thể loại văn học, chúng tôi đưa ra khái niệm sau đây:

Du kí là thể loại văn học, viết về cuộc hành trình hay liên quan đến cuộc hành

trình với mục đích nào đó và thường phản ánh hiện thực bằng các phương thức tự sự

và phi tự sự như: ghi chép, miêu tả, tường thuật, kể chuyện, dựng đối thoại,... Trong một

số trường hợp, du kí có thể vận dụng các phương thức phản ánh của hội họa, nhiếp ảnh,

điện ảnh, truyền hình, ... các phương thức thu nhận thông tin khoa học như: khảo cứu,

điều tra, thống kê tư liệu,… có khi đi kèm với các phương thức biểu cảm. Nhân vật trung

tâm của tác phẩm du kí vừa là chủ thể, vừa là khách thể, đồng thời là người kể chuyện.

Ngoài nội dung thông tin, nội dung biểu cảm, tác phẩm du kí còn chứa đựng văn hóa cá

nhân tại thời điểm tiếp xúc văn hóa của chủ thể với hiện thực ở nơi mà lần đầu tiên chủ

thể khám phá hoặc trải nghiệm nó.

Đối với những tác phẩm du kí sử dụng chất liệu ngôn từ, du kí chịu ảnh hưởng

26

của các thể loại khác như: bút kí, hồi kí, tùy bút, tản văn, biền văn, phóng sự, kí sự,...

nên trong một số tác phẩm đã có hiện tượng giao thoa thể loại. Dựa trên những đặc

trưng phổ quát, du kí có thể phân biệt được với các thể loại gần gũi với nó. Du kí bao

giờ cũng tồn tại trong một cấu trúc bị chi phối bởi cuộc hành trình. Những yếu tố như

thời gian, không gian, nhân vật trong tác phẩm du kí luôn đảm bảo tính khách quan.

*

* *

Du kí là thể loại văn học xuất hiện sớm nhưng định danh về thể loại của du kí là

vấn đề của văn học đương đại. Trên thế giới, từ những năm 90 của thế kỉ XX, du kí đã

trở thành đối tượng được các nhà nghiên cứu, phê bình văn học quan tâm. Mặc dù có

nhiều quan điểm khác nhau về đặc điểm loại hình và khái niệm của du kí, nhưng các

nhà nghiên cứu đều coi du kí là một thể loại văn học gắn bó mật thiết với các hoạt động

liên quan đến du lịch. Ở Việt Nam, trong một thời gian dài, du kí được xem là tiểu loại

của kí và quan niệm du kí như một thể tài. Với quan niệm này, du kí Việt Nam nửa đầu

thế kỉ XX chủ yếu được tiếp cận trên phương diện thể tài. Cách tiếp cận này chưa thấy

được tầm vóc, qui mô phát triển của du kí và sự đóng góp của nó đối với quá trình hiện

đại hóa văn học dân tộc nửa đầu thế kỉ XX.

27

Chương 2: VẤN ĐỀ LÍ THUYẾT THỂ LOẠI VÀ LỊCH SỬ DU KÍ VIỆT NAM

2.1. Thi pháp thể loại du kí

Thi pháp học với những ứng dụng của nó có thể tiếp cận vào nhiều phương diện

của văn học, trong đó có thể loại. Khi tiếp cận thể loại, Gasparov đã xác định: "thể loại

là kiểu phản ánh thế giới đặc thù của nghệ thuật" [87, tr.127]. Tiếp cận thi pháp học có

khả năng lí giải được các hiện tượng phức tạp của các lằn ranh và sự ảnh hưởng của thể

loại này với các thể loại khác. Du kí là hiện tượng khá phức tạp của thể loại đã làm cho

không chỉ độc giả mà ngay cả nhà phê bình cũng phải rơi vào tình trạng bối rối, thậm

chí có khi đã ngộ nhận cả những tác phẩm không thuộc về du kí khi có đề tài giống như

du kí. Không chỉ tiểu thuyết là thể loại chưa bị "đông cứng" như Bakhtin đã nói, mà cả

du kí cũng vậy, không phải là ý niệm đơn giản du kí như là một sự ghi chép về cuộc

hành trình mà sự thật là trong lịch sử phát triển của mình, du kí đã có tham vọng xóa

nhòa ra giới của nó với tiểu thuyết. Trong khi tiểu thuyết còn nhận ra được những dấu

hiệu của thể loại thì du kí đã làm cho người ta mơ hồ về thể loại của nó. Cái công thức

đơn giản của du kí chỉ còn đọng lại trong ý niệm về nó ở hai yếu tố: chủ thể và kiểu sáng

tác (style of writing); chủ thể là người đi du lịch và kiểu sáng tác là tính không ràng buộc

của phong cách văn bản. Tiếp cận du kí trên phương diện thi pháp học sẽ làm minh bạch

một số vấn đề thể loại của du kí.

Không thể phủ nhận sự tồn tại của du kí trong văn học như là một sự hiển nhiên

của phương thức phản ánh hiện thực bằng ngôn từ. Nhưng sự tồn tại của du kí ở phương

diện loại hình đang là vấn đề chưa đi đến thống nhất. Trong đó, hai vấn đề nổi lên liên

quan đến đặc điểm của du kí: du kí thuộc loại loại hình văn học phi hư cấu (non-

fiction) hay bao gồm cả những tác phẩm hư cấu (fiction)? Du kí là thể loại hay chỉ là thể

tài văn học?

Nếu coi du kí là phương thức phản ánh nghệ thuật phi hư cấu, thì trong mối quan

hệ với hiện thực, du kí không chỉ đơn thuần là loại văn tư liệu, loại văn được coi là đơn

điệu, nghèo nàn, thiếu sinh động và hạn chế về thế giới nhân vật như người ta từng xem

thường nó, mà là một kiểu phản ánh nghệ thuật đặc thù tham chiếu bởi hoạt động du

lịch. Cơ sở hiện thực của du kí là những thông tin của cuộc hành trình tồn tại dưới hình

thức chuyện kể mà những thông tin đó "không thể tồn tại hoặc được chuyển giao bên

ngoài cấu trúc" [34, tr.112]. Nếu du kí bao gồm cả tác phẩm hư cấu thì sự hư cấu ở

28

những tác phẩm đó cũng nhằm phản ánh cuộc sống và thực hiện những mục đích nghệ

thuật nhất định [34, tr.104].

Trên quan điểm tiếp cận thi pháp học, có thể xác định được một số điểm tương

quan để đối sánh với tiểu thuyết và một số thể loại khác, du kí có bốn yếu tố có thể đưa

ra bàn bạc để xác định đặc điểm thể loại của nó: cốt truyện, kết cấu, điểm nhìn trần thuật,

không gian – thời gian.

2.1.1. Cốt truyện

Du kí đã từng ẩn danh dưới các hình thức thể loại khác nhau như thơ, phú nhưng

bản chất thể loại của du kí mang yếu tố tự sự, tồn tại phổ biến dưới hình thức văn xuôi.

Vấn đề thể loại của du kí có cốt truyện hay không và nếu có thì cốt truyện du kí là gì

đang làm cho nhiều người bận tâm. Vấn đề cốt truyện đã được các nhà nghiên cứu đưa

ra những cách lí giải khác nhau. Khi nghiên cứu thi pháp cốt truyện, trên cơ sở tham

chiếu quan niệm của các nhà nghiên cứu: A. Veselovski, G.N. Pospelov, L.I. Timofeep,

E. Dobin, Kojikov, B. Tomachevski, V. Shklovski, T. Cobley, J. Culler, Iu. Lotman,…

Cao Kim Lan đã chỉ ra hai cách hiểu cốt truyện: cách hiểu truyền thống coi cốt truyện

như là tiến trình của sự kiện liên hệ với nhau có tính chất thời gian, cách hiểu hiện đại

coi cốt truyện là hành trình của nhân vật di chuyển qua các không gian khác nhau. Hai

cách hiểu này đều coi cốt truyện như là thủ pháp nghệ thuật, tức là nó "hoàn toàn là một

sản phẩm chế tác có tính nghệ thuật" [27, tr.70]. Lê Huy Bắc đã phân biệt truyện (story)

và cốt truyện (plot) và đã đưa ra khái niệm: "Cốt truyện là sự sắp xếp thẩm mĩ, không

tuân theo trật tự biên niên của sự kiện và quan hệ nhân quả nghiêm ngặt, thống nhất theo

ý đồ chủ quan của người kể về những sự kiện của một câu chuyện nào đó, nhằm mục

đích nêu bật được tư tưởng chủ đề và tạo sức hấp dẫn tối đa tới người đọc" [3, tr.34].

Với tư cách là thủ pháp, cốt truyện phụ thuộc rất nhiều vào tuyến trần thuật, trong

khi chuyện kể phụ thuộc vào nhân vật, nên người kể chuyện (narrator) đóng vai trò quan

trọng đối với cốt truyện, tức là điều khiển câu chuyện theo một ý đồ nhất định. Khi lí

giải vấn đề này, trong tiểu luận Hệ chủ đề [98],Tomachevsky đưa ra và phân biệt hai

khái niệm: thời gian truyện kể và thời gian trần thuật, trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh

đến thời gian trần thuật, thời gian cần thiết để cảm nhận tác phẩm không đồng nhất với

thời gian diễn ra các biến cố của chuyện kể. Những vấn đề của Tomachevsky đưa ra về

cốt truyện đã phủ nhận cách lí giải truyền thống về cốt truyện, khi xem các biến cố và

hành động nhân vật là yếu tố cơ bản của cốt truyện, coi các mâu thuẫn, xung đột là hạt

29

nhân của cốt truyện, và mở ra một hướng nghiên cứu mới về cốt truyện: cốt truyện như

là một thủ pháp nghệ thuật trần thuật. Mặc dù chuyện kể và cốt truyện như hình với

bóng, nhưng sự phân biệt chuyện kể và cốt truyện là cơ sở nhận thức cho những tác

phẩm văn xuôi có cốt truyện không rõ ràng mà người ta quen gọi là truyện không có cốt

truyện. Khi tác phẩm có cả hai yếu tố: người trần thuật và sự kiện (dù xảy ra bên trong

hay bên ngoài) đều có thể xem xét về mặt cốt truyện. Với quan niệm cốt truyện như là

thủ pháp,Tomashevsky phân biệt những thủ pháp có tính nguyên tắc với những thủ pháp

tự do. Đến nay, vấn đề cốt truyện thuộc về phương diện hình thức của tác phẩm, là thủ

pháp nghệ thuật sản phẩm của quá trình sáng tạo đều được nhiều người thừa nhận như

là một sự thật hiển nhiên. Nhưng điều đó chỉ đúng với những tác phẩm hư cấu. Còn đối

với những tác phẩm phi hư cấu, vấn đề cốt truyện còn phức tạp hơn nhiều. Khi tiếp cận

với loại hình văn học phi hư cấu như du kí, chúng tôi nhận thấy: cốt truyện không hoàn

toàn độc quyền của ý thức nghệ thuật và chủ thể sáng tạo mà còn là cái tự nhiên, ngoài

ý muốn ẩn khuất đâu đó trong tâm thức của con người. Vì thế, cốt truyện có một mối

liên hệ mật thiết giữa chủ thể với đối tượng, giữa tác giả với độc giả như là sợi dậy vô

hình kết nối tri giác với cảm giác, nhận thức với tiềm thức. Điều này có khả năng lí giải

được một số tác phẩm du kí, khi đến với một vùng đất xa lạ nào đó, nhân vật - nhà du

kí có cảm giác như đã từng trải qua cuộc hành trình như thế, với địa điểm như thế; hay

khi đọc tác phẩm du kí, người đọc cảm giác như đã được trải nghiệm trước đó.

Thế giới tồn tại thông qua nhận thức con người để trở thành đối tượng thẩm mĩ.

Một địa danh chưa thành thắng tích khi con người chưa đặt chân đến, chưa biết đến nó

dù rằng nó có thể tồn tại trong sự tưởng tượng của con người. Sự kiện của đời sống trở

thành đối tượng thẩm mĩ chỉ khi nó được cấu trúc trong văn bản tương ứng với một lối

viết (écriture) nhất định. Sự ra đời của du kí đã làm cho thế giới ngày càng đẹp lên bởi

các cuộc khám phá, du lịch mà đằng sau đó là các văn bản ghi lại như là một sự minh

chứng cho những cảm quan của con người trong thế giới họ tồn tại. Mỗi chuyến hành

trình là một câu chuyện du lịch được ghi lại bởi những sở trường và khả năng ngôn ngữ

của tác giả - đồng thời là chủ nhân của chuyến đi đó. Văn bản nghệ thuật đòi hỏi cao về

tổ chức ngôn từ và văn phong thích hợp. Đối với du kí là một ngoại lệ vì tác giả du kí,

những nhà “tự sự” trong nhiều trường hợp "không phải là những cây bút chuyên nghiệp"

[7, tr.124]. Câu chuyện được kể lại về cuộc hành trình được cấu trúc thành tác phẩm từ

các yếu tố: thời gian, không gian, sự kiện, nhân vật và chủ thể,... là những yếu tố mang

30

đặc điểm của thể loại tự sự và tham gia vào thành phần cốt truyện.

V. Propp khi phân tích thành phần cốt truyện cơ bản (từ những câu chuyện dân

gian Nga) đã chỉ ra cơ cấu tổ chức tác phẩm là mô tả theo thứ tự thời gian của các trình

tự tuyến tính của các yếu tố trong văn bản như báo cáo từ một người cung cấp tin [95].

Mô hình cốt truyện dân gian diễn tả sự kiện xảy ra trong tác phẩm như những chức năng

(theo Propp, truyện dân gian Nga diễn ra thông thường có 31 chức năng theo trình tự)

có thể đưa ra xem xét câu chuyện tường thuật trong tác phẩm du kí. Cốt truyện du kí

xem xét dưới góc độ thông tin thì nó giống như một bản thông báo về cuộc hành trình.

Cốt truyện du kí có những điểm khác biệt với cốt truyện dân gian bởi hai yếu tố:

nhân vật và người tường thuật. Nhân vật chính trong du kí với tư cách là nhân vật hành

động hướng đến mục tiêu chinh phục những điều chưa biết bằng ý chí, nghị lực hay chỉ

là những cảm xúc. Nhân vật chính trong du kí không thuộc một mô típ hay đại diện cho

giai cấp nào, mà nó chỉ xuất hiện bởi nhu cầu bộc lộ nhân cách và khát vọng của chủ

thể. Vì thế, một chuyến đi được coi như là hành vi, mà nhân vật chính là lữ khách, với

nhiệm vụ thực hiện chuyến hành trình để vượt qua những khó khăn được dự đoán hay

nằm ngoài ngoài dự đoán như là để thực hiện khát vọng chinh phục bản thân. Cốt truyện

của du kí có thể tiềm tàng ở một tác phẩm nào đó mà tác giả đọc được, câu chuyện về

một nơi nào đó mà tác giả nghe được, có thể chỉ là qua những lời đồn đại, quảng cáo

của những nhà kinh doanh du lịch,... Nhưng cốt truyện chỉ được hình thành khi cuộc

hành trình xảy ra và tác giả vừa là nhân vật vừa là người kể chuyện.

Trên quan điểm du hành là hành vi nhận thức thế giới, thế giới trong du kí là

khách thể được lựa chọn ở thì hiện tại gần. Thế giới đó là hình ảnh được chủ thể định

vị trong những không gian trải nghiệm của chính mình mà độ lớn của nó được đo bởi

khoảng cách tầm nhìn của chủ thể tại thời điểm nó xuất hiện trong trí nhớ và để đảm bảo

rằng những sự kiện đánh dấu cột mốc của cuộc hành trình nó phải nằm ở ranh giới giữa

cảm hứng và sở trường của người tạo ra nó trong cuộc hành trình. Sự kiện trong du kí

được xem là cấu trúc thông tin lữ hành mà chủ thể muốn thông báo. Xét trên một phương

diện nhất định, sự kiện trong tác phẩm du kí là lượng thông tin thu được từ hiệu quả của

các hành vi tác động đến khách thể của chủ thể qua sự trải nghiệm. Những câu chuyện

kể lại trên đường, những huyền thoại, truyền thuyết được nói tới chỉ là thành tố của cấu

trúc phát ngôn chứ không phải cốt truyện được lồng với nhau. Cốt truyện của tác phẩm

du kí là toàn bộ lộ trình và những biến cố, sự kiện được sắp xếp trên lộ trình ấy. Vì thế,

31

cốt truyện của du kí không hoàn toàn bao gồm tất cả những gì xuất hiện trên lộ trình mà

chỉ là những mảnh hiện thực có khả năng khắc sâu vào kí ức để nhà văn thuật lại trong

chuyến hành trình của mình. Điều đó cho thấy, toàn bộ cuộc hành trình là điểm tựa của

cốt truyện, mà trên lộ trình của nó, nhà văn đánh dấu cột mốc thời gian – không gian để

xâu chuỗi các biến cố, sự kiện, kể cả những câu chuyện truyền thuyết hay huyền thoại

thành cốt truyện.

Những tác phẩm có dấu hiệu “kịch tính” thì cuộc hành trình đã có biến cố tạo ra

những khó khăn mà nhân vật phải vượt qua để đạt được mục đích mà mình đặt ra trước

khi khởi hành hoặc phải chịu khuất phục mà không đi đến đích. Nếu cốt truyện phiêu

lưu coi trọng hành động của nhân vật, luôn bao gồm "những hành động gay cấn có mối

an nguy đến tính mạng của người tham dự và biến thể của nó trong các câu chuyện tình

lãng mạn cảm động" [6, tr.36] thì cốt truyện du kí viết về các cuộc phiêu lưu coi trọng

khả năng vượt qua một quãng đường nào đó đầy gian nan, thử thách mà những quãng

đường này không hoàn toàn độc chiếm và chi phối cấu trúc tác phẩm. Nhân vật trong

những tác phẩm này không đơn giản là những lữ khách mà còn là những người mang

dáng dấp như những thám tử, những nhà thám hiểm, những kẻ phiêu lưu bất chấp mạng

sống của mình. Đối với những tác phẩm du kí tôn giáo, nhân vật như những kẻ hiến thân

vì đạo hay ít ra cũng mang lí tưởng tôn giáo.

Cái hướng đến trong cốt truyện của tác phẩm du kí không phải ở lí tưởng nhân

sinh hay công bằng xã hội như tiểu thuyết mà là sự khám phá, thử thách, chiêm ngưỡng

và trải nghiệm. Nếu đề tài tình yêu là đặc trưng nội dung của tiểu thuyết thì đề tài du

lịch cảnh quan là đặc trưng của du kí. Cốt truyện của tiểu thuyết trở nên nghệ thuật khi

nó phản ánh được thế giới đạt đến cái kì diệu và tinh tế. Cốt truyện của du kí hướng đến

những giá trị thay đổi nhận thức của cá nhân mà cuộc hành trình mang lại. Sức hấp dẫn

của cốt truyện du kí nằm ở các biến cố và kết quả của sự khám phá, trải nghiệm mà nhân

vật đạt được trong cuộc hành trình. Những cảnh sắc thiên nhiên, cảnh vật văn hóa, cuộc

sống, phong tục, những di tích và kì tích,... đều thông qua sự cảm nhận và nhận thức của

nhân vật. Đặc điểm này ngược lại với tiểu thuyết và là yếu tố phân biệt du kí với các thể

loại khác.

Cốt truyện được tiếp cận trên nhiều phương diện. Sách Từ điển thuật ngữ văn

học cho rằng: "Về phương diện kết cấu và qui mô nội dung, nhìn chung có thể chia cốt

truyện thành hai loại: cốt truyện đơn tuyến và cốt truyện đa tuyến (...) cốt truyện đơn

32

tuyến thường tồn tại trong các truyện ngắn, truyện vừa hoặc phần lớn các kịch bản văn

học" [19, tr.75]. Tất nhiên, du kí không nằm trong loại cốt truyện có thể phân chia này,

bởi cốt truyện du kí không được tạo ra ở các biến cố, sự kiện liên quan đến tuyến nhân

vật mà được tạo ra bởi những biến cố, sự kiện xoay quanh một nhân vật duy nhất, không

có xung đột tính cách. Vì thế, cốt truyện của du kí không dựa vào xung đột mà dựa vào

lộ trình. Cũng như cốt truyện của tiểu thuyết, cốt truyện du kí cũng trải qua một tiến

trình vận động gồm các thành phần: trình bày, phát triển, kết thúc, nhưng không có thành

phần cao trào – thắt nút như tiểu thuyết. Trong một số tác phẩm du kí, khi nhà văn cố

tình đưa vào yếu tố câu chuyện có cốt truyện tình huống thì đó là dạng câu chuyện được

kể lại, một hình ảnh khác của hiện thực. Như trong tác phẩm Indrapura của Dương Kỵ,

những tình huống tạo kịch tính của hình thức chuyện kể mang tính cao trào như trong

cốt truyện tiểu thuyết nhưng không nằm trong lõi của cốt truyện du kí mà chỉ là thành

tố của nghệ thuật miêu tả mang yếu tố huyền ảo và không ngoài mục đích phản ánh hiện

thực theo phương pháp kì ảo.

Cốt truyện của du kí là kiểu cốt truyện đơn tuyến, phi nhân vật, phi tính cách,

vừa mang sắc thái chuyện kể theo lối tự thuật, vừa bị chi phối bởi tính chất kí hành (nhật

kí hành trình) nên các sự kiện đều xoay quanh cấu trúc thời gian – không gian mà mọi

biến cố, sự kiện trong tác phẩm mang tính khách quan, giống như nằm ngoài ý muốn

của chủ thể sáng tạo. Vì vậy, cốt truyện du kí không "nặng cân" như ở tiểu thuyết mà nó

rất "mỏng" để nhường chỗ cho những yếu tố nằm ngoài cốt truyện, nhất là yếu tố tư liệu

và biểu cảm. Nói như vậy không có nghĩa là xem nhẹ tính nghệ thuật của cốt truyện du

kí mà đó là một kiểu cốt truyện đặc trưng của thể loại du kí và tính nghệ thuật nằm bên

trong cái chất phác của kiểu cốt truyện này.

Thi pháp cốt truyện du kí giúp chúng ta phân loại được các kiểu văn bản của tác

phẩm du kí, góp phần định danh thể loại như Lotman đã nói: "văn bản có cốt truyện

được xây dựng trên cơ sở của văn bản phi cốt truyện với tư cách phủ định nó" [34, tr.

213]. Những tác phẩm du kí không chứa một cốt truyện thường nằm ở ranh giới của các

thể loại khác như: tản văn, tùy bút, tiểu luận,...

2.1.2. Kết cấu

Trong khi mọi người quan niệm du kí không phải là thể loại văn học mà chỉ là sự

ghi chép tự do của người đi du lịch thì Guminsky đã nhìn thấy trong cái gọi là ghi chép

tự do đó chứa đựng đặc trưng của một thể loại. Vì thế, trong luận án tiến sĩ của mình,

33

Guminsky đã đề xuất khái niệm "ý tưởng tự do" (идеи cвободы) [108, tr.127]. Theo

ông, tính không ràng buộc của du kí, không phải vì cuộc hành trình của con người mang

tính tự giác cao mà chính là ý tưởng viết về cuộc hành trình như là một sự giải thoát các

qui tắc, luật lệ. Vì thế, viết du kí là một hành động biểu hiện ý tưởng tự do, không bị

ràng buộc bởi các tư tưởng hay các qui tắc nào cả. Guminsky sử dụng thuật ngữ "ý tưởng

tự do" trong luận án của mình với tư cách là một trong các đặc điểm chính của du kí.

Ông cho rằng, "ý tưởng tự do" nhưng vẫn đảm bảo được tính chỉnh thể, tức là sự hài hòa

giữa cái bộ phận và cái tổng thể. Vì thế, tất cả các dạng thức ghi chép của tác phẩm du

kí như: ghi chú, nhật kí, tiểu luận, khảo cứu, tường thuật, bức thư trên đường... đều phải

tuân theo thi pháp của thể loại này. Ý tưởng tự do của Guminsky đưa ra được xem như

là một nguyên tắc kết cấu của tác phẩm du kí, nó cho phép tác giả phát huy tối đa sự lựa

chọn các đối tượng, hình ảnh theo chủ đề được xuất phát từ sở thích và sở trường, vượt

qua những phép tắc vốn có của việc xây dựng một tác phẩm văn học thông thường. Về

mặt phản ánh, ý tưởng tự do phản ánh đối tượng theo nguyên tắc khách quan của hiện

thực nên không bị đóng khung trong tác phẩm một đối tượng riêng biệt, nó được kết nối

trực tiếp với chủ thể mà không cần thông qua việc sử dụng các thủ pháp ước lệ hay

tượng trưng nào.

Nguyên tắc tự do trong kết cấu tác phẩm du kí còn phục thuộc cuộc hành trình,

cái làm nên cốt truyện của du kí. Cốt truyện hành trình của tác phẩm du kí có mối liên

hệ chặt chẽ với kết cấu. Các sự kiện của cốt truyện không sắp xếp khách quan mà được

sắp xếp theo một điểm nhìn trần thuật và nhờ đó mà toát lên chủ đề của tác phẩm. Kết

cấu không phải là một “khung” của thể loại mà là khung của tác phẩm, biểu hiện trong

từng tác phẩm cụ thể hoặc ít nhất là trong các dạng tác phẩm nhất định. Lotman đã dùng

khái niệm “khung” để chỉ cho cấu trúc của tác phẩm, mà ông ví cấu trúc của tác phẩm

như khung của một bức tranh, nó có thể là một tác phẩm nghệ thuật độc lập "nhưng nó

nằm ở phía khác của đường kẻ được vạch ra để giới hạn bức vẽ, và khi xem tranh, chúng

ta không nhìn thấy nó" [35]. Theo ông, "khung của tác phẩm được tạo thành hai yếu tố:

mở đầu và kết thúc", mà trong đó, "nhân tố mở đầu có chức năng mô hình hóa rất rõ

rệt". Cũng như mọi tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm du kí cũng được thiết lập bởi một mô

hình cấu trúc nhưng “khung” của nó không phải nằm bên kia giới hạn của tác phẩm để

người đọc khó nhận ra như các thể loại khác mà nó tham chiếu ở trong kết cấu của tác

phẩm.

34

Kết cấu của tác phẩm du kí là kết cấu một chiều, theo nguyên tắc trật tự của thời

gian, nó có thể bỏ qua một khoảng thời gian nào đó chứ không quay trở lại. Tọa độ của

kết cấu chính là điểm giao nhau của hai trục: trục tung là liên kết các sự kiện trong cuộc

hành trình, trục hoành là các khoảng cách văn hóa được xác lập ở người đọc trong mối

quan hệ giữa tác giả và độc giả. Người đọc tại thời điểm của sự kiện có thể liên hệ, liên

tưởng đến nền văn hóa ở các thời đại mà khả năng người đọc vươn tới, đồng thời bằng

“du hành tưởng tượng” để đồng hành cùng tác giả khi lần theo dấu tích các sự kiện. Vì

vậy, các yếu tố chuyện kể trong du kí thường không thống nhất theo trục cốt truyện như

tiểu thuyết mà nó bị chi phối bởi khúc đoạn lúc tác giả gặp gỡ, tiếp xúc, chứng kiến. Kết

cấu du kí giống như cuộc đời được sao chép từ lúc sinh ra cho đến khi kết thúc mà mỗi

ngày là một hoặc một vài sự kiện, một vài mối quan hệ nào đó với xã hội hay tự nhiên.

Điểm nhìn thế giới của chủ thể đại diện cho cách nhìn: nhìn sự vật như chính cuộc đời

của nó. Trong Pháp du hành trình nhật kí (1922) của Phạm Quỳnh có 138 khúc đoạn

được ghi theo lối nhật trình mà mỗi khúc đoạn tương ứng với một ngày. Chắc chắn rằng,

Phạm Quỳnh không phải viết du kí theo lối ghi nhật kí; vì rằng nếu ghi nhật kí thì phải

ghi đầy đủ và thống nhất trong mỗi khúc đoạn. Thời gian của lịch trình trong tác phẩm

này có nhiều chỗ khác nhau, khi thì ghi đầy đủ thời gian, địa điểm, khi thì chỉ sơ lược

vài ba chữ. Bên trong cái vỏ bọc nhật kí hành trình đó là câu chuyện du lịch, là những

gì tác giả chứng kiến, những gì tác giả suy cảm, những gì tác giả muốn nói với độc giả.

Nhưng điều đó cũng chưa nói lên điều gì về kết cấu của tác phẩm du kí. Cái quan trọng

là cấu trúc và trình bày nội dung trong mỗi khúc đoạn đó có giống nhau không. Trong

Pháp du hành trình nhật kí, có khúc đoạn đầy đủ của một câu chuyện trong ngày từ

sáng, tới trưa, chiều, có khi cả tối nữa nhưng có khúc đoạn chỉ có một câu, thậm chí chỉ

vài từ. Sự kiện trong du kí không cần phải trình bày đầy đủ nhưng cũng đủ khái quát

được ý nghĩa của sự kiện. Những khúc đoạn không giống nhau trong cấu trúc xâu chuỗi

của du kí mang ý nghĩa của sự cảm nhận thời gian trong cuộc đời của con người lúc

nhanh, lúc chậm tùy theo quan niệm và cảm giác.

Đặc trưng cấu trúc của du kí là cấu trúc khúc đoạn theo trục thời gian với bốn

kiểu kết cấu tiêu biểu: kết cấu trực quan, kết cấu truyện lồng trong truyện, kết cấu nhật

trình, kết cấu sự kiện, kết cấu tự sự - trữ tình.

Kết cấu trực quan là sự sắp xếp các tình tiết, hình ảnh, sự kiện theo trình tự quan

sát. Kết cấu này thường ở các tác phẩm viết trong các dịp du lịch cảnh quan. Trình tự

35

của sự vật được ghi lại như kiểu quay phim.

Kết cấu truyện lồng trong truyện thường biểu hiện ở cấu trúc địa danh – sự tích

– huyền thoại. Tuy nhiên, không phải địa danh nào cũng mang trong nó một sự tích,

cũng như không phải sự tích nào cũng có một câu chuyện huyền thoại. Câu chuyện được

kể trong du kí là những câu chuyện được giả định rằng chưa ai biết đến hoặc ít ra cũng

không được ai kể như thế. Trong Đại Đường Tây vực kí (628 - 645) của Trần Huyền

Trang, có rất nhiều Bảo Tháp được nói đến, nhưng không phải Bảo Tháp nào cũng mang

một sự tích để nói lên nơi chốn “đất Phật” có nhiều kì tích mà chỉ có một Bảo Tháp gắn

liền với câu chuyện Thái tử Câu Lan Noa, con vua A Dục bị mẹ kế lập mưu móc mắt,

trở thành kẻ ăn xin rách rưới mù lòa; về sau vua cha biết chuyện nên mời một vị A La

Hán tên là Cù Sa (Diệu Âm), thu những giọt nước mắt của những người nghe ngài thuyết

pháp để chữa lành đôi mắt cho Thái tử. Du kí Am Tiên (1942) của Hoàng Minh chỉ có

vài trang nhưng chủ yếu là để kể câu chuyện về nhân vật huyền thoại Na Tiều. Truyền

kì mạn lục của Nguyễn Dữ cũng có truyện Người tiều phu ở núi Na, nói về nhân vật này

nhưng thuộc loại văn chương giáo huấn. Câu chuyện của Hoàng Minh trong tác phẩm

Am Tiên là vẽ lại cảnh sắc cho một địa danh, nơi có một di tích đã hoang tàn bằng huyền

thoại. Trong nhiều tác phẩm du kí, lối kết cấu truyện lồng trong truyện thường dựng lại

những cảnh gặp gỡ của tác giả với nhân vật mang đậm dấu ấn cuộc đời.

Lối kết cấu nhật trình thường biểu hiện bằng hình thức thư từ, nhật kí, có khi là

những ghi chép mang tính chất tư liệu. Kết cấu trong tác phẩm Trên đường Nam Pháp

của Trọng Toàn được kết cấu theo lối trích lục những bức gia thư của người khác bằng

hình thức nhật kí, một kiểu thể hiện “ý tưởng tự do” trong xây dựng tác phẩm của tác

giả.

Kết cấu sự kiện thường xuất hiện ở những tác phẩm có nhiều sự kiện diễn ra trong

suốt hành trình mà tác giả đã chứng kiến. Những sự kiện được tác giả chọn lọc và thuật

lại theo một ý đồ nhất định, trong đó tập trung vào những sự kiện chính có ý nghĩa chủ

đề.

Kết cấu tự sự - trữ tình thường ở những bài du kí ngắn có văn phong gần giống

với tản văn. Trong những tác phẩm có kiểu kết cấu như thế này thì “ý tưởng tự do” được

phát huy cao độ. Sự đan xen và chuyển mạch đột ngột giữa tường thuật, tự thuật với

biểu cảm, thi hứng làm cho lời văn biến hóa linh hoạt. Khác với tản văn, du kí có dạng

kết cấu trữ tình thường bị qui chiếu bởi lộ trình như là cái xương sống của tác phẩm.

36

Ở những tác phẩm du kí lớn thường có sự đan xen giữa các kiểu kết cấu. Những

tác phẩm du kí gần với tiểu thuyết, tức là nhà văn dụng công trong việc xây dựng tác

phẩm thì kết cấu tác phẩm bị chi phối bởi bố cục chương hồi.

Căn cứ trên qui mô tổ chức, kết cấu của tác phẩm, có thể chia du kí thành hai

loại: du kí trường thiên, du kí đoản thiên. Việc xác định các loại du kí này còn dựa trên

độ dài của thời gian hành trình, độ lớn của sự kiện và điểm nhìn trần thuật của tác giả.

Trên phương diện thể tài, du kí đoản thiên là những tác phẩm du kí cảnh quan, chứa

đựng nhiều yếu tố trữ tình. Du kí trường thiên thường có cấu trúc nhiều quyển, nhiều

chương. Nếu các sự kiện trong các chương, hồi của tiểu thuyết bao giờ cũng liên hệ với

nhau giữa chương trước với chương sau thì ở du kí, sự kiện ở chương trước không lặp

lại ở các chương sau. Chương, hồi trong du kí tham gia vào kết cấu tác phẩm theo kiểu

cấu trúc dòng chảy, không hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của tác giả. Đối

với du kí đoản thiên, kết cấu có vẻ tự do hơn, nhưng không vượt qua được nguyên tắc

thời gian của sự kiện trong du kí.

2.1.3. Điểm nhìn trần thuật

Như đã nói ở trên, kết cấu của tác phẩm bị chi phối bởi điểm nhìn trần thuật.

Thông qua điểm nhìn trần thuật, tác giả bộc lộ quan điểm, tư tưởng của mình về thế giới

mà mình nhận thức được. Điểm nhìn trần thuật trong du kí không hoàn toàn hướng đến

nhân vật để tái tạo những tiềm ẩn tính cách nhân vật mà đó là điểm nhìn ngoại quan, nơi

chủ thể lựa chọn nó để phản ánh. Nhiều tác phẩm du kí, chưa cần phải xem xét lời văn,

giọng điệu trần thuật mà chỉ cần nhìn vào cách lựa chọn, và ưu tiên các sự kiện xảy ra

trong cuộc hành trình là có thể nhận thấy được ý đồ của tác giả. Trong các sự kiện đó,

việc thuật lại những sinh hoạt hay hoàn cảnh của chủ thể không thuộc về các yếu tố chủ

quan của tác phẩm (thái độ, tư tưởng, quan điểm về cuộc sống) mà chỉ góp phần làm

tăng tính khách quan của tác phẩm mà thôi. Yếu tố chủ quan của tác phẩm du kí chính

là ở điểm nhìn trần thuật của người trần thuật, nơi người đọc thấy được đối tượng mà

tác giả quan tâm. Vì người trần thuật đồng thời là tác giả, cũng là nhân vật của tác phẩm

nên phần lớn tác phẩm du kí mang yếu tố tự thuật. Khác với tiểu thuyết tự truyện và hồi

kí, ở tác phẩm du kí, câu chuyện về nhân vật không hướng về quá khứ mà ở thì hiện tại.

Người trần thuật đối diện với độc giả tại thời điểm nhân vật đang đi trên đường, đang

làm tất cả những việc có thể làm trong cuộc hành trình để hoàn thành lộ trình định trước.

Mặt khác, trong tác phẩm du kí, tác giả không có quyền lựa chọn người trần thuật để

37

thay thế cho mình, vì tác giả là người chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình với độ

tin cậy cao nhất.

Khác với tiểu thuyết, người trần thuật trong du kí không được phép ẩn danh mà

phải xuất hiện với tư cách là cái tôi chủ thể. Với tư cách này, người trần thuật có khả

năng xuất hiện với những phương thức trần thuật khác nhau, chứ không đơn giản là

người thuật lại cuộc du hành. Với tư cách cái tôi chủ thể người trần thuật hướng về nhân

vật chính, nhân vật trung tâm của cuộc hành trình cũng là hướng về chính bản thân mình

nhưng điểm nhìn trần thuật mang tính phi hướng nội. Vì thế, điểm nhìn trần thuật trong

du kí là điểm nhìn hướng ra thế giới, điểm nhìn ngoại quan. Trong tiểu thuyết ở dạng

hồi kí, với tư cách chủ thể, người trần thuật có thể xuất hiện là cái tôi kí ức và lối trần

thuật này có khả năng làm sống lại một hay một số cuộc đời bị thời gian chôn vùi, bị rơi

vào quá vãng. Đi liền với cái tôi kí ức là cái tôi tự thuật với khả năng khơi dậy những

vùng kí ức bị lãng quên. Thiên hướng của tiểu thuyết là hướng về con người cùng với

những góc khuất của nó. Còn du kí cũng hướng về con người nhưng là với những khát

vọng trải nghiệm và qua đó để tạo ra bản sắc cá nhân (Personal Identity). Kết quả của

cuộc hành trình đã biến chủ thể thành nhân vật, tức là bản thân chủ thể đã trở thành một

con người khác [105]. Đây là cơ sở để phân biệt tác giả với nhân vật trong tác phẩm du

kí. Vì thế, cái tôi kí ức trong du kí là cái tôi trải nghiệm, cái tôi phát ngôn cho những

khát vọng thay đổi bản thân nhờ trải nghiệm thông qua hành vi du lịch mang tính văn

hóa của thời đại.

Lộ trình là tính lịch sử của của cuộc hành trình nên kết cấu tác phẩm du kí ấn dấu

dưới một "kịch bản" mà tác giả có thể được ví như vừa là nhà quay phim, vừa là nhà

đạo diễn. Nhờ phương thức trần thuật trực quan mà mọi sự kiện, biến cố trong cuộc hành

trình dù đã đi qua nhưng vẫn hiển hiện như nó đang xảy ra. Với điểm nhìn bên ngoài,

người trần thuật – chủ thể có khả năng khám phá được thế giới bên ngoài (ngoại cảnh)

trong mối quan hệ với chủ thể, và cũng có khả năng khám phá được thế giới tâm linh

một cách trực quan và trải nghiệm. Đoạn văn sau đây trong tác phẩm Á Châu huyền bí

thuộc phương thức trần thuật này.

“Đức Tuệ Minh chứng minh cho tôi thấy rằng ngài có thể kêu gọi loài chim đến với ngài

và điều khiển hướng bay của chúng, rằng các loại bông hoa, thảo mộc nghiêng về phía

ngài khi ngài đi qua, và các loài thú dữ đến gần ngài mà không sợ sệt. Có lần ngài phân

rẽ hai con sơn cẩu đang tranh mồi và cấu xé lẫn nhau. Khi ngài bước đến gần, chúng nó

38

bèn thôi không cắn nhau nữa, nằm đặt xuống cái đầu chúng một cách đầy tin tưởng trên

hai bàn tay ngài đưa ra, rồi mỗi con lại tiếp tục ăn phần thịt của mình một cách ôn hòa.

Ngài lại còn bắt lấy một con đưa cho tôi cầm trên hai tay” [72, tr.55].

Nếu ở trong tiểu thuyết, đoạn văn này có thể coi là thủ pháp cường điệu, thì trong

du kí là phương thức bộc lộ sự trải nghiệm; nhà văn không những được nghe, được thấy,

được sờ mà đã hiện hữu trong lời trần thuật như là một sự giác ngộ. Tùy theo mỗi cuộc

hành trình với mục đích của nó mà người trần thuật trong tác phẩm du kí có một điểm

nhìn khác nhau. Trong hành trình chiêm bái quê hương Phật Tổ, Trần Huyền Trang tạo

ra điểm nhìn đạo pháp để thuật lại theo trí nhớ về những nơi mà ngài đã đi qua. Nhân

vật trong tác phẩm trở thành đối tượng tiên nghiệm cho sự linh ứng nơi đất Phật. Vì thế,

ở những nơi có chùa, có bảo tháp, có tích Phật thường được kể lại một cách chi tiết,

nhưng những nơi khác thì được lướt đi rất nhanh. Cũng kể về chuyến viễn du nơi có

nhiều vị chân tu Phật giáo, nhưng trong tác phẩm Á Châu huyền bí của Dr. Blair T.

Spalding, các huyền thoại về Phật giáo được hiện lên bởi đôi mắt của nhà khoa học. Đó

là sự khám phá về các huyền thoại Phật giáo với mục đích kép như tác giả viết: "Để

kiểm điểm tập du ký này, tôi đã dùng rất nhiều thời giờ cũng dài bằng cái thời gian dành

cho cuộc khảo cứu" [72, tr.2].

Tính đơn phương trong trần thuật là một đặc điểm khác của du kí. Điểm nhìn trần

thuật trong tiểu thuyết có thể thay đổi thì điểm nhìn trần thuật trong du kí luôn ở phía

tác giả. Vì thế, lời trần thuật, lời nhân vật và phát ngôn của tác giả đồng nhịp và xảy ra

ở một phía. Không thể khẳng định rằng du kí không có sự sáng tạo mà trái lại, nói như

Hulme, đó là một "kiểu sáng tạo chết người trong sự chân phương của sự hấp dẫn về

thẩm mĩ" [89, tr.124]. Tác phẩm du kí trên phương diện diễn ngôn (discourse), nó là

một phát ngôn vừa của nhân vật, vừa của chủ thể và người đại diện của cuộc hành trình

nên ngôn từ du kí kết hợp các hình thức của diễn ngôn: độc thoại, đối thoại, trần thuật,

và cả hình thức diễn ngôn trữ tình, hình thức diễn ngôn khoa học, hình thức diễn ngôn

huyền thoại hóa. Nếu ở tùy bút hay tạp văn, hình thức diễn ngôn có thể bất qui tắc thì ở

du kí, tính qui tắc đã được qui định trong nội hàm khách quan của cuộc hành trình. Nếu

trong tùy bút, tạp văn có thể đẩy cao cảm xúc, tạo ra sự thăng hoa của ngôn ngữ thì ở du

kí, tính thông tin tư liệu và lối trần thuật trực quan khống chế những sự thăng hoa của

tác giả, làm cho du kí không bị lệch pha sang thể loại trữ tình trong biên độ của các thể

loại khác, đồng thời vẫn đảm bảo đến tính thẩm mĩ trong sự chân phương của nó.

39

Mỗi thể loại văn học đều có một kiểu nhân vật đặc trưng. Thể loại tiểu thuyết có

kiểu nhân vật của tiểu thuyết thường được gọi là nhân vật tự sự. Nhân vật trong tiểu

thuyết là kiểu nhân vật tính cách và nhân vật tư tưởng, tồn tại ở các dạng: nhân vật chính,

nhân vật phụ, nhân vật phản diện, nhân vật chính diện, nhân vật trung tâm, nhân vật

chức năng, nhân vật loại hình, nhân vật điển hình, nhân vật mặt nạ,... Thể loại trữ tình

có kiểu nhân vật trữ tình. Thể loại kịch có kiểu nhân vật kịch. Do sự giao thoa giữa các

thể loại nên cũng có sự đan xen các kiểu nhân vật trong các thể loại văn học. Đối với du

kí, một thể loại chưa được thừa nhận, khả năng nghiêng về phía các thể loại khác là điều

không tránh khỏi và còn phụ thuộc vào từng tác phẩm. Nghiêng sang biên độ của tự sự,

du kí cũng có các loại nhân vật: nhân vật chính, nhân vật đồng hành, nhân vật tiếp xúc,

nhân vật biểu tượng (văn hóa). Nghiêng sang biên độ trữ tình, du kí có nhân vật tự thuật,

nhân vật tự ý thức. Mặc dù trong du kí không có nhân vật tính cách nhưng nhân vật

chính bị chi phối bởi đặc điểm của tính cách và con người của chủ thể như: nghề nghiệp,

sở thích, địa vị xã hội, hoàn cảnh cá nhân... Đối với dạng nhân vật tự thuật, mặc dù gần

giống với nhân vật trong tùy bút, nhưng không phải là nhân vật trữ tình, bởi thế giới nội

tâm nhân vật không phải là thế giới nghệ thuật của du kí. Trong mỗi tác phẩm du kí,

từng kiểu nhân vật xuất hiện trong từng hoàn cảnh khác nhau của cuộc hành trình mà

chủ thể trải qua. Có những tác phẩm chỉ có một kiểu nhân vật nhưng có những tác phẩm

có nhiều kiểu nhân vật. Dù có sự giao thoa thể loại liên quan đến các kiểu nhân vật

nhưng nhân vật du kí vẫn mang một đặc trưng riêng, đó là kiểu nhân vật phát ngôn. Loại

nhân vật này không phải do tác giả xây dựng mà là kiểu nhân vật tự thân, vì thế nó không

cần phải được miêu tả về ngoại hình, nội tâm hoặc những thủ pháp xây dựng tính cách

khác. Nhân vật tự thân là nhân vật của sự biến đổi bên trong khi nhận ra mình là người

khác sau chuyến du hành. Hành tung của nhân vật du kí có mối liên hệ chặt chẽ với nghề

nghiệp, tính cách của chủ thể. Họ là những nhà báo, nhà văn, nhà sử học, nhà chính trị,

nhà văn hóa, nhà ngoại giao, nhà truyền giáo, một vị tướng lĩnh, hay chỉ là du khách

bình thường thì trong một chuyến hành trình, với thói quen nghề nghiệp, sở trường, sở

thích của mình sẽ cho ra đời những tác phẩm du kí mang dáng dấp con người của họ.

Và như đã nói ở phần cốt truyện, nhân vật du kí có trước tác phẩm, nó không chỉ tồn tại

bên trong chủ thể mà tồn tại ở nhân vật nào đó trong một tác phẩm du kí khác mà tác

giả đã nghe thấy hoặc đã đọc. Vì thế, nhân vật du kí, có nhiều trường hợp là nhân vật

cộng sinh, nhất là ở giai đoạn du kí đang phát triển.

40

2.1.4. Thời gian và không gian

Tưởng chừng rất đơn giản khi nghĩ đến tính nghệ thuật của thời gian và không

gian trong tác phẩm du kí rất mờ nhạt và đơn điệu: thời gian hành trình và địa điểm

những nơi tác giả đặt chân đến. Thế nhưng trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm du kí,

nhất là đối với những tác phẩm viết về các cuộc hành trình nổi tiếng hay du kí tôn giáo

thì vấn đề thời gian và không gian liên quan đến quan niệm tồn tại của thế giới. Ở đây

chúng tôi chỉ trình bày một cách phác thảo có tính chất sơ lược về quan niệm không gian

và thời gian trong du kí.

Không gian và thời gian là cặp phạm trù cơ bản của triết học về sự nhận thức, cơ

sở xác định của sự tồn tại. Không gian và thời gian trong tác phẩm văn học là hai khái

niệm của thi pháp học hiện đại lí giải sự tồn tại của hình tượng nghệ thuật trong thế giới

nghệ thuật như là một sự biểu thị về nhận thức thế giới của chủ thể sáng tạo. Không gian

và thời gian trong tác phẩm du kí cũng đa dạng và phong phú như trong một số thể loại

khác, và mang tính đặc thù của thể loại dựa trên sự đa dạng của các cuộc hành trình với

mục đích, hoàn cảnh của nó. Không gian và thời gian trong tác phẩm du kí cũng mang

tính nghệ thuật, khi cuộc hành trình – cơ sở tồn tại của không gian và thời gian này được

nhận thức với những ý nghĩa khác nhau.

Không gian trong du kí có hai loại: không gian vật lí và không gian ý niệm.

Không gian vật lí là không gian của lộ trình, bao gồm: địa điểm, địa danh, và các

yếu tố biểu thị không gian như: phương tiện đi lại, nhà cửa, đền đài, chùa chiền, thắng

cảnh, cây cối, núi non,... tức là những hình ảnh mà con người trực quan được. Bản chất

của không gian vốn là một ý niệm “tất nhiên” (idée nécessaire), mà ý niệm này theo

Kant “không gian không phải là một ý niệm vì kinh nghiệm ngoại giới mà thành. Vì

muốn để các cảm giác ngoài ta (nghĩa là ở chỗ không gian ta chiếm cứ) và muốn hình

dung vật nọ ở ngoài (bên cạnh) vật kia – trước là ở hai chỗ khác nhau thì trước hết phải

hình dung được cái không gian đã. Như thế thì không những là sự hình dung cái không

gian không phải là do sự kinh nghiệm các hiện tượng ngoại giới, mà không có sự hình

dung không gian. Không có ý niệm về không gian trước thì sự kinh nghiệm cũng không

thể có” [103, tr.127].

Tuy nhiên, trong du kí vẫn tồn tại không gian ý niệm. Trong tác phẩm du kí,

không gian và lộ trình của cuộc hành trình thống nhất trong cấu trúc tác phẩm. Tùy theo

41

mục đích của chuyến đi và những dự kiến về lộ trình mà cuộc hành trình mang những ý

niệm khác nhau. Ở đó có thể là: sự trở về cội nguồn, sự trải nghiệm bản thân, sự đánh

thức bản năng, sự tìm kiếm lịch sử, sự thách thức cái trong ta, sự đi tìm thế giới, sự đi

tìm khát vọng, sự trải nghiệm tự do, sự tìm kiếm cái đẹp,… Không gian địa danh ý niệm

về khoảng cách, ý niệm về độ cao, ý niệm về nơi mới lạ, ý niệm về nơi nổi tiếng, ý niệm

về lịch sử và danh nhân,…Những danh lam, thắng tích, địa hình, địa vật,… miêu tả trong

tác phẩm du kí, ngoài biểu đạt hình ảnh của hiện thực, nhiều trường hợp là sự thể hiện

ý niệm nhận thức về sự tồn tại. Phương tiện đi lại ý niệm về sự di chuyển bên ngoài con

người.

Không gian vật lí và không gian ý niệm có mối quan hệ mật thiết thông qua tri

giác của con người, bởi vì người ta không thể tưởng tượng được rằng không có không

gian mà chỉ tưởng tượng được rằng không có vật gì trong không gian [104, tr.69]. Trong

tác phẩm du kí, không gian ý niệm là không gian được sự lựa chọn và cách thức mô tả

nó. Không gian này phụ thuộc còn vào sở thích, cảm xúc, vốn văn hóa, sự trải nghiệm

và tính mục đích của chủ thể.

Với những kiểu hành trình và mục đích khác nhau, tác phẩm du kí có những

không gian đặc trưng cho từng loại tác phẩm. Độ đài của đoạn đường và những địa danh

đi qua, nơi lần đầu tiên tác giả đặt chân đến hoặc nơi có khả năng ít người biết đến mới

được xem là không gian của tác phẩm du kí. Những tác phẩm du kí không mang cốt

truyện hành trình, không gian tác phẩm chính là sự cảm nhận hình ảnh, sự vật ở nơi tác

giả đặt chân đến, nhưng phải là địa danh nổi tiếng. Núi Dục Thúy, động Hương Sơn và

chùa Phật Tích ở Việt Nam từng là cảm hứng của nhiều bài du kí, nhưng ở mỗi bài là

một kiểu không gian cảm nhận được của tác giả và đó chính là không gian của tác phẩm.

Không gian trong tác phẩm du kí có nhiều kiểu: không gian độ dài, không gian

độ cao, không gian văn hóa, không gian cảnh quan, không gian sinh hoạt,... Không gian

tác phẩm du kí là yếu tố của cấu trúc hình tượng tác phẩm. Không gian của độ cao thông

qua hình ảnh đỉnh núi Ventoux trong những bài luận viết về sự đi của mình đã làm cho

Petrarch trở nên nổi tiếng ở thế kỉ XIV với biệt danh "người du lịch đầu tiên" [94]; vì

đó là không gian của hình tượng con người lần đầu tiên leo lên đỉnh núi Ventoux. Trong

những tác phẩm du kí anh hùng (theo sự phân loại của Mikhailov), sự kì vĩ, lớn lao của

nhân vật có thể được đo bởi độ dài của quãng đường cuộc hành trình, với những địa

danh, những trở ngại, thử thách mà nhân vật vượt qua. Không gian trong tác phẩm Một

42

cuộc du hành từ Benganl tới Anh (A journey from Bengal to England) (1790) của George

Forster [86] là quãng đường từ Bắc Ấn độ đi qua Kashmir, Afghanistan, Ba Tư, đến biển

Casspia của nước Nga. Trên không gian hành trình này là các không gian: không gian

hiện thực đan xen với không gian thần thoại (để tìm hiểu lịch sử Ruhilas và mô tả về

nguồn gốc và sự phát triển của người Sikh ở Punjab với những câu chuyện chiến tranh),

không gian phong cảnh và không gian văn hóa là đoạn đường tiếp theo cho đến biển

Casspia và nước Nga, và một không gian khác, theo tác giả đó là "không khí, đất đai

thật tuyệt vời và phong cảnh như tranh". Không gian của tác phẩm này góp phần tạo nên

cốt truyện hành trình mà hình tượng người du hành được đo bằng độ lớn và mức độ đậm

nhạt của không gian này. Trong Pháp du hành trình nhật kí của Phạm Quỳnh, không

gian được mô tả nhiều là “Giữa bể, trên tàu Armand Béhic”, vì đây là lần đầu tiên tác

giả được đi bằng tàu biển sang trọng trong một chuyến hành trình xa như vậy. Kiểu

không gian này được gặp trong một số tác phẩm du kí Việt Nam như: Hải trình chí lược

của Phan Huy Chú, Sang Tây của Phạm Vân Anh, Đi Tây của Nhất Linh,... Kiểu không

gian văn hóa cũng được thể hiện trong nhiều tác phẩm viết về các chuyến đi nước ngoài

của du kí Việt Nam, mà trong đó, việc tái hiện không gian thông qua cảm quan văn hóa

như ở các tác phẩm: Tây hành nhật kí của Phạm Phú Thứ, Hải trình chí lược của Phan

Huy Chú, Pháp du hành trình nhật kí của Phạm Quỳnh, ... Không gian cảnh quan thường

gặp trong những bài du kí viết về danh lam thắng cảnh như: Hương Sơn hành trình của

Nguyễn Văn Vĩnh, Quảng Xương danh thắng của Thiện Đình, Du Ngọc Tân kí của Tùng

Vân, Tết chơi biển của Trúc Phong,... Không gian sinh hoạt trong tác phẩm du kí thường

đi liền với nội dung khảo cứu văn hóa, phong tục, sinh hoạt,... ở nơi tác giả đến như

trong tác phẩm: Một chuyến du hành đến Đàng ngoài năm 1688 của William Dampier,

Hải trình chí lược của Phan Huy Chú, Mười tháng ở Pháp của Phạm Vân Anh,... Những

không gian này không chỉ định vị nhân vật trong không gian mà thể hiện suy nghĩ, tình

cảm, và kể cả quan điểm chính trị của nhân vật trước hiện thực và cuộc sống.

Thời gian xác định tồn tại của sự vật. Thời gian trong du kí có hai dạng: thời gian

vật lí và thời gian ý niệm. Thời gian vật lí là thời gian tuyến tính, nhưng không phải theo

trục: quá khứ – hiện tại – tương lai mà là kiểu thời gian tiệm tiến, tức là từ thời điểm

xuất phát đi về phía trước không quay lại cho đến lúc chấm dứt cuộc hành trình. Thời

gian ý niệm là thời gian tập hợp các không gian tạo ra sự chuyển động biểu thị sự di

chuyển của chủ thể. Trong một số tác phẩm tái hiện những huyền thoại của các không

43

gian văn hóa như: Á châu huyền bí của Blair, Đại Đường Tây Vực kí của Trần Huyền

Trang, Indrapura của Mãn Khánh Dương Kỵ,... là kiểu thời gian đồng hiện, quá khứ,

hiện tại, tương lai diễn ra cùng một lúc biểu hiện quan niệm về sự tồn tại của thế giới:

tất cả sự vật đều đang tồn tại, chỉ khác là nó không nằm trên cùng một trục thời gian mà

nằm trên các trục song song với nhau. Khi con người chuyển từ trục thời gian này sang

trục thời gian khác trong sự dịch chuyển của mình thì mới cảm nhận được nó. Quan

niệm về một thế giới khác đang tồn tại song song với chúng ta thôi thúc con người đi

tìm sự hiện hữu của chính mình ở một không gian khác, theo trục thời gian khác. Thế

giới đó có thể nằm ở đâu đó trong tâm thức của mỗi người mà muốn biết nó ta phải đi

tìm ở nơi ta muốn đến. Khi con người vượt qua chính mình trong những chuyến du hành

thì sẽ bắt gặp thế giới khác của mình.

Du kí là một thể loại đặc trưng của loại hình văn học du lịch và làm cầu nối giữa

văn học với du lịch. Du kí tồn tại từ khi con người có khát vọng di chuyển để thay đổi

không gian tìm cảm giác mới cho đến khi con người không quan tâm đến các chuyến du

lịch hay những cuộc hành trình. Trong lịch sử phát triển, du kí cũng là thể loại không

ngừng dịch chuyển. Trong mối quan hệ với tác phẩm và quan hệ với người đọc, tác giả

du kí luôn làm mới mình bằng việc làm mới thể loại. Du kí đã được thời gian và lịch sử

kiểm nghiệm, dù bất kể hoàn cảnh nào thì du kí không được phép lệch tâm ra khỏi các

phương thức tự sự. Những vấn đề thi pháp về thể loại du kí nói trên đây chỉ là khái lược

và tổng quát nhưng cũng đủ để nói lên đặc trưng thể loại của du kí. Thi pháp thể loại

của du kí chỉ có thể được đề cập một cách trọn vẹn khi xem xét nó trong từng kiểu loại

và từng tác phẩm của du kí.

2.1.5. Ngôn từ

Ngôn từ du kí có thể được so sánh với ngôn từ tiểu thuyết bởi tác giả du kí thường

né tránh những lời nói sinh hoạt hàng ngày, không phải xông xáo, vồ vập như tiểu thuyết.

Vì thế, trong hệ thống ngôn từ, những tiếng lóng, tiếng thông tục, tiếng lai tạp, bông la

ba phèng không thuộc về du kí. Mặt khác, ngôn từ trong du kí là ngôn ngữ văn hóa ở

trạng thái đang hình thành. Ngôn ngữ cũng là thành tố của văn hóa, và là nơi đánh dấu

sự giao thoa các nền văn hóa và văn hóa vùng. Ở châu Âu thế kỉ XVIII, khi ngôn ngữ

văn chương đã có sự ảnh hưởng giữa các nền văn học thì nảy sinh hiện tượng pha tạp

ngôn ngữ giữa các nền văn hóa với nhau trong nhiều tác phẩm, và cũng là vấn đề của

44

tiểu thuyết mà Bakhtin đã đề cập: "Cái mà châu Âu khám phá ra, cái mà từ đây nó qui

định đời sống và tư duy của nó, đó là sự đa dạng của những ngôn ngữ, những nền văn

hóa, những thời đại" [3, tr.33]. Chẳng hạn trong du kí Việt Nam viết bằng chữ Quốc ngữ

cuối thế kỉ XIX nửa đầu thế kỉ XX, với hiện tượng xen lẫn từ Hán Việt, từ tiếng Pháp,

từ địa phương, thậm chí cả từ Việt cổ và mới trong các tác phẩm là sự biểu hiện tính tự

nhiên của ngôn ngữ khi tham gia làm chất liệu nghệ thuật. Hiện tượng này không chỉ

đối với du kí, mà còn cả với những thể loại khác, kể cả tiểu thuyết mà Bakhtin đã coi nó

như là "đặc điểm phong cách học thứ nhất của tiểu thuyết gắn với tính đa ngữ tích cực

của thế giới mới, văn hóa mới và ý thức sáng tạo văn học mới" [3, tr.33]. Tuy nhiên,

tính đa ngữ trong du kí chưa phải là hiện tượng của phong cách học như tiểu thuyết mà

là hiện tượng mang tính dấu ấn thời đại. Du kí không lật tung các giao thoa, hỗn tạp của

các nền văn hóa như tiểu thuyết đã từng làm mà nó soi vào từng đường nét văn hóa theo

dấu vết của cái huyền diệu, cái kì bí, cái mang lại ở khoái cảm nhận thức của con người

ở trạng thái tò mò và tự thuật. Người đọc thời đại sau tìm hiểu những lớp văn hóa và

ngôn ngữ này như nó còn nguyên sơ, chưa có bàn tay chạm trỗ hay đẽo gọt của con

người và thời đại mới.

Cũng như mọi văn bản nghệ thuật, ngôn từ trong du kí là lớp ngôn từ chung, ẩn

nấp dưới hình thức ngôn ngữ mang tính cá nhân như nhật kí, bức thư trên lộ trình, một

bài tạp bút,... Tuy nhiên, phát ngôn của nhân vật chính trong du kí không bị hòa đồng

vào những phát ngôn khác để tạo cho tác giả một chỗ đứng, một nơi ẩn nấp trong hình

tượng như ở tiểu thuyết (như kiểu lời nửa trực tiếp) mà là những phát ngôn về đối tượng

được nói đến được lọc qua tư tưởng. Có những phát ngôn phải tuân thủ theo tính xác

thực khi nói về thời gian, địa điểm, địa danh, thắng tích và cả những sự vật biểu thị bởi

các đơn vị đo lường vật lí (giống như: đoạn đường bao nhiêu ki-lô-mét, tháp cao bao

nhiêu thước?). Dù biểu thị bởi bất cứ hình thức nào, nhưng những phát ngôn này không

cho phép tác giả tạo tác những gì gọi là thông tin không có trong thực tế.

Ngôn ngữ trong tác phẩm du kí không mang tính đa thanh nên nó chỉ qui về một

số hình thức ngôn ngữ đặc thù. Nếu một người nghệ sĩ sáng tác tiểu thuyết phải đứng

trước muôn hình vạn trạng hình thức ngôn ngữ để lựa chọn, thì người viết du kí chỉ có

trong tay một số kiểu ngôn ngữ mang tính phổ biến, đó là kiểu ngôn ngữ tự thuật với

các hành động của nó như: mô tả, kể chuyện, thuật chuyện, biểu cảm,... Những biểu

45

trưng của ngôn từ, những xung đột ngôn từ về nghĩa và hình thức diễn ngôn như là sự

biểu thị cho các thủ pháp trong tiểu thuyết đều bị hạn chế ở du kí. Nếu sử dụng hình

thức ngôn ngữ thi ca trong du kí thì hình thức ngôn ngữ đó phải nguyên trạng, dù là một

bài thơ, đoạn thơ, hay một vài câu thơ dùng để biểu lộ cảm xúc hoặc trích dẫn cho một

ý nghĩ nào đó thì phải giữ nguyên dạng thức ngôn từ và chữ viết của nó. Trong tác phẩm

du kí, ở những tác phẩm lớn, các từ chỉ địa danh, từ định danh sự vật, định danh văn

hóa, từ xưng hô ngôi thứ nhất xuất hiện với tần suất lớn. Những từ ngữ này xuất hiện

trong các dạng cấu trúc của câu văn tự thuật, đó là sự kết hợp giữa kể chuyện, miêu tả,

tường thuật, thuyết minh, có khi đi kèm với một số phương tiện biểu cảm. Nếu như lời

của tiểu thuyết là lời tự phê phán như cách nói của Bakhtin thì lời văn du kí là lời tự

nhận thức. Lời văn trong du kí mang tính đa chức năng biểu đạt: biểu thị thông tin đối

với tác giả (vì lần đầu tiên được nhìn thấy, được chứng kiến), biểu thị tự nhận thức (nói

ra để được hiểu biết), biểu thị thái độ (tôn kính hay kinh sợ), biểu thị cảm xúc (rung

động trước đối tượng), biểu thị mối quan hệ (sự gặp gỡ những con người hoặc các nền

văn hóa), biểu thị tính tự trào (thấy mình nhỏ bé trước sự vật hay bị giới hạn ở không

gian hiểu biết hẹp), biểu thị tính thuyết phục (muốn mọi người đồng tình với niềm vui,

khát vọng hay quan điểm của mình), biểu thị tính thăng hoa (tưởng tượng về các viễn

cảnh, huyền thoại),... Tất cả những yếu tố đa biểu thị của ngôn từ này thích hợp để xây

dựng nên kiểu hình tượng du kí: hình tượng nhân vật tự thuật khách quan.

Đi kèm với ngôn ngữ, nhiều tác phẩm còn kết hợp với các tín hiệu nghệ thuật

khác, nhất là hội họa và điện ảnh. Không phải ngôn ngữ du kí không giàu tính tạo hình,

nhưng đặc trưng của du kí luôn gắn liền với khoái cảm về ước muốn ghi dấu hiện thực.

Kể, tả, tường thuật, tự thuật,...là những hành động ngôn ngữ có vẻ chưa đủ để nhà văn

du kí ghi lại hình ảnh cảnh vật hay minh chứng cho tính khách quan của tác phẩm du kí.

Chúng ta thường bắt gặp hiện tượng kí họa trong các bài thơ cổ điển Trung Quốc, nhưng

những bức kí họa đó nhằm biểu đạt ý niệm "thi trung hữu họa". Còn một số tác phẩm

du kí, người xưa đã họa lại cảnh vật, con người theo lối vẽ truyền thần, như muốn lưu

giữ cảnh vật, con người đó trước sự hủy diệt của thời gian. Sau này, khi khoa học kĩ

thuật phát triển, đi kèm tác phẩm du kí còn có các tư liệu hình ảnh, video được ghi lại

bằng camera. Vì thế, cận văn bản của du kí là văn học ứng dụng cùng với các kiểu sách

giới thiệu và hướng dẫn du lịch, phim kí sự. Kịch bản của phim kí sự cũng là dạng đặc

biệt của du kí.

46

Bakhtin đã từng khẳng định: "Từ trong bản chất, lời nói mang tính đối thoại" [4,

tr.205], và lí thuyết hành vi ngôn ngữ xác định mối quan hệ văn bản với chủ thể, văn

bản chỉ là phát ngôn, văn bản tồn tại trong mối liên hệ với các văn bản lịch đại và đồng

đại, đồng thời tồn tại ở chức năng hành ngôn của nó. Tự sự học tu từ đã giả thuyết rằng,

truyện kể là sự bắt đầu một hành động giao tiếp giữa tác giả và người đọc. Lí thuyết liên

văn bản cũng xem tác phẩm, về mặt cấu trúc, là đơn vị của lời nói, đơn vị lớn hơn câu.

Barthes cũng đã từng đưa ra ý kiến tương tự: theo quan điểm cấu trúc, bất cứ văn bản tự

sự nào cũng đều được xây dựng theo mô hình của câu mặc dù nó không phải là một tổng

của các câu, bất cứ một truyện nào cũng là một câu lớn, và câu kể chính là sự tỉnh lược

của một truyện nhỏ [5, tr.156]. Tu từ học hiện đại hướng về đối tượng là ngôn ngữ và

phong cách như là một sự khám phá mục đích thuyết phục độc giả mà những kĩ thuật,

cách thức sử dụng ngôn ngữ và tạo dựng văn bản không đơn thuần để tạo nên một chính

thể nghệ thuật mà trước hết nó được xem xét như là những lập luận nhằm thuyết phục

độc giả [28, tr.58].

Tác phẩm du kí cũng là ngôn bản mà đặc trưng thể loại của nó dù mang tính tự

do đến đâu cũng không nằm ngoài các vấn đề của văn bản. Như một đơn vị của lời nói,

lực ngôn trung qui định sự tồn tại của văn bản nhờ các hành động ngôn ngữ mà những

hành động đó biểu thị đặc trưng thể loại của tác phẩm. Cũng như tiểu thuyết, trong tác

phẩm du kí cũng chứa các hành động ngôn ngữ khác nhau như là một sự biểu hiện chức

năng ngôn ngữ trong mối quan hệ với các thủ pháp nghệ thuật của tác phẩm. Tuy nhiên,

không phải mọi thể loại gộp chung gọi là văn tường thuật đều có các hành động ngôn

ngữ như nhau mà mỗi thể loại có những hành động ngôn ngữ vượt trội để tạo ra đặc

trưng cho thể loại đó. Hành động ngôn ngữ trong ngôn bản du kí bao gồm: tường thuật,

miêu tả, nghị luận, tự cảm – xúc cảm, đối thoại, khảo cứu, tự thuật,... Trong mỗi văn

bản, tùy thuộc vào sự thể hiện vai trò và vị thế đối thoại mà chủ thể đưa ra các hành

động ngôn ngữ ở những mức độ khác nhau. Nếu thông điệp mà chủ thể muốn đưa ra chỉ

ở cấp độ thông tin thì hành động tường thuật và mô tả sẽ quán xuyến toàn bộ tác phẩm

du kí. Những tác phẩm du kí có sự trình bày nội dung theo cấu trúc nhật trình: ngày

nào?, đi đến đâu?, làm gì?, gặp gỡ những ai?, quang cảnh ở đó như thế nào?,... thường

nặng về tính thông tin hơn là cảm tác đối tượng. Có những tác phẩm mang thông điệp

của tác giả gửi đến người đọc là những vấn đề xã hội, còn chuyến đi chỉ là cái "khung"

để tác giả dựng lên bức tranh đó. Thiên du kí Sang Tây – Mười tháng ở Pháp (1929) của

47

Phạm Vân Anh đã kết hợp các hành động ngôn ngữ: tường thuật, miêu tả, dựng đối

thoại, khảo cứu và cả văn nghị luận. Khung cảnh Paris không hoàn toàn hiện lên với

những vẻ đẹp nguy nga tráng lệ mà đằng sau đó là những mặt trái của xã hội với những

tình cảnh và tệ nạn được thể hiện trong những lời bình luận, so sánh mang ý nghĩa thức

tĩnh hơn là giới thiệu cảnh quan văn hóa mà tác giả chứng kiến. Những bài du kí viết

trong các dịp tham quan, du lịch thắng cảnh hay di tích thì yếu tố cảm xúc, tự cảm chi

phối các hành động ngôn ngữ khác. Trong những tác phẩm du kí về cuộc hành trình dài

ngày, đến những nơi xa xôi thì yếu tố tự thuật về sinh hoạt và ứng phó với sự thay đổi

môi trường, hoàn cảnh của chủ thể xuất hiện với tần số cao. Đây là đặc trưng về hành

động ngôn ngữ trong du kí để phân biệt với các thể loại khác. Dựng hành động đối thoại

trong du kí không phải là đặc trưng của thể loại này mà là của tiểu thuyết; tuy nhiên, đối

thoại trong du kí cũng mang đặc trưng riêng, đó là sự thể hiện của các cuộc gặp gỡ giữa

nhân vật chính với các nhân vật khác trong chuyến hành trình mang ý nghĩa tiếp xúc

văn hóa. Hiệu suất của lực ngôn trung trong văn bản du kí chính là việc tác giả đã sử

dụng hành động ngôn ngữ nào trong hoàn cảnh và mục đích gì để chứng minh rằng đây

là phát ngôn của người đang thực hiện chuyến hành trình, du lịch hay khám phá được

nói đến trong văn bản.

Mặc dù không được phép "suồng sả" như tiểu thuyết nhưng ngôn ngữ trong du

kí không bị đóng khung trong một kiểu ngôn ngữ của một thể loại nào mà nó cho phép

tiếp nhận mọi phong cách ngôn ngữ của nhiều thể loại. Tuy nhiên, khi nói đến phong

cách văn bản hay phong cách thể loại thì cũng rất khó trong việc xác định những nhân

tố đặc trưng của nó. Tính phức hợp trong việc sử dụng ngôn từ của thể loại văn tường

thuật, như cách gọi của Barthes chỉ cho các loại truyện kể, đã xóa nhòa ranh giới của

các thể loại văn xuôi tự sự. Sự giống nhau và khác biệt ở một số yếu tố ngôn ngữ có ý

nghĩa rất lớn trong việc xác định phong cách thể loại, mà "chỉ trên cơ sở lệch và khớp

cùng một công cụ miêu tả, thể loại văn tường thuật mới có thể thâu tóm một khối lượng

lớn toàn thể văn bản này cũng như tính đa dạng về lịch sử, địa lí và văn hóa của chúng".

[5, tr.75]

Ngôn từ của cảm xúc và sự thăng hoa ngôn ngữ đã làm nên kiểu đặc trưng của

tác phẩm du kí ngắn. Những bài viết theo kiểu du kí như thế này thường gặp trong văn

học Trung Quốc và một số nước chịu ảnh hưởng của văn học viết bằng chữ Hán như

Việt Nam, Nhật Bản. Những kiểu bài như thế, Nam Phong tạp chí không xếp vào mục

48

du kí mà xếp vào mục "Văn uyển" (được hiểu như là các loại văn thơ không nằm trong

chuyên mục thể loại, kể cả tạp văn). Đó là những bài như: Ngày xuân chơi núi của Đạm

Phương, Kí núi Dục Thúy của Đạm Trai, Chơi cảnh Sầm Sơn của Phạm Vọng Chi,...

Ngôn từ trong những tác phẩm du kí gần với tản văn, tùy bút có đặc điểm tổng

hợp, với nhiều kiểu loại văn phong các các văn bản khác nhau, và có thể có nhiều ngôn

ngữ khác nhau bởi tính chất xác thực của tư liệu. Chẳng hạn, khi miêu tả một thắng tích,

một cổ vật nào đó có kí hiệu ngôn ngữ khác thì tác giả ghi chép nguyên văn (như văn

bia, câu đối trên cổng đình, cổng chùa,...viết bằng chữ Hán) nên không coi đây là kiểu

văn phong du kí mà chỉ là biểu thị cho sự minh họa tính xác thực của đối tượng được

miêu tả.

Một đặc điểm khá phổ biến của kiểu văn bản du kí này là yếu tố thơ trong tác

phẩm. Chất thơ của ngôn từ biểu thị tính thẩm mĩ của diễn ngôn có tác dụng phối kết

hợp hai yếu tố: vẻ đẹp của đối tượng được nói đến và cách tiếp nhận đối tượng của chủ

thể. Cần phân biệt chất thơ và lời thơ trong du kí. Chất thơ là phương thức biểu thị toàn

bộ nội dung của tác phẩm du kí, còn lời thơ là "sắc tự" của ngôn từ du kí được tác giả

vận dụng từ một thể loại khác (thơ). Vì thế, thơ trong tác phẩm du kí, là câu thơ, đoạn

thơ thậm chí cả một bài thơ Đường luật nhưng không phải là tác phẩm thơ. Trong cuốn

The narrow Road to Oku, công trình nghiên cứu tác phẩm du kí của Matsuo Bashō,

những bài thơ xen vào trong tác phẩm, Donald Keene gọi là thơ du kí, tuy nhiên thơ du

kí mà Keene nói tới là thơ haiku.

Nếu ngôn từ trong tiểu thuyết mang tính phi tuyến tính thì cấu trúc ngôn từ trong

du kí là lối diễn ngôn tuyến tính. Ngôn từ diễn tả hình ảnh trong du kí không xếp lớp mà

được đặt vào vị trí của trật tự thời gian và tầm quan sát của chủ thể. Đối tượng như được

sắp đặt và được miêu tả theo trình tự trước sau. Như đã nói trên, trong du kí, phát ngôn

của chủ thể là phát ngôn của người đang hành trình, dù rằng những vấn đề về cuộc hành

trình hôm sau mới được nói đến nhưng trong việc thể hiện bằng ngôn ngữ thì nó vừa

như đang xảy ra. Vì thế, tính trật tự theo trục thời gian làm cho ngôn ngữ trong du kí

phải tuân thủ phép tắc trật tự của cuộc hành trình cả về thời gian lẫn không gian. Sự

không đảo ngược thời gian được xem là kiểu phát ngôn của du kí.

Nếu xem tác phẩm du kí là một đơn vị lớn nhất của ngôn ngữ thì cấu trúc ngôn

từ chi phối kết cấu và bố cục. Vì thế, kết cấu và bố cục của du kí cũng mang tính tuyến

tính. Cấu trúc văn bản bản du kí là một kiểu cấu trúc thời gian – không gian. Cấu trúc

49

này qui định bố cục của tác phẩm du kí. Bố cục hoàn chỉnh của tác phẩm du kí có nhiều

phần, mỗi phần chứa một hoặc một số nội dung thời gian và không gian (Ngày nào ?

Nơi nào ?). Độ dài ngắn của tác phẩm du kí còn tùy vào số ngày đi và phạm vi địa điểm

đến, kể cả độ dài đoạn đường và phương tiện. Có những nơi quá rộng, quá lớn thì đi

trong nhiều ngày, nhưng ngược lại, có những ngày đi đến được nhiều nơi. Có những tác

phẩm du kí có bố cục gồm nhiều chương, nhiều mục, nhưng cũng có những tác phẩm

không chia chương mục. Nội dung mỗi chương hay mỗi mục đều gắn liền với nội dung

không gian (tức địa danh, địa điểm) và thời gian (thời điểm được ghi bởi đơn vị ngày

và tháng).

Tính loại hình viết về cuộc hành trình đã tạo điều kiện để du kí tồn tại dưới nhiều

hình thức văn bản khác nhau. Khi nghiên cứu về du kí Nga thế kỉ XVIII – XIX,

Mikhailov đã chia du kí thành hai loại: du kí anh hùng và du kí tự thuật. Du kí anh hùng

có nhân vật là người anh hùng kể câu chuyện (hư cấu) về cuộc hành trình oanh liệt của

mình. Du kí tự thuật là thuật chuyện du lịch mà tác giả là nhân vật. Cách chia này có thể

thực hiện cho một giai đoạn văn học nhất định, còn trong lịch sử phát triển của mình, du

kí biến hình thành nhiều kiểu văn bản khác nhau, miễn là không làm mất tính năng câu

chuyện và sự lặp lại kiểu cấu trúc: thời gian – địa điểm – sự việc được kết nối xâu chuỗi

trong cấu trúc của tác phẩm. Nguyên tắc tự do của thể loại du kí [109, tr.279] đã thâm

nhập vào các cấp độ khác nhau của tác phẩm làm cho lời kể không bị chi phối bởi bất

cứ qui ước nào của thể loại. Ngoài cấu trúc thông thường như đã nói, du kí chấp nhận

cho tác giả trang điểm các hình thức của ngôn ngữ như: thơ, lời bài hát, các ghi chú,...

và các chất liệu khác như: kí họa, mô hình, sơ đồ, bản đồ, bức họa,... miễn là không thay

đổi trật tự của các sự kiện trong tác phẩm. Những yếu tố này được xem như là một dạng

ngôn ngữ thứ hai của du kí.

2.2. Khái quát quá trình lịch sử của du kí Việt Nam

Tiếp cận lịch sử phát triển của du kí nhằm tìm hiểu sự vận động của thể loại của

du kí Việt Nam qua các thời kì văn học, chúng tôi nhận thấy du kí Việt Nam nửa đầu

thế kỉ XX không phải là một hiện tượng đột phát mà là một quá trình. Quá trình hình

thành và phát triển của du kí Việt Nam trải qua các giai đoạn như sau:

2.2.1. Giai đoạn từ thế kỉ X đến thế kỉ XVII

Qua khảo cứu những tác phẩm có đề tài viết về các cuộc hành trình như ngoạn

cảnh, đi sứ, thăm các di tích, danh lam,… chúng tôi nhận thấy, giai đoạn đầu (từ thế kỉ

50

X đến hết thế kỉ XVII) du kí ẩn danh trong các hình thức thơ và phú.

Về thơ có Vương Lang qui (Chàng trở về) của Khuông Việt (933-1011), Chu quá

Bắc Giang Tiên Du tác (Cảm tác khi thuyền qua Tiên Du Bắc Giang) của Nguyễn Ức

(?-?), Dục Thúy Sơn (Núi Dục Thúy) và Quá Tống đô (Qua kinh đô nhà Tống) của

Trương Hán Siêu (?-1354), Nguyệt tịch bộ Tiên Du sơn tùng kính (Đêm trặng dạo bước

trên đường thông ở núi Tiên Du) của Chu Văn An (?-1370), Du Đông Đình họa Nhị Khê

nguyên vận (Qua chơi Đông Đình họa nguyên vần thơ của Nhị Khê) của Hồ Tông Thốc

(? - ?), Trình Thiền sư tiêu dao ở Phúc Đường của Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230 – 1291).

Phạm Sư Mạnh (?-?) có hàng chục bài thơ “kí hành” như: Hành dịch đăng gia sơn (Nhân

việc quan lên chơi núi quê nhà), Đăng Dục Thúy sơn lưu đề (Lên núi Dục Thúy đề thơ

lưu niệm), Hỗ giá Thiên Trường thư sự (Ghi chép việc hầu vua về Thiên Trường), Du

Phật Tích sơn ngẫu đề (Đi chơi núi Phật Tích ngẫu nhiên đề thơ), Đăng Thiên Kì sơn

lưu đề (Lên núi Thiên Kì đề thơ lưu niệm), Hành quận (Đi kinh lí trong quận), Lạng

Sơn đạo trung (Trên đường đi Lạng Sơn), Quan Lang đạo trung (Trên đường đi Quan

Lang),...

Về phú có Vân Yên tự phú (Bài phú vịnh chùa Vân Yên) của Huyền Quang Lý

Đạo Tái (1254-1334), Dục Thúy sơn Linh Tế tháp kí (bài kí tháp Linh Tế núi Dục Thúy)

của Trương Hán Siêu (?-1354), Tịch cư ninh thể phú và Đại Đồng phong cảnh phú của

Nguyễn Hãng (?-?),... Đến thế kỉ XVI đã xuất hiện du kí mang yếu tố truyện (thuật

chuyện chinh chiến) như: Thường Quốc nam chinh kí (Thường Quốc công chinh chiến

phương nam) của Nguyễn Quyện (1511 – 1593) viết về cuộc mang quân đi đánh vùng

Thanh – Nghệ Tĩnh.

Cảm hứng từ việc đi chơi cảnh núi trở thành nội dung tiêu biểu cho thể tài du kí

giai đoạn này: Phạm Sư Mạnh có bốn bài: Hành dịch đăng gia sơn (Nhân việc quan lên

chơi núi quê nhà), Du Phật Tích sơn ngẫu đề (Đi chơi núi Phật Tích ngẫu nhiên đề thơ),

Đăng Thiên kì lưu đề (Lên núi Thiên Kì đề thơ lưu niệm), Sơn hành (Đi chơi núi),

Nguyễn Phi Khanh (1355-1428) có ba bài: Du Phật Tích sơn đối giang ngẫu tác (Chơi

núi Phật Tích đối diện dòng sông ngẫu nhiên làm thơ), Du Côn Sơn (Chơi núi Côn Sơn),

Thanh Hư động kí (Bài kí động Thanh Hư), Trần Công Cẩn (?-?) có bài Xuân nhật du

sơn tự (Ngày xuân đi chơi chùa trên núi), Chu Văn An có bài: Nguyệt tịch bộ Tiên Du

sơn tùng kính (Đêm trăng dạo bước trên đường thông núi Tiên Du), Trương Hán Siêu

(?-1354) khi đi chơi núi Dục Thúy đã làm một bài thơ và một bài kí: Dục Thúy sơn (Núi

Dục Thúy), Dục Thúy sơn Linh Tế tháp kí (Bài kí tháp Linh Tế ở núi Dục Thúy),... Cảm

hứng đi chơi núi thuộc về “du sơn” khác với đề tài “đăng sơn” trong thơ trung đại. Cảm

51

hứng chơi núi của thể tài du kí trong văn thơ trung đại Việt Nam biểu hiện trong nội

dung: có một hành trình đến một địa danh có thực, cảnh vật thực, cảm xúc cảnh vật

nhiều hơn tâm sự... để phân biệt với cách biểu thị nội dung qua các phương thức mang

tính qui phạm trong thơ Đường với đề tài “đăng sơn”.

Du kí viết bằng phú Đường luật có: Tịch cư ninh thể phú và Đại Đồng phong

cảnh phú của Nguyễn Hãng (? - ?) [76]. Phú là loại văn vần có nguồn gốc bên Trung

Quốc. Phú vốn mang nghĩa là "phô bày cảm xúc của con người trước cảnh vật, sự việc

hoặc bàn chuyện đời" [14, tr.175]. Phú còn được xem là thể tài văn học bởi vì nó là

“phương tiện biểu đạt tình cảm của con người trước cảnh vật và sự việc” [50, tr.60]. Hai

bài phú của Nguyễn Hãng đã phát huy đặc trưng của thể phú để viết về nơi mà tác giả

đến nên có thể xem là tác phẩm du kí trong thời kì trung đại.

Nhìn chung, từ thế kỉ X đến XVII, du kí còn chịu sự qui định chặt chẽ của thi

pháp văn học chính thống nên tính tả thực trong tác phẩm thường bị xem nhẹ; lại bị ràng

buộc bởi khuôn phép, qui tắc của thơ, phú nên không thể tồn tại như một thể loại. Mặt

khác, sự phổ quát của thơ và văn vần ảnh hưởng khá sâu sắc đến nhiều thể loại nên du

kí giai đoạn này phải nương tựa vào các thể văn vần để tồn tại. Trong một chừng mực

nhất định, người xưa vẫn thừa nhận sự tồn tại của thế giới vượt ra ngoài những qui ước

của đạo đức và nghệ thuật vốn được qui phạm bởi các chuẩn mực thời đại để làm bạn,

gần gũi, khao khát,... cùng với thiên nhiên. Đó chính là sự hài hòa giữa đạo với đời, tư

tưởng và tâm hồn, giữa hiện thực và lãng mạn, giữa văn chương nghệ thuật với văn

chương giáo huấn. Điều đó đã làm cho truyền thống thơ phú dân tộc xuất hiện đề tài viết

về non nước cảnh vật ở đất nước mình, nơi mình có thể cảm nhận được. Đề tài cảnh vật

trong thơ, phú chính là tiền thân của thể tài du kí. “Sự đi” là nhu cầu của nghệ thuật bởi

con người luôn xê dịch để tìm cái đẹp, đến những nơi non xanh nước biếc, những nơi

danh lam thắng tích, những nơi yếu kì; và cách đi: đi bộ hay đi thuyền, đi bằng ngựa hay

bằng xe,... đều trở thành cảm hứng nghệ thuật. Nhìn chung, ở giai đoạn sơ khởi này, du

kí chưa thoát khỏi sự chi phối của những chuẩn mực nghệ thuật và thi pháp thời đại nên

với những tác phẩm có nội dung hành trình hay xuất phát từ cảm hứng về cuộc hành

trình trong đó có tả cảnh hay tả tình thì cũng không hoàn toàn là tả thực, không tránh

được bút pháp ước lệ, tượng trưng.

2.2.2. Giai đoạn từ thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX

Bước sang giai đoạn từ thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX, du kí trong văn học Việt

Nam đã có những chuyển biến rõ rệt. Như nhận định của Hàn Đan, đây là “giai đoạn

phát triển của văn xuôi chữ Hán Việt Nam mà đỉnh cao là Thượng kinh kí sự của Lê Hữu

52

Trác” [13]. Như vậy, du kí có ý nghĩa góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn xuôi tự

sự Việt Nam trong thời kì trung đại.

Du kí trong thơ phú chữ Hán từ giai đoạn trước vẫn tồn tại ở giai đoạn này. Đó

là những tập thơ vịnh cảnh như: Hà Tiên thập vịnh của Mạc Thiên Tích (1706-1780),

Nam trình liên thi tập của Ngô Thì Ức (1709-1736), Nhị Thanh động phú và Tây Hồ

phong cảnh phú của Ngô Thì Sĩ (1726-1780), Tụng Tây Hồ phú và Ngự Đạo hành cung

nhật trình của Nguyễn Huy Lượng (1750-1808),... Và thơ vịnh cảnh cũng được tiếp nói

bởi thơ phú viết về “sự đi” như ở giai đoạn trước. Phan Thúc Trực (1808 – 1852) đã có

một mảng thơ viết về “sự đi” như Nguyễn Hữu Sơn nhận xét: “Xét ở trung tâm chủ điểm

du kí, có thể thấy Phan Thúc Trực thường có những bài thơ viết về các cuộc đi chơi,

thăm thú núi non, sông hồ, thăm các điểm di tích lịch sử, đền đài, chùa miếu và nơi danh

lam thắng cảnh” [56, tr.112]. Tuy nhiên, “sự đi” trong thơ Phan Thúc Trực ở giai đoạn

này có một số điểm giống với “sự đi” trong thơ Phạm Sư Mạnh ở giai đoạn trước đó.

Về nhân vật: nhân vật trong thơ Phạm Sư Mạnh là con người “hành sự” còn nhân vật

trong thơ Phan Thúc Trực là con người “lãng du”. Đến thăm thiền cảnh (núi Phật Tích)

nhưng Phạm Sư Mạnh vẫn bị chuyện đời đeo bám. Còn đến Việt Yên, một địa danh

hành chính bình thường thì lòng người trải rộng đến mức “thoát trần”. Thơ Phạm Sư

Mạnh là thơ “du sự” nên hình ảnh thơ được thể hiện bởi bút pháp “kí sự” còn thơ Phan

Thúc Trực là thơ “du lãng” nên hình ảnh thơ bay bổng giàu cảm xúc.

Với sự ra đời của những tác phẩm du kí viết bằng văn xuôi, có thể nói thế kỉ

XVIII là thế kỉ mà du kí chữ Hán đạt đến đỉnh cao. Quá trình hình thành du kí văn xuôi

có sự chuyển biến dần dần, từ thơ chuyển sang văn tả cảnh và kết hợp văn tả cảnh với

thơ du kí. Đó là trường hợp của Trịnh Xuân Thụ (1704-?), người đã tạo ra một hình thức

thể loại mới của du kí chữ Hán, cũng giống như Matsuo Bashō (1644-1694), người đã

sáng lập thể “haibun” của du kí Nhật Bản. Trong lời “Tựa” của bản dịch tập Sứ Hoa

Nhàn Vịnh của Trịnh Xuân Thụ (Lương Ngọc Vũ Bích sưu tầm và dịch thuật) có đoạn

viết:

“… bắt đầu từ kinh đô Hà Nội đến Yên Kinh nước Tàu, phàm qua các núi sông lớn, nơi

thắng cảnh, chốn phồn hoa, hoặc thổ sản, nhân vật, phong tục, thành trì, đều có hứng

tình ngâm vịnh, trên tả cảnh, dưới vịnh thơ, biên thành một tập “Hành trình dã lục”,

trong đó có 136 bài tả cảnh và 136 bài thơ, câu câu nhả ngọc, lời lời gấm thêu, đủ cả

giọng tài hoa, lời trung hậu, thể văn phép tắc, ý tứ cao xa, đọc đến thơ khiến người ta

động tứ phong vân, sinh lòng cao tưởng không kém gì tập “Di cảo” của ông Tùng Tuy,

tập “Chiến đường” của ông La Thuận, các tay danh bút bên Tàu cũng có dấu phê ca tụng

53

cả”. (Nam Phong, số 48, tr. 482).

Sứ Hoa Nhàn Vịnh có 136 đoạn, mỗi đoạn được cấu trúc hai phần: phần đầu là

đoạn văn xuôi tả cảnh và phần sau là bài thơ thất ngôn bát cú Đường Luật (Vũ Bích dịch

được 112 đoạn). Các đoạn thuật chuyện về sự việc, cảnh vật ở các nới mà tác giả đặt

chân đến trong tác phẩm này giống như là các yếu tố của cốt truyện du kí.

Basho, người sáng tạo ra thể thơ haiku của Nhật đã phải nỗ lực bằng những

chuyến đi hơn ngàn dặm “để làm mới nghệ thuật của riêng mình” đã viết nên những

trang du kí bằng một hình thức mới làm vang động văn đàn Nhật Bản thế kỉ XVII, tiếp

sự sáng tạo đó dường như đã tuyệt đối nên sau thời của Basho, "không có một hiện

tượng du kí nào kế thừa và phát huy nó" [90, tr.16]. Trịnh Xuân Thụ viết theo lối kí

hành, không có chủ đích nghệ thuật, mà cốt để thỏa chí tang bồng nên du kí của Trịnh

Xuân Thụ đã được hậu thế tiếp thu để phát triển thành văn xuôi tự sự, mặc dù một số

tác giả không thể từ bỏ được cảm hứng thi ca trong tác phẩm du kí.

Điểm nổi bật của văn xuôi chữ Hán trong giai đoạn thế kỉ XVIII - XIX không chỉ

là truyện mà còn có cả du kí. Có tác phẩm không chỉ dừng lại ở sự ghi chép những điều

mắt thấy tai nghe trong thiên hạ mà là những câu chuyện tường thuật về các sự kiện xảy

ra trên lộ trình thông quan xúc cảm của tác giả.

Nằm trong dòng chảy của văn học, du kí đã bị cuốn theo sự vận động của văn

xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại. Điểm đánh dấu sự chuyển biến của văn xuôi tự sự

Việt Nam thời trung đại là từ truyện ngắn chí quái (thần quái) sang truyện ngắn truyền

kì mà đỉnh cao là Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ thế kỉ XVI. Xét về mặt thể loại,

bước tiến của Truyền kì mạn lục chính là ở lời văn nghệ thuật, như cách lí giải của Trần

Đình Sử: “Lời trần thuật của tác giả được phân làm hai: lời trần thuật miêu tả câu chuyện

và lời bàn (bình) với hai tư cách khác nhau. Một người làm người kể chuyện khách quan

“biết hết”, “biết trước” và một người bình luận về mặt đạo đức hoặc nghệ thuật có quan

điểm xác định” [56, tr.353]. Lối kể chuyện theo phương thức hiện thực hóa của người

kể chuyện khách quan trong những tác phẩm như Vũ Trung tùy bút, Tang thương ngẫu

lục của Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) và Nguyễn Án (1770-1825), Công dư tiệp kí của

Vũ Phương Đề (1697 - ?),... đã đưa văn xuôi tự sự Việt Nam thời Trung đại chuyển sang

một giai đoạn mới, ở đó vai trò người kể chuyện chiếm một vị thế quan trọng trong phản

ánh hiện thực. Đây cũng là cơ sở cho sự ra đời văn “kí hành” xuất hiện và phát triển ở

thế kỉ XVIII – XIX. Tuy nhiên, những tác phẩm như: Công dư tiệp kí của Vũ Phương

Đề (1697-?), Cát Xuyên tiệp bút của Trần Tiến (1708-1772), Vũ trung tùy bút của Phạm

Đình Hổ (1768-1893), Bắc hành tùng kí (1789) của Lê Quýnh (1750 – 7805),... đã mang

54

một số dấu hiệu của văn “kí sự”, tức là kiểu văn ghi chép sự việc được nhìn thấy hay

chứng kiến để thành truyện chứ không phải văn “kí hành” nên không thể coi là tác phẩm

du kí hay thuộc thể tài du kí.

Đánh dấu bước tiến của du kí Việt bằng chữ Hán giai đoạn này là Thượng kinh

kí sự (1783) của Lê Hữu Trác (1720-1791). Với chuyến đi mang ý nghĩa quan trọng đối

với cuộc đời của mình, Lê Hữu Trác đã chuyển từ những ghi chép kiểu nhật kí hành

trình thành tác phẩm tự sự mà trong đó có sự kết hợp, đan xen giữa văn tường thuật và

thơ, giữa kể và tả, giữa tự truyện và trữ tình, giữa khách quan và chủ quan,... tạo nên

kiểu văn du kí mẫu mực trong văn học trung đại Việt Nam.

Thơ trong Thượng kinh kí sự là kiểu thơ du hành, cũng cảm tác trước cảnh vật và

lời dẫn cho bài thơ là các câu văn xuôi giống như tác phẩm du kí Oku no Hosomichi của

Matsuo Basho. Khác với thơ viết về “du sự” của giai đoạn trước, các đoạn thơ trong

Thượng kinh kí sự giống như "đánh dấu mốc" cảm xúc trên lộ trình nên yếu tố thơ trong

tác phẩm này là lời tự bộc lộ tình cảm của nhân vật, đồng thời là tác giả trên lộ trình.

Nửa cuối thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX là thời kì nở rộ của du kí Việt Nam với

sự đa dạng về chất liệu và đề tài.

Tiếp nối cảm hứng “kí sự” về những chuyến đi sứ ở giai đoạn trước, trong giai

đoạn này, đã xuất hiện một số tác phẩm viết về các chuyến công du ở nước ngoài như:

Tây hành kiến văn kỉ lược (1831) của Lý Văn Phức (1785 - 1849), Hải trình chí lược

(1834) của Phan Huy Chú (1782 - 1840), các tác phẩm của phái đoàn Phan Thanh Giản,

Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản đi sứ sang Pháp và Tây Ban Nha năm 1863: Như Tây

sứ trình nhật kí (1864) của Phạm Phú Thứ (1820 – 1882), Như Tây kí (1864) của Ngụy

Khắc Đản (1817 - 1873), Tây phù nhật kí (1865) của Tôn Thọ Tường (1825 - 1877)...

Tây hành kiến văn kỉ lược là tác phẩm đầu tiên viết về chuyến đi sứ sang phương

Tây của Lý Văn Phức kể về chuyến công du đi dự cuộc thao diễn thủy quân ở Tiểu Tây

Dương. Lộ trình của chuyến du hành này bắt đầu từ ngày 18 tháng Giêng năm Canh Dần

(18 tháng 01 năm 1830) từ cửa biển Đà Nẵng (Việt Nam), qua đảo Côn Lôn (Việt Nam),

đến trấn Thiên Ca Bô (Singapore); trấn Ma Lặc Ca (Malacca, Malaysia); trấn Phì Năng

(Penang, Malaysia), và thuyền quân trú lại ở trấn Mạnh Nha Lạp và Vọng Cát Hà

(Calcutta, Ấn Độ), ngày 24 tháng 9 năm ấy thì về đến kinh đô Huế (Việt Nam). Như

nghĩa Hán – Việt ở nhan đề tác phẩm, bài văn ghi chép sự chứng kiến của tác giả về

những điều mình thấy được khi đi ra nước ngoài thành tập sách. Tác phẩm có ý nghĩa

như là sự biến chuyển của văn xuôi chữ Hán: vừa mang tính nguyên hợp (văn bản trình

bày theo lối ghi sử) vừa mang yếu tố thời đại, khi con người ý thức được giá trị và thể

55

hiện thái độ của mình trước cuộc sống (các hiện tượng của cuộc sống ở nước ngoài như:

trang phục, ăn uống, văn tự, lễ nghi, thời tiết, nhà cửa, xe cộ, tiền tệ, tàu thuyền, đặc sản

địa phương được thuật lại thông qua cái tôi của tác giả). Tây hành kiến văn kỉ lược đã

vượt qua qui phạm “thông chí” của văn bản “sứ trình” để tiếp cận với văn “kí hành”,

một lối hành văn phản ánh hiện thực thông qua cảm quan cá nhân đã tạo ra nét độc đáo

của tác phẩm, mà sự độc đáo này có ý nghĩa “không chỉ riêng của Lý Văn Phức mà còn

độc đáo với loại hình kí Việt Nam thời trung đại” [38].

Tính chất “kí hành” được phát huy trong những tác phẩm của Phan Huy Chú,

Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản,... Hải trình chí lược của Phan Huy Chú không theo

hình thức “biên niên” và lối kết cấu “chương mục” như Tây hành kiến văn kỉ lược của

Lý Văn Phức mà là sự thể hiện theo cấu trúc “lộ trình” của loại văn “địa chí” để thể hiện

sự quan sát cảnh vật, địa danh qua cảm quan khoa học về địa lí, lịch sử những nơi tác

giả đã đi qua trong chuyến hành trình.

Thời gian Phan Huy Chú ở lại Giang Lưu Ba (Batavia) là lâu nhất trong chuyến

hành trình. Viết về Giang Lưu Ba, tác giả đã ghi chép khá chi tiết về nhiều phương diện,

từ lịch sử, địa lý, tình hình xã hội, quân sự, pháp luật, tiền tệ, khoáng sản – tài nguyên

đến khí hậu, thực phẩm, y phục, chữ viết, lịch pháp, xe cộ, máy móc, nông thôn, đô thị,

chợ búa, tập tục… Những ghi chép của Phan Huy Chú trong Hải trình chí lược không

phải là những “thông liệu” mà là một phương thức “khách quan hóa” của kiểu hành văn

du kí như L. Tr. Kelley nhận xét: “Họ "khách quan" ghi lại các sự kiện của chuyến đi

của họ, sau đó chủ quan nhận xét về kinh nghiệm của họ”[89, tr.13].

Như Tây sứ trình nhật kí của Phạm Phú Thứ vừa được xem là tập tài liệu có giá

trị lịch sử vừa được xem là: “tập du ký đầu tiên của người Việt viết về sinh hoạt của

một số nước phương Tây (Pháp, Tây Ban Nha, Ý)” [44]. Như Tây sứ trình nhật kí sau

này in ra thành ba quyển (thượng, trung, hạ) đặt tên là Tây hành nhật kí với mục đích

dâng lên vua để thuyết phục triều đình mạnh dạn mở cửa để phát triển kinh tế và học

tập khoa học kĩ thuật Tây phương đặng tự cường [81]. Tác phẩm viết theo lối “kí hành”

ghi lại những cột mốc của hành trình cùng với những sự kiện mà tác giả chứng kiến.

"Quyển trung" và "Quyển hạ" của Như Tây sứ trình nhật kí chủ yếu miêu tả chi tiết

những gì tác giả quan sát được cuộc sống, xã hội, kinh tế những nước phương Tây mà

tác giả đặt chân đến. Vì thế, lối văn trong tác phẩm giống như "sử kí" trong bản “sứ

trình” đã chi phối cấu trúc của tác phẩm.

Nhìn chung, du kí viết bằng chữ Hán ở Việt Nam trong giai đoạn thế kỉ XVIII -

XIX chịu ảnh hưởng của hai yếu tố: sự biến đổi của xã hội Việt Nam và sự ảnh hưởng

56

của văn hóa, văn học Trung Hoa. Điều kiện lịch sử thay đổi, sự giao lưu quốc tế được

cải thiện đã tạo cơ hội cho những quan lại, trí thức có những chuyến đi đến các nước

trong khu vực và phương Tây là điều kiện để du kí phát triển. Tuy nhiên, môi trường

văn hóa, văn học Việt Nam giai đoạn này còn chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung

Hoa nên vẫn có sự chi phối đến du kí chữ Hán. Về hình thức thể loại, các tác phẩm du

kí viết bằng chữ Hán ở Việt Nam có nhiều điểm giống với du kí Trung Quốc truyền

thống, “đó là một biến thể đặc biệt của văn bản trong văn học Trung Quốc ở chỗ nó kết

hợp cả hai bài: thơ và câu chuyện” [95, tr.12].

Bên cạnh du kí viết bằng chữ Hán, đã xuất hiện một số tác phẩm du kí viết bằng

chữ Nôm như: Tây phù nhật kí của Tôn Thọ Tường (1825 - 1877), Như Tây kí (1864)

của Ngụy Khắc Đản (1817 - 1873), Hương Sơn nhật trình của Chu Mạnh Trinh (1862 -

1905)...

Tính chất “sử kí” trong những tác phẩm du kí viết bằng chữ Nôm không còn quan

trọng mà nó phụ thuộc vào cảm quan của tác giả về đối tượng trên lộ trình của chuyến

đi với những xúc cảm của tác giả về sự kiện và cảnh vật. Như Tây kí là tác phẩm văn

xuôi chữ Nôm tập trung vào việc khảo cứu các vấn đề về nước Pháp mà Ngụy Khắc Đản

dựa vào lời kể của A-tô-măng (Atomant) một sĩ quan Hải quân Pháp thạo tiếng Việt có

nhiệm vụ hộ tống sứ bộ trong thời gian ở Pháp, cộng với sự quan sát trực tiếp của chính

bản thân tác giả làm nguồn tư liệu chính để viết nên tác phẩm. Với một thái độ làm việc

nghiêm túc và khoa học, Ngụy Khắc Đản đã trình bày khá đầy đủ, chính xác về các mặt

văn hoá, chính trị, kinh tế của nước các nước mà ông đặt chân đến vào thời kỳ ấy. Những

tác phẩm chữ Nôm như Tây phù nhật kí, Hương Sơn hành trình được viết bằng thơ mở

đầu cho du kí sáng tác bằng thể thơ dân tộc.

Ngoài những tác phẩm viết về những chuyến đi dài ngày theo kiểu “trường thiên”,

du kí chữ Hán trong giai đoạn này còn có những tác phẩm văn xuôi ngắn viết về những

chuyến đi chơi đến những nơi danh lam, thắng cảnh ở trong nước. Đó là những tác phẩm

như Tam Kiều nguyệt dạ du kí (1805) của Ngô Thị Hoàng (? - ?), Du Phật Tích sơn kí

(1796) của Phạm Đình Hổ (1768 – 1839), Tam Ngô du kí của Nguyễn Văn Siêu (1799

– 1872),...[2]. Những bài du kí ngắn này gần với tản văn hơn là dạng văn kí hành bởi vì

tác giả chủ yếu bộc lộ cảm xúc của mình trước cảnh vật.

Trong giai đoạn này cũng đã xuất hiện du kí viết bằng chữ Quốc ngữ như: Sách

sổ sang chép các việc (1822) của Philipphê Bỉnh (1759 - 1832), Chư quấc thại hội

(1889) của Trương Minh Ký (1855 - 1900), Chuyến đi Bắc Kì năm Ất Hợi (1886) của

Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898),...

57

Sau cuốn Sách sổ sang chép các việc của Philipphê Bỉnh, Chư quấc thại hội của

Trương Minh Ký được xem là tác phẩm du kí thứ hai viết bằng chữ Quốc ngữ với thể

thơ dân tộc. Tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh năm 1889, Trương Minh Ký được cử làm

thông ngôn cho phái đoàn Triều đình Huế đi sứ sang Pháp tham dự Hội Đấu xảo tại

Paris. Có thể ông không muốn bắt chước những người đã từng viết về những chuyến du

hành sang các nước phương Tây nên ông chọn hình thức “cảm tác hành trình” bằng thơ

để thể hiện những trải nghiệm của mình. Tác phẩm này đã đăng nhiều kì trên Gia Định

báo (từ tháng 5 đến tháng 11 năm 1890) với các nhan đề, có số báo ghi là Như Tây nhật

trình, có số báo ghi là Chư quấc thại hội. Chuyện đi Tây được kể lại một cách dân dã

bằng thơ của thể thơ dân gian song thất lục bát đã làm cho tác phẩm này thoát khỏi hình

thức “sứ trình” để bộc lộ thái độ, cảm xúc của tác giả về cuộc sống ở nơi mình đến, suy

ngẫm về cuộc sống ở đất nước mình.

Tiếp nối du kí viết bằng chữ Quốc ngữ thế kỉ XIX là Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất

Hợi (Voyage au Tonkin en 1876) của Trương Vĩnh Ký, đăng lần đầu vào năm 1881 tại

nhà hàng Guilland et Martinon bằng chữ Quốc ngữ. Tác phẩm có ý nghĩa nối tiếp truyền

thống du kí Việt Nam với sự tiếp nhận du kí của thời đại. Vẫn mang một số đặc điểm

của du kí chữ Hán như cách biên khảo địa chí, kết hợp kể chuyện và ứng tác thơ, nhưng

Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi đã mang dáng dấp của tác phẩm du kí hiện đại thể hiện

trên kết cấu của tác phẩm theo cấu trúc hành trình về những nơi tác giả đi qua có danh

lam và thắng tích, sự quan sát tinh tế kết hợp với vốn tri thức phong phú để miêu tả đối

tượng,... Có thể nói, với Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi, Trương Vĩnh Ký đã đặt nền

móng cho du kí hiện đại Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.

2.2.3. Giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX

Giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX được xem là thời kì rực rỡ nhất của du kí Việt Nam.

Đội ngũ sáng tác du kí giai đoạn này không phải là những nhà ngoại giao, nhà hành đạo

có những cuộc hành trình lớn đi ra nước ngoài hay xuyên Việt mà là những nhà báo,

nhà văn, du học sinh có những cuộc hành trình với mục đích đi khác nhau, cho ra đời

nhiều tác phẩm du kí với nhiều phong cách khác nhau đã làm nên sự rực rỡ và bề thế

của du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.

Du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX phát triển trong bối cảnh lịch sử và văn học

có những chuyển biến mạnh mẽ. Chính sách khai thác thuộc địa của người Pháp ở Đông

Dương, trong đó có việc mở mang đô thị, phát triển giao thông và du lịch đã tạo điều

kiện cho nhiều người thực hiện những cuộc hành trình đến nhiều nơi khác nhau. Mặt

khác, sự kì thị văn hóa và chủng tộc, thái độ đối xử của người Pháp với nước thuộc địa

58

buộc người trí thức Việt Nam phải có phản ứng tự vệ bằng thái độ coi trọng và bảo tồn

văn hóa dân tộc. Những cuộc đi chơi, đi thăm các đền đài, chùa chiền, di tích văn hóa

lịch sử của đông đảo nhà báo, nhà văn viết du kí là một cuộc hành trình trở về cội nguồn,

làm sống dậy các giá trị của dân tộc bị bỏ quên bằng văn học. Những chuyến công du

hay du lịch nước ngoài của đội ngũ trí thức Việt Nam đã được gắn thêm mục đích khảo

sát văn hóa, giáo dục quốc dân, và cũng là cơ hội để người trí thức Việt Nam lựa chọn

cho mình điểm tựa để nhìn lại phong cảnh đất nước, văn hóa và lịch sử dân tộc. Đây

cũng là giai đoạn mà văn học và báo chí Quốc ngữ phát triển mạnh mẽ và đồng hành

với nhau. Cùng với sự phát triển này là phong trào dịch thuật. Nhiều tác phẩm du kí chữ

Hán và chữ Pháp được dịch và đăng trên các tạp chí, nhiều nhất là ở Nam Phong.

Du kí Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX trải qua các bước phát triển như

sau:

- Từ 1900 đến 1917

Trước khi tạp chí Nam Phong ra đời, du kí đã xuất hiện trên các báo và tạp chí

như Gia Định, Đông Dương với hình thức đăng lại những tác phẩm du kí trong quá khứ

của các tác giả như Trương Minh Ký, Chu Mạnh Trinh.

Tác phẩm du kí xuất hiện đầu tiên ở giai đoạn này là Hương Sơn hành trình của

Nguyễn Văn Vĩnh. Tác phẩm viết trong dịp đến thăm thắng cảnh nổi tiếng của đất nước

bằng văn xuôi, được đánh giá là “một bài kí rất hay, xưa nay chưa có bài thăm Hương

Sơn nào viết hay như thế” [70]. Hương Sơn hành trình được đăng trên Đông Dương tạp

chí ở các số 41, 42, 43, 44, 45. Đây cũng là bài du kí đầu tiên viết bằng tiếng Pháp và

cũng là bài du kí đầu tiên được tái bản, như lời Nguyễn Văn Vĩnh giới thiệu:

“Năm 1909, tôi có đăng vào báo chữ Tây “Notre Journal” của tôi in ra, một bài hành

trình đi chùa Hương. Nay nhân độ đi chùa, thiên hạ nô nức đi cầu phúc, mỗi ngày hàng

nghìn hàng vạn con người; tôi đọc lại bài ấy thấy hãy còn hợp cảnh tượng nhiều, tưởng

nên dịch ra quốc văn mà đăng vào đây, để các khách đi chùa, xem cho tiêu khiển và đối

văn với cảnh, xem có chỗ nào ta cùng ngụ một ý, hoặc chỗ nào mắt tôi có trông sai, xin

các ngài bỏ thêm hoặc chữa đi cho” (Đông Dương, số 41, tr.12).

Hương Sơn hành trình của Nguyễn Văn Vĩnh được viết theo cấu trúc tự sự, thể

hiện sự quan sát và khả năng bao quát khung cảnh của tác giả trong suốt hành trình. Tuy

nhiên, phần cuối của tác phẩm tác giả phản ánh hiện thực của khung cảnh người đi chùa

trong đôi mắt của một nhà báo.

“Tôi đứng ngắm chán chê hai chỗ núi các Cậu và các Cô, thấy hàng trăm hàng nghìn

người đàn bà liên tiếp nhau, người nọ đội người kia mà trèo lên ngọn cái thang tre, rẩy

59

nhau, cãi nhau, chửi nhau bô bô mà rành nhau lên trước, thì lấy làm một trò tiêu khiển

kỳ khôi quá, dừng xem chán rồi cũng phải liệu mà trở ra chùa ngoài...” (Đông Dương,

số 44, tr.35).

Mặc dù không có nhiều tác phẩm du kí, hạn hẹp về đề tài, nhưng những bài du kí

ở giai đoạn này chính là sự khơi nguồn cho dòng chảy ngày càng mạnh mẽ của du kí

giai đoạn sau.

- Từ 1918-1934

Mặc dù Đông Dương đã đăng một số tác phẩm du kí từ năm 1914, nhưng Nam

Phong là nơi đăng nhiều tác phẩm du kí nhất, bởi người chủ nhiệm, đồng thời chủ bút

của nó là một cây bút du kí xuất sắc lúc bấy giờ. Trong 17 năm tồn tại (7-1917 đến 12-

1934), với 210 số, Nam Phong, đã có hơn 120 số báo có đăng tác phẩm du kí, có những

số đăng từ 2 đến 3 bài như ở các số: 23, 28, 48, 57, 63, 66, 68, 69, 77, 80, 83, 85, 90, 91,

93, 94, 100, 102, 108, 109, 157, 163.

Du kí trên Nam Phong khá phong phú. Có những thiên du kí đăng thành nhiều

kì, thuật chuyện du lịch đến nhiều nơi trên thế giới trong thời gian khá dài. Có nhiều bài

du kí viết về hành trình ngắn như: xem cảnh quan, thăm thắng tích, đến một địa phương

ít người biết,… được viết thành những bài ngắn, giàu xúc cảm và suy tư của tác giả

trước cảnh đẹp và lịch sử nước nhà.

Một tạp chí khác ở Nam Bộ đăng du kí nhiều kì là Phụ nữ Tân văn. Thiên du kí

Sang Tây – Mười tháng ở Pháp của Phạm Vân Anh (Đào Trinh Nhất) kể về chuyến đi

Pháp trong mười tháng của một cô thiếu nữ với những cảm nhận về đất nước, con người,

cuộc sống, sinh hoạt, văn hóa ở nước Pháp. Thiên du kí này được đăng từ số đầu tiên

của tạp chí Phụ nữ Tân văn (5/1929) đến tháng 3 năm 1931, nhưng không liên tục. Ngoài

ra, tạp chí này còn có một tác phẩm khác viết về chuyến đi ra nước ngoài của Cao Văn

Chánh là Đáp tàu André Lebon (Phụ nữ Tân văn, số 3). Tạp chí An Nam đăng hai bài

du kí của Tản Đà: Một sự đi chơi Laokay (số 25), Mấy bước đường rừng (số 32).

Mặc dù không nhằm quảng bá du lịch nhưng du kí trên Nam Phong như là một

cuộc tổng điều tra về vẻ đẹp non nước. Trong bài Cùng các phái viên Nam Kì Phạm

Quỳnh có viết: “Thiệt không ngờ giang sơn nước Nam cẩm tú như vầy. Là bởi xưa nay

chưa đi khắp nên chưa biết, chưa biết bờ cõi nước ta to rộng, nhân dân nước ta đông đảo

là dường nào” (Nam Phong, số 32, tr.156). Ngoài một số ít các bài không có tên địa

danh trong nhan đề như: Hạn mạn du ký (Nguyễn Bá Trác), Đi tàu bay (Phan Tất Tạo),

Ngày xuân chơi núi (Đạm Phương), Tết chơi biển (Trúc Phong), còn lại là các bài mang

tên các địa danh, thắng tích, di tích lịch sử. Bức tranh non nước hữu tình của đất nước

60

Việt Nam qua từng trang du kí: hồ Ba Bể, núi Ngự Bình, núi Bà Nà, núi Phát Tích, núi

Dục Thúy, núi Ngũ Hành Sơn, sông Hương, sông Nhuệ, vịnh Hạ Long,... cho đến những

danh lam nổi tiếng như: chùa Thầy, chùa Hương,... những nơi có thắng cảnh nổi tiếng

như: Phú Quốc, Hà Tiên, Lạng Sơn, Cao Bằng,... những nơi di tích văn hóa và lịch sử

như: Bắc Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Hải Dương, Tuyên Quang, Huế, Quảng Xương,

Quảng Yên, và cả những địa danh ít người biết đến như: Sài Sơn, làng Thượng Cát, làng

Hữu Thanh Oai, Tây Đô, Thất Khê, Tử Trầm Sơn, Ngọc Tân,... nhờ đó mà khi đến với

du kí, mọi người càng thêm yêu đất nước mình.

Bên cạnh các tác phẩm du kí viết trong các cuộc hành trình trong nước còn có

nhiều tác phẩm du kí viết về cuộc hành trình đến các nước trên thế giới. Ngoài những

bài du kí “đi Tây” của Phạm Quỳnh, Phạm Vân Anh, Cao Văn Chính còn có nhiều bài

du kí “đi Đông” là các nước: Trung Quốc (Nam Tống du đàm của Trần Thuyết Minh),

Thái Lan, Nhật Bản, Hương Cảng, Thượng Hải, Tứ Xuyên (Hạn mạn du kí của Nguyễn

Bá Trác), Lào (Ai Lao hành trình của Trần Quang Huyến, Du lịch xứ Lào của Phạm

Quỳnh), Ai cập (Câu chuyện đi chơi nước Ai cập của Tân Đình), ...

Giai đoạn này, trong sáng tác du kí đã nổi lên một số đặc điểm vừa mang yếu tố

truyền thống vừa mang tính hiện đại. Qua một số tác phẩm của các nhà văn Hán học

trong du kí Việt Nam đầu thế kỉ XX, có thể thấy được sự ảnh hưởng của văn học chữ

Hán ở vào giai đoạn văn học Quốc ngữ đang hình thành và phát triển. Đây không phải

là tàn tích của văn chương cũ mà là sự tiếp nối mang tính truyền thống của du kí để tạo

ra sự đa dạng về phong cách thể loại. So với du kí thế kỉ trước, du kí Việt Nam nửa đầu

thế kỉ XX đã có những chuyển biến mạnh mẽ, mang tính hiện đại. Tính hiện đại này thể

hiện qua các yếu tố: chất liệu, thi pháp, phong cách, trào lưu sáng tác,…

Sự phát triển của du kí chữ Quốc ngữ không phải loại trừ các yếu tố truyền thống

như một số thể loại văn học khác nửa đầu thế kỉ XX mà trái lại chính yếu tố truyền thống

và hiện đại đã làm nên sự phát triển của du kí. Nếu như du kí chữ Quốc ngữ thế kỉ XVIII

- XIX khước từ các yếu tố Hán, cái đã làm cho nó xa dần với văn chương truyền thống

thì du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX đã giữ lại những nét truyền thống để trở thành bộ

phận văn học dân tộc mang tính kết nối trong hành trình hiện đại hóa văn học. Mặt khác,

kế thừa truyền thống văn học dân tộc, tiếp cận sớm với báo chí, du kí Việt Nam đã tạo

ra cho mình một phong cách riêng để không bị hòa tan vào các thể loại khác.

Sự vận động của thể loại du kí Việt Nam đầu thế kỉ XX đã góp phần làm nên đặc

trưng thi pháp thể loại của nó. Du kí viết về những cuộc hành trình đi đến các nước châu

Âu và châu Á của các phái bộ khi công du ở thế kỉ trước còn mang nhiều yếu tố của văn

61

tư liệu thì sang thế kỉ XX đã trở thành những cấu trúc thẩm mĩ. Dòng du kí viễn du, như

cách gọi của Nguyễn Hữu Sơn [61], không những góp phần làm mới nội dung du kí nhờ

sự tiếp xúc văn hóa, văn học mà còn đưa đến sự cách tân thể loại của du kí Việt Nam.

- Từ 1935 -1945

Từ năm 1933, du kí trên Nam Phong thưa dần, cho đến bài Tết chơi biển của Trúc

Phong đăng ở số 207, tháng 9 năm 1934 là kết thúc. Khi Nam Phong ngừng bản, du kí

vẫn tiếp tục được đăng trên các tạp chí như: Loa, Tri Tân, Thanh Nghị, Nam Kì tuần

báo, báo Phong Hóa, báo Tao Đàn, và nhiều nhất là Tri Tân.

Du kí trên Tri Tân không phong phú như Nam Phong mà chủ yếu là du kí văn

hóa (cuộc hành trình về thăm các di tích văn hóa, lịch sử và các địa danh văn hóa).

Những tác phẩm du kí viết trong các cuộc viếng thăm các di tích lịch sử với ý nghĩa về

“về nguồn” như: Dâng hương đến Kiếp của Hoa Bằng và Cách Chi, Đền Kiếp Bạc của

Nguyễn Duy Trinh, Dâng hương Miếu Hát của Hoa Bằng, Núi Yên Phụ và động Kính

Chủ nơi đền thờ đức Anh Sinh Vương Trần Liễu và nơi đọc sách của cụ Phạm Sư Mạnh

của Nguyễn Đan Tâm, Cuộc hành hương đền thờ cụ Nguyễn Trãi của Vô Ngã, Một cuộc

hành hương (đi thăm Tức Mặc, quê cũ nhà Trần) của Lê Thanh và Trúc Khê, Một vài

kiến văn trong dịp đi thăm làng Bối Khê của Vu Ngã, Thăm dấu người xưa: quê hương

bà Lê Thái Hậu sinh ra vua Lê Hiển Tông của Tiên Đàm, Thăm cảnh Hoa Lư của Phái

Sinh,… Du kí trên Tri Tân còn có những tác phẩm có ý nghĩa khảo cứu văn hóa dân tộc

như: Am Tiên của Hoàng Minh, Ban Mê Thuột, Hai tháng ở gò Óc Eo của Biệt Lam

Trần Huy Bá, Bốn năm trên đảo Cac-ba của Vân Đài, Indrapura (Đồng Dương), Thiên

Y A Na của Mãn Khánh Dương Kỵ, … Khảo cứu phong tục của những dân tộc ít người

có các bài du kí của Thái Hữu Thành: Giống Mọi ở Đồng Nai thượng, Ngãi Mọi, Mười

lăm ngày với Mọi có đuôi, Mọi “Xà niên”,… đăng trên tuần báo Nam Kì.

Các tác giả du kí đưa người đọc đến thăm những nơi tưởng nhớ đến tiền nhân

như: thăm đền Kiếp Bạc (Nguyễn Duy Linh), thăm làng Nhị Khê nơi đền thờ Nguyễn

Trãi (Vô Ngã), đến núi Yên Phụ và động Kính Chủ, nơi đền thờ của đức Trần Liễu và

nơi đọc sách của cụ Phạm Sư Mạnh (Nguyễn Đan Tâm), đi thăm Tức Mặc quê cũ nhà

Trần (Lê Thanh và Trúc Khê), thăm làng Thọ Vực ở Bắc Ninh, quê hương của bà Lê

Thái Hậu (Tiên Đàm), thăm cảnh Hoa Lư (Khái Sinh), dâng hương ở đền Miếu Hát để

tưởng nhớ Hai Bà Trưng (Hoa Bằng)...

Các nhà văn du kí còn giúp người đọc khám phá những vùng đất lạ của đất nước

như: Ban Mê Thuột, gò Óc Eo (Biệt Lam Trần Huy Bá), LaoKay (Tản Đà, Nhật Nham),

Indrapura – Đồng Dương, đền thờ thánh mẫu Thiên Y A Na ở thượng nguồn sông Hương

62

(Mãn Khánh Dương Kỵ), miền thượng du tỉnh Đồng Nai (Thái Hữu Thành), Mường

Châu (Nguyễn Thiệu Lâu),... Mảng du kí này đã mang đến sự mới lạ cho độc giả về

cuộc sống, sinh hoạt, tập tục của những tộc người mà thời bấy giờ ít người biết đến nên

khinh miệt họ (gọi là “Mọi” đối với dân tộc thiểu số miền núi, gọi là “Hời” đối với người

dân tộc Chăm).

Các nhà văn du kí còn tham gia vào sự cỗ vũ du lịch như các tuyến: Từ Hà Nội

đến Ba Bể (Nhật Nham), từ Hà Nội đến Toulouse (Phạm Huy Thông), Hà Nội đến Viên

(Vũ Nhật),...

Cùng với sự biến chuyển đề tài, du kí giai đoạn này có sự thay đổi về hình thức

thể loại để tạo ra đặc điểm trong một giai đoạn; có thể khái quát thành 3 đặc điểm sau:

- Sự vắng bóng của du kí trường thiên và gia tăng du kí khám phá văn hóa tộc

người, chiêm ngưỡng những vùng đất lạ bằng những tác phẩm đậm chất phóng sự.

- Sự xuất hiện nhiều bài du kí ngắn với sự gia tăng yếu tố trần thuật và giảm đi

yếu tố biểu cảm, xa dần yếu tố Hán, tăng thêm chất kì ảo cho hình tượng và ngôn từ.

- Xu hướng lan tỏa sang các thể loại khác ngày càng nhiều, nhất là đối với truyện

vừa và tiểu thuyết. Những trường hợp như: Đi Tây của Nhất Linh, Một chuyến đi của

Nguyễn Tuân, Mọi rợ, Một buổi săn đêm của Lan Khai,... đều là những tác phẩm du kí

có yếu tố “truyện”, một số trường hợp sự hư cấu đã lấn át “kí” trong phương thức trần

thuật và xây dựng hình tượng.

Những tờ báo và tạp chí khác như: An Nam, Tiểu thuyết thứ năm, Loa, Thanh

Nghị, Tiểu thuyết thứ bảy, Tao Đàn, Phong hóa, Thời vụ,… đều có đăng tác phẩm du kí

nhưng không nhiều và không có chuyên mục như Nam Phong và Tri Tân.

Sự phát triển của du kí Việt Nam giai đoạn này có sự góp sức của báo chí và du

lịch. So với các thể loại khác, lực lượng sáng tác du kí nửa đầu thế kỉ XX là cả một đội

ngũ bao gồm: nhà báo, nhà văn, học sinh, du khách, quan chức chính quyền,… Nhưng

lực lượng chủ chốt vẫn là các nhà báo, nhà văn. Họ là những người được đi nhiều nhất,

có ý thức về trách nhiệm bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc và có khát vọng

canh tân đất nước.

Mặc dù có nhiều tác phẩm có qui mô lớn, gắn liền với các cuộc hành trình xa xôi

nhưng cái tạo nên đặc điểm mang tính đặc trưng của du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX

là du kí văn hóa. Với lực lượng sáng tác đông đảo, cùng với sự đa dạng của các cuộc

hành trình trong nước để đến các địa danh ít người biết đến, thăm danh lam thắng cảnh,

di tích văn hóa, lịch sử,… du kí nửa đầu thế kỉ XX như là một cuộc tổng điều tra về đất

63

nước, con người Việt Nam. Trong hoàn cảnh của một nước có trình độ dân trí thấp, điều

kiện đi lại khó khăn, du kí đã đem đến cho quốc dân sự nhận thức và lòng tự hào về sự

rộng lớn của đất nước, sự giàu có về truyền thống văn hóa và lịch sử của dân tộc.

Phát triển trên các chặng đường của giai đoạn hiện đại hóa văn học dân tộc, du

kí là thể loại tiên phong không chỉ trong việc thể nghiệm chất liệu mới mà đã hình thành

nên nhiều phong cách góp phần làm phong phú và hiện đại thể loại du kí, góp phần đưa

văn xuôi Việt Nam tiến nhanh hơn trên con đường hiện đại hóa văn học.

2.2.4. Giai đoạn nửa sau thế kỉ XX (đến hết thập niên 80)

Từ sau năm 1945, bối cảnh lịch sử – văn hóa – xã hội Việt Nam có những biến

động mạnh mẽ. Những vấn đề về quốc gia, dân tộc được nói đến trong những tác phẩm

du kí trước đó thì đến thời điểm này đã được giải quyết bằng cuộc cách mạng Tháng

Tám. Những cuộc hành trình không phải mang tính cá nhân mà mang tính tập thể, không

phải vì mục đích chiêm bái cảnh vật hay du lãm mà là để thực hiện nhiệm vụ cách mạng.

Cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ có biết bao nhiêu con đường bị phá nhưng

cũng có nhiều con đường mới, kì vĩ hơn, độc đáo hơn được mở ra. Những cuộc hành

trình "Nam Tiến" có thể không đi theo những lộ trình của những nhà du kí như Phạm

Quỳnh, Mẫu Sơn Mục đã từng đến Nam Bộ như trước đây và cũng không mang theo

bút nghiên để viết du kí mà mang theo vũ khí, lương thực đến được nhiều nơi hơn để

viết nên những trang sử vẻ vang cho dân tộc. Trong tác phẩm Đường vô Nam, Nam Cao

đã nói lên quan niệm về "bệnh giang hồ", "thú đi", mục đích đi, nơi để đi đến. Ông phê

phán những người "đi chỉ để đi, đi chẳng đến đâu, mặc dù cuộc giang hồ vặt của họ là

đi đến xóm cô đầu…", và chê bai cái đi của những nhà văn không vì mục đích cao cả:

"Có những người có chỗ đến hẳn hoi nhưng họ lại lạc đường, thành thử họ đi chỉ có một

cái đích rõ ràng. Cái đích ấy hút họ đi rất chăm chỉ, rất say mê. Họ mải miết, can đảm, hăng hái

bước, bược không hề trầy chân trật gối ở dọc đường, bước chí chết đấy mà kết cục không đến

được nơi cần đến. Những nơi họ định tâm rằng phải đến, trái lại càng xa ra nữa, mà lại thiệt

riêng cho chính họ là cái thú đi la cà, vất vưởng…"

(Nam Cao - Đường vô Nam)

Hành trình của nhà văn trong thời đại cách mạng là đi đúng hướng, đúng lộ trình

của dân tộc, bởi "cả dân tộc dồn vào một con đường, ấy là con đường ra mặt trận, con

đường cứu nước, con đường vô Nam" (Nam Cao - Đường vô Nam). Những con đường

thuận lợi cho du lịch thì lại trở ngại cho kháng chiến. Vì thế, trong tác phẩm Trên những

con đường Việt Bắc, Nam Cao cũng thuật lại hành trình lên Việt Bắc tham gia kháng

chiến và đã ghi lại cảm nhận của mình "con đường tôi đi cũng tấp nập như con đường ở

64

dưới xuôi và khi đi sâu vào những con đường nhỏ, đi qua núi hoặc xuyên rừng tôi chỉ

nghĩ như qua đồng vắng, chỉ có gió bấc làm tôi hơi khó chịu" (Nam Cao). Hành trình

của nhà văn trong giai đoạn này không phải vì mục đích trải nghiệm bản thân hay khám

phá đất nước, con người ở nơi mới lạ mà là hành trình đi tìm lại chính mình trong thời

đại cách mạng. Tham gia cách mạng cũng là hành trình của nhà văn đi tìm khát vọng,

hành trình vượt qua thử thách:

"Rừng núi không có đường đi nhưng có hàng vạn lối đi. Từ ngày chúng ta phá

đường, thì con đường của ta lại tấp nập hơn. Nghĩ một tí thì lại thú vị lạ lùng. Trước

đây, đường nhựa, đường đá thênh thang, xe lửa, ô tô sẵn, những phương tiện xê dịch có

thiếu gì đâu mà cuộc đời của chúng ta ngừng trệ biết bao, kiếp sống của ta thật là thảm

hại. Từ ngày phá đường, hết tàu xe đến nay thì cả một dân tộc lên đường, cuộc sống lưu

thông (…). Đường phá, đường tắc nghẽn, nhưng dòng người vẫn cứ chạy như thường,

chạy lưu loát, mạnh mẽ, chưa bao giờ mạnh mẽ và lưu loát thế".

(Nam Cao - Trên những con đường Việt Bắc)

Thời đại cách mạng đã mang đến cho nhà văn một tầm nhận thức mới, không chỉ

vượt qua chính mình bằng không gian mà phải bằng tư tưởng. Nguyễn Tuân, từng là tác

giả của tác phẩm du kí Một chuyến đi khá nổi tiếng trước 1945, khi đến với cách mạng

ông không từ bỏ khát vọng "xê dịch", nhưng hành trình của ông trong thời đại cách

mạng đã mang một mục đích khác. Ông chỉ giữ lại khát vọng được đi, được tìm hiểu,

được khám phá, được đi tìm, nhưng không phải đi tìm thứ bình thường mà "đi tìm chất

vàng mười" ở nơi núi rừng Tây Bắc của Tổ quốc. Cảm hứng từ những trang du kí trong

Những chuyến đi đã truyền sang những trang bút kí viết về Tây Bắc mang một tư tưởng

mới hơn, cao đẹp hơn.

Tuy nhiên, cốt lõi của du kí vẫn mang yếu tố cá nhân, phương thức thể hiện cá

nhân nên không thể tồn tại song hành cùng với văn chương mang yếu tố sử thi được.

Mặc dù, trong nhiều bài bút kí, truyện ngắn, kí sự vẫn còn mang hơi hướng của du kí về

lối thuật chuyện, tả cảnh, bộc lộ cảm xúc trước cảnh vật nhưng đứng về mặt thể loại, du

kí giai đoạn này dường như đã vắng bóng.

Tóm lại, du kí giai đoạn này ngưng nghỉ nhưng không phải mất đi. Là thể loại

văn học khá linh hoạt, du kí có sức ảnh hưởng đến các thể văn xuôi tự sự khác rất lớn

đồng thời cũng dễ dàng hòa vào trong các thể loại khác gần với nó như tản văn, tùy bút,

truyện ngắn về cảm hứng và phương thức tự sự. Trong giai đoạn văn học phục vụ chiến

tranh, cái tôi cá nhân của chủ thể tạm thời rút lui để nhường chỗ cho cái ta chung với

những vấn đề lớn lao của dân tộc, những nhà văn đã từng viết du kí trước năm 1945 nay

65

cũng dễ dàng tìm được cảm hứng trong những chuyến đi thực tế để thực hiện nhiệm vụ

"chiến sĩ" của mình.

Mặt khác, từ sau năm 1945 đến thập niên 80 của thế kỉ XX, đất nước ta phải chịu

những cuộc chiến tranh liên miên và sự cấm vận của Mĩ, du lịch không có điều kiện phát

triển, du kí vì thế mà không có đất để sinh sôi. Văn học giai đoạn này phải cùng chung

sức với dân tộc gánh vác trách nhiệm lớn lao của lịch sử. Điều này cho thấy tính độc lập

của thể loại du kí và sự gắn bó mật thiết với du lịch làm cho loại hình sáng tác về sự đi

này không bị các trào lưu văn học cuốn theo.

2.2.5. Giai đoạn từ thập niên cuối thế kỉ XX đến nay

Sự trở lại của du kí Việt Nam bắt đầu từ thập niên cuối của thế kỉ XX, thời điểm

của Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế, trong bối cảnh những rào cản không gian

không còn bền vững, sự giao lưu và giao thương quốc tế trở nên vấn đề sống còn của

mỗi quốc gia, dân tộc. Du kí Việt Nam vận động trong dòng chảy của du kí thế giới, ở

vào giai đoạn mà du lịch, một ngành công nghiệp không khói đang khai thác mọi tiềm

năng để phát triển, trong đó du kí như là phương thức phản ánh hình ảnh văn hóa và tiếp

thị du lịch.

Du kí đương đại Việt Nam có mạch nguồn từ du kí nửa đầu thế kỉ XX. Nhiều tác

phẩm du kí ra đời trong những chuyến đi ngoại quốc đều là của các nhà báo, quan chức,

du học sinh, khách du lịch,... giống như những năm đầu thế kỉ XX. Nhà báo Trần Bạch

Đằng (1926 – 2007) đã mở đầu cho du kí Việt Nam đương đại vào những năm cuối của

thế kỉ XX bằng những bài viết về các chuyến đi của ông ra nước ngoài từ năm 1977 đến

năm 1999. Tập hợp những bài viết này, ông ra mắt bạn đọc tác phẩm Trần Bạch Đằng

– Du ký kể về sáu chuyến đi qua 19 quốc gia và lãnh thổ, có khi là thăm viếng ngoại

giao, có khi là trao đổi học thuật, nghiên cứu, có khi chỉ là đi nghỉ ngơi, du lịch… Dù đi

với mục đích nào thì tác giả cũng không bỏ qua cơ hội tiếp xúc, trò chuyện với con

người vùng đất nơi mình đến để tìm hiểu và so sánh với Việt Nam. Du kí của Trần Bạch

Đằng là sự ghi chép những điều mắt thấy tai nghe dưới con mắt quan sát tinh tế, sắc sảo

mang đến cho người đọc những cảm xúc mới và chia sẻ trải nghiệm với ông. Nhà báo –

nhiếp ảnh gia Trung Nghĩa cũng đã ra mắt bạn đọc hai cuốn du kí của mình: Sydney yêu

thương (2010) và Bí mật ở Cannes (2009).

Thị trường sách văn học Việt Nam cuối năm 2013 xuất hiện hàng loạt sách du kí.

Những tác phẩm thuộc thể loại du kí đã được xuất bản và tái bản liên tục như: Tôi là

một con lừa (5/2013) của Nguyễn Phương Mai, Một mình ở châu Âu (2/2013) của Phan

Việt, Xách ba lô lên và đi (9/2012) của Huyền Chíp, Nước Ý, câu chuyện tình của tôi

66

(5/2012) của Trương Anh Ngọc... Đội ngũ sáng tác trẻ này còn có cả những tác giả sống

ở nước ngoài chia sẻ những trải nghiệm về con người và đất nước Việt như: Một mình

trên đường và Ngã ba đường (4/2013) của nữ nhà văn Việt kiều Lệ Tân Sitek, Đảo

Tường Vi (2006) của An Ni Bảo Bối. Tác phẩm được nhiều người quan tâm là John đi

tìm Hùng (2013) của Trần Hùng John là cuốn sách ghi lại hành trình và những cảm nhận

chân thật trong 80 ngày xuyên Việt của chàng trai trẻ. Sự thành công của những cuốn

sách du kí không phải bằng văn phong tinh tế hay những câu chuyện mới lạ mà nó cuốn

hút độc giả bởi những trải nghiệm thực và những góc nhìn độc đáo từ một cây viết không

chuyên.

Du kí đương đại Việt Nam là sự lên ngôi của những cây bút nữ. Mỗi người có

những chuyến đi đến những nước khác nhau và sự trải nghiệm khác nhau nhưng giống

nhau là để khẳng định bản lĩnh của mình, những cây bút nữ đã có những tác phẩm mang

phong cách cá nhân.

Ngô Thị Giáng Uyên với Ngón tay còn thơm mùi oải hương (2006) đã thuật lại

câu chuyện mang ý nghĩa như là một kỉ niệm thời du học Anh của tác giả, với những

cảm xúc của một người trẻ tuổi khi quan sát những nơi mình đặt chân đến (Anh, Áo, Bỉ,

Đức, Hà Lan, Hi Lạp, Liechtenstein, Pháp, Scotland, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy

Sĩ, xứ Wales, Ý).

Dương Thụy (1975), là cây bút nữ khá nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam, sáng tác

từ năm 1997, đến nay đã ra mắt bạn đọc hàng chục tác phẩm, và là người giành được

nhiều giải thưởng văn học. Trong những tác phẩm được tái bản nhiều lần, có các tác

phẩm du kí, như: Venise và những cuộc tình Gondola (2009), tái bản 6 lần. Venise và

những cuộc tình Gondola là tác phẩm du kí được viết theo kiểu nhật kí hành trình trong

cuộc hành trình khám phá 11 nước châu Âu (Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Úc, Bồ Đào Nha,

Tây Ban Nha, Thuỵ Sĩ, Bỉ, Áo, Luxembourg) nhưng nổi bật nhất là những tình cảm trìu

mến của tác giả dành cho nước Pháp.

Trần Thị Khánh Huyền (1990) với bút danh Huyền Chíp đã từng làm cho dư luận

xôn xao bằng tác phẩm Xách ba lô lên vai và đi (gồm 2 tập: Tập 1: Châu Á là nhà. Đừng

khóc (1012), Tập 2: Đừng chết ở châu Phi (2013)).

Bạn đọc yêu thích những trang du kí của các cô gái, không phải bởi các cô gái

trẻ có những cuộc trải nghiệm thực, hấp dẫn du khách trong thời đại du lịch mà là mỗi

trang viết của họ là những khát vọng, đam mê toát ra từ mỗi nhân cách không ai giống

ai. Bên cạnh những tác phẩm đã nói trên đây còn có những tác phẩm của các tác giả nữ

khác như: Hoàng Yến Anh, Bùi Mai Hương, Phan Việt, Nguyễn Phương Mai, Trương

67

Anh Ngọc,...mà mỗi tác phẩm của họ đều làm nên một phong cách riêng.

Sự lên ngôi của các cây bút nữ đầy cá tính này cho thấy sự vận động mạnh mẽ

của du kí Việt Nam trong sự tiếp nối du kí giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX, đồng thời là sự

phản ánh sự lên ngôi của những cây bút trẻ, mang bản lĩnh thời đại, biết lựa chọn cho

mình hướng đi khi đến với văn chương bằng chính cuộc đời của mình mà du kí các giai

đoạn trước đó không thể có được.

Trên cơ sở kế thừa và phát huy những tinh hoa du kí nửa đầu thế kỉ XX, du kí

đương đại đã bắt gặp những điều kiện thuận lợi như: sự mở rộng quan hệ ngoại giao và

giao lưu quốc tế trên nhiều phương diện, sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông

và công nghệ, đặc biệt là sự thay đổi vị thế của chủ thể: công dân của một nước Việt

Nam độc lập và thực hiện được khát vọng tự do, du kí bùng phát trở lại như là một tất

yếu.

So với du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, du kí đương đại hướng ngoại nhiều

hơn hướng nội, hướng đến du lịch khám phá nhiều hơn hành trình trở về cội nguồn văn

hóa, lịch sử dân tộc, được sự tiếp sức của các nhà xuất bản và nhà sách nhiều hơn báo

chí, hướng về tính hiện đại hơn là truyền thống, hoài cổ, tiếp cận với du kí của văn học

nước ngoài nhanh và nhiều hơn so với kế thừa tài sản của nó. Những sự khác biệt đã

minh chứng cho sự vận động không ngừng của thể loại du kí nói chung, du kí Việt Nam

nói riêng.

*

* *

Du kí là hiện tượng của lịch sử và là đối tượng mới của lí luận văn học. Điều làm

cho mọi người hoài nghi về du kí có thuộc loại hình nghệ thuật hay phi nghệ thuật, là

thể loại hay chỉ là tiểu loại đã được chúng tôi kiến giải qua một số đặc trưng về thể loại

của du kí và khẳng định: đặc điểm loại hình của du kí là văn xuôi tự sự. Tuy nhiên, du

kí là thể loại luôn luôn có sự biến đổi và sự biến đổi đó mang tính lịch sử. Nhằm làm rõ

những vấn đề lí thuyết thể loại du kí, chúng tôi còn sơ khảo lịch sử phát triển thể loại

của du kí Việt Nam qua các thời kì văn học. Những nghiên cứu ở trong chương này có

ý nghĩa cơ sở phương pháp luận để nghiên cứu đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ

XX.

68

Chương 3: ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG CỦA DU KÍ VIỆT NAM

NỬA ĐẦU THẾ KỈ XX

Cái làm cho mọi người dễ nhận diện du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX là sự

phong phú về đề tài và sự đa dạng của cảm hứng của nó. Nói cách khác, du kí có sức

hấp dẫn, làm cho người ta thích đọc nó hơn là nghiên cứu về nó. Mỗi tác phẩm du kí

không chỉ mang theo một cuộc hành trình của chủ thể mà còn là một bức tranh, một

cuốn phim tư liệu về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, danh lam thắng cảnh nơi

mà tác giả đến. Người đọc có thể chia sẻ những cảm xúc, tình cảm hay một quan niệm

nào đó về thế giới và cuộc sống mà tác giả gửi gắm trong mỗi trang du kí.

3.1. Sự phong phú về đề tài

Nói một cách khái quát, đề tài là phạm vi đời sống được miêu tả, phản ánh trực

tiếp trong tác phẩm văn học. Đối với du kí, tác phẩm tồn tại dựa trên nguyên tắc khách

quan của sự phản ánh hiện thực nên đề tài là phạm trù đặc trưng về nội dung của du kí.

Nói đến phạm vi phản ánh hiện thực trong tác phẩm du kí, không chỉ đơn giản là điều

"ghi chép" mà còn là sự miêu tả, thể hiện hiện thực có chủ đích. Nếu chỉ nói đến “sự đi”

thôi thì đó là sự di chuyển của con người từ không gian này đến không gian khác vốn

không có qui ước về giới hạn, đồng nghĩa với phạm vi hiện thực của du kí rộng lớn và

đa dạng. Những tác phẩm du kí mang các yếu tố tưởng tượng (fiction), không gian và

thời gian lại càng đa dạng và tinh vi hơn. Mặt khác, không phải bất cứ văn bản nào viết

về sự đi đều là du kí. Vì vậy, khảo sát về đề tài có ý nghĩa xác định đặc trưng thể loại

của du kí trên phương diện nội dung.

3.1.1. Đề tài khảo cứu văn hóa

Có thể nói, chưa bao giờ trong du kí Việt Nam, đề tài khảo cứu văn hóa như là

một cuộc tổng điều tra về văn hóa dân tộc rộng lớn như giai đoạn này. Phải chăng chính

sách thuộc địa của người Pháp đặt ra cho đội ngũ trí thức Việt Nam nhận thức về sự cần

thiết phải nhìn lại vấn đề văn hóa của dân tộc mình? Những năm đầu thế kỉ XX, trên các

báo đã xuất hiện thêm các mục thông tin về các vấn đề văn hóa dân tộc như phong tục,

tập quán, lối sống, sản xuất. Từ năm 1913 đến năm 1914, trên tạp chí Đông Dương,

Phan Kế Bính đã đăng các bài viết về phong tục tập quán của người Việt. Tập hợp các

bài báo này, năm 1915, ông ra mắt bạn đọc cuốn Việt Nam phong tục nổi tiếng. Trong

365 trang sách đó chứa đựng ba nội dung: phong tục trong gia tộc, phong tục hương

69

đảng, phong tục xã hội, mà theo ngôn ngữ khoa học dân tộc học hay văn hóa học ngày

nay, có thể phân loại ra thành các lĩnh vực: văn hóa sản xuất, văn hóa vật chất, văn hóa

xã hội, văn hóa tinh thần. Vấn đề văn hóa dân tộc trở nên tâm điểm của xã hội và được

giới trí thức đương thời quan tâm nên hàng loại tờ báo có chủ đề văn hóa ra đời như:

Nam Phong, Thanh Nghị, Tri Tân, Phong Hóa, Tao Đàn,… Các bài du kí viết về đề tài

khảo cứu văn hóa dân tộc trong giai đoạn này khá đa dạng và thể hiện trên nhiều lĩnh

vực khác nhau.

Ngoài những vấn đề có tính chất phổ quát về văn hóa người Việt được các báo

đăng tải, các nhà báo, nhà văn của chúng ta đã thực hiện những chuyến đi đến những

nơi đang tiềm ẩn về các giá trị văn hóa mà ít người biết đến. Về khảo cứu văn hóa cung

đình và các di sản văn hóa cung đình có các bài như: Mười ngày ở Huế của Phạm Quỳnh,

Các lăng điện xứ Huế của Nguyễn Đức Tánh,… Khảo cứu về truyền thống văn hóa có

các bài như: Qua chơi mấy nơi cổ tích đất Ninh Bình của Nguyễn Hữu Tiến, Cuộc xem

cổ tích miền Đông bắc Hải Dương và Cuộc quan phong làng Thượng Cát của Nguyễn

Đôn Phục, Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh của Nguyễn Đức Tánh, Lời cảm cựu mấy ngày

chơi Bắc Ninh của Nguyễn Đôn Phục, … Khảo cứu về các nền văn hóa cổ đại có các

bài như: Indrapura Đồng Dương và Thiên Y A Na của Mãn Khánh Dương Kỵ, Hai tháng

ở gò Óc Eo của Trần Huy Bá,… Giới thiệu địa danh văn hóa như: Tây Đô thắng tích

của Thiện Đình, Chơi Lạng Sơn – Cao Bằng và Một tháng ở Nam Kỳ của Phạm Quỳnh,

Định Hóa châu du ký và Thụy Anh du ký của Đặng Xuân Viện, Quảng Yên du ký của

Nhãn Vân Đình. Giới thiệu về địa danh lịch sử có bài như: Một buổi đi thăm đền Lí Bát

Đế của Phạm Văn Thư,... Thông qua những chuyến hành trình ngoại quốc, các nhà du

kí Việt Nam đã tìm hiểu về các nền văn hóa khác như Phạm Quỳnh với Pháp du hành

trình nhật kí, Phạm Vân Anh với Sang Tây - Mười tháng ở Pháp, Nguyễn Bá Trác với

Hạn mạn du ký, …

Trong du kí Việt Nam, có những tác phẩm, đề tài khảo cứu văn hóa gắn với mục

đích của cuộc hành trình, có những tác phẩm, đề tài khảo cứu văn hóa xuất hiện khi cuộc

hành trình đã xảy ra, tức là những điều mà tác giả gặp gỡ trên lộ trình của mình.

Trong những tác phẩm mang đề tài khảo cứu văn hóa, hiện tượng gặp gỡ văn hóa

cá nhân và giá trị văn hóa của đối tượng được khảo cứu khảo cứu như là một cách triển

khai đề tài trong tác phẩm. Vì thế, đối tượng được phản ánh trong tác phẩm du kí còn

phụ thuộc rất nhiều ở văn hóa cá nhân, tức là trình độ, nhận thức và thái độ ứng xử trước

70

các hiện tượng văn hóa mà tác giả tiếp xúc, chứng kiến.

Mười ngày ở Huế của Phạm Quỳnh có thể được xem là tác phẩm có đề tài khảo

cứu văn hóa mẫu mực của du kí Việt Nam. Mục đích của chuyến đi Huế và nội dung

chính của câu chuyện đi Huế trong cuộc hành trình này của Phạm Quỳnh là để xem cho

được lễ tế đàn Nam Giao. Vì thế, câu chuyện về lễ tế đàn Nam Giao được thuật lại như

là một cuộc khảo cứu văn hóa kinh thành và nghi lễ phong kiến mang tính truyền thống

của văn hóa Việt Nam. Câu chuyện hành trình được thuật trong Mười ngày ở Huế là sự

đan xen hai câu chuyện: chơi Huế và dự lễ tế đàn Nam Giao với tư cách là một nhà báo.

Câu chuyện kể về Huế trong tác phẩm tường thuật về các sự việc: xem đàn Nam Giao,

dự lễ, thăm cung điện và lăng tẩm. Những đối tượng mà tác giả nói đến trong câu chuyện

kể về Huế thuộc thuộc di sản văn hóa cổ truyền đang hiện hữu một cách sống động ở

ngay thời đương đại. Như sợ thời gian làm phai mờ đi những di sản văn hóa vật thể và

phi vật thể này, tác giả quan sát tỉ mỉ, miêu tả đối tượng từ nhiều hướng khác nhau: khi

thì bằng đôi mắt của người đi xem lễ để cố nhìn cho rõ "Hoàng-thượng ngồi trong loan-

giá, mặc áo vàng, chít khăn vàng…", khi thì "lấy đôi mắt triết học mà giải nghĩa Giao",

khi thì "lấy con mắt nhà mỹ học, nhà thi nhân mà xét"… Nhưng chi phối bởi cách nhìn

ấy là thái độ đối với những di sản văn hóa dân tộc đang đứng trước sự vô tình của thời

gian và người đời "Đổ nát đâu phải chữa đấy, đừng để cho rầm mục tường xiêu, nhưng

chữa không được làm sai qui-củ cũ" (Nam Phong, số 10). Lễ tế đàn Nam giao được thuật

lại trong du kí Phạm Quỳnh như là một chứng tích sống động về nghi lễ tế cáo trời đất

tôn miếu của triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử văn hóa dân tộc được văn học

lưu giữ.

Đề tài khảo cứu văn hóa trong Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh của Nguyễn Đức

Tánh với mục đích là để giáo huấn học trò bằng du lịch nên lộ trình đến nhiều nơi với

nhiều đối tượng được sắp xếp theo một trình tự: di vật văn hóa, danh nhân văn hóa, địa

danh văn hóa. Trong tác phẩm, tác giả không thuật hết toàn bộ lộ trình này mà chỉ lựa

chọn một số đối tượng trên lộ trình để kể lại, có cả câu chuyện đến thăm các di tích gắn

liền với các danh nhân văn hóa – lịch sử như: Nguyễn Du, Nguyễn Xí, Nguyễn Đình

Đắc, có cả câu chuyện đi chơi ngắm cảnh như: đi chơi Lam Thành, đi chơi phủ Diễn, đi

chơi động Lạc Sơn,… hay đi xem hội tại làng Hoành Sơn. Với cách thể hiện đề tài này,

tác phẩm du kí của Nguyễn Đức Tánh không bị sa vào lối văn ghi chép địa chí như một

số nhà văn đương thời.

71

Qua khảo sát những bài du kí có đề tài khảo cứu văn hóa, chúng tôi nhận thấy,

mỗi nhà văn có một cách tiếp cận với đối tượng văn hóa theo cách riêng của mình. Trên

phương diện nội dung, những tác phẩm du kí viết về các cuộc hành trình đến thăm và

khám phá các địa danh, di tích văn hóa đều mang ý nghĩa giáo dục. Đến với những di

tích văn hóa, viết về cảm nhận của mình qua sự gặp gỡ, tiếp xúc với các đối tượng văn

hóa các nhà du kí muốn trải nghiệm và kiểm nghiệm trình độ văn hóa của mình trước

sự đa dạng và giàu có của văn hóa cổ truyền dân tộc, đồng thời đem đến cho độc giả

những hiểu biết, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước.

3.1.2. Đề tài lịch sử

Du kí giai đoạn này còn có nhiều tác phẩm mang đề tài lịch sử. Tuy nhiên, khác

với đề tài lịch sử trong tiểu thuyết, du kí không nhằm dựng lại thế giới nhân vật và sự

kiện lịch sử mà chỉ hướng đến mục đích thông tin về các địa danh sử tích và giả định

rằng những nơi đó ít người biết, hoặc nếu có biết thì chưa tường tận. Với Bài kí chơi Cổ

Loa, Nguyễn Đôn Phục không nhằm khơi dậy triều đại An Dương Vương mà bằng cái

nhìn lịch sử để nhìn nhận lại nhân vật Mị Châu trong sự đối sánh với thái độ của nhân

dân. Bài kí chơi Bàn Thành và đền Hiển Trung của Trần Quang Hoàn đã đưa người đọc

đến nơi an nghỉ của vị tướng có công mở mang bờ cõi mà sử sách chưa nói đến. Vị thái

thú cai trị đất Giao Chỉ thời Bắc thuộc là Sĩ Tiếp 士燮 (bị gọi chệch tên là Sỹ Nhiếp),

ít sử sách nói đến đã được Nguyễn Trọng Thuật bàn đến trong một chuyến du lịch qua

bài Thăm lăng Sỹ Vương. Một số bài du kí mang ý nghĩa trở về cội nguồn dân tộc như:

Dâng hương đền Kiếp của Hoa Bằng và Cách Chi, Dâng hương đền miếu Hát của Hoa

Bằng, Một cuộc hành hương của Trúc Khê và Lê Thanh, Mấy nơi thắng cảnh có quan

hệ với Trần sử (Núi Yên phụ và động Kinh chù, nơi đền thờ đức An Sinh Vương Trần

Liễu và nơi đọc sách của cụ Phạm Sư Mạnh) của Nguyễn Đan Tâm, …

Nếu trong tiểu thuyết, đề tài lịch sử được tái hiện bằng phương thức mô phỏng

thì trong du kí, đề tài lịch sử được kết nối bởi hai yếu tố: quan sát và trải nghiệm. Hành

trình đến nơi có di tích lịch sử là hành trình mang ý nghĩa "về nguồn", mà ở đó, chủ thể

thông qua quan sát các hiện vật để thể nghiệm sự hiểu biết, nhận thức lịch sử của mình.

Vì thế mà trong du kí Việt Nam, đề tài lịch sử không tập trung phản ánh những gì gọi là

"chính sử" mà chỉ là "cận sử", những điều ít gặp trong sử sách mà chỉ nghe nói đến qua

những truyền thuyết trong dân gian. Chẳng hạn như đoạn sau đây trong tác phẩm Thăm

cảnh Hoa Lưu của Khái Sinh:

72

"Đền vua Đinh cũng cổ kính mà thấp, nhưng có vẻ rộng rãi phong quang hơn đền vua Lê.

Và cột đền sơn son thiếp vàng. Lúc giở (trở) ra, mưa càng nặng hạt, chúng tôi đành đứng

lại dưới mái hiên một lúc, trông ra làn cỏ lá cây ở ngoài đồng ruộng tưởng chừng như

ngọn cờ lau còn phấp phới đâu đây, trận gió thổi mạnh vào khe đá hốc vọng lại từng cơn

khác nào tiếng còi mục đồng ngày xưa của vua Đinh đã chơi giỡn cùng lũ trẻ chăn trâu

còn đương bên tai văng vẳng" (Tri Tân, số 41, tr.21).

Miêu tả trong du kí là tái hiện sự vật, sự việc, con người thông qua tư tưởng.

Đoạn văn của Khái Sinh mang tính so sánh lịch sử giữa hai vị vua của hai triều đại Đinh

và Lê. Vua Đinh không phải là người xuất thân từ hoàng tộc nhưng có công thống nhất

đất nước, xây dựng nhà nước phong kiến tập quyền, lập nên kinh đô Hoa Lư, kinh đô

đầu tiên của nước Đại Cồ Việt. Trong khi sử sách thường ca ngợi Lê Hoàn, người có

công chống lại quân Tống bảo vệ đất nước và ít nói đến nhà Đinh thì Khái Sinh đã nhận

ra Đinh Bộ Lĩnh là vị anh hùng dân tộc. Cảm tưởng về cái công đầu của vua Đinh, Khái

Sinh không nói đến một ông vua của triều đại nhà Đinh là Đinh Tiên Hoàng, mà nói đến

ông Đinh Bộ Lĩnh khi chưa lên ngôi. Thay vì bình luận về lịch sử thì tác giả đã dùng

yếu tố tưởng tượng để gợi nên hình ảnh về nhân vật lịch sử thường được dân gian gọi là

"Vua cờ lau".

Nếu đề tài lịch sử trong du kí giai đoạn 1917 – 1934 được triển khai bằng việc tái

hiện lịch sử trong sự suy nghiệm của chủ thể thì du kí giai đoạn 1935 – 1945 thường

mang yếu tố tưởng tượng hoặc sử dụng bút pháp huyền ảo. Trong những tác phẩm như

Am Tiên của Hoàng Minh, Indrapura – Đồng Dương của Mãn Khánh Dương Kỵ, quá

khứ hiện lên thông qua yếu tố kì ảo đã đưa người đọc vượt qua những trở ngại của thời

gian và không gian để chứng kiến đời sống lịch sử thông qua các di tích, hiện vật như

đang ở thì hiện tại của nó. Khác với tiểu thuyết, yếu tố tưởng tượng trong du kí Việt

Nam nửa đầu thế kỉ XX không mang tính hư cấu, đó là kiểu tưởng tượng khách quan,

nhà văn không câu nệ đến vấn đề nhân sinh mà chỉ quan tâm đến những gì mang tính

thông tin, những điều có khả năng đưa đến cảm giác mới lạ cho người đọc.

Đề tài lịch sử và đề tài văn hóa trong du kí Việt Nam thường song hành với nhau,

bổ sung cho nhau nên có nhiều trường hợp, đề tài văn hóa và đề tài lịch sử thống nhất

trong một tác phẩm. Với hai đề tài này, du kí Việt Nam không chỉ mang giá trị văn hóa,

lịch sử xét về mặt tư liệu mà nó còn thể hiện vai trò của nó đối với cộng đồng, nhất là

về chức năng giáo dục.

73

3.1.3. Đề tài danh lam thắng cảnh

Đề tài danh lam thắng cảnh là đề tài mang tính truyền thống của du kí Việt Nam.

Thắng cảnh chùa Hương Tích được nói đến đầu tiên và là đề tài được nhiều người chọn,

từ bài Hương Sơn hành trình của Nguyễn Văn Vĩnh đăng nhiều kì trên Đông Dương tạp

chí (1914), đến Chẩy (trẩy) chùa Hương (1919) của Phạm Quỳnh, Vịnh cảnh chơi chùa

Hương Tích (1921) của Nguyễn Văn Đào, ... Đề tài thắng cảnh chùa Hương không phải

là để nói đến một danh lam mới lạ mà là nơi quen thuộc nhưng có ranh giới tục và tiên

không rõ ràng, nơi có đã thu hút cả nhà báo (Nguyễn Văn Vĩnh) và nhà nghiên cứu văn

hóa (Phạm Quỳnh), nhà thơ (Nguyễn Văn Đào) đến với nó. Có một ngôi chùa cổ lâu đời

gắn liền với lịch sử Phật giáo Việt Nam là chùa Thầy được Lê Đình Thắng ghé thăm và

viết Bài kí chơi chùa Thầy. Núi Yên tử cũng gắn liền với lịch sử Phật giáo, nơi Trần

Nhân Tông sáng lập ra Dòng Thiền Trúc Lâm được Kiếm Hồ Nguyễn Thế Hữu chọn

đến thăm và viết bài Hành trình đến núi An Tử. Còn nhiều ngôi chùa khác ở trong các

làng, các núi ít người biết đến, và đã xuất hiện trong các bài du kí ở các đề tài khác như

chùa Bối Khê tức “Đại Bi Tự” trong bài Một buổi đi thăm làng Bối Khê của Vu Ngã,

chùa Non Nước và chùa Linh Ứng trong Nam du đến Ngũ Hành Sơn của Nguyễn Trọng

Thuật, …

Nổi bật trong giai đoạn này là có nhiều bài du kí viết về những chuyến tham quan,

du lịch đến các nơi là các di tích, thắng cảnh của đất nước. Nước ta có nhiều núi non trở

thành những thắng cảnh đẹp. Ngoài những địa danh đã từng là đề tài trong du kí truyền

thống như núi Dục Thúy, hồ Hoàn Kiếm, nhiều núi non ở Việt Nam trở thành nổi tiếng

nhờ công của những nhà báo, nhà văn đầu thế kỉ qua những bài du kí. Những bài du kí

viết về thắng cảnh đất nước phải kể đến: Kí núi Dục Thúy của Đạm Trai, Ngày xuân

chơi núi của Đạm Phương, Du Tử Trầm Sơn kí và Cuộc chơi năm tầng núi của Nguyễn

Đôn Phục, Bà Nà du kí của Hoàng Thị Bảo Hóa, Nam du đến Ngũ Hành Sơn của Nguyễn

Trọng Thuật. Du kí viết về những địa danh thắng tích nổi tiếng có nhiều bài như: Chơi

Hạ Long của Nguyễn Hữu Tiến, Chơi cảnh Sầm Sơn của Phạm Vọng Chi, Quảng Xương

danh thắng của Thiện Đình, Cuộc đi chơi Huế của Phục Ba, Tết ở Đà Lạt của Trịnh Như

Nghệ, … Nước ta nhiều nơi có cảnh đẹp hữu tình, do xa xôi cách trở mà ít người biết

đến. Đó là những địa danh như: Hà Tiên, Phú Quốc, Cát Bà, Lào Cai,… Đến với Phú

Quốc, Đông Hồ có bài Thăm Phú Quốc, Mộng Tuyết có bài Chơi Phú Quốc. Đến với

đảo Cát Bà, Vân Đài có bài Bốn năm trên đảo Cac-ba (Cát Bà). Ngượi lên miền Tây

74

Bắc, Nhật Nham có bài Sau tám năm trở lại thăm Laokay và Tản Đà có bài Một sự đi

chơi Lào Kay. Đi du lịch Hồ Ba Bể, Hoàng Văn Trung có bài Ba Bể du kí, Nhật Nham

có bà Từ Hà Nội đến hồ Ba Bể. Đến với Lạng Sơn, Nguyễn Thế Xương có bài Mấy ngày

chơi Thất Khê, Phạm Quỳnh có bài Chơi Lạng Sơn – Cao Bằng … Du kí không chỉ đưa

người đọc đến những nơi có những thắng cảnh đẹp mà còn đem đến cho người đọc về

những tên đất, tên miền, những địa danh hành chính của đất nước. Nghiên cứu du kí trên

tạp chí Nam Phong, Nguyễn Hữu Sơn có công thống kê các tác phẩm theo chủ đề địa

phương như: Du kí viết về Hà Nội, Du Kí Viết về Ninh Bình, Du kí về vùng văn hóa Sài

Gòn – Nam Bộ trên Nam Phong tạp chí (tạp chí Kiến thức ngày nay, số 619), Du kí viết

về Hà Tiên nửa đầu thế kỉ XX (tạp chí Kiến thức ngày nay, số 688), Đam Phương nử sử

và những trang du kí viết về xứ Huế (tạp chí Kiến thức ngày nay, số 751), Du kí Quảng

Nam nửa đầu thế kỉ XX (báo Tổ quốc online), Du kí Ninh Bình nửa đầu thế kỉ XX (báo

Tổ quốc online), Du kí Quảng Ninh nửa đầu thế kỉ XX (báo Tổ quốc online)… Không

phải tìm đến những thắng cảnh ở nơi xa xôi mới viết du kí mà những thắng cảnh ở ngay

Hà Nội quen thuộc cũng đi vào du kí như sông Nhuệ, hồ Hoàn Kiếm cũng được hiện

lên qua: Cuộc chơi trăng trên sông Nhuệ của Nguyễn Mạnh Hồng, Cuộc chơi trăng sông

Nhuệ của Mai Khê, Đêm tháng sáu chơi hồ Hoàn Gươm của Hội Nhân.

Đề tài danh lam thắng cảnh trong du kí giai đoạn này xuất phát từ mục đích của

cuộc hành trình chứ không phải cuộc hành trình. Phạm Quỳnh đi trẩy chùa Hương, cũng

say sưa trước vẻ đẹp cảnh vật: "Ngồi trong cái đó lênh đênh ở giữa khoảng non nước

này tưởng như đứng trước một bức trành thạch tiên cực lớn"; nhưng khi đã vào trong

chùa, chứng kiến cảnh ồn ào, chen chúc hỗn độn của người đi trẩy chùa đã "khiến cho

nhà khảo cứu như vào chốn mê li chẳng biết chỗ nào mà dò", và tác giả đã nhận ra sự

thật về cái động Hương Tích "cũng chẳng lấy gì làm đẹp, tưởng không xứng đáng cái

huy hiệu "Nam thiên đệ nhất động" chúa Trịnh khắc ở cửa hang đời xưa" ("Trẩy chùa

Hương", Nam Phong, số 23). Với mục đích khảo cứu văn hóa, Phạm Quỳnh quan sát

tổng thể cảnh vật ở chùa Hương, đưa ra những nhận xét xác đáng, những lời bình luận

giàu tính triết lí và nhân văn. Còn Nguyễn Đôn Phục khi đi chơi núi Sài Sơn đã ghé thăm

chùa, nhưng để tìm hiểu cái mà người đời truyền tụng về sự tích li kì ở chùa và núi này.

Nguyễn Đôn Phục chỉ tả cảnh chùa trong vài câu, nhưng lại dành nhiều trang để kể về

ông Từ Đạo Hành được người đời truyền tụng là vị Bồ Tát Kim Cương ("Cuộc đi chơi

Sài Sơn", Nam Phong, số 93).

75

Không phải đến bấy giờ người ta mới thăm chùa, thăm đền, thăm miếu hay du

ngoạn cảnh vật, đi đến nơi non xanh nước biếc mà vì chính phong trào viết du kí và nhờ

những trang du kí đăng trên tạp chí mà nhiều người mới biết đến các cuộc hành trình

cũng như biết đến những danh lam, thắng cảnh đó. Qua những trang du kí, mọi người

đã biết được tâm thức con người Việt Nam gắn bó quá sâu nặng với Phật giáo, có lúc

lấn át cả những tín ngưỡng dân gian. Nước Việt Nam có nhiều núi non, hang động thì

những chỗ đó đều mang những dấu tích Phật giáo. Vì thế mà nhiều nơi, danh lam đã

thành thắng cảnh và trong nhiều thắng cảnh đã thấp thoáng hình ảnh chùa chiền. Tuy

nhiên, chùa chiền mỗi nơi trên nước ta đều có một nét riêng, không nơi nào giống nơi

nào. Nguyễn Thế Hữu đã viết trong Hành trình chơi núi An Tử:

"Cho hay, đâu cũng non xanh nước biếc, nhưng mà mỗi cảnh mỗi khác. Như nước ta,

chốn Hương Sơn là nơi tịch mịch u thâm; Sài Sơn là nơi bán thành thị bán lâm tuyền;

mà cảnh An Tử sơn này là nơi bồng lai tiên cảnh và là chốn cực lạc Phật độ".

("Hành trình chơi núi An Tử", Nam Phong, số 105, tr.326)

Hành trình đến núi An Tử không phải là đi lễ Phật như mọi người mà Nguyễn

Thế Hữu muốn chiêm bái quê hương phái thiền sư Trúc Lâm Việt Nam. Việc leo núi

vất vả để lên được chùa Hoa Yên nằm trên đỉnh núi không phải để ngắm cảnh mà được

trải nghiệm bản thân, được đề lên cột chùa sự trải nghiệm đó:

"Tôi vào đến cửa sẵn bút của nhà chùa để trên bàn tôi cầm lấy đề 4 câu trên cột rằng:

Trông lên vẫn tưởng bò chân núi,

Ngoảnh lại thành ra đứng trốc mây.

Rừng trúc hoa rào riêng cảnh Phật,

Bảy mươi hai động nhất là đây.

Phụ thân tôi cũng đề mấy câu rằng: Ai bảo rằng núi An Tử cao, khi ta lên đến đỉnh thì

ta cao hơn núi, nhưng cao hơn ta là đạo Phật."

("Hành trình chơi núi An Tử", Nam Phong, số 106, tr.451)

Du lịch là hoạt động hỗ trợ đắc lực cho sự ra đời của du kí. Từ những năm 20 của

thế kỉ XX, ngành du lịch nội địa ở Việt Nam đã có những tuyến lữ hành đến những nơi

có thắng cảnh nổi tiếng như: Hương Sơn, hồ Ba Bể, Phú Quốc, Bà Nà,… Với vai trò

người đi du lịch, Minh Phượng đến thắng cảnh Hương Sơn, nơi có động Hương Tích

nổi tiếng. Tác giả không tả cảnh chùa Ngoài hay chùa Trong (Thiên Trù) mà kể chuyện

76

gặp cố nhân họ Lê hiệu là Cúc Đình, rồi nghe câu chuyện cố nhân kể về người con gái

"tính nết dịu dàng, kiến thức cao lớn, mà duyên phận long đong", mặc dù nhan sắc ngày

càng đẹp hơn nhưng nguyện lên chùa, xuống tóc đi tu. Cảnh chùa Hương đẹp như thế,

huyền bí như thế, nhưng mỗi bài du kí viết về Hương Sơn không có bài nào giống bài

nào. Minh Phượng đã nhận ra vẻ đẹp huyền thoại của thắng cảnh này, nên ngoài câu

chuyện tăng ni xinh đẹp kia là chuyện linh thiêng của núi rừng:

"Núi Trụn cũng gần Kim Sơn. Sông Phố chảy qua ba phía. Dưới núi có hang sâu ăn

thông với vực Ác bên Thông Giang. Tục truyền dưới vực có Long Vương ở. Xưa có

người lái thuyền ở tỉnh về lúc qua ngã ba phủ nghe trên không có tiếng gọi rằng: "Nhờ

đi qua vực Rầm báo hộ rằng ông Bụt thất trận rồi", người lái thuyền lấy làm lạ. Nhưng

khi thuyền về tới Nầm quên đi không gọi, cho nên thuyền cứ vô cố lênh bênh không

chèo chống được, sực nhớ lời dặn vội gọi to lên, bỗng nghe được dưới vực ầm ầm như

thiên binh vạn mã kéo đi, rồi tự nhiên gió thổi như bão, mưa sa như trút. Người ta nói

đó là quân Long Vương kéo đi. Núi thì năm ba năm tự nhiên sụt xuống cho nên gọi núi

Trụn."

("Hương Sơn du kí", Nam Phong, số 109, tr. 272)

Đảo Phú Quốc nằm ở cực nam của Tổ quốc trong du kí của Đông Hồ là hòn đảo

lớn, xung quanh có nhiều hòn đảo nhỏ: "Hòn Ráng về bên tả ngạn vịnh Trủng Kè. Trước

vịnh Trủng Kè là Hòn Ngang, Hòn Châu, Hòn Gỏi rồi Hòn Ráng. Trủng Kè vịnh lớn

nước sâu, trước mặt một dải quần đảo bao bọc, kín như trong buồng, mặt nước không

bao giờ có sóng lớn, làm một chỗ hải cảng rất tốt." ("Thăm Phú Quốc", Nam Phong, số

124, tr.533). Những hòn đảo đó, trong du kí của Mộng Tuyết lung linh kì ảo: "Cảnh đêm

giữa biển thật có vẻ thần bí lạ. Mấy chòm cù lao nằm êm lặng trên mặt nước âm thầm.

Thỉnh thoảng một con cá lội qua làm xao động mặt nước hiện ra một vệt sáng trắng lòe

rồi lại tan ngay." ("Chơi Phú Quốc", Nam Phong, số 199, tr.23).

Du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX đã vẻ lên hình ảnh cảnh vật của đất nước

trong văn học. Cảnh vật trong du kí giai đoạn này đã có đủ mọi đối tượng. Cảnh vật

thiên nhiên có núi, có sông, có hồ, có biển. Cảnh vật nhân tạo, có chùa, có tháp, có lăng,

có điện, có thành quách, lâu đài,… Tất cả tạo nên hình ảnh đất nước Việt Nam hài hòa

và đẹp đẽ.

3.1.4. Đề tài quốc tế

Nghiên cứu về tiểu thuyết của Hanry James nửa cuối thế kỉ XIX, khi dẫn ra

77

Những bài du kí (1875) của ông, Kathryn Van Spanckeren đã phân tích đề tài nổi tiếng

của Hanry là “đề tài quốc tế”, mà đề tài này đã đề cập đến các cuộc hành trình ra nước

ngoài với những mục đích khác nhau và phân tích “mối quan hệ phức tạp giữa những

người Mĩ ngây thơ và những người châu Âu có tư tưởng quốc tế” [66]. Xét trong nghĩa

hẹp, đề tài quốc tế trong du kí Việt Nam đã có từ thế kỉ trước, qua những tác phẩm của

Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đán, Lý Văn Phức, Phan Huy Chú,… viết trong những

chuyến công cán ở nước ngoài, mang ý nghĩa quan hệ quốc tế giữa Việt Nam với các

nước khác. Với một nghĩa rộng hơn, đề tài quốc tế không chỉ là quan hệ chính trị, quan

hệ chủng tộc, quan hệ văn hóa mà có cả quan hệ cá nhân,… thì những tác phẩm du kí

Việt Nam viết trong các cuộc hành trình đi đến các nước khác với bất cứ mục đích gì

đều thuộc đề tài quốc tế.

Tiếp nối du kí thế kỉ XIX viết về các cuộc hành trình ra nước ngoài, du kí đầu thế

kỉ XX đã mở rộng thêm không gian và mục đích cuộc hành trình cũng đa dạng hơn. Với

đích đến là nước Pháp có các bài du kí: Pháp du hành trình nhật kí của Phạm Quỳnh,

Trên đường Nam Pháp của Trọng Toàn, Mười tháng ở Pháp của Phạm Vân Anh, Đi

Tây của Nhất Linh. Hành trình sang Lào có: Ai Lao hành trình của Trần Văn Huyến, Du

lịch xứ Lào của Phạm Quỳnh, Hà Nội – Viên trong hai giờ của Vũ Nhật. Hành trình đến

các nước như Trung Quốc, Hồng Kông, Thái lan, Nhật Bản có các bài du kí như Hạn

mạn du ký của Nguyễn Bá Trác, Một chuyến đi của Nguyễn Tuân, Tôi thầu khoán hay

là: Ba tháng ở Trung Hoa của Lê Văn Trương. Ngoài ra, còn có các bài du kí thuật

chuyện đi tàu thủy ra nước ngoài như Đáp tàu André Lebon của Cao Văn Chánh, Hành

trình đi Fai Foo của Tuyết Minh Dương Đình Tẩy,…

Đề tài quốc tế trong du kí, căn cứ vào cuộc hành trình và điểm đến, có thể chia

ra ba nhóm tác phẩm: du kí về mối quan hệ Pháp – Việt, du kí về mối quan hệ Trung –

Việt, du kí về mối quan hệ Việt Nam với các nước Đông Nam Á.

Du kí về mối quan hệ Pháp – Việt tiêu biểu cho đề tài quốc tế trong du kí Việt

Nam nửa đầu thế kỉ XX. Mục đích của cuộc hành trình không phải là cái tạo nên nội

dung của du kí về mối quan hệ Pháp – Việt mà chính là cuộc hành trình. Phạm Quỳnh

là người mở đầu cho du kí có đề tài quốc tế ở đầu thế kỉ XX. Trong Pháp du hành trình

nhật kí, mục đích của chuyến đi là "thay mặt Hội Khai trí tiến đức để dự cuộc đấu xảo

Marseille, lại được quan Toàn quyền đặc phái sang diễn thuyết mấy trường lớn ở Paris"

nhưng trong toàn bộ tác phẩm không phải để kể lại câu chuyện mang nhiệm vụ chính trị

78

này mà là câu chuyện chứng kiến trên lộ trình của cuộc hành trình: câu chuyện bắt đầu

đi, chuyện gian nan trên biển, chuyện gặp gỡ các nhân vật khác, chuyện xem các di tích

văn hóa, lịch sử nước Pháp,…Cũng trong chuyến đi công cán quan trọng này, vua Khải

Định đã có tập thơ Đi Tây với 60 bài thơ, nói lên cảm xúc của mình từ lúc xuất phát,

đến châu Phi, đến Pháp và trở về. Cuộc hành trình của Phạm Vân Anh trong Sang Tây

– Mười tháng ở Pháp, là sự trải nghiệm của một cô thiếu nữ "đi cho biết đó biết đây",

nhưng những câu chuyện kể về sự gặp gỡ những người ngoại quốc trên lộ trình phản

ánh thái độ người phương Tây với người An Nam và cuộc sống học sinh An Nam, người

Trung Quốc, người Nhật sống trên đất Pháp.

Nhất Linh muốn thể hiện sự trải nghiệm của mình đến được nơi mà nhiều học

sinh Việt Nam mơ ước. Trong vai nhân vật Lãng Du, tác giả đã thực hiện được chuyến

hành trình của mình và kể được câu chuyện trên đất Pháp. Câu chuyện tìm người đồng

hương của tác giả mang ý nghĩa quan hệ quốc tế:

"Thỉnh thoảng tôi đương đi lại gặp một người da vàng. Nhưng tôi không biết người Tầu,

người Nhật nay người An Nam. Sau tôi tìm được một mẹo tôi cho là thần tình. Hễ thấy

một người da vàng đi trước mắt, là tôi rảo cẳng tiến đến gần, rồi nhìn lên trời và nói một

mình:

- Này "đồ mặt mẹt".

Nếu người đi trước tôi là người Nhật hay người Tầu, thì họ đi thẳng, vì không hiểu tôi

nói gì. Nhưng nếu đó là người An Nam, thì tất nhiên quay lại ngay. Người đó cũng không

có cớ gì giận được tôi, vì người đó lúc quay lại là đã tự nhận mình là "đồ mặt mẹt."

("Đi Tây", Phong Hóa, số 159)

Câu chuyện của Nhất Linh liên tưởng đến câu chuyện trong tác phẩm Vi Hành

của Nguyễn Ái Quốc, khi người Pháp coi tất cả mọi người da vàng, mũi tẹt đều là vị vua

An Nam cả.

Du kí về mối quan hệ Trung – Việt, ngoài tác phẩm Hạn mạn du ký của Nguyễn

Bá Trác viết về địa lí, phong tục, lịch sử các nước, trong đó có Trung Quốc phải kể đến

các tác phẩm Một sự du lịch đất Hải Ninh của Trần Trọng Kim, Một chuyến đi của

Nguyễn Tuân và Tôi thầu khoán hay là: Ba tháng ở Trung Hoa của Lê Văn Trương.

Câu chuyện của Lê Văn Trương làm thầu khoán ở Trung Hoa là câu chuyện mang hàm

ý văn chương: từ bỏ nghề cầm bút để lăn lộn kiếm tiền bằng nghề thầu khoán, phải chịu

sự thất bại để "lăn mình vào tầng sâu của cuộc đời". Trong câu chuyện thầu khoán ở

79

Trung Hoa, tác giả đã kể lại mối quan hệ làm ăn với người Trung Hoa, khi thuê cu li

Tàu và cách ứng xử với họ, khi gặp gỡ các quan Tàu, "những người chỉ biết túi tham",

tác giả phải nén lòng:

"Ông quan Tàu nói nhiều lắm. Tôi nghe đã chán cả tai muốn ném một hòn đất vào cái

mồm cả ngão kia cho tắc họng im đi. Nhưng buồn thay cái sự đời, đến khi ông nói xong

tôi là người đầu tiên vỗ tay để làm hiệu cho bọn tôi hưởng ứng. Và tôi cũng là người

đầu tiên đến bắt tay ông quan Tàu và ban cho ông một lời khen có lẽ ông tin là thành

thực."

("Tôi thầu khoán", Đi Tàu Đi Tây du kí, tr.354)

Câu chuyện của Lê Văn Trương mang ý nghĩa quan hệ quốc tế với các "quan

Tàu" từ xưa đến nay. Nhưng dân chúng Tàu, như người bạn đồng sự tên là Wa Lâm, đã

tỏ ra thông cảm với nỗi nhọc nhằn của tác giả: "Tôi tần ngần nhìn ngắm con đường thì

Wa Lâm tần ngần ngắm tôi. Một lúc lâu, tôi quay sang thì gặp cái nhìn của Wa Lâm".

Đó là cái nhìn sáng suốt của một nhà văn trong mối quan hệ lân bang.

Du kí về mối quan hệ Việt Nam và các nước trong khu vực ngoài các tác phẩm

viết về chuyến hành trình đi nhiều nước của Nguyễn Bá Trác phải kể đến các tác phẩm

viết trong các chuyến đi du lịch xứ Lào của Phạm Quỳnh, Trần Văn Huyến, Vũ Nhật.

Du lịch xứ Lào của Phạm Quỳnh không chỉ đơn thuần là bài du kí viết về chuyến du lịch

sang Lào mà là một công trình khảo cứu trên nhiều mặt: địa giới, lịch sử, địa chí, kinh

tế, Việt kiều,... Trong tác phẩm của mình, ngoài việc kể chuyện về non xanh nước biếc

xứ Lào, Phạm Quỳnh đã nói lên quan điểm của mình về mối quan hệ Lào - Việt và vấn

đề cư dân người Việt sống trên đất Lào, phản ứng lại thái độ của của một số người Pháp

về vấn đề Việt kiều bên đó.

So với du kí thế kỉ XX, đề tài quốc tế trong du kí giai đoạn này không nặng về

quan hệ chính trị hay ngoại giao mà thông qua hình thức du lịch để thể hiện quan hệ văn

hóa giữa chủ thể và khách thể, mặc dù nó được viết trong hoàn cảnh tác giả đi công cán

hay đi du lịch để thực hiện các quan hệ nói trên. Với đề tài này, du kí Việt Nam nửa đầu

thế kỉ XX mang nhiều ý nghĩa khác nhau, không chỉ là xác định quan hệ văn hóa cá

nhân mà còn mang ý nghĩa về cả những vấn đề dân tộc và thuộc địa.

3.1.5. Đề tài dân tộc thiểu số

Trong các chuyến hành trình được viết trong du kí Việt Nam đầu thế kỉ XX, hành

80

trình đến thăm các nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã trở thành một trong những

đề tài của du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX. Các cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam

sinh sống ở các miền núi và trung du phía Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Nam Bộ

đã được các nhà du kí Việt Nam tìm đến. Những cuộc hành trình khám phá đời sống,

phong tục, con người của một số dân tộc ở các miền đất nước đã bổ sung thêm bức tranh

về văn hóa và con người Việt Nam. Đó là cuộc sống của người Mèo hiện lên trong bài

Sau tám năm trở lại thăm Laokay của Nhật Nham, cuộc sống và phong tục người Ê đê

trong Lữ ký Ban Mê Thuột của Biệt Lam Trần Huy Bá.

Trong khi mối quan hệ giữa các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam chưa được khai

thông, vẫn có thái độ hoài nghi, chưa bình đẳng và tôn trọng các cộng đồng dân tộc thiểu

số thì các nhà văn, nhà báo giai đoạn này đã có những cuộc hành trình tìm hiểu đời sống

và văn hóa của họ. Tản Đà đã đi và viết: Mấy bước đường rừng, Một sự đi chơi Lào

Kay, Thái Hữu Thành đã viết: Mười ngày với Mọi có đuôi, Giống Mọi ở Đồng Nai

thượng, Ngải Mọi ở Đồng Nai thượng, Mọi “Xà niên”, …

Đề tài dân tộc thiểu số trong du kí như là một cuộc nghiên cứu về các tộc người

định cư trên lãnh thổ Việt Nam để khai thông những quan niệm mơ hồ về một bộ phận

dân cư thường được gọi là "người Hời" đối với dân tộc Chăm, "Mọi" đối với các dân

tộc thiểu số sống dọc theo dãy Trường Sơn. Đề tài dân tộc thiểu số tiếp cận từ nhiều

phía với những mục đích khác nhau: tìm hiểu về cuộc sống sinh hoạt, tìm hiểu về những

điều đang còn bí ẩn.

Với lối tiếp cận văn hóa, đề tài dân tộc thiểu số trong du kí của Biệt Lam Trần

Huy Bá thường viết về phong tục, sinh hoạt của các dân tộc ở Nam Bộ, Tây Nguyên.

Người Thượng ở Tây Nguyên trong tác phẩm của Trần Huy Bá có cái gì đó gần gũi,

thân thương.

"Những người đàn bà Rhadée họ ngồi ruỗi chân dệt cửi ở đó, trong lúc mát giời. Khung

cửi rất đơn sơ, để ngay ở trên lòng, họ buộc một đầu chỉ vào cột nhà, hoặc vật gì nặng.

Còn đầu gỗ khô thì đặt trên đầu gối. Hai tay đưa thoi trông rất nhẹ nhàng êm ái. Coi bộ

nhiều cô cũng có vẻ xinh xinh khả ái."

("Ban Mê Thuột", Tri Tân, số 55, tr.12)

Đặc trưng của du kí là đem đến cho độc giả những điều mới lạ, kì bí, hấp dẫn mà

do chính tác giả chứng kiến, trải nghiệm. Thái Hữu Thành đã có nhiều chuyến du hành

đến vùng rừng núi Đồng Nai để tìm hiểu về "Giống Mọi", đối tượng chưa được nhiều

81

người biết đến lúc bấy giờ.

"Lần thứ ba tôi để chân đến xứ Mọi Đồng Nai thượng. Một giống dân chưa khai hóa

triệt để còn sống cả muôn nghìn năm về trước; ăn lông, ở lỗ là chi ngành của người rừng

ở rải rác giữa Trường Sơn. Gống Mọi Đồng Nai thượng ở tràn lan khắp núi non, bắt đầu

từ Biên Hòa đến Lagna (La Ngà), Blao (Bà Lào), Dalat (Đà Lạt), Banméthuot (Ban Mê

Thuột), Djiring (Gia Rinh), Sông Trao, Hà Lôn, Gia Bác, Ma Lâm và Mường Mán. Đấy

là những chỗ đặc điểm, ai ai cũng được hiểu biết, còn biết bao nhiêu giống vào ở núi

non chớn chở, sông núi hiểm nguy như Đạ Lú, Đạ Nga, Đạ Rào, Đà Rù, Kông Cạ, Tố

Ra thì hỏi ai được đi đến đó bao giờ."

("Giống Mọi ở Đồng Nai thượng", Nam Kỳ, số 58)

Thời bấy giờ, nhiều người chưa biết tên những dân tộc thiểu số, cũng không ai

dám bước chân đến bản làng của họ. Người Việt không chỉ khinh miệt họ, ghê tởm họ

mà còn sợ sự huyền bí của họ, nhất là hiện tượng bùa ngải. Thái Hữu Thành trong vai

người hướng đạo, đã can đảm đến tìm hiểu cuộc sống, phong tục của những người "Mọi"

này. Hành trình của Thái Hữu Thành cũng được xem như cuộc du lịch mạo hiểm.

"… nếu muốn vào tận chỗ chúng thì con rất nhiều điều kiện nữa: là chúng ta phải cơm

gói, nước bầu, quần đùi, áo cụt bởi vì xóm làng của chúng, theo sự cạnh tranh sinh tồn,

đã lui xa vào tận chân non ngọn suối, muôn hiểm nghìn nguy."

("Giống Mọi ở Đồng Nai thượng", Nam Kỳ, số 58)

Cất công lội suối băng rừng như thế, tác giả đến tìm hiểu những giai thoại,

những lời đồn đại về bản năng huyền bí của người dân tộc thiểu số. Trong bài Mười lăm

ngày với Mọi có đuôi, tác giả đã cho người đọc biết về cái đuôi của những người này:

"Một điều tôi để ý là dưới đất, gần bên bếp, chỗ chúng ngồi ăn cơm có nhiều lỗ lớn bằng

miệng chén, hơi sâu và mòn lẳn. Tôi hỏi Klung thì mới biết rằng, giống Mọi Mạ có

nhiều "họ" có cái xương sống dài quá khu gần nửa tấc, y như cái đuôi vậy. Bởi thế, ngồi

tự nhiên như mình không được, phải khoét lỗ dưới đất cho cái xương sụp xuống, thành

thử mới có lỗ hang chung quanh bếp lửa, làm cho tôi ngạc nhiên như vậy."

("Mười lăm ngày với Mọi có đuôi", Nam Kỳ, số 68)

Về cái tài độc bùa ngải của người dân tộc thiểu số, Thái Hữu Thành đã làm một

chuyến phiêu lưu đến tận bản của những người này để khai thông bí mật của họ. Ngải

Mọi gọi là "cà ngao ngòn", được làm từ các thứ "độc địa" không phải ai cũng lấy được.

Ngải làm từ ba thứ: thứ nước hứng được từ bộ phận sinh dục của con voi cái và voi đực

82

đang giao hợp gọi là "Đa Rô As", kinh nguyệt của vượn khỉ gọi là "Ham Hô Are", cây

ngải (cây nghệ rừng) gọi là "Kinh Ny Bri". Theo tác giả, đây là một loại cây độc một

cách ma quái "Hễ mỗi lúc có người lạ đi ngang thì cây lá nó rung lên phần phật, thành

những tiếng răng rắc, nếu biết thì nhờ những "Ôn Djâu" (pháp sư) Mọi chữa cho, bằng

không thì bị nó "ăn" hoặc đau bụng, đau đầu, đau cổ, mắt vàng lưỡi nám mà chết". Để

tạo nên vẻ kì bí của thứ ngải Mọi đó, đồng thời để cho bài du kí trở nên hấp dẫn, tác giả

dụng công miêu tả cách lấy những chất này của các "Ôn Djâu", một công việc đòi hỏi

nghệ thuật và tính kiên trì, không phải ai cũng làm được.

"Bọn "Ôn Djâu" tìm được đám lá ngải ấy, che chòi ăn nằm bên chúng, nói chuyện cười

giỡn với chúng hằng ngày, rồi lựa hai cây thật tốt (cây đực và cây cái) vuốt ve khuyên

nhủ để cho chúng cạ gần nhau, y như là "làm mai" cho chúng vậy. Vậy mà không sớm

thì muộn, hai cây ấy gie ngọn lại gần nhau, rồi quấn nết với nhau như ta xe đầu tóc vậy,

như thế là ngải chịu đực, phải lấy rượu trắng phun lên hàng ngày cho đến cây cái chửa,

rồi trổ hoa, tiết ra một thứ nhựa đùng đục. Bọn "Ôn Djâu" hứng lấy và đào lấy củ cây

cái đem lên núi cao ngâm trong nước nhựa kia, hấp lấy sương nắng cho khi nhựa rút

khô hết vô củ ngải là được …"

(" Ngải mọi ở Đồng Nai thượng, Nam Kỳ, số 61)

Trong khi mọi người coi ngải mọi là thứ vũ khí giết người đầy bí hiểm thì Thái

Hữu Thành đã ca ngợi cái công dụng tích cực của nó như: chữa bệnh mê cờ bạc, hút

xách, rượu chè, chắp nối lại tơ duyên cho các cặp vợ chồng xa nhau, làm cho người buôn

bán thịnh vượng trở lại. Những "Ôn Djâu" là những người cao thượng, tốt bụng, vì

nghĩa, vì tình mà không ham tiền của. Tác giả còn kể đến chuyện thần kì của ngải Mọi

mà chính mình chứng kiến. Em gái tác giả bị mất cắp chiếc kền vàng để quên ở buồng

tắm, nhờ một vị "Ôn Djâu" làm phép đem ngải về để tìm kẻ gian; đứa ở bị trúng phép,

đem đào cái kền trả lại, van xin rối rít. Những câu chuyện trong du kí kể về người dân

tộc thiểu số vừa có vẻ hoang đường vừa hiện thực, câu chuyện được kể vừa lạ vừa quen,

con người và cuộc sống của họ vừa kì bí lại vừa trần trụi. Với những bài du kí này đã

tác động đến sự hiếu kì của con người, thúc đẩy những cuộc hành trình đi đến núi rừng

của Tổ quốc, gặp gỡ những con người xa lạ, đem đến cuộc sống và tình thương cho

những con người đang sống trong hoang dã ấy.

Có thể nói, với đề tài dân tộc thiếu số trong du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX,

du kí là thể loại khai thông hiện thực xã hội trong văn học dân tộc xét trên mối quan hệ

83

cộng đồng. Nhờ sự đa dạng của các cuộc hành trình trong một giai đoạn lịch sử có ý

nghĩa không chỉ đối với văn hóa – xã hội mà còn có ý nghĩa đối với nghệ thuật, những

địa danh, phong tục, lối sống của những dân tộc thiểu số chung sống trên lãnh thổ Việt

Nam được hiện lên trong những trang du kí Việt Nam đã phá vỡ khoảng cách cùng với

những quan niệm lệch lạc, những thái độ kì thị, miệt thị của xã hội đối với các cộng

đồng dân tộc thiểu số.

Ở vào giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX, Việt Nam đang đứng trước những thách thức

của văn hóa ngoại nhập và văn hóa nội sinh còn có nhiều yếu tố bỏ ngõ thì với đề tài

này, du kí đã góp phần khai thông nhận thức vấn đề văn hóa giữa các dân tộc trong cộng

đồng dân tộc Việt Nam, mở ra một con đường mới để khám phá thế giới của nghệ thuật

trong văn học Việt Nam hiện đại.

3.2. Sự đa dạng về cảm hứng

Từ thế kỉ XIX, Hanry James đã đưa ra quan niệm của mình về tầm quan trọng

của nghệ thuật. Ông cho rằng, nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật văn chương “tạo ra

cuộc sống, tạo ra sự quan tâm, tạo ra sự quan trọng” [66]. Khi văn bản du kí trở thành

tác phẩm văn chương, nó không còn nguyên dạng của sự phản ánh kiểu mô phỏng hiện

thực như người ta thường cố tình gán cho nó mà ngược lại du kí, với tính chất văn

chương của nó, đã để lại dấu ấn cho cuộc sống, làm cho mọi người quan tâm hơn đến

những khả năng mà cuộc sống có thể tạo ra nhờ sự di chuyển. Nếu hiểu cảm hứng là

một điều gì đó thôi thúc con người thì ở đây muốn nói đến sự thôi thúc con người đi đến

một nơi nào đó, khiến người ta nhìn thấy cái này mà không thấy cái kia. Trong cuộc

sống, những yếu tố tâm lí như: cảm xúc, khoái cảm, suy tư hay sự thăng hoa, hưng phấn,

… đều trở thành cái để thôi thúc con người, đòi hỏi con người phải thể hiện một hành

động cá nhân nào đó. Những yếu tố này có khả năng thôi thúc người viết du kí phải viết,

phải kể, phải tả về những điều mình chứng kiến, mình quan sát, mình suy nghĩ. Sự say

mê, lòng nhiệt thành hay ý thức về một trách nhiệm đối với xã hội hay bản thân như là

một sự chuẩn bị cho một cuộc hành trình, đồng thời nó cũng có thể được xem là điều

kiện cần thiết cho tác phẩm du kí ra đời. Nhưng không nên nghĩ một cách đơn giản rằng,

mọi sự chuẩn bị về tâm lí cho một cuộc hành trình là cảm hứng của tác phẩm du kí, cũng

không qui du kí về một số cảm hứng chủ đạo như người ta thường làm đối với văn học

trung đại. Trong du kí có cả những cảm hứng của văn chương truyền thống như: cảm

hứng thế sự, cảm hứng yêu nước, cảm hứng nhân đạo, cảm hứng thiên nhiên, cảm hứng

84

trữ tình, cảm hứng lãng mạn, … hay những cảm hứng thường thấy trong văn học hiện

đại như cảm hứng bi tráng, cảm hứng giễu nhại, cảm hứng phê phán, cảm hứng ngợi ca,

cảm hứng trào lộng, … nhưng du kí cũng có những cảm hứng đặc thù của nó. Qua khảo

sát du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, chúng tôi còn nhận ra một số cảm hứng khác

mang tính đặc trưng như: cảm hứng viễn du, cảm hứng phiêu lưu, cảm hứng văn hóa -

lịch sử, cảm hứng tâm linh, cảm hứng tôn giáo,…

Do các yếu tố ngoại cảnh có khả năng tác động trực tiếp đến tình cảm, cảm xúc

của con người nên trong nhiều tác phẩm du kí có sự đan xen các cảm hứng. Nói cách

khác, cảm hứng trong du kí không phải là sự bắt đầu hay kết thúc của quá trình sáng tác

mà thường là nảy sinh trong quá trình của cuộc hành trình và đan xen trong quá trình

hình thành tác phẩm dưới sự điều khiển của tư tưởng. Cảm hứng trong du kí có thể được

nói lên thành lời, nhưng cũng có khi ẩn chứa trong một số phương thức tự sự như cách

kể, cách tả, cách tạo bối cảnh, không gian cho sự kiện,… Để làm rõ đặc trưng nội dung

du kí trong giai đoạn này, chúng tôi chỉ khảo sát một số cảm hứng có tính tiêu biểu sau

đây.

3.2.1. Cảm hứng viễn du

Du kí trước thế kỉ XX có một số tác phẩm viết về một số chuyến đi đến những

nơi xa xôi nhưng đó là những chuyến công du nước ngoài của những người có chức

phận. Chỉ đến nửa đầu thế kỉ XX, những chuyến đi ra nước ngoài với sự đa dạng về mục

đích hành trình thì du kí đã tiến gần với văn chương hơn. Khảo sát một số tác phẩm du

kí trong giai đoạn này, chúng tôi nhận thấy cảm hứng viễn du trở thành nét đặc trưng

của nội dung du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.

Cảm hứng viễn du là sự hứng thú đến những nơi xa xôi, những nơi có sức hấp

dẫn về sự khác lạ, hoang sơ, kì bí hay một điều gì đó tương tự. Cảm hứng viễn du đối

với một cuộc hành trình thường có trước khi xuất hành, điều mà sự nhận thức và tư

tưởng của người tham gia cuộc hành trình thôi thúc họ trở thành tác giả và muốn họ phải

viết ra một điều gì đó qua mắt thấy tai nghe.

Xét về bối cảnh văn hóa – xã hội lúc bấy giờ, những trở ngại về không gian đã

được khai thông bởi hệ thống giao thông, nhu cầu hiểu biết đã được khai trí, giáo dục

thuộc địa khuyến khích sự mở rộng tầm nhìn và hiểu biết của con người bằng các hoạt

động như: du học, tham quan, du lịch. Đội ngũ trí thức nho học đã có những thay đổi

85

nhận thức nhất định, nhất là sự cần thiết phải cải thiện không gian và quan hệ. Sự thâm

nhập các luồng văn hóa khác nhau trong bối cảnh của một nước thuộc địa cần phải canh

tân buộc người ta phải vượt ra khỏi không gian của mình để nhận ra những mảng sáng

tối. Nếu trước đây, những cuộc du lãm giúp nhà văn, nhà thơ tìm cảm hứng sáng tác nên

họ không cần phải đi xa, chỉ đến nơi nào đó có phong cảnh hữu tình, không gian tĩnh

lặng thì bước sang thế kỉ XX, giữa tư tưởng và cảm hứng, giữa cảm hứng và nhu cầu trở

nên khó phân biệt nên những chuyến đi xa trở thành tác dụng kép cho những người vừa

muốn mang trách nhiệm của nhà văn, nhà báo vừa thỏa mãn nhu cầu của một du khách.

Những nơi xa xôi của đất nước mình, trên rừng, dưới biển, những địa danh lịch sử văn

hóa ít người biết đến, những quốc gia có nền văn hóa lâu đời hay những lân bang mà

trước đây chưa có phương tiện đi lại thì đến giai đoạn này trở thành đích đến hay khát

vọng hành trình của những nhà báo, nhà văn.

Phạm Quỳnh thường nói đến trách nhiệm của nhà văn qua những cuộc hành trình

dù với mục đích nào thì khi “đi Tây, đi Tàu, đi Phú Xuân, đi Đồng Nai trở về phải viết

bài du kí …” (Nam Phong, số 96, tr.507). Nhưng dù đi đâu, động cơ của những chuyến

đi này trước hết “đi chơi xa có lẽ cũng là một cách khuây khỏa cho đỡ buồn” (Nam

Phong, số 96, tr.508). Vì vậy, văn du kí của Phạm Quỳnh thường viết về các cuộc hành

trình đến những nơi xa xôi để được xứng danh là tác phẩm du kí.

Cảm hứng viễn du của Phạm Quỳnh bắt đầu bằng sự kết hợp với cảm hứng văn

hóa nhân chuyến đi thăm kinh thành Huế và dự lế tế Đàn Nam Giao. Cảm hứng này đã

được ông nói ra từ đầu bài du kí Mười ngày ở Huế “Nhân dịp tế Nam Giao, tôi có về

chơi Huế, thật là phỉ cái lòng mong mõi đã lâu nay” (Nam Phong, số 10, tr.198). Cái

lòng mong mõi đó của Phạm Quỳnh xuất phát từ “cái lòng ái quốc cứ ngang ngang trong

dạ” (tr.198), nên chuyến đi này để thỏa mãn cái nhu cầu “mắt đã được trông, tai đã được

nghe, tinh thần đã cảm cái hồn xưa của loài giống, thân thể đã gội cái khí thiêng của núi

sông” (tr.198). Ông đã so sánh cái lộ trình xưa và nay “Xưa trẩy kinh mất hai mươi ngày,

nay nhờ có xe lửa xe hơi, đi đường bộ mất hai ngày tròn” để nói sự cảm khoái vè cái lộ

trình được rút ngắn nhờ phương tiện. Cảm xúc của ông khi miêu tả lộ trình, vì thế cũng

bay bổng: “Xe hơi đi phăng phăng như nuốt đường, gió lộng tứ phía như đập vào mặt,

vào tai mà thành một thứ âm nhạc riêng …” (tr. 199).

Nếu trong cuộc hành trình đến Huế, khi trở về mới viết du kí thì cuộc cuộc hành

trình sang Pháp được viết ngay để “đến khi về nhà làm sách vậy” nên bài du kí mới có

86

tên là Pháp du hành trình nhật kí. Chuyến du Pháp lần này của Phạm Quỳnh không phải

là du lịch mà “được quan Thống Đốc Bắc Kì cử sang Đại Pháp thay mặt cho Hội Khai

Trí Tiến Đức dự Hội đấu xảo ở Marseille, lại được quan Toàn quyền phái sang diễn

thuyết mấy trường lớn ở Paris” (Nam Phong, số 58, tr.253). Với phương tiện tàu thủy,

lộ trình sang Pháp phải mất hai mươi ngày, ông đã dành đến ba số tạp chí để in về câu

chuyện trên đường đi. Mặc dù phải vất vả trên chuyến tàu biển, có lúc phải gặp sóng to

gió lớn nhưng tác giả vẫn say sưa mô tả cảnh vật, kể chuyện mình, nhất là những lúc

phải trải qua những cơn say sóng. Cảm hứng viễn du đã thấm vào trong từng câu văn

của Phạm Quỳnh: “Mặt trời mới mọc, trông vào bến Singapore, không cảnh gì đẹp bằng,

như một bức tranh sơn thủy vậy” (Nam Phong, số 58, tr. 257). Qua mỗi nơi được tác giả

cảm nhận và so sánh “Thành phố Colombo lớn hơn Penang, lớn hơn Singapore nhiều

và có một điều lạ khác hai nơi đó là suốt trong phố phường không có một hiệu khách

nào,…” (Nam Phong, số 59, tr. 233). Cứ như thế, hàng loạt địa danh mới lạ xuất hiện

liên tục và được miêu tả một cách tỉ mỉ, chính xác trong du kí của Phạm Quỳnh. Cảm

hứng viễn du trong cuộc hành trình đến nơi mà “đường đi đã cách trở, mán mọi còn thú

gì” nhưng Phạm Quỳnh vẫn hào hứng bởi để thực hiện cái ý định như ông đã nói “Đã

lâu tôi vẫn có ý muốn đi Lào một chuyến, trước để biết quan phong thổ đất Lào, sau là

thăm đồng bào ta ngụ cư bên đó” (Nam Phong, số 159, tr. 6). Cảm hứng viễn du trong

bài du kí Du lịch xứ Lào thể hiện rõ ở tính mục đích của cuộc đi: quan phong và thăm

đồng bào.

Trước Phạm Quỳnh chín năm, Trần Quang Huyến cũng đã có chuyến hành trình

sang thăm xứ Lào. Cảm xúc trước thời khắc của cuộc hành trình này không ít bi lụy. Mở

đầu Ai Lao hành trình là bài thơ lục bát mô tả cảnh người đi kẻ ở:

Ngại ngùng chân bước lên tàu,

Kẻ đi người ở thành sầu ai xây? …

Nhưng không như suy nghĩ ban đầu, đi đến đâu trên đất Lào tác giả cũng say sưa,

mỗi nơi, mỗi cảnh, mỗi việc sau lời miêu tả là đi kèm bài thơ. Cảm khoái về chuyến đi,

Trần Quang Huyến thốt lên: “Nước non xa lạ, phong cảnh tuyệt vời, dám đem ngọn bút,

tỏ giãi mươi trang, lời thô bỉ, câu quê kịch, xin tường thuật lại những cảnh ngộ ở dọc

đường trong bấy nhiêu ngày, thăm thẳm trên sông mặt bể, dưới núi bên rừng, để ghi nhớ

những sự từ bình sinh cho đến giờ mới được từng biết” (Nam Phong, số 57, tr. 197).

Nguyễn Bá Trác viết Hạn mạn du ký sau cuộc hành trình đã 5 năm, nhưng như

87

tác giả đã viết, “những điều mắt thấy tai nghe hãy còn in trong trí nhớ” (Nam Phong, số

38, tr.394). Ghi lại cuộc hành trình trong 6 năm, “từ năm 1908 bước chân ra đi, đến 1914

trở về Sài Gòn”, qua nhiều nơi như Xiêm La, Nhật Bản, Trung Hoa mà “hồi tưởng lại

giống như cảnh mộng”, Nguyễn Bá Trác đã đưa người đọc đi theo những trải nghiệm

của bản thân ông đến những địa danh mà lúc bấy giờ còn xa lạ với nhiều người. Thông

qua hồi tưởng của Nguyễn Bá Trác, cuộc hành trình của ông không phải là để chơi phiếm

như tác giả đặt nhan đề mà là một sự khám phá mọi mặt về văn hóa, xã hội, kinh tế,

chính trị, quân sự ở các nước mà ông đặt chân đến. Nếu không chuẩn bị cho mình cái tư

tưởng tìm hiểu đất nước người thì làm sao sau chừng đó năm trời, tác giả nhớ lại những

gì đã trải qua như đang chứng kiến trước mặt từng chi tiết, từng sự việc để kể lại một

cách tường tận như thế?

Cơ sở hiện thực của cảm hứng viễn du chính là sự thuận lợi của việc đi lại, sự tân

tiến của phương tiện so với đi bộ hay đi ngựa trước đó. Vì thế, trong du kí Việt Nam

nửa đầu thế kỉ XX có nhiều bài nói về cảm nhận của người tham gia cuộc hành trình đối

với phương tiện hay lộ trình. Về phương tiện, ngoài những bài nói về cảm giác được

ngồi trên máy bay trong bài Đi tàu bay của Phan Tất Tạo, Ha noi – Vientiane trong hai

giờ của Vũ Nhật thì phần lớn những bài du kí đều nói đến phương tiện đi lại như ô tô,

tàu lửa, tàu thủy và được coi là những phương tiện hiện đại lúc bấy giờ. Về lộ trình,

ngoài những bài miêu tả sự di chuyển từ nơi này đến nơi khác của tác giả - người đi du

lịch thì còn có những bài chủ yếu nói đến quãng đường từ nơi này đến nới khác như:

Hành trình mạn ngược từ Cao Bằng xuống Phú Thọ của Vũ Khắc Tiệp, Lược kí đi đường

bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn của Mẫu Sơn Mục N.X.H., …

Cảm hứng viễn du của du kí Việt Nam đầu thế kỉ XX nằm trong xu hướng du kí

thế giới nửa cuối thế kỉ XIX, nhưng cũng là tiền đề của du kí Việt Nam đầu thế kỉ XXI

xét trên phương diện nội dung với những tên tuổi khá quen thuộc với bạn đọc như: Trần

Bạch Đằng, Trung Nghĩa, Ngô Thị Giáng Uyên, Nguyễn Phương Mai, Nguyễn Thị

Khánh Huyền, …Đặc điểm nổi bật của cảm hứng viễn du trong giai đoạn này là sự kết

hợp với cảm hứng văn hóa với ý nghĩa: đi đến nơi xa để tìm hiểu văn hóa mà cốt yếu là

tìm hiểu văn hóa chính mình.

3.2.2. Cảm hứng yêu nước

Đề tài nổi bật của du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX là văn hóa và lịch sử. Điều

này cho thấy các nhà văn, nhà báo đã luôn quan tâm đến vấn đề dân tộc nên việc tìm

88

hiểu, khám phá để công bố cho quốc dân đồng bào về văn hóa, lịch sử dân tộc như là

một động cơ thúc đẩy các cuộc hành trình: đi thăm, đi chơi, đi du lịch, …

Cơ sở xã hội của cảm hứng yêu nước trong du kí Việt Nam giai đoạn này là xuất

phát từ hoàn cảnh của người trí thức trong một nước thuộc địa luôn ý thức về thân phận

và trách nhiệm của mình trước lịch sử và thời đại. Với chính sách “khai hóa”, người

Pháp đã từng bước thay đổi hệ thống giáo dục, chuyển từ nền giáo dục Hán học sang

nền giáo dục Pháp – Việt. Đội ngũ trí thức Việt Nam phân hóa thành hai lớp: Tây học

và Hán học. Thông qua các con đường giáo dục và chính sách thuộc địa, văn hóa Pháp

xâm thực một cách hỗn hợp vào văn hóa Việt Nam, trong đó có một số tác động tiêu

cực như thay đổi thuần phong mĩ tục và làm phai mờ một số nét đẹp truyền thống dân

tộc. Sự ra đời của hàng loạt tờ báo là cơ hội để tri thức Việt Nam công khai tư tưởng

yêu nước và dân tộc của mình. Nhiều hình thức của thể loại văn học và báo chí đăng

trên các báo và tạp chí đã chuyển tải các nội dung khác nhau liên quan đến vấn đề dân

tộc và thuộc địa. Du kí, với tính không ràng buộc của hình thức thể loại có khả năng

dung nạp chủ thể sáng tác với nhiều đối tượng khác nhau đã xuất hiện trên nhiều tờ báo,

như là một kiểu phát ngôn công luận mà bên ngoài giống như để quảng bá du lịch nhưng

bên trong chính là sự thể hiện thái độ đối với hiện thực của xã hội và lịch sử của dân tộc.

Như vậy, sự chi phối các cuộc hành trình trong tính mục đích của nó (cơ sở để hình

thành tác phẩm du kí), chính là nhận thức văn hóa – lịch sử dân tộc.

Khi nói đến cảm hứng văn hóa, tức là nói đến thái độ ứng xử của chủ thể trước

các đối tượng trong môi trường văn hóa. Còn cảm hứng lịch sử là quá trình nhận thức

quá khứ của dân tộc thông qua những cơ sở tồn tại hiện thực của nó. Tuy nhiên, trong

du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, cảm hứng văn hóa chi phối cách nhìn của nhà văn

đối với các vấn đề lịch sử nên dù là nhân vật hay sự kiện của lịch sử không còn nguyên

thể mà được khuếch chiếu sang phạm trù văn hóa để nhà văn tỏ thái độ về nó, liên tưởng

đến nó, sử dụng nó như là phương tiện nhận thức thế giới trong cuộc hành trình. Trên

quan điểm về cảm hứng văn hóa – lịch sử này, có thể khảo sát du kí Việt Nam theo từng

đối tượng:

Với đề tài lịch sử, các cuộc hành trình trong du kí hướng về những di tích lịch sử

và hiện thực của các di tích này tác động vào tình cảm và thái độ của nhà văn. Trong

cuộc dạo chơi thăm di tích Loa Thành, Nguyễn Đôn Phục xác định:

“Cuộc đi chơi này, đã là cuộc đi chơi về lịch sử thì cái lịch sử Loa thành này thế nào,

89

chắc là phải có đoạn sử bút khá dài, khá kì dị, khá ai oán, khá lâm li, kí giả cũng không

dám ngại phiền xin tả rõ ra đây để những khách hữu tình trong bạn đồng bang ta cùng

xem mà công cảm.”

("Bài ký chơi Cổ Loa", Nam Phong, số 87, tr. 203)

Trong Bài kí chơi Cổ Loa, Nguyễn Đôn Phục đã dành đến ba trang để nói về lịch

sử dân tộc đời An Dương Vương liên quan đến di tích Cổ Loa. Đáng lẽ bàn đến nhân

vật lịch sử là An Dương Vương thì tác giả say sưa nói đến nỗi oan của nàng Mị Châu.

Ông cho rằng: “Oan có thể lí giải được, cái oan ấy không kì, oan mà không thể giải

được, cái oan ấy mới kì” (tr. 206). Từ cái “oan kì” ấy mà tác giả dẫn dắt độc giả đến với

“Miếu Bà Chúa” thờ nàng Mị Châu. Nguyễn Đôn Phục say sưa tả, kể, luận bàn về cái

miếu này. Cảm hứng văn hóa chi phối cái nhìn đối với hiện vật lịch sử bị người đời tô

tạo theo ý mình, tác giả liên tưởng: “Tôi lại sợ rằng, quyển truyện Thúy Kiều của cụ

Tiên Điền ta, chừng độ vài mươi năm nữa, sĩ phu xuyên tạc chú thích nhiều, phụ họa

bàn tán nhiều, lạm ý sửa đổi nhiều, xã hội xuất bản nhiều thì cũng bị oan như hòn đá kia

vậy” tr. 207). Đó là thái độ phê phán sự xuyên tạc lịch sử từ góc nhìn văn hóa. Khi mô

tả cảnh vật qua hành trình: đi xem miếu, xem đền, đi qua đại môn, gặp các bô lão, trở

lại đình, ra thăm mã nàng Mị Châu giữa đồng, ông luôn xen vào những câu mang tính

nhận định, bình xét dựa vào kiến thức lịch sử để liên tưởng quá khứ, nhìn lại hiện tại,

nhìn về tương lai, tạo ra một dòng chảy cảm xúc và lí trí kết hợp, lôi kéo người đọc đi

theo mà không cưỡng lại được.

Ở một góc nhìn văn hóa khác đối với đề tài lịch sử, việc đi xem đền Lí Bát Đế

như một cuộc chơi phiếm, nhưng khi đến nơi tác giả mới cảm nhận được văn hóa và lịch

sử của ngôi đền này. Trong Một buổi đi xem đền Lí Bát Đế, Phạm Văn Thư đã nói lên

cảm nhận của mình:

“Chùa Cổ Pháp xem cũng chẳng có cái kiến trúc mĩ lệ, cái phong cảnh thiên nhiên gì,

thế mà xem xong ai cũng lấy làm thích, có lẽ bởi đó là cái vết tích cũ về lịch sử, phàm

những nơi có vết tích cũ thuộc về lịch sử nước mình ai xem tất cũng có cảm động.”

(Nam Phong, số 91, tr. 37)

Di tích lịch sử còn được thể hiện dưới góc nhìn dân gian qua các câu chuyện

truyền thuyết. Con rùa đặt trước lăng vua Lê Uy Mục được Phạm văn thư mô tả bằng

câu chuyện mang tính huyền thoại:

“Nguyên khi vua Uy Mục bị Giản Tu Công giết thì đem táng ở làng mẹ và xây lăng gọi

90

là An lăng. Tục lại truyền rằng: khi vua Uy Mục bị bắt thì con rùa ấy ở kinh đô bò suốt

đêm vừa đến sáng đến làng Phù Chẩn thì đứng lại; con rùa ấy ngày xưa đêm cứ đi quấy

nhiễu các làng chung quanh đấy, sau người ta phải chém ba nhát vào đầu nó và đục mắt

trái nó đi thì nó mới mất thiêng.”

(Nam Phong, số 91, tr. 39)

Trong nhiều bài du kí ở giai đoạn này, dù đi đến đâu, các nhà văn, nhà báo thời

bấy giờ cũng đều thấy trong đó những dấu tích lịch sử, thôi thúc họ ghé thăm và cảm

nhận về nó. Cảm hứng văn hóa – lịch sử trong du kí Việt Nam đã làm cho những di tích,

di vật, hiện vật không đơn thuần là hình ảnh vật chất, trái lại nó được tái hiện bằng câu

chuyện cổ tích, huyền thoại kết hợp với những lời nhận xét, suy tưởng, cùng với lời văn

mang tính biểu cảm đã trở nên có hồn, có cánh. Có những địa danh sử tích văn hóa đã

từng đi vào văn học, nhưng trong nhiều tác phẩm du kí, nó được vẽ lại bởi một bức tranh

khác, ở góc nhìn khác. Trong bài du kí Am Tiên, Hoàng Minh đã dựng lại cái am cũ nát

bằng huyền thoại của người tiều phu ở núi Na, nhưng không phải dựa vào câu chuyện

trong Truyền kì mạn lục là Na Sơn Tiều đối lục của Nguyễn Dữ, mà bằng câu chuyện

dân gian để nói về lẽ mất còn. Chi phối bởi cảm hứng văn hóa – lịch sử, các nhà du kí

của chúng ta đã phục chế lại được nhiều di tích bị thời gian tàn phá bằng nghệ thuật

ngôn từ.

Đối với những tác phẩm du kí có đề tài mang ý nghĩa khảo cứu văn hóa, cảm

hứng văn hóa – lịch sử đã thể hiện rõ thái độ của nhà văn đối với hiện thực. Từ quan

niệm cho đến cách kể, cách tả, cách nêu vấn đề, cách lựa chọn tình tiết trong tác phẩm

du kí đều qui chiếu vào cảm hứng này. Cùng một di tích, địa danh văn hóa, cùng mục

đích tìm hiểu văn hóa và lịch sử nhưng cách biểu thị cảm hứng ở mỗi tác phẩm mang

một màu sắc khác nhau. Trong thời gian này, có nhiều nhà văn đến Huế và họ đều hướng

về Huế và coi Huế như là sự hiện thân của văn hóa và lịch sử dân tộc ngay giữa thời

đương đại. Nếu là du khách bình thường, Huế trong mắt họ cũng chỉ là “cái cảnh tự tại”,

nhưng với Phục Ba, Cuộc đi chơi Huế là để “xúc cảnh sinh tình, tư kim hoài cổ”, Huế

đã “khiến lòng ta thêm một cái cảm tưởng muốn du lịch kinh đô Huế để ngắm lại giang

sơn thành quách hai mươi năm về trước thế nào” (Nam Phong, số 157, tr.586). Đến Huế

mà xem thành quách thôi thì cũng chưa hiểu hết Huế nên ông phải “lưu lại Cổ học viện

để xem sách” (tr.587). Trong chuyến Nam du đến Ngũ Hành Sơn, khi đi qua Huế, được

quan thượng thư Phạm Quỳnh và ông nghị trưởng Nguyễn Trác đón, Nguyễn Trọng

91

Thuật đã tận mắt chứng kiến hoàng cung Huế. Không chỉ miêu tả tỉ mỉ hoàng cung Huế

mà ông đã nhận ra từ khung cảnh xứ Huế có một dòng sông Hương “không những phân

chia địa thế kinh thành Huế làm hai phần mà còn lại giới hạn cho cái văn minh khác

nhau cùng nhau cùng khoa diệu ở góc trời Đông Á” (Nam Phong, số 184, tr. 442).

Cảm hứng văn hóa giúp nhà văn nhìn sâu vào hiện thực. Không phải các nhà văn

du kí của chúng ta quá tỉ mỉ khi miêu tả, quá nhạy cảm khi chứng kiến những hiện tượng

phi văn hóa đang xảy ra mà trách nhiệm của người cầm bút phải mang lại một điều gì

đó cho nước nhà. Cảm hứng văn hóa đã dẫn đường cho cảm hứng thế sự.

Hương Sơn hành trình của Nguyễn Văn Vĩnh là bài du kí xuất hiện khá sớm viết

về thắng cảnh Hương Sơn, nhưng không phải như Chu Mạnh Trinh thành kính hướng

về cõi tâm linh mà là sự quan sát của người đi vãn cảnh chùa.

“Chỗ bầy thờ Phật thì cũng tựa như chùa khác, mà lại có phần thiếu sót vì hai bên không

có Thập điện, La Hán, chỉ thấy bàn thờ tạp nhạp, chẳng biết thần chi chi. Mỗi cái lõi đá

lòi ra lõm vào, là có một cái tên, có một thần riêng, kì nhất là núi chỗ các cậu, các cô,

cũng là hai cái thạch nhũ, đó chính là nơi Phật bầy hàng con giai con gái, để cho đàn bà

đi cầu tự đến mà chọn.”

(Đông Dương. số 44, tr.23)

Cảnh người đi chùa thì:

“Những bà kém âm đức, đi cầu chín mười lần rồi chưa được thì đồ rằng xin con giai quá

lạm, Phật ngài chẳng cho đành phải sang kêu bên núi các cô, chẳng giai thì gái vậy (…).

Nực cười thay mà não nùng thay! Ước gì trong cái tục con trẻ và dã man ấy, khi có mất

đi cũng còn để sót lại cái nghĩa ham gây dòng giống ấy.” (tr.24).

Và điều xảy ra ở nơi cái chốn linh thiêng ấy cũng được kể lại bằng huyền thoại

của di tích tâm linh này bằng giọng điệu trào phúng:

“Trong thẳm cùng, có một cái lỗ, người ta kể chuyện rằng, ngày xưa, khi các nhà sư còn

thực bụng tu hành, bấy giờ chưa biết hút á phiện, sư chưa lấy vợ lẽ, chưa mở cửa hàng

bán hương khói, buôn bùa bèn, như sư cụ chùa Hương ta ngày nay, thì phàm các sư tu

ở Hương Sơn cứ bữa bữa vô đó lấy thóc lấy gạo ra mà nấu cơm ăn.” (tr.25)

Phạm Quỳnh cũng quan tâm về vấn đề này. Trong bài Chảy (trẩy) chùa Hương,

Phạm Quỳnh đã đưa ra ý kiến:

“Lòng tôn giáo không thịnh, các giáo hội không có, mới sinh ra vô số những sự thờ

cúng, lễ bái vô nghĩa, vô lí, lắm khi hại cho phong tục luân thường. Bây giờ các nước

92

văn minh đều lấy tôn giáo làm cái động lực rất mạnh trong xã hội, hết sức chấn hưng để

lấy đấy mà chống đối lấy cái phong trào vật chất đời nay: nước mình có người nào sáng

suốt mà nghĩ tới không.”

(Nam Phong, số 23, tr. 368)

Cảm hứng văn hóa chi phối du kí Phạm Quỳnh. Dù đi Tây, đi lễ, đi du lịch, đi

xem hội Phạm Quỳnh cũng cốt nói cho được vấn đề văn hóa, nhưng không phải là văn

hóa trừu tượng mà chính là những điều tai nghe mắt thấy, hiện hữu trong nhận thức và

suy nghĩ của ông. Chính điều này đã làm nên một trong các đặc điểm quan trọng của

phong cách du kí Phạm Quỳnh.

Cảm hứng văn hóa có nhiều lúc chi phối bởi cảm hứng lịch sử. Đi đến đâu, nếu

là địa danh nước Việt đều có sự tích, tất phải có câu chuyện truyền thuyết, câu chuyện

lịch sử. Trong du kí Việt Nam giai đoạn này, các câu chuyện lịch sử không phải những

điều nói trong sử sách mà là những điều tác giả thu thập ở nhiều tài liệu khác nhau, kể

cả những câu chuyện dân gian. Ngay cả đến vùng thượng du Bắc Kì, nơi rừng thiêng

núi hiểm mà cũng được Nhật Nham kể đến mấy câu chuyện lịch sử xảy ra ở đất Tuyên

Quang, Bắc Cạn. Đến lúc ngồi ăn trên thuyền, giữa hồ Ba Bể, ông còn tưởng tượng rằng:

“Ngồi ăn trên mặt nước, bên cạnh bờ lau, rừng sậy, tôi có cảm tưởng như Triệu Quang

Phục cắm thuyền độc mộc ở bến Dạ Trạch, chia bùi xẻ ngọt với quân sĩ trong một bữa

ăn trước khi ra trận đánh quân Trần Bá Tiên nhà Lương nước Tầu.”

("Từ Hà Nội đến hồ Ba Bể", Tri Tân, số 72, tr.12)

Cảm hứng văn hóa – lịch sử trong du kí giai đoạn này như là một hình thức biểu

hiện một phương diện chức năng của du kí, như Hoàng Văn Trung đã bộc lộ trong tác

phẩm Ba Bể du kí: “Người trong một xứ mà không biết nơi danh thắng xứ mình, sao gọi

là người trí thức”

3.2.3. Cảm hứng tâm linh

Phản ứng trước các hiện tượng của tín ngưỡng, không phải trí thức Việt Nam

không coi trọng đời sống tâm linh mà ngược lại, đời sống tâm linh chính là một phần

của đời sống tinh thần của họ. Chính vì thế mà các cuộc hành trình đến chốn chùa chiền,

di tích trong du kí Việt Nam giai đoạn này là để đi đến những nơi có thể là đang hiện

hữu những điều tâm niệm hay ẩn ức trong đời sống tinh thần của họ. Không kể đến hàng

loạt bài du kí nói về những cuộc hành trình vãn cảnh chùa, chiêm ngưỡng nơi được coi

93

là Phật hiển linh mà còn có nhiều bài du kí đến những nơi mà theo dân gian, là chốn linh

thiêng, có miếu, có đình, có tháp và cả những nơi sinh hoạt tâm linh đang diễn ra. Không

phải vì họ tò mò muốn những biết được điều truyền tụng trong dân gian mà việc thực

hiện các cuộc hành trình đến những nơi đó, trái lại họ mang tâm trạng thành kính,

ngưỡng mộ, lòng tự tôn dân tộc, suy nghiệm lẽ mất còn, hi vọng điều thiêng liêng, …

Tất cả điều này có khả năng làm nên cảm hứng tâm linh trong du kí Việt Nam nửa đầu

thế kỉ XX.

Cảm hứng tâm linh trong du kí là nhu cầu, khát vọng của nhà văn thực hiện điều

tâm nguyện bằng cuộc hành trình hoặc trong khi thực hiện cuộc hành trình đã gặp gỡ

những điều mang tính tâm linh. Trong văn học nhân loại, yếu tố tâm linh trở thành đề

tài của du kí: đề tài tôn giáo, đề tài hành hương, đề tài thần thoại,… Những tác phẩm

của như: Nhân gian du kí, Thiên đường du kí, Địa ngục du kí, …của Thánh Hiền Đường

viết về những câu chuyện tâm linh thông qua hình thức đối đáp giữa Tế Phật với các

nhân vật khác muốn biết về những nơi trong kinh sách, Đại đường Tây Vực kí của Trần

Huyền Trang kể về cuộc hành trình đến đất Phật, Á châu huyền bí của Blair kể về cuộc

hành trình đến Ấn Độ, … đều thuộc về đề tài và cảm hứng tâm linh. Trong du kí Việt

Nam, những đề tài này rất mờ nhạt, mà chỉ là cảm hứng đan xen với những cảm hứng

khác. Nếu du kí phương Tây có những tác phẩm viết về các cuộc hành hương về nơi đất

thánh, mang cảm hứng tôn giáo thì đề tài “hành hương” trong du kí Việt Nam là sự trở

về cội nguồn, mang ý nghĩa nhận thức lịch sử và khám phá chính mình. Cảm hứng tâm

linh trong bài du kí Một cuộc hành hương được Trúc Khê và Lê Thanh viết trong dịp

đến thăm quê cũ của nhà Trần không phải tín ngưỡng tôn giáo mà là sự thành kính đối

với những gì do con người tạo ra trong quá khứ:

“Hôm nay là mồng một tháng tám ta. Cùng hai bạn Hoàng quân và Ngô quân với một

tâm hồn hoàn toàn của một kẻ hành hương đầy lòng tín ngưỡng, tôi đi thăm Tức Mặc quê

cũ của nhà Trần.”

(Tri Tân, số 19, tr. 5)

Trong du kí Việt Nam, những cuộc du lịch, tham quan đến chùa, đến miếu, đến

đền, đến kinh đô cổ xưa đều mang cảm hứng tâm linh. Tuy nhiên, cảm hứng tâm linh

trong du kí Việt Nam mang các đặc điểm về văn hóa Việt Nam và tâm lí con người Việt

Nam. Những vấn đề nói trên thuộc về văn hóa học nghiên cứu tâm linh, vấn đề của khoa

học tương lai. Tuy nhiên, có một điều dễ nhận ra trong du kí Việt Nam: cảm hứng tâm

94

linh là cái động lực làm cho nhà văn phê phán những cái phàm tục, cái thiếu hiểu biết

về tri thức văn hóa đã làm ô uế hoặc biến dạng những điều tốt đẹp về thế giới mà con

người gửi gắm vào đó niềm tin và những giá trị tinh thần của mình. Cảm hứng tâm linh

thể hiện qua cảm nhận về sự cuồng tín như một số tác phẩm của Phạm Quỳnh, Nguyễn

Văn Vĩnh; cảm nhận nỗi đau mất nước của vương quốc Chămpa như trong Indrapura

của Dương Kỵ; suy tưởng đến những người đã gián tiếp hay trực tiếp có công với đất

nước mà không người thờ cúng như Dâng hương đền Kiếp hay Dâng hương đền miếu

Hát của Hoa Bằng. Cảm hứng tâm linh còn là tâm nguyện của các nhà văn, nhà báo Việt

Nam đầu thế kỉ XX như là sự hướng đến quốc hồn, quốc túy.

3.2.4. Cảm hứng trữ tình

Không phải du kí Việt Nam nằm giữa ranh giới tản văn và tùy bút để cảm hứng

trữ tình trở thành cái đặc trưng của sự giao thoa thể loại mà từ trong nguồn gốc của

mình, du kí đã từng tồn tại trong thể loại trữ tình. Vì thế, dù có đi xa cội nguồn của mình

gần chục thế kỉ, nhưng du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX vẫn không từ bỏ nó. Cảm

hứng trữ tình trong du kí chính là một dạng thức phản ánh hiện thực của chủ thể trong

cuộc hành trình, thông qua những điều mà nhà văn quan sát, chứng kiến, nhìn thấy hay

nghe thấy, thông qua trí tưởng tượng và cảm xúc mà biểu thị sự vật, con người và những

hiện tượng khác mà nhà văn đã trải qua. Hình thức biểu thị cảm hứng trữ tình trong du

kí thường là những bài thơ, câu thơ hay những lời tự thuật tâm trạng, những cách miêu

tả, kể chuyện có sự thăng hoa của cảm xúc. Vì thế, cảm hứng trữ tình trong du kí cũng

hết sức đa dạng. Trên phương diện tiếp cận nội dung, chúng tôi khảo sát đối tượng mà

nhà văn thể hiện cảm xúc trữ tình, đó là: lộ trình, địa danh, cảnh vật. Sự chuẩn bị cho

một cuộc hành trình, trước hết là tâm lí. Thông thường, trước một chuyến đi xa, dù đi

chơi, đi thực hiện một công việc nào đó ở một nơi không quan thuộc, người ta thường

có những biến đổi về tâm lí như: hồi hộp, lo lắng, phân vân, xao xuyến, háo hức,…

Những biểu hiện của tâm trạng này là cơ sở của cảm hứng trữ tình trong du kí. Trong Ai

Lao hành trình, Trần Quang Huyến có ba lần thay đổi tâm trạng: lần thứ nhất, trước khi

đi là buồn và lo lắng; lần thứ hai, khi đặt chân đến đất Lào, trước phong cảnh kì vĩ, ông

bộc lộ tâm trạng vui mừng, hồ hởi, say sưa; lần thứ ba, tâm trạng suy tư sau khi trở về.

Trong mỗi lần như vậy, tác giả luôn bộc lộ cảm xúc bằng những bài thơ do mình sáng

tác. Cảm xúc trữ tình trên lộ trình đã tạo ra sự đan xen trong cấu trúc hành trình của tác

phẩm du kí. Tuy nhiên, những khoái cảm hay tình cảm bộc lộ trên đường là tâm trạng

khao khát của chủ thể và đang thực hiện khao khát đó. Trên các lộ trình như sang Lào,

95

vào Nam, đến Huế, lên Lạng Sơn – Cao Bằng Phạm Quỳnh thường bộc lộ cảm xúc và

gửi gắm nó vào trong các câu thơ, nhưng không phải thơ do ông sáng tác mà các câu

thơ dân gian hay câu thơ xúc cảnh của một nhà thơ nào đó đã từng lưu truyền trong dân

chúng.

Trong du kí Việt Nam có nhiều địa danh, có những địa danh quen thuộc như Hà

Nội, Huế, Sài Gòn, nhưng cũng nhiều địa danh chưa quen với nhiều người. Dù quen hay

lạ, khi đến một nơi nào đó thuộc về đất nước mình, các nhà du kí Việt Nam thời bấy giờ

không khỏi xúc động, có nơi gợi nên sự trìu mến thân thương, có nơi gợi cảm hứng thơ

ca, ca ngợi, tự hào, có nơi gợi sự trầm lắng, suy tư,… Không như tùy bút, cảm hứng trữ

tình trong du kí thường đan xen với các cảm hứng khác để tạo ra cấu trức tự sự - trữ tình

đặc trưng của du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.

Khi Nguyễn Tiến Lãng đang băn khoăn “không biết có nên tới Thần kinh” để

thăm Phạm Quỳnh hay chỉ viết thư hỏi thăm thôi bởi vì ông còn phải nhiều việc đáng lo

thì lúc mới ra đến nhà ga, ông đã “thấy trong mình khoan khoái”. Lại tới Thần kinh viết

nhân chuyến đi Huế lần này, không phải như lần đầu, trên đường đi, ông nghĩ đến Huế

với lòng say đắm khi bỗng nhớ đến những câu ca dao xứ Huế như “Đường vô xứ Huế

quanh quanh (…) Yêu em anh cứ anh vô …”. Huế trong cảm xúc của Nguyễn Tiến Lãng

mỗi lúc mỗi khác. Khi đang là học trò của trường Albert Sarraut, tác giả say sưa đến nỗi

bỏ cả học hành để đi xem lễ tế đàn Nam Giao, đi “cung chiêm các tôn lăng”, nhưng trở

lại Huế lần này, cảm hứng trữ tình đã hòa với cảm hứng văn hóa tạo nên những câu văn

bay bổng cảm xúc.

“… Ta đã tặng Huế một phần quí báu nhất của tấm lòng ta, nhưng không bao giờ chẳng

tránh khỏi vuốt ve Huế một đôi chút, như một giai nhân đáng yêu mà rất yêu, như một

người nhu mì mà đại lãn, một người nũng nịu ru ngủ cho ta đã từng thử ca ngợi trong

một vài vần thơ.”

(Nam Phong, số 200, tr.81)

Cảm hứng trữ tình cũng thường hòa với cảm hứng lịch sử mỗi khi chủ thể trữ

tình đi qua một địa danh sử tích. Nguyễn Hữu Tiến trong một lần đi Chơi vịnh Hạ Long,

khi qua cửa sông Bạch Đằng cũng không khỏi bồi hồi xúc động:

“ … Đến nay tôi mới đến thăm qua cái nơi chiến trường ở trên dòng sông bãi cát này,

thì còn biết đâu là nơi cắm chông sắt, nơi phục binh thuyền, chỉ thấy ngọn nước thủy trào

sớm hôm lên xuống ào ào, cuộc tang thương thay đổi mấy đời triều, ai còn nhớ đến đoạn

lịch sử vẻ vang ở trên dòng sông nước chảy này nữa. Song những người hữu tâm mà qua

96

đây sực nhớ câu thơ “Bằng giang tự cổ huyết do hồng” thì cũng tưởng tượng như trông

thấy Ngô Vương Quyền, Trần Hưng Đạo đang hò hét quân sĩ ở trên ngọn trào lớp sóng;

vẻ vang thay! Hùng tráng lắm thay!”

(Nam Phong, số 82, tr. 322)

Cảm hứng trữ tình cũng hòa với cảm hứng thiên nhiên, cảm hứng lãng mạn mỗi

khi tác giả đi qua những nơi gắn liền với một địa danh đã từng tồn tại trong nội dung

văn học. Trong Mười ngày ở Huế, khi qua Đèo Ngang, Phạm Quỳnh bỗng nhớ đến câu

thơ của bà Huyện Thanh Quan:

Thực là:

Dừng chân đứng lại trời non nước

Một mảnh tình riêng ta với ta.

Cảnh vui này mới bỏ cảnh buồn lúc nãy. Trên núi thì cỏ chen đá lá chen hoa, dưới đồng

thì ruộng lúa xanh rì dòng nước cuốn, ngoài bể thì giời nước mênh mông sắc một màu.”

(Nam Phong, số 10, tr. 200)

Cảm hứng trữ tình cũng hòa với cảm hứng nhân đạo khi đối tượng trữ tình không

phải cảnh vật mà là con người:

“Khi xuống xe thấy một ông lão già ngồi bên đường như người hành khất, hình dáng tiều

tụy, không nói không năng. Than ôi! Khoảng vắng đường dài, trên rừng dưới bể, lão ở

đâu đến, lão ngồi chi đây? Hay là lão cực nỗi đời khốn khổ, đem thân tự hiến cho sơn

quân? Thương thay!” (tr.201).

Cảm hứng trữ tình trong du kí thường là để phản ánh sự vật, nhưng cũng có những

trường hợp để suy nghiệm hay tự vấn bản thân. Trong tác phẩm Sau tám năm trở lại

thăm Lao Kay, Nhật Nham bộc lộ:

“… đoái trông non nước xa xa, bồi hồi, cảm tưởng lại nghĩ đến mới ngày nào cũng đứng

đây, cũng vẫn giang sơn này, mà tám năm như chớp mắt, tựa như chim bay! Tháng ngày

lần lữa, cảnh vật đổi thay, mà riêng mình sự nghiệp chưa thành, nhân đó lòng buồn man

mác, lòng sinh vô hạn cảm.”

(Tri Tân, số 46, tr. 20)

Cảm hứng trữ tình phổ biến trong du kí giai đoạn này là xúc cảm thành thơ. Thông

thường, người đi du lịch làm thơ để tả cảnh vật, nhưng nhiều trường hợp nhìn cảnh mà

sinh tình bởi cảnh có thể gợi tình, gợi tâm sự để tác giả bộc lộ cảm xúc. Nhưng mặt

khác, thơ trong du kí cũng mang đặc điểm riêng, đó là tính đa dạng của đề tài và cảm

hứng, phong phú về các thể thơ và ngôn ngữ; đặc biệt thơ còn là một trong các phương

97

thức trần thuật của tác phẩm du kí.

3.2.5. Cảm hứng thế sự

Cảm hứng thế sự hiếm thấy trong du kí giai đoạn trước đó nhưng đến nửa đầu thế

kỉ XX thì nó xuất hiện khá nhiều. Với sự tác động của báo chí, có lúc song hành với báo

chí, cùng với các thể loại mang chức năng cảnh tỉnh xã hội như phóng sự, tản văn, nghị

luận (lúc đó gọi là “thời đàm”), du kí Việt Nam còn thâm nhập vào đời sống xã hội như

là một chức năng mang tính thời đại của nó. Đội ngũ nhà văn viết du kí cũng là những

người làm báo, nên dù viết về cảm nhận của mình lúc du hí hay đi công cán thì ý thức

nghề nghiệp cũng theo đuổi họ, chi phối sự quan sát, cảm nhận và đánh giá của họ đối

với hiện thực. Những cái tiêu cực, hủ bại của cuộc sống đã làm cho các nhà văn như

Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh (khi viếng cảnh chùa Hương), Mãn Khánh Dương Kỵ

(khi đến thăm điện Hòn Chén) quan tâm nên trong tác phẩm du kí của họ không thể

không kể chuyện u mê, cuồng tín của một bộ phận dân chúng.

Trên hành trình của chuyến du lịch, cảnh đẹp đã nhiều nhưng cảnh xấu không phải

không thấy. Trong bài du kí Sự du lịch đất Hải Ninh, Trần Trọng Kim đã đến một cái

làng của người Tàu và quan sát tỉ mỉ cuộc sống của họ như những người làm phim phóng

sự:

“Tôi sang chơi mấy lần mà lần nào cái mùi bẩn nó xông lên cũng buồn nôn. Ở bên ấy,

nhà nào cũng có một vài con lợn và một đàn gà, nuôi ngay ở trong nhà, quây quần ngay

chỗ người ngồi. Trông xuống nền nhà thì thấy đen đen như chuồng phân của ta, mà lại

ươn ướt thật là ghê. Thế mà người ngồi ở đấy, giường nằm ngủ ở đấy, không biết sao mà

chịu được. (…) Cũng vì thế cho nên những người mà cả đời chỉ trông thấy những điều đê

hạ, và chỉ làm những điều đê hạ, thì dẫu làm việc gì cũng giở những ngón đê hạ ra mà

vẫn không biết mình làm điều đê hạ.”

(Nam Phong, số 71, tr. 385)

Những điều mà tác giả quan sát và miêu tả trên lộ trình không chỉ là để tái hiện

hình ảnh của hiện thực như kiểu phóng sự mà là một cách cảm nhận của chủ thể về đời

sống thông qua phản ánh hiện thực.

Trên đường đến gò Óc Eo để tham quan địa điểm khảo cổ ở Nam Bộ, Trần Huy

Bá đã quan sát khả tỉ mỉ cuộc sống của người Nam Bộ, từ công việc kiếm sống cho đến

tính cách của họ:

“Đây lại mấy chủ chữa xe đạp ở ngay lề đường. Thôi thì đủ các thứ ruột xe, vành bánh,

kìm búa. Thực là ngổn ngang chướng mắt. Bên cạnh lại mấy chú chuyên nắm chải mũ dạ

thuê: chú rữa, chú quay, chú làm bắn tung những giọt nước bẩn đầy bồ hôi lên khách qua

đường, nhưng chú vẫn không cần xin lỗi.”

98

("Hai tháng ở gò Óc Eo", Tri Tân, số 168, tr.19)

Cảm hứng thế sự không phải lãnh địa của du kí. Nhưng vào giai đoạn lịch sử này,

những vấn đề nhân sinh đang đã trải khắp đất nước nên dù vô tình hay hữu ý, những

hình ảnh đất nước, con người đan xen lẫn nhau đã đi vào du kí là điều không tránh khỏi.

Tuy nhiên, sự phản ánh xã hội trong tác phẩm du kí vẫn có nhiều khác biệt so với các

thể loại khác như tiểu thuyết và phóng sự. Đó là nhà văn không dụng công để xây dựng

hình tượng như trong các thể loại khác mà thông qua phương thức trần thuật mang tính

quan phương của người đi du lịch đã ghi lại hình ảnh cuộc sống như là dấu tích của lộ

trình để lại dấu ấn trong trí nghĩ của nhà văn.

*

* *

Nhiều người coi du kí nói chung, du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX là thể tài

không phải là không có lí do. Tính phong phú của đề tài du kí chi phối bởi các cuộc

hành trình nên có thể nói du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX như là một cuộc tổng điều

tra về văn hóa, lịch sử, phong cảnh của Tổ quốc. Bên cạnh những đề tài đã có trong du

kí trước thế kỉ XX như đề tài danh lam – thắng cảnh, đề tài quốc tế, du kí nửa đầu thế kỉ

XX còn có những đề tài mới như: đề tài văn hóa, đề tài lịch sử, đề tài dân tộc thiểu số.

Cùng với sự phong phú về đề tài, sự đa dạng của cảm hứng đã làm nên đặc điểm nội

dung của du kí Việt Nam thế kỉ XX. Ngoài những cảm hứng trong văn chương truyền

thống như: cảm hứng yêu nước, cảm hứng thế sự, cảm hứng trữ tình, trong du kí Việt

Nam nửa đầu thế kỉ XX còn có những cảm hứng: cảm hứng viễn du, cảm hứng tâm linh.

Như vậy, du kí vừa mang những đặc điểm chung của văn học dân tộc, vừa có những đặc

trưng riêng, phù hợp với thời đại của nó.

99

Chương 4: ĐẶC ĐIỂM HÌNH THỨC CỦA DU KÍ VIỆT NAM

NỬA ĐẦU THẾ KỈ XX

Phần lớn tác phẩm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX là những tác phẩm văn

xuôi tự sự. Tác phẩm du kí cũng mang đặc điểm thi pháp của văn xuôi tự sự. Để làm rõ

đặc trưng thể loại của du kí trong mối quan hệ với các tác phẩm tự sự khác, chúng tôi

khảo sát du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX trên các yếu tố: cốt truyện, kết cấu, nhân vật

và điểm nhìn trần thuật, ngôn ngữ. Điều này có ý nghĩa góp phần làm rõ đặc trưng thể

loại của du kí, đồng thời xác định được vị trí của nó trong dòng chảy của văn học dân

tộc.

4.1. Cốt truyện

Cùng với sự phong phú về đề tài là sự phong phú các kiểu đi của các cuộc hành

trình, yếu tố làm nên các kiểu cốt truyện tác phẩm du kí giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX.

Mặc dù một số kiểu hành trình trong du kí Việt Nam vắng bóng hoặc mờ nhạt so với du

kí thế giới như: hành trình theo “con đường tơ lụa”, thám hiểm thuộc địa, hành hương

tôn giáo, phiêu lưu, mạo hiểm, di dân và du mục, … nhưng trong du kí Việt Nam cũng

có những cuộc hành trình ít thấy trong du kí thế giới như: tìm về cổ tích (được hiểu là

dấu tích cổ trong lịch sử và truyền thuyết), phiếm du, hành sự - quan phong,… Những

cuộc hành trình này đã tạo nên đặc trưng của du kí Việt Nam xét trên phương diện nội

dung. Trong tác phẩm viết về những cuộc hành trình lớn, cốt truyện thường là sự xâu

chuỗi các sự kiện, diễn biến của lộ trình, kết quả quan sát, trải nghiệm của nhân vật hành

trình. Tác phẩm được viết trong những cuộc hành trình với mục đích tham quan, dạo

chơi hay đến thăm một địa danh, di tích, danh lam, thắng cảnh nào đó, không có nhiều

sự kiện thì cốt truyện thường bị ẩn đi dưới cấu trúc tự sự - trữ tình của tác phẩm. Tuy

nhiên, trong một số tác phẩm viết trong các chuyến đến thăm địa danh, di tích, tác giả

đã kể lại câu chuyện sự tích, huyền thoại về những nơi đó. Như vậy, những tác phẩm có

cốt truyện trong du kí Việt Nam có thể chia ra thành hai loại: cốt truyện hành trình và

cốt truyện sự tích – huyền thoại.

4.1.1. Cốt truyện hành trình

Cốt truyện hành trình trong tác phẩm du kí là sự liên tục và liên kết của các sự

kiện diễn ra trong cuộc hành trình từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc. Có thể tưởng tượng

rằng, cuộc hành trình nói đến trong tác phẩm như là một sự sắp đặt trước, thời gian, địa

100

điểm, lộ trình, diễn biến các sự kiện hoặc các tình huống bất ngờ xảy ra phải thay đổi lộ

trình như là có chủ ý.

Phần lớn du kí của Phạm Quỳnh có cốt truyện bởi Phạm Quỳnh có nhiều cuộc

hành trình lớn, nhanh thì mười ngày, lâu thì vài ba tháng, đi đến nhiều nơi, có nhiều sự

kiện nhưng phần lớn thuộc về các sự kiện liên quan đến văn hóa. Những tác phẩm như:

Pháp du hành trình nhật kí, Một tháng ở Nam kỳ, Du lịch xứ Lào là những tác phẩm gắn

liền với các cuộc du hành nhiều ngày, trải qua nhiều nơi với nhiều sự kiện nên đã mang

đầy đủ các yếu tố của cốt truyện hành trình như đã đề cập ở Chương 2. Tuy nhiên, những

tác phẩm có cốt truyện hành trình phổ biến trong du kí Việt Nam là những tác phẩm có

dung lượng vừa, cuộc hành trình không lớn, thời gian địa điểm không nhiều nhưng có

lộ trình và các sự kiện để hình thành kiểu cốt truyện hành trình đặc trưng của du kí Việt

Nam.

Tác phẩm Mười ngày ở Huế của Phạm Quỳnh có cốt truyện diễn ra theo thời gian

lộ trình với các câu chuyện: câu chuyện trên đường đi vào Huế, câu chuyện đến Huế,

câu chuyện xem tế đàn Nam Giao, câu chuyện xem lăng các vua triều Nguyễn, câu

chuyện xem Đại nội, câu chuyện gặp gỡ con người đất kinh kì. Trong mỗi câu chuyện

đó lại chứa các câu chuyện nhỏ để giải thích một địa danh, một sự tích hay thậm chí một

câu ca dao.

Chẳng hạn khi thuật chuyện trên đường trong Mười ngày ở Huế, tác giả kể hai

câu chuyện liên quan đến bài ca dao nhưng để nói đến một nhân vật lịch sử là Nguyễn

Khoa Đăng (1691 – 1725):

Thương anh em cũng muốn vô,

Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang.

Phá Tam Giang nay rày đã cạn,

Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm.

(Nam Phong, số 10, tr. 202)

Câu chuyện thứ nhất là chuyện ông Nguyễn Khoa Đăng dùng mưu bắt cướp ở

đèo Ngang trả lại bình yên cho khách bộ hành. Câu chuyện thứ hai nói về việc ông

Nguyễn Khoa Đăng đã dùng súng thần công bắn chết hai cơn sóng thần và làm một cơn

sóng còn lại bỏ chạy. Các câu chuyện được kể liên quan đến sự vật, sự việc, hiện tượng

xảy ra trong cuộc hành trình, nhưng không phải ở thì hiện tại như trường hợp nói trên

được xem như là những sự kiện trong cốt truyện du kí.

101

Với hạt nhân là thuật chuyện xem tế đàn Nam Giao của vua nhà Nguyễn, những

câu chuyện "vệ tinh" khác đều góp phần làm tăng thêm tính trang nghiêm, cổ kính của

đối tượng được chứng kiến. Thông qua các phương thức tự sự: miêu tả, tự thuật, nghị

luận, thỉnh thoảng có xen vào yếu tố trữ tình, cốt truyện của Mười ngày ở Huế là kiểu

cốt truyện hoàn chỉnh của hành trình văn hóa.

Trong du kí Việt Nam, những tác phẩm có cốt truyện hoàn chỉnh thường là những

tác phẩm có dung lượng lớn để chứa trong nó nhiều vấn đề của cuộc hành trình với độ

lớn của không gian và thời gian. Tuy nhiên, cũng có những tác phẩm thuật lại cuộc hành

trình đi đến nhiều nơi, trải qua nhiều ngày nhưng dung lượng không lớn, sự kiện bị lược

bỏ đến nổi khó nhận ra được cốt truyện như trường hợp tác phẩm Trên đường Nam Pháp

của Tùng Hương. Trái lại cũng có những cuộc hành trình không phải trải qua nhiều

ngày, nhiều nơi nhưng có nhiều tình tiết, sự kiện liên tiếp nhau thì có khả năng xuất hiện

cốt truyện như tác phẩm Từ Hà Nội đến hồ Ba Bể của Nhật Nham.

Du kí Việt Nam giai đoạn này không có những tác phẩm có cốt truyện lớn như

du kí phương Tây, chủ yếu là những tác phẩm có cốt truyện vừa và nhỏ. Những tác phẩm

có cốt truyện đó tập trung xoay quanh một số đối tượng cụ thể trong cuộc hành trình:

phương tiện, lộ trình, địa danh, cảnh quan, công trình văn hóa, lịch sử,…

Cốt truyện bao giờ cũng để thể hiện một hoặc một số đề tài nhất định nhưng

thường hướng vào hoạt động của chủ thể: xem cảnh và gặp người. Trong câu chuyện

xem Đại nội Huế trong Mười ngày ở Huế, để tạo cho câu chuyện mang tính tôn nghiêm,

Phạm Quỳnh không chỉ miêu tả cảnh vật mà còn lồng vào hai câu chuyện gặp gỡ với

hai nhân vật quan trọng sống trong không gian ấy là: nữ sử Đạm Phương và cao tăng

Viên Thành.

Trong cốt truyện du kí Việt Nam, các đối tượng được mô tả thường có mối liên

hệ với các đối tượng khác để tạo ra chuỗi sự kiện hoặc thông qua sự kiện, đối tượng

miêu tả để liên tưởng đến các câu chuyện khác. Tính tiếp nối trong tả và kể, trong thuật

chuyện và liên tưởng đến câu chuyện khác là một trong những đặc điểm của cốt truyện

du kí Việt Nam. Đoạn trích sau đây là một trong các kiểu xây dựng cốt truyện như thế:

“… Ông có cho biết thường nhật hổ báo vẫn thường về thăm nhà ông.

Có hôm, sáng còn thấy vết chân và long hổ trước thềm nhà. Nhân đó, tôi lại nhớ

một chuyện của một ông bạn kể lúc trưa, trong đồn điền của ông, có nuôi nhiều trâu,

ngày vẫn thả trâu vào rừng ăn cỏ…”

102

("Từ Hà Nội đến hồ Ba Bể", Tri Tân, số 59, tr. 732)

Câu chuyện được kể tiếp theo liên quan đến trâu hổ đánh nhau, trâu giết chết hổ,

tấm da hổ lột ra đem phơi, trâu tưởng hổ thật húc vào đụng đá mà lăn ra chết. Những

câu chuyện như thế dẫn người đọc sang một hướng khác, như là một sự đánh lừa để

người đọc quên mất lối khi đi theo chân du khách, nhưng rồi lại xuất hiện ở một địa

điểm khác, bất ngờ hơn, hấp dẫn hơn.

Thông qua phản ánh hiện thực bằng mô tả các đối tượng, cốt truyện du kí dựa

vào các đối tượng đó để mở rộng phạm vi phản ánh, đồng thời làm nổi bật hình ảnh nhân

vật hành trình. Những câu chuyện sự tích và huyền thoại được kể lại, những câu thơ, bài

thơ được viết ra, những sự kiện và con người lịch sử được nhắc đến một cách chính xác

và tỉ mỉ,… là sự biểu thị tài năng và tính cách của nhân vật hành trình. Thông qua những

đối tượng gặp gỡ trên lộ trình, nhân vật tự đánh giá bản thân mình bằng cách thể hiện

sự hiểu biết hay bộc lộ cảm xúc về đối tượng. Cùng một hành trình, đến một địa điểm,

nếu sự thể hiện mục đích của cuộc hành trình khác nhau thì trong mỗi tác phẩm du kí sẽ

có cốt truyện khác nhau hoặc có thể không có cốt truyện. Thử so sánh cốt truyện trong

tác phẩm Ba Bể du kí của Nhạc Anh Hoàng Văn Trung với tác phẩm Từ Hà Nội đến hồ

Ba Bể của Nhật Nham.

Trong tác phẩm Ba Bể du kí, nhân vật lữ hành xuất hiện ở hai vai trò: kí giả và

du khách. Vai trò kí giả chỉ xuất hiện ở đầu và cuối tác phẩm, còn trong suốt hành trình

đi qua nhiều thắng ở cảnh hồ Ba Bể, câu chuyện được thuật lại bởi người đi ngoạn cảnh.

Với vai trò này, câu chuyện hành trình được kể lại theo lối tự thuật, tự bộc lộ cảm xúc

trước vẻ đẹp thiên nhiên, mặc dù trong đó cũng có một vài câu chuyện được kể lại nhưng

không cấu thành sự kiện nên Ba Bể du kí thuộc loại tác phẩm du kí không có cốt truyện.

Trong tác phẩm Từ Hà Nội đến hồ Ba Bể, nhân vật hành trình xưng “tôi” thuật

lại cuộc hành trình của mình đi từ Hà Nội đến hồ Ba Bể. Cuộc hành trình diễn ra, như

tác giả tóm lược ở đoạn kết:

“1er Juillet 1942, khởi hành từ Hà Nội, 9 juillet 1942 về tới Hà Nội, trong vòng 9 ngày

trời, nào đi ô tô, nào đi bộ, nào đi hỏa xa, nào đi ngựa, nào đi thuyền, nào lội nước, khi

xuống dốc, lúc leo đèo, khi vất vả, lúc thanh thản, khi mưa, lúc nắng, khi vui mừng, lúc

bực tức, biết bao cuộc đổi thay mà duy chỉ một tấm lòng thủy chung đối với mọi người,

chỉ lấy chí quả quyết, nhẫn nại để phấn đấu với mọi nỗi khó khăn, vất vả mà đi được tới

đích ca khúc “khải hoàn”.”

103

(Tri Tân, số 74, tr. 13)

Trên hành trình đến hồ Ba Bể, Nhật Nham đi qua bao nhiêu nơi là có bấy nhiêu

câu chuyện được kể lại. Có những câu chuyện liên quan đến hoàn cảnh di chuyển của

tác giả như: chuyện đi ô tô chen lấn và đối xử tệ bạc của chủ xe, chuyện phi ngựa để kịp

chuyến hỏa xa khi gặp trời mưa, chuyện đi bộ, leo dốc,… Có những câu chuyện lịch sử

liên quan đến địa danh mà tác giả đặt chân đến như Tuyên Quang, Bắc Cạn. Có những

câu chuyện về đi tham quan các địa danh: Đầm Hồng, Bản Ti, Chiêm Hóa, Chợ Điền,

Chợ Đồn, Chợ Rã, các hồ: Pú Lè, Pú Lầm, Pú Leèng, sông Tả Điêng, sông Cốc Tộc,…

Có những câu chuyện sự tích, huyền thoại như trâu hổ đánh nhau, sự tích gò Pò Giã

Mãi. Có câu chuyện gặp gỡ người thiếu phụ đi thăm chồng,… Trong những câu chuyện

đó, phần nhiều là câu chuyện do tác giả chứng kiến, hoặc biết được, cũng có một vài

câu chuyện được nghe kể lại. Các câu chuyện kết dính nhau thông qua lộ trình của nhân

vật. Mỗi chặng đường là một kiểu ứng xử của nhân vật với môi trường. Vì thế, bức tranh

thiên nhiên và cuộc sống, có cả một số quan hệ xã hội đã lần lượt xuất hiện trong tác

phẩm. Từ Hà Nội đến hồ Ba Bể là loại tác phẩm tiêu biểu của du kí có cuộc hành trình

nhỏ về qui mô, lớn về cốt truyện.

Cốt truyện du kí thường gắn liền với mục đích của cuộc hành trình và vai trò chủ

thể trong cuộc hành trình đó. Du kí viết về các chuyến hành trình sang Pháp, thường

được gọi là “đi Tây” có các tác phẩm: Pháp du hành trình nhật kí (1922) của Phạm

Quỳnh, Sang Tây – Mười tháng ở Pháp (1929) của Phạm Vân Anh (Đào Trinh Nhất),

Đáp tàu André Lebon (1929) của Cao Văn Chánh, Trên đường Nam Pháp (1932) của

của Trọng Toàn, Đi Tây (1935) của Lãng Du (Nhất Linh), … Nhân vật trong Pháp du

hành trình nhật kí có hai vai trò: đi công cán (đại diện của Hội Khai Trí Tiến Đức đi dự

Hội chợ đấu xảo thuộc địa) và đi chơi (làm du khách). Nhân vật trong Sang Tây – Mười

tháng ở Pháp đóng vai một cô gái “đi cho biết đó biết đây”. Nhân vật trong Trên đường

Nam Pháp ra đi để tìm chốn lập thân. Nhân vật trong Đi Tây lấy cớ học nghề ảnh để

“sang Pháp cho biết”,… Về cốt truyện, chúng đều giống nhau ở chỗ: những sự kiện kể

lại xâu chuỗi theo hành trình từ Việt Nam sang Pháp, nhưng khác nhau ở việc lựa chọn

sự kiện và cách trình bày các sự kiện để tạo thành cốt truyện. Trong khi cốt truyện của

Pháp du hành trình nhật kí tập trung xoay quanh các sự kiện mang tính tiếp xúc văn hóa

thì Sang Tây – Mười tháng ở Pháp hướng vào tả thực về đời sống và xã hội Paris, Đi

Tây tập trung vào việc ứng xử của nhân vật trước hoàn cảnh trong cuộc hành trình, còn

104

Đáp tàu André Lebon và Trên đường Nam Pháp chỉ tập trung vào sự di chuyển và

phương tiện mà nhân vật đã trải qua. Tính đa dạng của cốt truyện trong những tác phẩm

viết về các cuộc hành trình lớn là một trong các đặc điểm của du kí Việt Nam.

Giai đoạn 1935 -1945, cốt truyện trong du kí có xu hướng vươn tới tiểu thuyết.

Trong những tác phẩm như: Đi Tây (1935) của Nhất linh, Một chuyến đi (1938) của

Nguyễn Tuân, Tôi thầu khoán hay: Ba tháng ở Trung Hoa (1940) của Lê Văn Trương

đều mờ nhạt về tính nhật trình nhưng phong phú về sự kiện và đối thoại. Trong những

tác phẩm như thế này, những “khúc đoạn” của lộ trình đã được tái hiện bằng bức tranh

đời sống xã hội và được phân theo lớp theo chương mục, số nhân vật nhiều hơn, lời tự

thuật của tác giả giảm đi để thay thế bằng các đoạn đối thoại, lối trần thuật khách quan

giảm để nhường chỗ cho trần thuật chủ quan, những câu chuyện huyền thoại đã vắng

bóng nhường chỗ cho những câu chuyện thế sự, câu chuyện đời tư. Những dấu hiệu về

cốt truyện như thế này cho thấy du kí Việt Nam vận động không ngừng trong dòng chảy

của văn học dân tộc và vận động theo xu hướng hiện đại hóa.

Cốt truyện trong những tác phẩm như: Đi Tây của Nhất Linh, Một chuyến đi của

Nguyễn Tuân là cốt truyện hành trình trải nghiệm, tức là câu chuyện hành trình được

thuật lại qua sự trải nghiệm của chủ thể. Trong chuyến Pháp du của Nhất Linh, điều kiện

của chuyến đi như là một thử thách đối với nhân vật, buộc nhân vật phải luôn đối phó

với từng hoàn cảnh xảy ra một cách không có lợi đối với nhân vật, vì thế mà các tình

huống luôn xảy ra, có lúc các tình huống tạo ra kịch tính, cũng có cao trào, thắt nút, mở

nút. Bên cạnh đó, nhân vật luôn gặp gỡ, tiếp xúc với các nhân vật khác tạo nên các cuộc

đối thoại giống như trong tiểu thuyết. Câu chuyện hành trình của Nguyễn Tuân là cuộc

du hành của người nghệ sĩ để trải nghiệm những cảm giác. Những câu chuyện kể lại trên

lộ trình từ lúc lên tàu, sang Hương Cảng, những ngày lưu lại ở chốn đất khách quê người,

lúc trở về đều chi phối bởi các cảm xúc của nhân vật. Tâm trạng của tác giả luôn biến

đổi: lúc vui, lúc buồn, lúc trống vắng, lúc nhớ nhà. Nhưng khác với cách thể hiện nhân

vật trữ tình ở các thể loại như tùy bút, tản văn, nhân vật trong du kí của Nguyễn Tuân

trải nghiệm đến nhiều nơi, chứng kiến nhiều sự việc, gặp phải các biến cố; và thông qua

lời nhận xét về các hiện tượng đó có thể nhận ra cảm xúc, tâm trạng của nhân vật. Chính

vì một số tác phẩm có cốt truyện hoàn chỉnh như vậy nên làm cho người ta nhầm tưởng

du kí là tiểu thuyết hay phóng sự. Trong quá trình phát triển, du kí đã vận dụng một số

cách xây dựng cốt truyện của tiểu thuyết để làm phong phú các sự kiện hay chi tiết hóa

105

các tình tiết được thuật lại trong cuộc hành trình nhằm tăng thêm sức hấp dẫn cho tác

phẩm.

4.1.2. Cốt truyện sự tích – huyền thoại

Trong du kí Việt Nam, tác phẩm du kí không có cốt truyện chiếm số lượng lớn.

Bên cạnh những tác phẩm du kí đăng trên tạp chí Nam Phong, những tác phẩm du kí

đăng trên Tri Tân, Thanh Nghị, Nam Kì tuần báo, Loa,…đều không có cốt truyện hoặc

cốt truyện mờ nhạt. Du kí không có cốt truyện thường có dung lượng ngắn; như những

bài du kí trên tạp chí Nam Phong đăng ở mục "Văn uyển" như: Ngày xuân chơi núi của

Đạm Phương, Bài kí chơi núi cổ tích của Dương Mạnh Huy, Kí núi Dục Thúy của Đạm

Trai, Đêm thắng sáu chơi hồ Hoàn Gươm của Hội Nhân, Chơi cảnh Sầm Sơn của Phạm

Vọng Chi, Túy Vân du kí của Nguyễn Bá Kỉnh… Xét ở phương diện khác, cốt truyện

trong mối quan hệ với đề tài, tư tưởng du kí Việt Nam còn có nhiều tác phẩm chứa trong

nó một dạng cốt truyện, có thể gọi là cốt truyện sự tích – huyền thoại. Những tác phẩm

này không chú trọng thuật chuyện hành trình mà kể những câu chuyện về những nhân

vật văn hóa, lịch sử có nội dung liên quan đến địa danh, di tích, danh lam,…ở những nơi

tác giả đến hoặc gặp trên lộ trình. Nếu những câu chuyện sự tích, huyền thoại trong tác

phẩm có cốt truyện hành trình có ý nghĩa làm phong phú cho cuộc hành trình thì những

câu chuyện trong tác phẩm có cốt truyện sự tích – huyền thoại là để thể hiện chủ đề, tư

tưởng của tác phẩm du kí, cuộc hành trình chỉ như là phương tiện.

Đến thăm di tích thành Cổ Loa, tất phải đến thăm đền thờ An Dương Vương,

viếng mộ nàng Mị Châu, Nguyễn Đôn Phục nhân dịp này mà kể về nỗi oan của nàng Mị

Châu ("Bài kí chơi Cổ Loa", Nam Phong, số 87). Mượn việc đi chơi núi Sài Sơn, đến

nơi có ngôi chùa liên quan đến vị thiền sư ở đời nhà Lí có tên là Từ Đạo Hạnh, nhân đó

mà kể về câu chuyện huyền thoại của ông thánh Từ ("Cuộc đi chơi Sài Sơn", Nam

Phong, số 93). Trong vai đạo nhân, đồng thời cũng là “khách du tử”, Nguyễn Đôn Phục

đến thăm núi Tử Trầm, nhân khi xuống núi, thấy cái "thổ-sơn thâm-thấp, dân ở đây gọi

là núi Châu-Canh", ông đã "đi tìm tung tích ông Châu Tiên", con người được dân chúng

vùng Sái Sơn ngưỡng mộ gọi là Châu Tiên vì ông tu luyện được thuốc tiên. Câu chuyện

về ông Châu Canh không phải là câu chuyện về nỗi oan khuất như nàng Mị Châu hay

huyền thoại như Từ Đạo Hạnh mà câu chuyện để nói về cái tài và cái đức. Ông Châu

Canh vốn là người giỏi y thuật đã từng hiển danh vào đời vua Trần Dụ Tông. Bởi vì khi

vua Dụ Tông mới lên 4 tuổi, đên đi chơi thuyền ở Tây Hồ, ngã xuống nước được ông

106

cứu sống, nên ông được vua sủng ái. Cậy tài, được vua sủng ái mà không giữ được đức

hạnh, ông Châu Canh bị khép vào tội chết. May được vua Trần Dụ Tông che chở mới

được sống sót, bèn lui về làm kẻ chân tu nơi núi Tử Trầm. Nhận xét về con người này,

Nguyễn Đôn Phục viết:

"Ông Châu Tiên ơi! Ông Châu Tiên ơi! Khi ông ở Trầm Sơn, ông ăn chơi đã chán

chường mầu dã hoa đề điểu; khi ông vào Ngụy Khuyết, ông lại ham mê lấy được những

vẻ cấm thụ cung oanh; cười cho ông lắm! Tiếc cho ông lắm."

(Nam Phong, số 59, tr.399)

Câu chuyện của Nguyễn Đôn Phục kể trong tác phẩm du kí không hoàn toàn

căn cứu vào sử liệu, cũng không nhằm ghi lại huyền thoại trong dân gian mà nó được

kết tinh từ nhiều phía, nhưng đã đi qua tư tưởng và để biểu đạt tư tưởng của tác giả.

Chuyện kể trong du kí Nguyễn Đôn Phục là những câu chuyện mang tính tư tưởng, như

ông từng quan niệm:

"Phàm đã gọi là con người du tử, cốt nhất là nên có tư tưởng, nên có lịch sử, có bút

pháp, có văn tâm; trong khi du lãm những nơi đình đài tự viện, thành ấp sơn xuyên, không

cứ nơi gần nơi xa, nơi lớn nơi nhỏ, nơi nào cũng có thể đem cái hoài bão bình sinh của

mình, mà phát triển ra nghị luận, kết cấu lại văn chương, may ra cũng có phần cảm nhận

được cả, phúng thế được cả."

(Nam Phong, số 59, tr. 393)

Khác với nhân vật trong du kí Nguyễn Đôn Phục, nhân vật trong du kí Hoàng

Minh qua tác phẩm Am Tiên không phải là nhân vật lịch sử và câu chuyện kể lại một cái

am thờ một vị thần tiên trên núi Nưa ở Thanh Hóa được Hoàng Minh kể lại theo cách

riêng của mình. Câu chuyện đã khoác lên nhân vật Na Tiều hai chiếc áo: một chiếc áo

lịch sử và một chiếc áo huyền thoại. Người tiều phu bán củi ở chợ không lấy tiền, chỉ

đổi lấy rượu đã làm cho Hồ Hán Thương chú ý và cử người đến triệu cụ về làm quan.

Sau hai lần cho người lên núi dụ không được người tiều phu này nên đã cho người lên

đốt am. Từ trong đống lửa bay ra con hạc trắng. Từ đấy, người dân ở đây gọi núi Nưa

thành núi Na Tiều. Cốt truyện của Am Tiên có cả hai yếu tố: sự tích và huyền thoại.

Trong Thiên Y A Na của Mãn Khánh Dương Kỵ, cốt truyện chứa hai câu chuyện

tiếp nối nhau: câu chuyện sinh hoạt văn hóa tâm linh ở điện Hòn Chén và câu chuyện

về truyền thuyết vị thần được thờ ở nơi đây. Câu chuyện thứ nhất kể về việc cúng bái,

lên đồng của người dân được kể bằng thái độ phê phán. Câu chuyện thứ hai kể về nhân

107

vật Thiên Y A Na bằng hai câu chuyện của người Việt và của người Chăm. Thiên Y A

Na là vị thần của người Chăm được người Việt thờ cúng, một ở điện Hòn Chén phía

thường nguồn sông Hương, một ở Khánh Hòa. Tuy vị thần này đã được cả người Việt

và người Chăm lập đền thờ nhưng truyền thuyết về vị thần này được kể lại khác nhau.

Với cách kể chuyện so sánh văn hóa, Mãn Khánh Dương Kị vừa giải thích ý nghĩa của

hai di tích tâm linh ở hai nơi cách nhau xa xôi cùng thờ một vị thần, đồng thời làm rõ

đặc điểm văn hóa của hai dân tộc Việt và Chăm, vừa có nét khác biệt với nhau, vừa có

mối dây liên hệ, tương đồng với nhau.

Bài du kí Một vài kiến văn thăm làng Bối Khê của Vu Ngã là kiểu du kí có cốt

truyện kể về các bậc danh nho. Đến thăm làng Bối Khê, gọi là viết một vài kiến văn,

nhưng sau khi thuật lại cuộc hành trình và cảnh quan ở làng, thăm chùa Bối Khê tên là

"Đại Bi Tự", thăm nhà từ đường cụ Nguyễn Trực, Vu Ngã thuật lại tiểu sử cụ Nguyễn

Trực, cảm khái trước nhân cách của một con người "đỗ cao, trược trọng dụng mà công

danh coi hờ hững" (Tri Tân, số 104, tr.18). Khi viếng nhà thờ quan Hoàng giáp Lê Huy

Trâm, Vu Ngã lại thuật chuyện con người này. Lê Huy Trâm (1742 – 1802) đỗ nhị giáp

tiến sĩ khoa Kỉ-hợi, phò vua Lê Chiêu Thống chống lại Tây Sơn. Sau đó ông bỏ trốn,

vào Gia Định đến bái yết Nguyễn Ánh để cùng lật đổ Tây Sơn phục hưng triều Lê, nhưng

thấy chúa Nguyễn không có ý phục hưng nhà Lê nên xin về. Khi Gia Long lên ngôi, có

triệu ông về phong chức Thái hòa điện học sĩ, cụ dứt khoát từ chối, sau đó ốm mà chết.

Nhưng danh nho trong câu chuyện của Vu Ngã là những con người chính trực, vì nghĩa

lớn mà không mang công danh, sẵn sàng hi sinh bản thân và quyền lợi.

Những chuyến du hành với mục đích thăm nơi này, nơi nọ, các nhà du kí Việt

Nam nửa đầu thế kỉ XX đã mượn chuyện du lịch để đánh thức sự lãng quên của người

đời về những nhân vật lịch sử, những nhân cách cao cả không gặp trong sử sách, những

sự việc của quá khứ cần được nhìn nhận lại. Những câu chuyện mang tính tư tưởng này

chiếm một phần không nhỏ trong du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.

4.2. Kết cấu

4.2.1. Kết cấu khung

Hình thức thể loại của du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX kết tinh từ trong dòng

chảy của du kí truyền thống dân tộc. Từ hình thức thơ, phú, văn vần, văn xuôi đến hình

thức ghi chép nhật trình, nghị luận, … du kí đã tụ lại trong một thể loại với sự định hình

108

tương đối về mặt cấu trúc. Cấu trúc văn bản của tác phẩm du kí xét trên phương diện

phong cách học văn bản là khung văn bản, nhờ nó mà kết cấu của tác phẩm được tồn

tại. Cấu trúc khung của du kí, với phạm vi rộng là thể loại, với phạm vi hẹp là kiểu văn

bản. Trên quan điểm của cấu trúc luận, kết cấu tác phẩm có được khi đã đến với người

đọc và tồn tại ở phía người đọc, còn cấu trúc văn bản đã tồn tại trước khi tác giả viết nên

tác phẩm, tức là những gì tác giả đã nghĩ, đã đọc ở một tác phẩm nào đó, đã tư duy hay

ý niệm về một cách viết. Nhà phê bình khi cắt nghĩa tác phẩm, tức là phân tích kết cấu

để giải mã hình tượng và cắt nghĩa tác phẩm thì phải đi qua cấu trúc, nhận diện cấu trúc,

mô tả cấu trúc. Như vậy, kết cấu của một tác phẩm cụ thể thường là phản ánh những

quan hệ nằm sâu trong cấu trúc ngôn ngữ mà khung của kết cấu tự sự thường bắt đầu

bằng sự phân đoạn, theo quan điểm truyền thống, “chuyện kể” (thoại) có cấu trúc tam

đoạn: “mở đầu” - “chính văn” - “kết thúc”. Tác phẩm du kí có thể giống nhau ở sự phân

đoạn theo một khung nhất định nhưng khác nhau về đường nét tạo ra khung đó. Chính

những đường nét này đã tạo nên vẻ đẹp riêng cho từng tác phẩm du kí. Mặt khác, khung

văn bản của tác phẩm du kí vượt ra ngoài mục đích của cuộc hành trình, cái chi phối kết

cấu tác phẩm, đồng thời phụ thuộc rất nhiều vào môi trường văn hóa ở thời đại mà nó

tồn tại bởi mỗi cách viết bao giờ cũng đi liền với cách đọc mà cách đọc thường có trước.

Trên quan niệm về cấu trúc khung văn bản, chúng tôi khảo sát các tác phẩm du

kí dựa trên loại hình cấu trúc “tam đoạn” để tìm hiểu đặc điểm phong cách văn bản du

kí sau đây:

- Mở đầu

Mở đầu trong tác phẩm du kí là để giới thiệu về sự xuất phát của cuộc hành trình

gắn liền với mục đích và hành vi của nhân vật với cuộc hành trình sắp được thuật lại.

Thông thường, trong phần mở đầu của tác phẩm du kí chứa các nội dung: lí do thực hiện

cuộc hành trình, thời gian xuất phát, nơi sẽ đến, phương tiện di chuyển, những đối tượng

khác cùng tham gia cuộc hành trình. Tuy nhiên, mỗi tác phẩm có một cách mở đầu khác

nhau. Chung qui lại có hai loại mở đầu phổ biến: mở đầu giản lược, mở đầu trùng phức.

Ngoài ra còn có một số ít tác phẩm đã tỉnh lược phần mở đầu như: Kỉ niệm Phan Thiết

của Đinh Gia Trinh, Đi Tây của Nhất Linh,…

Kiểu mở đầu giản lược giống như mở đầu của Pháp du hành trình nhật kí của

Phạm Quỳnh:

109

“Tôi được quan Thống sứ Bắc Kì cử sang Đại Pháp thay mặt cho Hội Khai Trí Tiến Đức

để dự cuộc Đấu xảo Marseille, lại được quan Toàn quyền đặc phải sang diễn thuyết tại

mấy trường lớn ở Paris, ngày 9 tháng 3 tây năm 1922 (tức là ngày 11 tháng 2 ta) xuống

Hải Phòng để đáp tàu Armand Béhic về Pháp.”

(Nam Phong, số 58, tr.253)

Cách mở đầu này thường bắt gặp trong những tác phẩm có tính chất mô tả lộ

trình hoặc kí sự về cuộc hành trình như: Lược kí đi đường bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn của

Mẫu Sơn Mục N.X.H, Sự du lịch đất Hải Ninh của Trần Trọng Kim, Bài kí chơi Bàn

Thành và đền Hiển Trung của Trần Quang Hoàng, Một vài kiến văn đi thăm làng Bối

Khê của Vu Ngã, Cuộc đi chơi Sài Sơn của Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục, …

Mở đầu giản lược có thể được thể hiện một cách súc tích như trường hợp hành

trình chơi núi An Tử của Kiếm Hồ Nguyễn Thế Hữu:

"Nào ai quyết chí tu hành,

Có về An Tử mới đành lòng tu.

Sáng 6 giờ 20 phút lên xe lửa ở Hà Nội chạy; mười giờ rưỡi tới Hải Phòng."

(Nam Phong, số 105, tr. 325)

Nói là giản lược, nhưng kiểu mở đầu này có nhiều cách khác nhau: mở đầu bằng

việc giới thiệu một địa danh nào đó như: Ban Mê Thuột của Biệt lam Trần Huy Bá, Thăm

đảo Phú Quốc của Đông Hồ, Mấy ngày chơi Thất Khê của Nguyễn Thế Xương, Quảng

Xương danh thắng của Thiện Đình… hoặc nói về một người nào đó biết rõ địa danh để

làm nhiệm vụ hướng dẫn lộ trình như: Từ Hà Nội đến hồ Ba Bể của Nhật Nham, hoặc

nói về địa danh nổi tiếng nào đó trong câu chuyện cổ tích hay câu ca dao như: Am Tiên

của Hoàng Minh, Một tháng ở Nam Kì của Phạm Quỳnh,… hoặc giới thiệu về phương

tiện đi như Bốn năm trên đảo Các Bà của Vân Đài, hoặc bắt đầu bằng thời gian xuất

phát như Hai tháng ở gò Óc Eo của Biệt Lam Trần Huy Bá,…

Phổ biến trong du kí Việt Nam là lối mở đầu trùng phức. Lối mở đầu này không

giới thiệu ngay vào cuộc hành trình mà tác giả tìm một cách nào đó để dẫn dắt hoặc giới

thiệu về cuộc hành trình như: thể hiện cảm xúc, suy nghĩ trước cuộc hành trình, nhận

thức của mình về cuộc đời, lẽ sống, …

Mở đầu bằng hình thức “luận” trước “kể” sau cũng là một dạng của lối mở đầu

trùng phức. Luận về “sự chơi” có Bài kí chơi Cổ Loa của Nguyễn Đôn Phục, Cuộc

thưởng ca làng Hữu Thanh Oai của Nguyễn Mạnh Hồng; luận về quốc hồn quốc túy có

110

Cuộc xem cổ tích miền đông bắc tỉnh Hải Dương của Nguyễn Đôn Phục, Mười ngày ở

Huế của Phạm Quỳnh,…

Mở đầu bằng hình thức trữ tình cũng là kiểu mở đầu trùng phức xuất hiện ở nhiều

tác phẩm. Mở đầu Cuộc đi chơi Huế của Phục Ba là xúc cảm trước cảnh vật, lấy bài thơ

của người xưa để giới thiệu Huế. Mở đầu bằng thơ có các tác phẩm: Quảng Yên du kí

của Nhãn Vân Đình, Ai Lao hành trình của Trần Quang Huyến. Tác phẩm Hương Sơn

du kí của Minh Phượng mở đầu bằng bài phú mà tác giả đề là “Bài phú tổng luận”.

Ngoài các lối mở đầu như đã nói trên còn có các mở đầu thể hiện sự sáng tạo của

tác giả trong việc dẫn dắt người đọc đến với hành trình của mình một cách bất ngờ. Mở

đầu của tác phẩm Trên đường Nam Pháp của Tùng Hương là một lời tâm sự của nhân

vật. Mở đầu của Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh của Nguyễn Ngọc Tánh là “Lời tựa của

quan Đốc trường Vịnh”. Có bài mở đầu bằng cách giải thích địa danh như Bài kí chơi

núi Cổ Tích của Liễu Viên Dương Mạnh Huy:

“Núi tên Cổ Tích ghi tích cổ đó vậy. Cổ nhân đặt tên đất, hoặc nhân người, nhân

việc, hoặc nhân cảnh trí để ghi lấy sự nhớ, như: trằm Dạ Trạch, núi Ngự Bình, đê Trần

Công, hang Thánh Hóa, chùa Phật Tích, vân vân…, dẫu khác người, khác việc, khác

cảnh trí nhưng nói về nghĩa ghi sự nhớ nghĩa là một.

Năm Khải Định thứ hai mùa thu, tôi lại tỉnh Phú Thọ này, phủ Lâm Thao mới, xét

trong đồ địa dư thì thuộc về bộ Phong Châu đời thượng cổ nước Nam ta. Nhân buổi thời

nhàn, đi du lãm non sông hạt đó, khi lên núi Cổ Tích ở làng Cổ Tích, núi không cao lắm

nhưng đèo ải cheo leo, cỏ cây um tùm, gió thổi mây đùn, chim kêu vượn hót,…”

(Nam Phong, số 27, tr.269)

Một lối mở đầu theo mô típ nội dung “đi cho biết đó biết đây” mang tính thời đại

khá phổ biến cho du kí giai đoạn này như là một sự cổ vũ cho du lịch, đó là Sang Tây –

Mười thàng ở Pháp của Phạm Vân Anh, Một tháng ở Nam Kì của Phạm Quỳnh, Nam

du đến Ngũ Hành Sơn của Nguyễn Trọng Thuật,…

Sự đa dạng lối mở đầu của tác phẩm du kí cho thấy du kí giai đoạn này đã vượt

xa phương thức phản ánh hiện thực thông thường của kí để trở thành văn bản nghệ thuật,

một trong những phẩm chất quan trọng để du kí tồn tại với tư cách là thể loại văn học.

- Chính văn

Chính văn là phần triển khai nội dung văn bản của tác phẩm du kí và thường phụ

111

thuộc vào hai yếu tố: thời gian và địa điểm của cuộc hành trình. Nếu cuộc hành trình

diễn ra nhiều ngày thì phần nội dung được phân đoạn theo ngày như Pháp du hành trình

nhật kí của Phạm Quỳnh, Trên đường Nam Pháp của Tùng Hương, Tết chơi biển của

Trúc Phong,… Nếu cuộc hành trình trong thời gian ngắn nhưng đến nhiều nơi thì nội

dung được phân đoạn theo địa điểm như: Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh của Nguyễn

Đức Tánh, Nam du đến Ngũ Hành Sơn của Nguyễn Trọng Thuật, Cuộc xem cổ tích miền

Đông Bắc tỉnh Hải Dương và Cuộc chơi năm tầng núi của Nguyễn Đôn Phục, … Cũng

có trường hợp cuộc hành trình dài ngày, diễn ra nhiều nơi thì phần nội dung kết hợp

giữa phân đoạn theo ngày và theo địa điểm như Sang Tây - Mười tháng ở Pháp của

Phạm Vân Anh. Những tác phẩm viết sau khi cuộc hành trình đã kết thúc, cuộc hành

trình đó diễn ra nhiều nơi trong nhiều ngày mà tác giả không nhớ hết thì phần triển khai

nội dung không phân đoạn theo ngày mà phân theo sự kiện như: Hạn-mạn du-ký của

Nguyễn Bá Trác, Một chuyến đi của Nguyễn Tuân, Đi Tây của Nhất Linh, Tôi thầu

khoán hay: Ba tháng ở Trung Hoa của Lê Văn Trương,…Có những trường hợp trình

bày nội dung theo lộ trình đến từng địa điểm trong lộ trình chung mà mỗi nơi đến là một

đoạn nội dung khép kín như: Hai mươi lăm ngày đi tìm dấu người xưa của Khuông Việt,

Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh của Nguyễn Ngọc Tánh,…

Phần nhiều trong du kí Việt Nam là viết về cuộc hành trình ngắn, điểm đến duy

nhất hoặc không nhiều thì phần triển khai nội dung không phụ thuộc vào thời gian hay

địa điểm mà phụ thuộc vào điểm nhìn trần thuật và phương thức trần thuật của chủ thể.

Phương thức trần thuật phối hợp giữa tả với kể, giữa kể với bình luận, chi phối cách

trình bày nội dung phần lớn các tác phẩm du kí. Ngoài những cách triển khai nội dung

có tính phổ biến đó, trong du kí Việt Nam còn có một số cách triển khai nội dung sau

đây:

+ Trình bày nội dung theo cách giới thiệu một địa danh, một di tích bằng hình

thức thuyết minh như: Miền thượng du Bắc Kì của Ngọc Ước, Một sự đi chơi Lào Kay

của Tản Đà, Viếng Tây Đô của Thiếu Sơn,…

+ Trình bày nội dung theo diễn biến của tâm trạng hướng về nơi sẽ đến như: Đi

vô Huế của Lê Ta, Cuộc đi chơi Huế của Phục Ba,…

+ Trình bày nội dung theo lối trích đoạn nhật kí hay những bức thư như: Vài

trang du kí từ Hà Nội tới Toulouse của Phạm Huy Thông, Trên đường Nam Pháp của

Tùng Hương, Một đoạn nhật kí của Lê Thị Ẩn,…

112

+ Trình bày theo kiểu cắt lát, không đầu, không đuôi như: Đêm cuối cùng ở Hà

Tiên của Trường Sơn Chí.

+ Trình bày theo lối đan xen các yếu tố hiện thực và kì ảo như: Thiên Y A Na và

Indrapura của Mãn Khánh Dương Kị, Am Tiên của Hoàng Minh, Kỉ niệm Phan Thiết

của Đinh Gia Trinh,…

- Kết thúc

Nghĩ một cách đơn giản, tác phẩm du kí là hình ảnh của cuộc hành trình, nó phải

được tái hiện lại toàn bộ lộ trình từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc. Trong du kí Việt

Nam, có những cuộc hành trình nhân vật ra đi rồi trở về nhưng cũng có những cuộc hành

trình không thấy nhân vật trở về. Điều này phản ánh một đặc điểm khác của cấu trúc

khung văn bản du kí Việt Nam.

Kiểu kết thúc thể hiện sự trở về của nhân vật thường diễn ra nhanh hơn so với

lúc xuất phát. Pháp du hành trình nhật kí của Phạm Quỳnh có lối kết thúc thuật lại hành

trình trở về khá nhanh so với lúc ra đi.

“Tầu ở Tourane ra đi rất mau, 12 giờ rưỡi đến Hải Phòng. Vào gần bến vừa trông thấy

mẹ con Giao ở Hà Nội đến đón. (…). Thế là xong cuộc Pháp du vừa trọn sáu tháng

trời và cũng chung tất quyển “Hành trình nhật kí” biên chép ở đây.”

(Nam Phong, số 100, tr. 311)

Kết thúc theo kiểu nhân vật trở về cũng có nhiều cách khác nhau. Những tác phẩm

có lối kết thúc bằng việc tả cảnh khi ra về như: Trẩy chùa Hương của Phạm Quỳnh, Bà

Nà du kí của Huỳnh Thị Bảo Hòa, Thăm đảo Phú Quốc của Đông Hồ,… Có những tác

phẩm mượn chuyện trở về để luận những nơi đã đi qua hay lí do để viết bài du kí như:

Một tháng ở Nam-kỳ của Phạm Quỳnh, Bài kí chơi Cổ Loa của Nguyễn Đôn Phục. Có

tác phẩm chỉ ghi lại thời gian trở về như Quảng Yên du kí của Nhãn Vân Đình.

Những tác phẩm không thuật lại hành trình trở về có hai dạng cấu trúc: dạng có

kết thúc và dạng không có kết thúc. Dạng có kết thúc thường là những bài du kí ngắn,

viết về cuộc hành trình đến tham quan một thắng cảnh, viếng di tích, danh lam. Những

tác phẩm du kí kết thúc bằng việc nói lên những suy nghĩ của mình về nơi đến như:

Mười ngày ở Huế của Phạm Quỳnh, Cuộc quan phong làng Thượng Cát và Lời cảm cựu

mấy ngày chơi Bắc Ninh của Nguyễn Đôn Phục, Mấy ngày chơi Thất Khê của Nguyễn

Thế Xương,… Những tác phẩm du kí có kết thúc như là sự tổng kết một chuyến du lịch

113

như: Thuật chuyện du lịch ở Paris của Phạm Quỳnh, Sự du lịch đất Hải Ninh của Trần

Trọng Kim, Một buổi đi xem đền Lí Bát Đế của Phạm Văn Thư. Cũng có những tác

phẩm du kí có lối kết thúc mang tính triết lí như: Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng của Phạm

Quỳnh (luận về nhà văn, nghề văn), Cuộc chơi năm tầng núi của Nguyễn Đôn Phục

(luận về lẽ đời),…

Trong du kí Việt Nam còn có lối kết thúc bằng hình thức trữ tình như bộc lộ cảm

xúc, hứng khởi thành thơ. Những tác phẩm kết thúc bằng lời bộc bạch cảm xúc, tâm sự

của nhân vật – chủ thể cuộc hành trình là những tác phẩm có hình thức gần giống với

tản văn như: Đêm tháng sáu chơi hồ Hoàn Gươm của Hội Nhân, Bài kí chơi chùa Thầy

của Lê Đình Thắng, Du tử Trầm Sơn kí của Nguyễn Đôn Phục,…

Kết thúc bằng thơ cũng khá đa dạng. Có tác phẩm kết thúc bằng việc xướng lên

một bài thơ lục bát hay thơ Đường luật như: Thụy Anh du kí của Đặng Xuân Viện, Cuộc

đi chơi Huế của Phục Ba, Ai Lao hành trình của Trần Quang Huyến, xướng họa với

nhau bằng thơ như Nam du đến Ngũ Hành Sơn hay làm bài ca trù để kết thúc như Thăm

lăng Sĩ Vương của Nguyễn Trọng Thuật. Có khi mượn thơ của người khác để kết thúc

như: Cuộc xem cổ tích miền đông bắc tỉnh Hải Dương của Nguyễn Đôn Phục.

Những bài du kí không có kết thúc thường là những tác phẩm mà cuộc hành trình

đó đã lùi quá xa hoặc nhiều sự kiện mà tác giả chưa nhớ đến lộ trình trở lại như Hạn

mạn du kí của Nguyễn Bá Trác, hoặc chỉ thuật về lộ trình đi chưa thuật đến lộ trình trở

lại như Trên đường Nam Pháp của Tùng Hương, Lược kí đi đường bộ từ Hà Nội vào Sài

Gòn của Mẫu Sơn Mục N.X.H. Nhưng những trường hợp tác phẩm du kí không có kết

thúc đều nằm trong ý đồ của tác giả, bởi tác giả không muốn rời xa nơi mình đến, đó là

các tác phẩm như: Hành trình chơi núi An Tử của Kiếm Hồ Nguyễn Thế Hữu, Các nơi

cổ tích đất Nghệ Tĩnh và Các lăng điện xứ Huế của Nguyễn Đức Tánh, Quảng Xương

danh thắng của Thiện đình, Cuộc chơi Sài Sơn của Nguyễn Đôn Phục, Định Hóa châu

du kí của Đặng Xuân Viện,…

Một số tác phẩm du kí không đầy đủ các phần của cấu trúc khung văn bản nhưng

phải đảm bảo nguyên tắc phản ánh hiện thực của du kí, tức là phải có một cuộc hành

trình được nói đến trong đó. Dựa trên cấu trúc khung của tác phẩm du kí, chúng ta có

thể nhận ra được những tác phẩm không phải là du kí, mặc dù nó được in chung trong

bộ Du kí Việt Nam, đó là các tác phẩm như: Tây Đô thắng tích và Ninh Bình phong vật

chí của Thiện Đình, Bài kí phong thổ tỉnh Vĩnh Yên của Nguyễn Văn Bân, Cảnh vật Hà

114

Tiên của Đông Hồ và Nguyễn Văn Kiểm, Cuộc vui chơi hàng ngày của người phong

lưu trí thức của Nguyễn Đôn Phục. Đối với bài Quần-phương nông-tuế khảo của Nhãn

Vân Đình, mặc dù có đề cập đến du lịch, giới thiệu cho du khách về bốn mùa của hoa

trái nhưng để nói chuyện nông nghiệp, không bao gồm trong có một cuộc hành trình nên

cũng không thể xem là tác phẩm du kí.

Cấu trúc chỉnh thể tác phẩm du kí còn phụ thuộc vào sự bố trí, sắp xếp các sự

kiện theo một hệ thống trong tác phẩm. Kết cấu trong tác phẩm du kí phụ thuộc vào

nhiều yếu tố, trong đó đáng chú ý là: đề tài – nhân vật – mục đích của cuộc hành trình.

Kết cấu tác phẩm du kí Việt Nam khá đa dạng và linh hoạt. Ngoài kết cấu "khung" của

tác phẩm, du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX còn có những kiểu kết cấu sau đây.

4.2.2. Kết cấu trực quan

Kết cấu trực quan trong tác phẩm du kí được hiểu là kiểu tổ chức các sự kiện

giống như nó đang diễn ra trong đôi mắt của chủ thể hành trình. Thông thường, kiểu kết

cấu này vạch ra một lộ trình cho các sự kiện trong tác phẩm. Kết cấu trực quan xuất hiện

ở nhiều tác phẩm du kí, cả trong tác phẩm du kí có cốt truyện và tác phẩm du kí không

có cốt truyện.

Trong du kí Việt Nam, những tác phẩm viết về đề tài khảo cứu văn hóa, những

cuộc hành trình khám phá không phải bằng nghiên cứu tài liệu, tra cứu sách vở mà là

một cuộc đi tìm, một sự quan sát và suy nghiệm, một sự chiêm ngưỡng và chứng kiến,…

thường có lối kết cấu trực quan.

Kết cấu tác phẩm Cuộc đi chơi năm tầng núi của Nguyễn Đôn Phục, bắt đầu bằng

việc miêu tả núi và hành trình: quan sát cảnh vật khi đến Cầu Lim, nói về Hội Lim tổ

chức trên núi, trai gái cùng nhau đi, cùng nhau hát, sau đó nói lên suy nghĩ về “quốc

hồn” và “trách nhiệm bảo tồn cổ tích”, tiếp theo là những trang thuật lại hành trình đến

chùa Bạch Môn, qua núi Đông Sơn, đến núi Bạt Vạn, … Mỗi chặng đường, mỗi điểm

đến trong tác phẩm không phải hoàn toàn xuất hiện ngẫu nhiên, trái lại nó chỉ xuất hiện

khi “có vấn đề”, điểm tựa để tác giả khám phá, suy ngẫm hay bộc lộ quan điểm, tư tưởng

của mình.

Khi khảo cứu văn hóa Chămpa, Dương Kỵ bắt đầu hành trình đến điện Hòn Chén,

nơi thờ cúng nữ thần Thiên Y A Na, chứng kiến hoạt động tín ngưỡng bằng sự tái hiện

cảnh khắp nơi đều cúng bái, lên đồng, sau đó nói về vị lưỡng thần của người Việt và

115

người Chăm, thông qua đó để kể về sự tích vị nữ thần được thờ cúng ở đây qua câu

chuyện của người Việt và người Chăm, luận về văn hóa tín ngưỡng và văn hóa phong

tục để phê phán các hoạt động phản văn hóa của những người dân cuồng tín. Kết cấu

của tác phẩm Thiên Y A Na là kiểu kết cấu bắt đầu bằng lối miêu tả mang tính trực quan,

qua đó tác giả đã dẫn người đọc đến những nơi xa hơn, về nơi cổ tích, huyền thoại, rồi

lại bàn luận về vấn đề nữ quyền đang đặt ra trong xã hội trước những hiện thực trần trụi

về việc kiếm sống của người phụ nữ nơi thờ cúng thần linh.

Kết cấu trực quan trong những tác phẩm du kí viết về đề tài danh lam – thắng

cảnh là sự bố trí cảnh vật được lựa chọn trong lộ trình mà thông qua đó, tác giả bộc lộ

cảm xúc, tình cảm hay suy tưởng về thời cuộc, về cuộc sống.

Trong tác phẩm Cuộc chơi trăng trên sông Nhuệ của Nguyễn Mạnh Hồng, hình

ảnh trực quan xuất hiện đầu tiên không phải là sông mà là trăng, thông qua hình ảnh này

tác giả luận về trăng, vịnh về trăng, sau đó đưa ra tình huống “bỗng nghe thấy hồi chuông

rền rĩ kêu gầm” để tác giả luận về Phật giáo và kiếp người. Nhưng cũng Cuộc chơi trăng

sông Nhuệ, Mai Khê lại bắt đầu bài du kí của mình bằng hình ảnh sông để luận về đặc

điểm sông Nhuệ, nói về cuộc sống ven sông, sau đó nói đến cái thú ngồi thuyền uống

rượu làm thơ trên sông của người xưa, và khép lại là cái cảm xúc, suy ngẫm như là biểu

lộ ý đồ kết cấu tác phẩm của tác giả:

“Chao ôi! Sông cũng chưa cạn, trăng bao giờ già, chơi sông là một cuộc phong lưu,

mà thưởng nguyệt cũng nhiều phen mãnh lãng, một cái tư cách người văn khách, phận

sự bậc sĩ phu thế nào cho tư ích đến tính tình, thế nào khỏi hư độ mất tuế nguyệt.” (Nam

Phong, số 101, tr. 448).

Qua tìm hiểu kết cấu trực quan trong tác phẩm du kí Việt Nam giai đoạn này

chúng tôi nhận thấy: viết du kí không phải để mô tả, tường thuật lại cảnh vật, sự việc

hay con người do tác giả chứng kiến mà chỉ mượn những hình ảnh mang tính trực quan

đó để nói lên những suy nghĩ, bộc lộ tình cảm, cảm xúc của mình về đất nước và con

người nơi mình đến.

4.2.3. Kết cấu nhật trình – sự kiện

Kết cấu nhật trình trong tác phẩm du kí Việt Nam đã có từ giai đoạn trước đó

như: Tây hành kiến văn kỉ lược của Lý Văn Phức, Như Tây sứ trình nhật kí của Phạm

Phú Thứ, Như Tây kí của Ngụy Khắc Đản, Tây phù nhật kí của Tôn Thọ Tường ... Kết

116

cấu nhật trình trong tác phẩm du kí giai đoạn này đã vượt qua kiểu ghi chép nhật kí lộ

trình của du kí giai đoạn trước đó để tạo ra một kiểu cấu trúc mang tính nghệ thuật. Kiểu

cấu trúc này cũng sắp xếp các câu chuyện theo thời gian tuyến tính, nhưng là thời gian

đã được lựa chọn để tương ứng với câu chuyện được kể trong ngày.

Kết cấu nhật trình trong du kí cũng hết sức đa dạng. Bên cạnh những tác phẩm

dùng hình thức nhật kí để tường thuật các sự kiện diễn ra trong ngày còn có một số tác

phẩm sử dụng hình thức ghi nhật trình để thể hiện ý đồ nghệ thuật. Tác phẩm Trên đường

Nam Pháp của Trọng Toàn đã phối hợp hình thức nhật trình với hình thức “trích lục”

các bức thư để kể câu chuyện hành trình theo kiểu lược thuật. Tác phẩm Lược kí đi

đường bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn của Mẫu Sơn Mục N.X.H đã ghi lại sự kiện bắt đầu

thời gian trong ngày tại địa điểm xuất phát để kể lại câu chuyện hành trình. Còn tác

phẩm Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh của Nguyễn Đức Tánh kết cấu theo cấu trúc thời

gian – địa điểm, mỗi ngày một câu chuyện du lịch khép kín …

Cùng một chủ thể hành trình và cùng địa điểm, nhưng thời gian trần thuật khác

nhau thì có kết cấu tác phẩm khác nhau. Chẳng hạn, sau chuyến công du sang Pháp,

Phạm Quỳnh cho ra mắt bạn đọc hai tác phẩm du kí. Câu chuyện du lịch trong tác phẩm

Pháp du hành trình nhật kí được kể theo lối kí hành, nhưng câu chuyện trong Thuật

chuyện du lịch ở Paris được kể theo lối tự thuật nên không có cấu trúc thời gian – địa

điểm như Pháp du hành trình nhật kí. Kết cấu tác phẩm du kí phụ thuộc rất nhiều vào

điểm nhìn trần thuật. Kết cấu nhật trình trong tác phẩm du kí là cách tổ chức các sự kiện

xuất hiện ở thì hiện tại để làm nổi bật vai trò, vị thế, tính cách của nhân vật.

Kết cấu nhật trình - sự kiện còn thấy trong những tác phẩm du kí có mang nhiều

yếu tố truyện. Không phải bất cứ một cuộc hành trình nào cũng để nhìn, ngắm, thưởng

thức, suy ngẫm, cảm xúc trước cảnh vật mà còn có những cuộc hành trình khám phá

cuộc sống, nhận thức xã hội. Bức tranh xã hội trong du kí không phải quen thuộc như

trong tiểu thuyết mà phải là không gian nơi xứ lạ, có cuộc sống khác lạ hoặc ít nhất là

thông tin tác giả mang đến phá vỡ phán đoán và thói quen trong suy nghĩ của mọi người.

Những sự kiện nói đến trong du kí thường mang tính thời đại và thời sự. Chẳng hạn vấn

đề học sinh An Nam ở bên Pháp được nói đến trong các tác phẩm của Phạm Quỳnh,

Phạm Vân Anh, Tùng Hương, vấn đề văn hóa và cuộc sống các dân tộc thiểu số được

nói đến trong các tác phẩm du kí của Mãn Khánh Dương Kỵ, Thi Nham, Nhật Nam,

Trần Huy Bá (đăng trên Tri Tân), Thái Hữu Thành (đăng trên Nam Kỳ), … Nhưng nhìn

117

chung, chỉ có những tác phẩm có dung lượng lớn mới có kết cấu theo sự kiện với hình

thức bên ngoài theo kiểu truyện khung (frame narrative) mang nội dung về cuộc hành

trình, bên trong chứa từng câu chuyện về những sự kiện xảy ra trên lộ trình của cuộc

hành trình. Kiểu kết cấu này trong du kí Việt Nam gần giống với du kí thế giới, thay vì

kiểu kết cấu mang cấu trúc chương đoạn thì trong du kí Việt Nam được thay bằng cấu

trúc có hình thức mục đề.

Trong Mười tháng ở Pháp của Phạm Vân Anh, các sự kiện được kể bằng các câu

chuyện theo mục đề như: “Để chưn vào đất tổ tự do và cách mạng”, “Đại quan về thành

phố Paris”, “Dự một cuộc mết tinh của học sinh An Nam”, “Tình cảnh học sinh ta ở

Pháp theo con mắt tôi thấy”, “Hội những người cự rượu”, “Hội cự những nhà ở cựu

tệ”,… mới nhìn qua có vẻ rời rạc, nhưng thực chất đó là cách thể hiện nhân vật hành

trình: đi đến nhiều nơi, quan tâm đến nhiều vấn đề của cuộc sống.

Sự kiện trong tác phẩm du kí phải xuất hiện lần lượt theo bước chân nhân vật

hành trình. Sự kiện trong Hạn mạn du kí của Nguyễn Bá Trác là các địa danh nơi tác giả

đặt chân đến, mỗi địa danh là câu chuyện kể về sự khám phá xã hội, đất nước, con người

ở đó. Sự kiện trong Đi Tây của Lãng Du (Nhất Linh) và Tôi thầu khoán hay: Ba tháng

ở Trung Hoa của Lê Văn Trương là diễn biến của hoàn cảnh tác động đến nhân vật, tức

là những gì tác giả phải vượt qua. Trong Đi Tây, các câu chuyện kể lại về việc làm sao

để được sang Pháp, khi sang được thì làm sao để gặp được đồng bào mình bên đó, khi

gặp được rồi thì làm sao được ở lại bên Pháp một cách hợp pháp, khi đã ở được rồi thì

làm sao trở về. Các sự kiện có ý nghĩa tạo ra những thử thách mà tác giả phải luôn tìm

cách đối phó, tìm cách vượt qua. Còn sự kiện trong Tôi thầu khoán hay: Ba tháng ở

Trung Hoa được tổ chức để làm nổi bật hình tượng nhân vật nên bắt đầu với các câu

chuyện hành trình: “Tráng sĩ nhất khứ”, “Những nỗi dọc đường”, sau đó là đi vào nội

dung chính của câu chuyện mà tác giả đặt nhan đề: “Mó tay vào việc”. Mở đầu câu

chuyện này kể là lời tâm sự “Sự chơi bời triền miên trên đất Hà Nội cuốn hút hết cả thì

giờ, khiến tôi không lúc nào rảnh để bắt đầu một tác phẩm lớn mà cốt truyện tôi đã nghĩ

từ lâu” (tr.315). Tiếp sau đó là kể về công việc thầu khoán và những gì tác giả phải

chứng kiến hay trải qua trên đất Trung Hoa trong ba tháng trời. Đến cuối tác phẩm, tác

giả lại trăn trở “Đến cái tuổi ấy mà tôi chưa lập được một sự nghiệp văn chương, chưa

viết được một tác phẩm giá trị thì là cái tôi không có, chết đi cũng chẳng cần ân hận gì

nữa” (tr.441). Cách bố trí các sự kiện, dẫn dắt các tình tiết, để rồi cuối cùng cũng để lộ

118

ra cái ý đồ nghệ thuật của tác giả:

“Sự kinh doanh đối với người khác chỉ là một việc kiếm tiền, nhưng với tôi, ngoài vấn

đề kiếm tiền, nó còn là một thí nghiệm sự sống để thử thách bản ngã, và một dịp để lăm

mình vào tầng sâu của cuộc đời.”

(Đi Tàu – Đi Tây, tr.446)

Lối kết cấu nhật trình - sự kiện trong du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX rất linh

hoạt, nhất là những tác phẩm có cuộc hành trình dài ngày nhưng tác giả muốn kéo ngắn

dung lượng của tác phẩm. Trên đường Nam Pháp của Trọng Toàn được trích ghép những

bức thư gửi về gia đình của một người tên là Tùng Hưng trên hành trình sang Pháp du

học. Trong tác phẩm Một đoạn nhật kí, Lê Thị Ẩn chọn cách thể hiện là trích một đoạn

nhật kí ghi lại hành trình từ Sài Gòn đi San - Francisco để vừa nói về cuộc hành trình

vừa nói lên khoảnh khắc được chứng kiến cảnh chiến tranh thế giới lần thứ hai. Phạm

Huy Thông viết du kí nhưng muốn tác phẩm của mình chỉ trong vài trang, nên trong Vài

trang du kí từ Hà Nội đi Toulouse, đã chọn kiểu kết cấu này để thể hiện cảm giác đi tàu

thủy sang Pháp của mình: lúc thì êm ái, nhẹ nhàng tưởng như tàu đang đứng yên, lúc thì

tàu vật vả trước những cơn sóng lớn. Với sự phong phú và nhiều sáng tạo như vậy, kết

cấu nhật trình - sự kiện trong du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX đã làm cho nhiều người

ngộ ra được về tính linh hoạt của thể loại này.

Kết cấu theo sự kiện trong du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX chi phối bởi nhân

vật và điểm nhìn trần thuật. Việc tạo ra và dẫn dắt các sự kiện trong tác phẩm đã đưa du

kí gần hơn với các thể loại văn xuôi hiện đại nhưng vẫn giữ được đặc trưng riêng của

thể loại du kí và đây cũng là kiểu kết cấu thường gặp trong du kí đương đại Việt Nam.

4.2.4. Kết cấu tự sự - trữ tình

Tiền thân của du kí Việt Nam vốn tồn tại dưới hình thức của một số thể loại mang

tính trữ tình. Khi du kí văn xuôi xuất hiện khá phổ biến ở thế kỉ XIX thì du kí bằng thơ

vẫn được sáng tác. Đó là trường hợp Chư quấc thại hội (1889) của Trương Minh Ký,

Hương Sơn nhật trình (1900) của Chu Mạnh Trinh viết bằng thơ lục bát trường thiên.

Đến “giai đoạn Nam Phong”, khi du kí Việt Nam phát triển mạnh mẽ thì du kí viết bằng

thơ vẫn còn. Đó là các tác phẩm: Vịnh cảnh chơi chùa Hương Tích của Nghĩa viên

Nguyễn Văn Đào viết bằng thơ lục bát; Bài kí chơi núi Ngự Bình của Song Cử Hoàng

Yến viết bằng thơ song thất lục bát, Cuộc du quan làng Bản Mún của Ph.T.L và Ph.T.T

119

và Đi Tây của Khải Định đều là chùm thơ thất ngôn tứ tuyệt. Có thể khẳng định, tính

truyền thống của du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX là phương thức trữ tình kết hợp với

các phương thức tự sự.

Trong Nam Phong có tất cả 72 tác phẩm du kí thì đã có 50 tác phẩm có những bài

thơ đan xen hoặc bằng thơ. Có những tác phẩm du kí chỉ một vài bài, thậm chí một vài

câu thơ, nhưng ở nhiều tác phẩm khác, thơ như là một yếu tố đan xen, thậm chí có tác

phẩm du kí có đến 22 bài thơ, cả thơ lục bát và thơ Đường luật như Ai Lao hành trình

của Trần Văn Huyến.

Thơ xuất hiện trong tác phẩm du kí vào các giai đoạn khác nhau của cuộc hành

trình. Bài thơ xuất hiện đầu tác phẩm để nói cảm xúc khi bắt đầu lên đường. Có những

bài thơ xuất hiện khi đến một địa điểm nào đó là để gợi nhớ người nhớ về nơi đã từng

qua. Phần nhiều bài thơ xuất hiện trong thời điểm tác giả đang nhìn ngắm cảnh vật. Có

những bài thơ để kể lại một chặng hành trình nào đó, hoặc tả cảnh đi đường. Trước sự

vật như di tích, danh lam, thắng cảnh thường xuất hiện những bài thơ mang nội dung

suy nghiệm hay cảm xúc suy tư của tác giả về nơi ấy. Có những bài thơ giống như dạng

ghi địa chí. Có những bài thơ trích ra từ một bài thơ nào đó giống như điển tích bằng

thơ. Có nhiều bài thơ hồi tưởng lại một thời đã qua. Có những bài thơ ghi lại cảm nghĩ

sau cuộc hành trình. Có nhiều bài thơ nói về đề tài thế sự. Có dạng thơ đối đáp giống

như để đối đáp trữ tình hay đối thoại bằng thơ… Thơ trong du kí Việt Nam đầu thế kỉ

đa dạng như thế, cũng có nghĩa là cảm hứng trữ tình trong du kí cũng chiếm một vị trí

quan trọng. Còn 22 bài du kí khác trên Nam Phong không chứa thơ thì trong đó có 7 bài

du kí viết dưới dạng tản văn, đăng ở mục “Văn uyển” của Nam Phong như: Bài kí chơi

Cổ Loa của Nguyễn Đôn Phục, Bài kí chơi núi Phật Tích của Nguyễn Hữu Tiến, Bài kí

chơi núi Cổ tích của Dương Mạnh Huy, Đêm tháng sáu chơi hồ Hoàn gươm của Hội

Nhân, … Những tác phẩm du kí của Phạm Quỳnh rất ít thơ hoặc không có thơ nhưng

không phải là không có yếu tố trữ tình.

Yếu tố trữ tình trong du kí là cơ sở hình thành kiểu kết cấu trữ tình, ở đó xuất hiện

cấu trúc đan xen giữa tự sự và trữ tình hoặc thông qua các phương thức tự sự để làm

xuất hiện nhân vật trữ tình trong tác phẩm. Về mặt hình thức, yếu tố trữ tình trong du kí

thường là những bài thơ, đoạn thơ, cũng có khi một vài câu thơ. Thi hứng trong du kí

cũng xuất phát từ cảm xúc, suy tư của tác giả trước hiện tượng của đời sống, mà những

hiện tượng này tác giả gặp trên lộ trình của cuộc hành trình mà thành. Thơ trong du kí

120

Việt Nam phần nhiều để bày tỏ cảm xúc của tác giả trước cảnh vật hay nơi lưu dấu người

xưa. Cấu trúc tự sự - trữ tình trong bài du kí thường bắt đầu là đoạn văn tả cảnh để làm

xuất hiện bài thơ đi liền sau. Vì vậy, thơ trong du kí có thể được xem như là một kiểu

trần thuật nên nó cũng hết sức đa dạng. Trong tác phẩm Bài kí phong thổ tỉnh Tuyên

Quang, Nguyễn Văn Bân đã dùng thơ để tả cảnh:

“Thường nhân tết Trùng cửu, rủ anh em đi chơi chùa, có được bài thơ phụ lục để ghi

thắng tích:

Coi thử chùa hang cảnh mới xinh,

Sông trong leo lẻo núi xanh xanh.

(…)

Hái hoa rót rượu mừng thu tiết,

Ngồi trước thuyền quan nghỉ cũng thanh.”

(Nam Phong, số 32, tr. 145)

Có nhiều trường hợp, bài thơ là sự trích dẫn để nói về về một sử tích:

“Ông Nguyễn Trãi triều Lê có đề bài thơ rằng:

An Sơn sơn thượng tối cao phong,

Tài ngũ canh thơ nhật chính hồng…”

("Hành trình chơi núi An Tử", Nam Phong, số 106, tr. 446)

Cũng có khi bài thơ chỉ là đối tượng hiện thực mà tác giả quan sát được:

“Lên trên một tí nữa đã có nhà quản khách; chỗ này có tòa nhà gạch làm theo lối

mới, để chỗ nghỉ chân; trong nhà nào tao ông, dật sĩ, mặc khách, thi nhân đề vịnh

không bao nhiêu mà kể. Kí giả không sao kí ức được tường tận, duy chỉ có bài này

còn nhớ phảng phất, vậy chép ra để chư quân nhàn lãm:

Tượng phục, lân què, tượng cũng đi,

Sài Sơn phong cảnh vẫn thanh kì.

(…)

Non kia sao mãi không già nhỉ,

Trải tự hồng mông biết mấy thì.”

("Bài kí chơi chùa Thầy", Nam Phong, số 48, tr. 515)

Nhưng phần nhiều thơ trong du kí biểu thị cảm xúc, tình cảm của tác giả trước đối tượng

mà mình lần đầu tiên quan sát được:

“Đến ngày 27 là ngày phiên chợ Thất Khê, tôi với ông Đốc cùng ra chơi chợ, xem người

121

Thổ người Nùng buôn bán, tôi nhân ngâm một luật rằng:

Chợ này buôn bán khác trung châu,

Thuần thức sơn hào ở thượng du;

Người Thổ líu lô chào khách bán,

Mán Mường líu nhíu đón người mua;…”

("Mấy ngày chơi Thất Khê", Nam Phong, số 122, tr. 387)

Thơ trong du kí còn được sử dụng như là một kiểu đối thoại bằng hình thức xướng

– họa, không chỉ giữa người với người mà còn giữa con người với cảnh vật.

Kết cấu trữ tình thường đặt tác giả - nhân vật hành trình trước cảnh vật, sự việc

để bộc lộ cảm xúc mà thường bắt đầu bằng các thán từ “ôi!”, “làm sao!”, “vậy thay!”,

… hoặc các câu văn biểu cảm “… trong một khoảnh khắc mà ra vào giong ruổi hai cái

thế giới, thưởng thức liền hai cái phong vị văn minh mới cũ, ôi! Há không khoái chí lắm

dư?” ("Nam du đến Ngũ Hành Sơn", Nam Phong, số 184, tr.442). Trong nhiều tác phẩm

viết về các cuộc tham quan danh lam thắng cảnh, tác giả thường xen vào những đoạn

văn biểu cảm. Chẳng hạn như đoạn văn sau trong Thăm đảo Phú Quốc của Đông Hồ.

“Đêm nay chợt trông cành dương bên mạn rừng, mà hồi nhớ đến một đêm nay ba năm

trước trông trăng lên trên Hồ Đông, mà bồi hồi nhớ chuyện năm xưa cùng ai vui thú. Nay

quê người đất khách, nhưng mà trăng quen tình cũ, lại cái vẻ đẹp của bóng trăng tha thướt

trên cành dương cũng chẳng kém cái vẻ đẹp của bóng trăng long lanh trên mặt nước Hồ

Đông. Bất giác xúc động, dẫu không biết đàn cũng khảy, dẫu không biết nhịp cũng ca.”

(Nam Phong, số 124, tr. 533)

Kết cấu trữ tình có thể dùng để lược bỏ một số lộ trình trong cấu trúc tác phẩm.

Trong du kí thường lược bỏ lộ trình trở về, nhưng cũng có trường hợp lược bỏ lộ trình

xuất phát. Đinh Gia Trinh trong một chuyến đi theo đoàn thanh niên Hà Nội vào dự Hội

thể thao ở Phan Thiết, ông không kể chuyện hành trình vì công việc mà ghi lại cảm nhận

của mình về cảnh vật nơi đây qua tác phẩm Kỉ niệm Phan Thiết. Kết cấu của tác phẩm

có hai phần: phần đầu nói về những địa danh, cảnh vật mà tác giả trải nghiệm bằng cảm

xúc, phần sau là dòng cảm xúc đầy lưu luyến trong hành trình trở về Hà Nội.

“Rồi đêm ấy trên bãi biển Nha Trang yên tĩnh, rồi những vũng bể đẹp ở Cap Varella,

thuyền trắng trên nước xanh mầu da giời dưới chân núi xanh mầu lá cây, rồi mây trên

đèo Hải Vân, sóng xô rào rào vào những mõm đá xám và nâu (…).

Rồi Huế thi vị đơn sơ và cổ kính (…). Rồi này những phong cảnh quen thuộc của Bắc

122

Kỳ: Ninh Bình, Nam Định (…). Tôi lại hít không khí cũ. Tôi đã trở về quê hương. Giời

vẫn mây của Hà Nội, những bức tường cũ, những hạt mưa lác đác rơi.”

(Thanh Nghị. số 17, tr. 31)

Tính linh hoạt trong kết cấu cho thấy du kí là một thể loại có khả năng phát huy

mọi khả năng sáng tạo của mọi người khi viết về cuộc hành trình của mình. Đó cũng

chính là đặc trưng phong cách văn bản của du kí.

4.3. Điểm nhìn trần thuật

Đối với du kí, nhân vật có khả năng chi phối cả về nội dung và hình thức tác

phẩm. Với tư cách kép: nhân vật và chủ thể (đồng nhất với tác giả) trong tác phẩm du

kí đã tạo ra những điểm nhìn đối với hiện thực vượt ra ngoài sự ghi chép thông thường

để khách thể trở thành đối tượng nghệ thuật. Nhân vật trong tác phẩm du kí là một hiện

tượng đa chức năng: nhân vật du khách, nhân vật chính, nhân vật trữ tình, chủ thể sáng

tạo, nhân vật phát ngôn xã hội, …

Điểm nhìn trong du kí không phải đơn giản là tác giả đứng ở vị trí nào để quan

sát và miêu tả mà theo Bakhtin là “cái lập trường mà xuất phát từ đó câu chuyện được

kể, hình tượng được miêu tả hay sự việc được thông báo” [3, tr.23]. Nếu chỉ hiểu đơn

giản, du kí là câu chuyện kể lại trên đường trong cuộc hành trình thì vấn đề câu chuyện

được kể lại như thế nào? Ai kể và kể lại có mục đích gì? Đặt ra hai trường hợp, câu

chuyện được kể lại trong tác phẩm du kí là có chủ ý và không có chủ ý thì căn cứ vào

đâu để xác định câu chuyện hành trình được kể lại có hay không có chủ ý? Nếu quan

niệm du kí chỉ là sự ghi chép và nghiên cứu du kí bằng việc đi tìm hiểu đối tượng mà

tác giả phản ánh bằng phương thức “ghi chép” như lâu nay người ta thường làm để tìm

kiếm hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thì điểm nhìn trần thuật trong du kí là điểm

nhìn “vô ý”, tác giả là chủ thể chứ không phải là khách thể, tức là không phải nhân vật,

vì thế phải luôn đứng ngoài sự kiện. Trong du kí Việt Nam, tác giả không hoàn toàn

toàn đứng ngoài sự kiện mà luôn theo sát sự kiện, tạo ra các sự kiện hoặc làm xuất hiện

các sự kiện bên cạnh các sự kiện diễn ra một cách khách quan. Trong cuộc hành trình,

tác giả không chỉ là nhân vật bình thường mà là nhân vật trung tâm, nhân vật – người kể

chuyện. Dù cuộc hành trình đó là đi chơi núi, chơi biển, vãn cảnh chùa, thăm di tích hay

đi chơi phiếm thì tác giả trong du kí Việt Nam không đứng ra ngoài nhân vật, tức là cảnh

vật, con người, sự kiện trong tác phẩm du kí được tái hiện thông qua chủ thể, là phương

tiện bộc lộ tư tưởng và khát vọng của tác giả. Điểm nhìn không có chủ ý trong du kí

123

phản ánh đối tượng mà anh ta không biết và cũng không muốn biết, anh ta nhìn thấy nó,

quan sát và ghi lại nó bởi các con chữ như những kí tự đơn thuần. Tuy nhiên, điểm nhìn

có chủ ý không phải là không bị hạn chế hay bị che khuất tầm nhìn vì rằng điểm nhìn

đó đi ra từ bên trong con người của tác giả, mà ở đó còn phụ thuộc vào trình độ văn hóa,

năng lực quan sát và cả sự định hướng của tư tưởng xã hội hay thời đại mà tác giả đang

tồn tại.

4.3.1. Điểm nhìn đa diện đối với hiện thực

Đối với những tác phẩm có dung lượng lớn như: Mười tháng ở Pháp của Phạm

Vân Anh, Pháp du hành trình nhật kí của Phạm Quỳnh, Hạn mạn du kí của Nguyễn Bá

Trác, … mặc dù mỗi tác phẩm có một cách thể hiện khác nhau, nhưng điểm nhìn trong

các tác phẩm này thường tạo ra cái nhìn đa diện đối với hiện thực. Xuất phát điểm của

tư tưởng hành trình trong tác phẩm Sang Tây - Mười tháng ở Pháp là “đi cho biết đó

biết đây”, đi cũng là để học mà “không phải ở trên đầu ghế nhà trường, và trong mấy

cuốn sách đã là đủ; phải học ở trường thiên nhiên của tạo vật nữa mới được, điều khôn

lẻ phải của con người đều do nơi lịch duyệt mà ra” (Phụ nữ Tân văn, số 1, 2/5/1929).

Với tư tưởng này, điểm nhìn trần thuật trong Sang Tây - Mười tháng ở Pháp hướng vào

những hình ảnh cuộc sống ở nước Pháp với những khu nhà ổ chuột, những kẻ nghiện

ngập, hoàn cảnh sống và học tập của học sinh An Nam với các tầng lớp khác nhau,…

để nói lên một điều: nước Pháp không phải hoàn toàn tốt đẹp như nhiều người nghĩ về

nó. Điểm nhìn trần thuật trong Pháp du hành trình nhật kí đã được lọc qua đôi mắt của

nhân vật hành trình vừa là chính khách vừa là học giả, kí giả. Trong đôi mắt của chính

khách, cốt truyện hành trình là đến các thành phố lớn như Marseill, Lyon, Paris để xem

các địa danh, di tích nổi tiếng, nghe diễn thuyết và gặp gỡ những người quan trọng như

nhà chính trị, nhà giáo dục, nhà khoa học. Đến đâu tác giả cũng trầm trồ thán phục: nào

là khen ông giáo K. ở Paris xuống diễn thuyết hay, cảnh vật nơi nhà thờ “Đức bà Bảo

hộ” là đẹp nhất, “Đại Pháp đồ thư quán” là kho sách giàu nhất thế giới, … đến cả cái

nghĩa địa cũng “khang trang”, “thạch thất”, “đẹp nhất thành Paris”. Tất cả để vẽ nên một

hình ảnh nước Pháp văn minh và giàu giá trị văn hóa. Nhưng trong đôi mắt của một học

giả và kí giả, đến những nơi nào đó, gặp những người nào đó có liên quan đến vấn đề

về giáo dục, nghệ thuật hay lịch sử được Phạm Quỳnh chọn làm đối tượng để nghị luận,

khảo cứu một cách thấu đáo. Những hình thức lập luận so sánh như thế này thường gặp

trong tác phẩm của Phạm Quỳnh: “Văn chương mình không phải không có bài hay và

124

nghề hát mình không phải tất nhiên là đê tiện; làm cho đê tiện đi là ở tự người theo nghề

không biết tự tôn và tự trọng" (Nam Phong, số 89, tr.382).

Điểm nhìn trần thuật có chủ ý, theo quan điểm của G. Genette, có thể chia thành

hai loại: điểm nhìn "ngoại quan" và điểm nhìn "nội quan". Nếu như những tác phẩm của

Phạm Vân Anh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác, Trần Trọng Kim thường là có điểm

nhìn "ngoại quan", thì Một chuyến đi của Nguyễn Tuân, Đi Tây của Nhất Linh đã có sự

kết hợp điểm nhìn “ngoại quan” với điểm nhìn “nội quan”. Xuyên suốt trong Một chuyến

đi xuất hiện người kể xưng “tôi” đứng ở vị trí ngôi thứ nhất nhưng có nhiều đoạn người

kể “vô xưng” hay xưng hô bằng một tên khác như “lãng nhân” nên câu chuyện hành

trình bị khúc xạ bởi nội tâm nhân vật. Vì thế mà những câu văn “cách điệu” tạo cảm

giác như thế này xuất hiện rất nhiều trong tác phẩm: “Tôi soi mặt tôi vào chất pha lê

thuần túy chiếc cốc trong trẻo phô rõ chất máu rượu ngon không cấn.” (Đi Tây, tr.42)

Mối quan hệ giữa điểm nhìn trần thuật và nhân vật trong du kí Việt Nam chính

là sự nhân xưng và thay đổi nhân xưng để chuyển vị trí các ngôi trần thuật. Trong mối

quan hệ với nhân vật, điểm nhìn trần thuật là phương thức phát ngôn, cách trình bày, mô

tả phù hợp với cách cảm, cách nghĩ đối với hiện thực mà nhân vật chứng kiến, trải

nghiệm trong cuộc hành trình. Trước đối tượng là sự vật hay con người, nhân vật có nhu

cầu tìm hiểu nó. Nếu không đứng ở các vị trí khác nhau thì hình ảnh của sự phản ánh sẽ

che khuất phía bên kia của đối tượng, nơi đó có thể là những bí mật chưa ai biết đến,

giới hạn của những khát vọng mà nhân vật muốn đạt được. Do đó, nếu không tạo ra

được các vai kể khác nhau thì không thể tạo ra được nhiều điểm nhìn, cũng có nghĩa là

chỉ nhìn thấy vẻ bề ngoài của đối tượng mà không thể di chuyển vào bên trong, nơi cảnh

vật và con người hòa hợp.

Du kí nói chung, du kí Việt Nam nói riêng, có nhiều tác phẩm không đơn thuần

là câu chuyện hành trình mà còn chứa đựng trong đó các nguồn tư liệu khác nhau như:

văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị, khoa học, giới tính,… Hạn mạn du kí, Bài kí phong

thổ tỉnh Tuyên Quang là những tác phẩm đầy ắp thông tin tư liệu về địa chí, văn hóa,

lịch sử,… Tác giả không chỉ là người thuật chuyện của mình mà đứng ở nhiều góc độ

của xã hội để phản ánh hiện thực theo cách riêng của thể loại du kí. Vì thế, du kí không

chỉ là đối tượng của nghiên cứu văn học mà đã trở thành đối tượng của nhiều ngành

khoa học khác và được tiếp cận trên nhiều lí thuyết phê bình như: phê bình sinh thái,

phê bình nữ quyền, …

125

4.3.2. Điểm nhìn dịch chuyển của người kể chuyện

Đối với tác phẩm du kí có dung lượng nhỏ, điểm nhìn trần thuật phổ biến là sự

dịch chuyển giữa tác giả - kí giả - nhân vật. Người kể chuyện trong Bài kí chơi Cổ Loa

của Nguyễn Đôn Phục đầu tiên là “vô danh” để luận về lẽ chơi và hạng người; đến khi

giới thiệu về lí do cuộc đi chơi, cái “tôi” tác giả xuất hiện để mô tả hành trình, nhưng lại

mau chóng nhường cho người kể chuyện “vô danh” bàn về lịch sử, khi can thiệp vào

quan điểm và thái độ đối với các nhân vật lịch sử, người kể chuyện xuất hiện trong vai

“kí giả” để lái câu chuyện hành trình chuyển sang câu chuyện lịch sử; sau đó với vai

người kể chuyện “vô danh”, tác giả đưa câu chuyện cuộc du lịch trở lại; cuối cùng trong

vai “kí giả” người kể chuyện xác định danh tánh của mình, kể chuyện kỉ niệm thời niên

thiếu đã từng đến Loa Thành, xác định cuộc đi với những người cùng đi ở giai đoạn kết

thúc. Sự dịch chuyển các vai kể trong tác phẩm cũng đã làm thay đổi giọng văn trong

lời kể ở mỗi đoạn, có khi là mĩa mai, có khi là đau đớn, chua xót trước nỗi oan của Mị

Châu, có khi là thiết tha, sâu lắng trở về kí ức gặp gỡ cảnh cũ tình xưa,… Sự dịch chuyển

này là để đan xen nhiều câu chuyện, đưa người đọc đến những không gian và thời gian

khác nhau chứ không phải riêng Loa Thành hiện tại để thấy được những thân phận hay

cuộc đời ẩn đằng sau những bức tường lở lói, rêu phong. Ở tác phẩm Cuộc chơi năm

tầng núi, vai người kể chuyện “kí giả” không đóng vai trò người kể chuyện lịch sử mà

chuyển thành người xác nhận thông tin về các sự tích dân gian nói về các địa danh trên

hành trình của mình. Người kể chuyện trong Hương Sơn du kí của Minh Phương xưng

“ta” để nhập vào vai người đi viếng cảnh chùa mà trong lòng không còn vướng bận bụi

đời, miệng ngâm nga mấy bài phú, bài thơ hào sảng, bay bổng. Trong các tác phẩm

Mười lăm ngày với Mọi có đuôi, Giống Mọi ở Đồng Nai, Ngải Mọi ở Đồng Nai thượng

của Thái Hữu Thành, người kể chuyện xưng “tôi” nhưng đóng vai trò là kí giả để kể

chuyện và đối thoại với độc giả “Khoan, độc giả chớ vội sợ hải! Không phải thật là tay

chân và đầu người đâu, đó là di hài của giống vượn và khỉ đột, có con to bằng người mà

Mọi rất thích ăn thịt.” (Nam Kỳ, số 68)

Người trần thuật trong du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX thường xuất hiện với

nhiều vai khác nhau, trong đó vai “kí giả” khá phổ biến. Điều này không chỉ cho thấy

tác giả chính là những nhà báo, nhà văn mà còn cho thấy trong du kí Việt Nam có một

phương thức trần thuật khách quan tồn tại song hành cùng những yếu tố mang tính chủ

quan như suy nghĩ, tình cảm, xúc cảm của chính tác giả về đối tượng được nói đến để

126

làm nên đặc trưng của thể loại du kí trong giai đoạn này. Không chỉ trong du kí, chủ thể

thường nhân xưng là “kí giả” mà ngay cả tiểu thuyết buổi đầu của văn học Việt Nam

cũng có sự nhân xưng như thế này. Trong phần đầu cuốn tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng

Ngọc Phách có viết: “Mới đây, kí giả nghe được câu chuyện riêng của bạn vừa kể lại

mà bạn là vai chính trong chuyện này, chuyện rất hợp với điều quan sát kể trên kia, nên

kí giả chép ra đây, có ý muốn bày ra trước mặt bạn thiếu niên một việc hiển nhiên của

tâm tình, liên lạc với nhau, có nguyên nhân, có kết quả.” [47, tr.3]. Đây là dấu hiệu quan

trọng mang tính đặc điểm của văn xuôi Việt Nam trên hành trình hình thành thể loại:

vai trò của báo chí đối với sự phát triển của văn học không chỉ là phương tiện vật chất

để đưa tác phẩm đến với công chúng mà còn gợi ra cho du kí để hình thành một dạng

thức của phương thức phản ánh hiện thực, tức là yếu tố kĩ thuật trong xây dựng tác phẩm.

Với đặc điểm của các cuộc hành trình ngắn, có nhiều người cùng đi thì người kể chuyện

trong nhiều tác phẩm du kí xuất hiện ở ngôi thứ nhất số nhiều “chúng tôi” như: Một vài

kiến văn trong dịp đi thăm làng Bối Khê của Vũ Nga, Bốn năm trên đảo Cac-ba của

Vân Đài, Đền Kiếp Bạc của Nguyễn Duy Trinh, Cuộc hành hương đền thờ cụ Nguyễn

Trãi của Vô Ngã, Một cuộc hành hương đi thăm Tức Mặc quê cũ nhà Trần của Trúc

Khê – Lê Thanh, … Ngôi kể này thực chất vẫn là vai trò “kí giả” để không chỉ kể lại

câu chuyện hành trình một cách tường minh, xác thực mà còn là những phát ngôn mang

tính xã hội về những vấn đề dân tộc, văn hóa, lịch sử.

Từ những phân tích trên cho thấy, trong du kí Việt Nam, các điểm nhìn (chủ yếu

là nhân vật và tác giả) được phối hợp với nhau, luân phiên nhau trong hệ thống trần thuật

bởi tính lưỡng hợp của nhân vật du kí. Với lối trần thuật này, cốt truyện của tác phẩm

du kí chuyển từ cấu trúc tịnh tiến sang cấu trúc gấp khúc, thời gian và không gian trong

tác phẩm liên tục được thay đổi, các yếu tố nghệ thuật vì thế được xuất hiện mà không

làm mất đi nguyên tắc phản ánh khách quan của tác phẩm.

Điểm nhìn trong du kí không phức tạp như tiểu thuyết nhưng cũng rất linh hoạt

theo cách của nó. Điểm nhìn trần thuật tạo ra sự đa dạng của kết cấu tác phẩm du kí, với

những khả năng kết nối một cách tự nhiên giữa nội tâm và ngoại cảnh, đan xen giữa tả

cảnh và tả tình, điều kiện để những bài thơ xuất hiện bên những câu văn xuôi tự sự một

cách hợp lí. Điểm nhìn trần thuật cũng là một trong các đặc trưng thi pháp của du kí Việt

Nam nửa đầu thế kỉ XX.

127

4.4. Ngôn từ

4.4.1. Sự kết hợp các ngôn ngữ

Du kí là thể loại đang dịch chuyển từ bên ngoài và bên trong để trở thành “tinh

anh” trong văn học. Với đặc trưng loại hình văn học hành trình, trong quá trình đi tìm

“kẻ khác ta” du kí phải thường xuyên làm mới mình, không chỉ làm mới về mặt thể loại

mà còn làm mới ngôn ngữ. Philipphê Bỉnh với Sách sổ sang chép các việc, trở thành

người đầu tiên đưa ngôn ngữ thời đại vào du kí, ở thời điểm du kí chữ Hán đang có vị

thế trên văn đàn truyền thống. Trong sự vận động của mình, ngôn ngữ trong du kí không

chỉ được sử dụng ở chức năng công cụ mà trở thành phương tiện trong nghệ thuật ngôn

từ. Với việc sử dụng ngôn ngữ làm phương tiện, du kí đưa hiện thực khách quan và hình

ảnh thế giới vào văn học, góp phần tạo ra những yếu tố mới cho lịch sử văn học và văn

hóa, trong đó có ngôn ngữ. Vì thế mà ngôn ngữ trong du kí vừa mang tính lịch sử vừa

mang tính đặc trưng của phong cách thể loại.

Du kí Việt Nam được xem là hình thức sáng tác văn học đầu tiên bằng chữ Quốc

ngữ. Mặt khác, ngôn ngữ du kí là ngôn ngữ mang tính thời đại, là nơi thử nghiệm ngôn

ngữ mới và là nơi để ngôn ngữ văn học có những tập dượt bước đầu trước khi sử dụng

làm chất liệu chính thức. Vì thế, những hiện tượng về ngôn ngữ mà nhiều nhà nghiên

cứu hiện nay quan tâm về sự dung hợp của nhiều ngôn ngữ khác nhau trong văn bản và

sự ảnh hưởng của nó đối với môi trường văn hóa đã làm rối lên tính thông tin và thẩm

mĩ của nó. Bản thân ngôn ngữ cũng là một thành tố văn hóa, nó có quyền tiếp biến, điều

chuyển hay dịch chuyển để hoàn thiện mình. Trong khi sưu tầm, tuyển chọn các tác

phẩm văn học mang tính giao thời như du kí, người ta thường lấy tiếng Việt hiện đại

làm hệ qui chiếu để xem xét các hiện tượng ngôn ngữ. Điều này đã gây ra sự nghi ngờ

về tính rõ ràng và minh bạch của việc sử dụng ngôn ngữ: vay mượn hay lệ thuộc, nệ cổ

hay lạc hậu, sính ngoại, bắt chước hay cách tân,… Để giải thoát mọi nghi ngờ này cần

phải đưa ngôn ngữ du kí vào chính môi trường của nó để xem xét, chú ý đến tính lịch

đại và văn hóa giao tiếp. Trong du kí Việt Nam, hiện tượng hỗn dung ngôn ngữ xảy ra

ở hai trường hợp dễ dàng nhận ra, đó là sự xuất hiện các ngôn ngữ khác trong văn bản

du kí như chữ Hán trong các tác phẩm mang yếu tố Hán và chữ Pháp trong một số tác

phẩm của các trí thức Tây học.

Về vấn đề Hán tự trong tác phẩm du kí, qua khảo sát du kí Việt Nam nửa đầu thế

128

kỉ XX, chúng tôi nhận ra những vấn đề sau:

Hán tự trong du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX liên quan đến chủ thể và môi

trường văn hóa mang tính thời đại. Cơ sở tồn tại của những tác phẩm du kí mang yếu tố

Hán trong giai đoạn này là ở lực lượng sáng tác và độc giả của nó. Đó là đông đảo đội

ngũ trí thức Hán học trở thành lực lượng sáng tác và số lượng lớn độc giả biết chữ Hán,

họ có nguyện vọng chống lại sự xâm thực văn hóa phương Tây nhưng lại không ưa lệ

thuộc văn hóa Trung Hoa.

Hán tự trong du kí Việt Nam đã làm nên yếu tố Hán mang tính đặc trưng của một

giai đoạn văn học. Những tác phẩm du kí mang yếu tố Hán xuất hiện nhiều ở giai đoạn

1917 – 1934 trở về trước, thời điểm mà chữ Hán trong các văn bản còn có môi trường

để tồn tại. Ngay cả Nam Phong đã ấn bản bằng ba ngôn ngữ: chữ Quốc ngữ, chữ Hán,

chữ Pháp và tồn tại đúng vào thời điểm môi sinh văn hóa đương thời chấp nhận nó. Từ

sau năm 1934 trở về sau, hiện tượng dung hợp ngôn ngữ này đã trở nên lỗi thời thì Nam

Phong tạp chí buộc phải cáo chung. Ngay cả Nguyễn Đôn Phục, một trí thức Hán học,

người phụ trách biên tập phần chữ Hán cho Nam Phong chỉ viết du kí trong những năm

20 của thế kỉ XX. Sau này cộng tác với tạp chí Tri Tân, với tác phẩm Nam Đàn bát châu

tục thảo (in 29 số trên tạp chí Tri Tân, từ số 58 đến 159), Nguyễn Đôn Phục sáng tạo ra

một thể thơ để chuyển nghĩa từ Hán ngữ sang Việt ngữ gọi là tục thảo. Điều đó cho thấy,

Nguyễn Đôn Phục không từ bỏ chữ Hán mà cốt là làm sao cho nó phù hợp với ngôn ngữ

và nhân cách con người Việt Nam.

Du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX dung nạp Hán tự bởi du kí tồn tại trong tính

đa chức năng: chức năng thông tin, chức năng giáo dục, chức năng thẩm mĩ và chức

năng quảng bá du lịch. Ngoài mục đích tạo ra tính xác thực của thông tin, du kí sử dụng

Hán tự để bảo tồn di tích, truyền thống dân tộc, làm phương thức phản ánh hiện thực

cho tác phẩm nghệ thuật. Để không phải đưa ra nhận định phiến diện về trường hợp này

cần xem xét tính hỗn dung ngôn ngữ Hán – Việt trong tính chỉnh thể và nguyên thể của

nó. Hán tự trong du kí được sử dụng trong những trường hợp sau:

Chữ Hán trong du kí dùng để lưu giữ nguyên trạng của một di tích, chẳng hạn

như cấu đối, bài thơ khắc trên đá, văn bia,… Sau đây là trường hợp ghi lại câu đối trong

đình ở Bài kí chơi chùa Thầy của Lê Đình Thắng :

爲 仙 爲 佛 爲 國 王 生 化 三 身 留 異 蹟。

129

有 洞 有 湖 有 天 帝 江 山 一 帶 表 奇 觀。

(Nam Phong, số 48, tr.515)

Chữ Hán trong tác phẩm du kí dùng để ghi dấu tích của nhân vật khi du lịch đến

nơi cổ kính, tức là một cách tự thể hiện của nhân vật, như trong Bài kí chơi núi Phật

Tích của Nguyễn Hữu Tiến:

“Giờ mùi, xuống dưới chân núi chơi chùa Phúc Lâm có đề trên tường rằng: “Đăng sơn

du lãm bất giác thi hứng, bất năng thu thập 登 山 游 覽 不 覺 詩 興 滿 山, 不

能 收 拾 (…) Chân Ngô Tử đền bỡn thêm rằng: “Ngã diệc bất ước nhi hợp 我 亦 不

約 而 合。.”…

(Nam Phong, số 25, tr. 49)

Hoặc bắt chước người xưa làm bài thơ chữ Hán để cảm tác trước cảnh vật như

trong Hành trình mạn ngược từ Cao Bằng xuống Phú Thọ của Thái Phong Vũ Khắc

Tiệp:

寒 山 深 處 電 興 來

Xe điện lần theo khoảng núi xanh

路 指 三 青 陟 彼 嵬

Từng từng dạo bước tới Tam Thanh

(…)

車 蜡 轍 甫 經 周 覽 跡

Dấu xe từng trải du quan khắp

大 明 安 忍 後 陰 崖

Hang tối rầy soi đuốc đại minh.

(Nam Phong, số 44, tr.140)

Sử dụng Hán tự, tác giả nhằm miêu tả cảnh vật non sông đất nước mình cũng đẹp

và hoành tráng như những hình ảnh được miêu tả trong văn chương truyền thống:

“Đến bây giờ qua đến xứ Tràng Châu này thấy ngọn lan hiu hắt; trông về phía tây

bắc thì non xô núi chạy, rõ ràng Tản Viên và Tam Đảo hai ngọn núi ngất trời ở kia;

trông về phía đông nam thì đất chuyển trời quay, tưởng như là vịnh bể Nam Minh tiếp

liền đâu đó; mà con sông Nhị Hà lai láng rộng dài, vạch ngang ngay ở trước mặt, ngày

ngày đêm đêm, nước chảy như ngựa chạy, như rồng cuốn như voi xô; rõ thật “Hoàng hà

chi thủy thiên thượng lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi 黃 河 之 水 天 上 來 奔 流

130

到 海 不 復 囘.”

(Nam Phong, số 63, tr. 184)

Câu văn miêu tả cảnh vật này được viết ra bởi một đạo sĩ (tác giả xưng là Tùng

Vân Đạo Nhân) trong cuộc hành trình đi "quan phong làng Thượng Cát", nó vừa mang

cốt cách của nhân vật vừa tạo ra khí thiêng sông núi như thoát ra từ trong ngôn từ. Với

cách thể hiện này, cảnh vật và con người dường như đang hòa hợp.

Cũng có trường hợp, tác giả dịch lại tên những di tích ghi bằng chữ Hán ra phiên

âm tiếng Việt như: Hồng Vân Sơn 紅 蕓 山, Ma Khám Sơn 麻 龕 山, Đông Sơn 東

山, Bát Vạn Sơn 八 萬 山, Phật Tích Sơn 佛 跡 山.

Hán tự sử dụng trong du kí là Hán tự cổ được giữ nguyên trạng khi muốn lưu giữ

di tích, hoặc được Việt hóa để thể hiện suy nghĩ, cảm nhận hay tự thuật của chủ thể trong

cuộc hành trình. Vì thế, Hán tự trong du kí khác với Hán tự trong các văn bản sử dụng

văn phong khoa học như một số bài báo đăng trên Nam Phong tạp chí bàn về triết học

Trung Hoa. Những tác phẩm du kí mang yếu tố Hán thường gắn liền với các cuộc hành

trình “cổ tích”, đến những nơi di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh tôn nghiêm

để tạo nên sự trang trọng, cổ kính cho bài du kí, đồng thời góp phần làm phong phú từ

Hán Việt trong văn chương.

Một hình thức hỗn dung ngôn ngữ khác trong du kí Việt Nam là từ tiếng Pháp.

Chủ thể của những cuộc hành trình gắn liền với các tác phẩm có sử dụng tiếng Pháp là

những trí thức Tây học như Phạm Quỳnh, Nhật Nham, Đào Trinh Nhất, Tùng Hương,

Đông Hồ,… số lượng tác phẩm có chữ Pháp không nhiều và chỉ sử dụng trong một số

trường hợp nhất định như chỉ thời gian ở đơn vị tháng, gọi tên địa danh, sự vật, thỉnh

thoảng có một phát ngôn ngắn của một người nước ngoài mà tác giả nghe thấy. Ở đây,

chúng tôi đề cập đến việc sử dụng chữ Pháp như là một thủ pháp nghệ thuật.

Trong Sang Tây – Mười tháng ở Pháp của Phạm Vân Anh có một đoạn sử dụng

chữ Pháp nhưng không phải để đùng để định danh mà thể hiện ý đồ trần thuật:

“Chúng tôi nói chuyện chán rồi coi sách; sẵn có bộ sách Les Travailleurs de la mer của

Victor Hugo, em đem ra đó, cô Cúc Tử cầm một cuốn, ngồi xuống ghế đọc. Trong khi ấy

có xảy ra một chuyện tức cười, em nhớ hoài, và cũng nhờ đó mà em hiểu cái tinh thần

của người Nhựt thêm ra một chút nữa.

Có một bà đầm cũng còn ít tuổi, đi ngang qua, thấy chúng tôi đọc sách chơi, thì đứng lại

131

mà ngó. Cô Cúc Tử đương ham học cho nên không để ý tới, em thấy bà đầm nầy đứng

vòng tay hai bên sườn, đầu nghiêng một bên, miệng cười một cách khó chịu, hình như có

ý nói thầm trong bụng rằng: “Mấy con nhỏ này biết gì mà đọc sách với vở.” Anh chồng

đi kiếm vợ, tới đó, thấy vợ đứng ngó thì cũng đứng lại mà ngó, bộ mặt cũng tỏ ra cái vẻ

khả ố như vợ vậy. Thiệt là ông tơ khéo xe, vợ nào thì chồng nấy! Vừa khi cô Cúc Tử ngó

lên, thì bà đầm kia hỏi ngay rằng:

- Qu’est – ce que tu lis?

(…)

Cổ cười chuốm chiếm và trả lời rất có phép tắc:

- Thưa bà, tôi đọc cái cuốn sách đặng học cho biết lễ phép của người Lang sa…”

(Phụ nữ Tân văn, số 3, tr.33)

Phạm Vân Anh đưa phát ngôn tiếng Pháp của nhân vật vào trong lời trần thuật là

vừa để tạo ra tính khách quan cho câu chuyện hành trình của mình, đồng thời muốn đả

kích cái vô văn hóa, thiếu văn minh của những người thường tự coi mình là những người

văn hóa của một dân tộc văn minh.

Du kí của Phạm Quỳnh có xu hướng hiện đại hóa văn phong tiếng Việt, nhưng

trong những trường hợp cần thiết, ông cũng dùng chữ Pháp để mô tả sự bề thế đối tượng

được miêu tả. Sau đây là đoạn văn miêu tả một bến tàu ở Pháp.

“Tàu Armand Béhic kỳ này tới đỗ ở bến Joliette là bến gần thành phố hơn nhất. Nguyên

cái cảng Marseille thời to lớn lắm, ngoài có một dải trường đê ngữ sóng, trong chia ra

từng khu, mỗi khu là một cái bến cho tàu đậu: có bến Jolierre, bến Lazaret, bến Pinède,

bến Madrague. Những tàu của Công ti Messageries maritimes thường đậu ở hai bến

Joliette và Pinède. Có nơi gọi là “Bến cũ” (Vieux Port) thời chỉ để cho các thuyền nhỏ

đậu, tàu lớn không vào bến.”

(Nam Phong, số 63, tr. 226)

Có trường hợp tác giả dùng chữ Pháp như là một phương thức so sánh trong miêu

tả. Trong Từ Hà Nội đến hồ Ba Bể của Nhật Nham có đoạn:

“Trên cùng hiện ra một cảnh tượng rất đẹp. Sau khi những lớp quặng bao bọc núi đá đã

khai thác, trên một khoảng đất bằng phẳng, còn trơ lại những ngọn núi đá nhấp nhô như

cái núi đá trong vịnh Hạ Long. Vì vậy người Pháp đặt tên nơi này là “Baie d’Along

terrestre” (Vịnh Hạ Long trên cạn) mà dân vùng này gọi các núi ấy là Phya Khao (núi

bạc) vì đêm đến có ánh bạc từ núi phát ra.” (Tri Tân, số 67, tr. 11)

132

Ngôn ngữ du kí giai đoạn 1935 - 1945 đang chuyển hóa để chuẩn hóa ngôn ngữ

dân tộc. Vì thế, bước sang giai đoạn này, hiện tượng dung hợp ngôn ngữ đã hạn chế rất

nhiều, nhường chỗ cho ngôn từ và phong cách diễn đạt của tiếng Việt hiện đại.

4.4.2. Sự đa dạng của văn phong

Hành văn trong văn bản của tác phẩm du kí là biểu thị tính hình thức của các

phương thức phản ánh: miêu tả, nghị luận và trữ tình. Miêu tả trong du kí có: miêu tả

bên ngoài (cái mà tác giả quan sát được như các đối tượng: đường đi và phương tiện,

phong cảnh và di tích,…) và miêu tả bên trong (những diễn biến của tâm trạng trước

hoàn cảnh, trước đối tượng quan sát). Miêu tả trong tác phẩm du kí đối với sự vật không

đơn thuần tái hiện hình ảnh sự vật như hình dáng, màu sắc, đặc điểm,… mà là sự lựa

chọn cách thể hiện hình ảnh từ góc nhìn và điểm nhìn; tức là điểm nhìn nào thì sự vật sẽ

hiện lên như thế đó. Có những trường hợp cùng một sự vật nhưng trong mỗi bài du kí

nó hiện lên bởi những đường nét khác nhau. Trong du kí, hành văn miêu tả thường đi

liền nghị luận để tạo ra cấu trúc cú pháp đặc trưng của nó. Nếu hình ảnh miêu tả không

mang tính quan trọng, chỉ lướt qua thì sự kết hợp giữa miêu tả với nghị luận thường là

sự so sánh với nơi này, nơi kia, người này nói, người kia nghĩ,… Chẳng hạn:

“Hai bên vệ đường giồng toàn cây mù u mát mẻ lắm; thứ cây này bắt đầu trông từ khỏi

Huế; thứ nhất ở gần Quãng Ngãi, lá thì rợp, quả thì ép làm dầu thắp, có cây đã cổ thụ,

thì biết rằng con đường quan lộ này làm đã lâu, chắc từ trước đời Gia Long.”

("Lược ký đi đường bộ từ Hà nội và Sài gòn", Nam Phong, số 129, tr. 462)

Nếu hình ảnh miêu tả có ý nghĩa như là sự kiện của cuộc hành trình thì cách miêu

tả kết hợp với nghị luận được tổ chức thành một cấu trúc sự vật – ý nghĩa hoặc sự vật –

thực trạng về sự tồn tại. Trong du kí Việt Nam còn có lối miêu tả huyền thoại, lối miêu

tả này thường thể hiện bằng hai cách: miêu tả trực tiếp và miêu tả gián tiếp. Miêu tả trực

tiếp trong du kí là hướng đến đối tượng trong toàn cảnh của nó. Chẳng hạn trong Thiên

Y A Na, để miêu tả cảnh lên đồng của những bé gái nơi điện Hòn Chén, Dương Kỵ đã

bắt đầu từ miêu tả cảnh vật thiên nhiên lung linh huyền ảo vào một buổi chiều sau đó

mới tả cảnh cũng bái, lên đồng ở đây. Hình ảnh miêu tả trực tiếp trong du kí tạo ra một

“điểm nhấn” trong bức tranh toàn cảnh. Miêu tả gián tiếp trong du kí Việt Nam khá

phong phú. Có khi miêu tả cảnh vật bằng việc kể về câu chuyện hay thuật lại sự tích.

Trong Mười ngày ở Huế, thay vì miêu tả sự hiểm trở của đèo Ngang, tác giả kể về truyền

thuyết nói đến bọn thảo khấu, sơn tặc ở đây. Còn miêu tả đống đổ nát của kinh đô vương

133

quốc Chămpa thì Mãn Khánh Dương Kỵ đã dựng lên một câu chuyện tưởng tượng,

mang tính kì ảo giống như kinh đô này đang sống lại. Miêu tả gián tiếp trong du kí

thường kết hợp với phương thức trữ tình như bộc lộ trực tiếp cảm xúc trước đối tượng,

hoặc xúc cảm thành thơ hay mượn thơ người khác để tả về cảnh vật.

Hành văn trong du kí là cách tổ chức ngôn từ theo nguyên tắc: tả để kể, có sự vật

mới có câu chuyện, phải được trải nghiệm mới có câu chuyện hành trình. Qua khảo sát

du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, chúng tôi rút ra ba đặc điểm: về cú pháp, du kí Việt

Nam có xu hướng kéo dài câu văn; về ngữ điệu và tu từ, du kí Việt Nam có xu hướng

vươn đến sự uyển chuyển và nhịp nhàng của diễn ngôn; về loại hình, du kí Việt Nam có

xu hướng hòa trộn văn xuôi và thơ.

Câu văn trong tác phẩm du kí giai đoạn này khá đa dạng. Mỗi nhà văn có một

cách đặt câu để miêu tả cảnh vật, bộc lộ cảm xúc, kể về câu chuyện gặp gỡ. Tuy nhiên

hình thức câu đối thoại trong du kí giai đoạn 1917 -1934 trở về trước rất hạn chế. Giai

đoạn 1935 – 1945 là thời điểm của tiểu thuyết lên ngôi nên tiểu thuyết có sự ảnh hưởng

khá mạnh mẽ đối với nền văn học. Du kí giai đoạn này cũng chịu ảnh hưởng của tiểu

thuyết thì những tác phẩm du kí của những nhà văn như: Nguyễn Tuân, Nhất Linh, Tản

Đà, Lê Văn Trương,… mang dáng dấp tiểu thuyết, nhất là về dựng đối thoại trong

phương thức trần thuật là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, khác với tiểu thuyết, hình

thức đối thoại trong du kí không nhằm miêu tả hành động nhân vật mà chỉ chứng minh

cho sự gặp gỡ của chủ thể với ai đó hoặc bổ sung thêm nhân vật trên lộ trình. Xét tổng

thể, câu văn trong tác phẩm là câu trần thuật dùng để miêu tả, kể chuyện hay bộc lộ suy

nghĩ cảm xúc của chủ thể trên lộ trình. Do ảnh hưởng của văn chương truyền thống và

thơ ca mà hành văn trong tác phẩm du kí có xu hướng thể hiện suy nghĩ của chủ thể hơn

là để phát ngôn. Vì thế, nhiều câu dài trong tác phẩm du kí có hiện tượng hướng nội,

chủ thể nói với mình hơn là đối thoại với độc giả. Trong những câu như thế, tác giả sử

dụng rất nhiều dấu phẩy (“,”) và dấu chấm phẩy (“;”) để vừa ngắt nhịp vừa phân cách

các nội dung trong một đơn vị phát ngôn. Hiện tượng câu dài được sử dụng để thể hiện

nội dung phát ngôn về nhiều đối tượng khác nhau. Sử dụng câu dài trong trường hợp tự

thuật:

“Ta đây sinh trưởng ở chốn thôn quê, trí thức thì hẹp hòi, học tập thì quê kệch, may gặp

lúc nước yên dân tĩnh, bể lặng trời thanh, vì vậy ta được tự do ra ngoài, mà rồi thường

134

mục kích nhiều nơi sơn thanh thủy tú, tức là dự cuộc du lịch ở xứ Quảng Yên, cách nay

ba năm, cũng là một hạt thắng địa nước Đại Nam ta, và cũng là dịp kì phùng cho con

nhà giang hồ lãng mạn.”

("Quảng yên du ký", Nam Phong, số 168, tr. 82)

Trong du kí giai đoạn này, nhiều bài du kí có đoạn văn chỉ có một câu. Nói cách

khác, nếu đem so với tiếng Việt hiện đại ngày nay thì trong du kí Việt Nam nửa đầu thế

kỉ XX, hiện tượng gộp câu khá phổ biến. Hình thức gộp câu này xuất hiện nhiều trong

những tác phẩm của những trí thức Hán học như Nguyễn Đôn Phục, Nhãn Vân Đình,

Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Bá Trác,…

Hiện tượng kéo dài câu không chỉ để mở rộng thành phần, đưa thêm phần chêm

xen vào nòng cốt câu hay câu ghép có nhiều cụm chủ vị mà cái chính là để kết nối nhiều

thông tin khác nhau trong một cái nhìn của chủ thể để tạo ra sự hòa hợp giữa hình ảnh

và âm thanh trong một đơn vị câu. Những hiện tượng âm thanh của ngôn ngữ trong phát

ngôn tạo ra tính nhạc điệu cho câu văn thường xuất hiện trong những đoạn văn có một

câu như thế này.

“Lại còn một cái thú nữa, là lúc sáng ngày hôm sau trở dậy, mở cửa lầu ra, đã trông

ngay thấy trăm cây rả rợp, dòng nước uốn quanh, thấy chim chóc nhởn nhơ, cỏ hoa mơn

mởn; thấy vầng thái dương dòm qua cửa sổ, thấy luồng không khí lọt thấu phòng sâu;

cái phong cảnh lúc thanh thần đó, thật là một bức họa đồ thiên nhiên tuyệt bút!”

("Cuộc thưởng ca làng Hữu Thanh oai", Nam Phong, số 100, tr. 367)

Tính nhạc trong văn du kí thường xuất hiện trong những đoạn văn có yếu tố trữ

tình. Nhờ phong cách diễn đạt này, những tác phẩm du kí có sự trộn lẫn giữa thơ và văn

xuôi thì không gây trở ngại đối với việc đọc mà nhiều khi còn hấp dẫn đối với người

đọc. Cách diễn đạt trong một số tác phẩm du kí được kết hợp hai yếu tố tự sự và trữ tình

trong hình thức ngôn ngữ có thể coi như theo kiểu phát ngôn nghệ thuật.

Xuất hiện vào thời điểm văn học dân tộc đang trở mình để đổi mới nền văn học,

du kí đã có công trong việc thanh lọc ngôn ngữ, đưa ngôn ngữ thông tục trở thành ngôn

ngữ văn hóa, tạo ra nhiều phong cách phát ngôn văn hóa mang tính thời đại. Nhờ những

cuộc hành trình mà những trí thức Việt Nam không chỉ làm mới tư duy mà còn làm

phong phú ngôn từ tiếng Việt, làm cho tiếng Việt ngày càng được chuẩn hóa, nâng cao

tính biểu đạt và hiệu quả giao tiếp. Ngôn ngữ trong du kí Việt Nam là một hiện tượng

135

của lịch sử xét trên nhiều phương diện. Sự vận động của du kí kéo theo sự vận động liên

tục của tiếng Việt trên con đường hiện đại hóa. Sự vận động của văn học là sự tích lũy

liên tục các phong cách cá nhân mà trong mỗi giai đoạn của lịch sử văn học, từ các

phong cách cá nhân đã kết hợp để hình thành nên phong cách thời đại.

*

* *

Trải qua một quá trình vận động, đến nửa đầu thế kỉ XX, du kí Việt Nam hưng

khởi trở lại mang hình thức mới của thể loại với những đặc điểm mang tính đặc thù của

thể loại văn xuôi tự sự này. Cốt truyện trong các tác phẩm du kí Việt Nam phản ánh tính

đa dạng của các cuộc hành trình và đề tài; đồng thời thể hiện tư tưởng của tác phẩm. Dù

là một thể loại bị chi phối bởi nguyên tắc tự do nhưng du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ

XX đã hình thành đặc trưng phong cách thể loại và sự đa dạng của kết cấu, trong đó nổi

lên bốn kiểu kết cấu tiêu biểu: kết cấu khung, kết cấu trực quan, kết cấu nhật trình - sự

kiện, kết cấu đan xen tự sự - trữ tình. Trên phương diện phản ánh hiện thực bằng phương

thức tự sự, điểm nhìn trần thuật trong du kí Việt Nam phổ biến ở hai dạng: điểm nhìn

đa diện đa diện đối với hiện thực và điểm nhìn dịch chuyển của người kể chuyện. Việc

sử dụng ngôn ngữ trong du kí cũng tạo nên tính đặc trưng của thể loại này. Trong du kí,

những trường hợp xen lẫn chữ Hán và chữ Pháp không hoàn toàn là sự hỗn dung ngôn

ngữ mà sử dụng nó mang tính nghệ thuật. Cùng với sự đa dạng về phương thức diễn đạt,

cách sử dụng ngôn ngữ góp phần tạo nên phong cách thể loại du kí Việt Nam nửa đầu

thế kỉ XX.

136

Chương 5: NHỮNG TÁC GIẢ DU KÍ VIỆT NAM TIÊU BIỂU

NỬA ĐẦU THẾ KỈ XX

Đội ngũ sáng tác du kí Việt Nam đầu thế kỉ XX là những cây bút vốn rất vững

vàng trong làng báo, làng văn và đặc biệt hơn, nhiều người trong số họ là những nhà

nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nhà dịch thuật đã có tiếng vang trên văn đàn và báo chí

đương thời. Trong đội ngũ đông đảo các kí giả, nhà văn viết du kí đã xuất hiện một số

cây bút tiêu biểu cho một số phong cách thể loại du kí như Phạm Quỳnh (1892 – 1945),

Nguyễn Bá Trác (1881 – 1945), Nguyễn Đôn Phục (1878 – 1954), Nguyễn Trọng Thuật

(1883 – 1940), Mãn Khánh Dương Kỵ (tức là Tôn Thất Dương Kỵ, 1914-1987),...

Khi khảo sát đặc điểm vận động và đặc điểm thi pháp của du kí Việt Nam nửa

đầu thế kỉ XX, chúng tôi phát hiện một số vấn đề đã nảy sinh đòi hỏi phải được tiếp cận

trên phương diện phong cách học. Đó là những trường hợp về yếu tố Hán tồn tại trong

nhiều tác phẩm du kí không thuộc về tàn tích của văn chương phong kiến mà nó được

vận dụng như là một thủ pháp nghệ thuật. Đó là tính hiện đại của du kí với sự vận động

và phát triển nhanh chóng để hình thành thể loại và những biến thể của nó có khả năng

lan rộng và làm mờ ranh giới đối với thể loại khác như truyện kí, tiểu thuyết, tản văn...

Đó là vấn đề ngôn ngữ không chỉ là phương tiện mà còn biểu hiện của thuộc tính cá

nhân và sự sáng tạo làm nảy sinh hiện tượng phong cách tác giả.

Du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX đã đạt được những thành tựu rực rỡ trên nhiều

phương diện về nội dung và nghệ thuật để trở thành một bộ phận của văn học dân tộc.

Trong quá trình phát triển, du kí Việt Nam đầu thế kỉ XX đã xuất hiện những cây bút

tiêu biểu cho du kí giai đoạn này như: Nguyễn Đôn Phục, Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Hữu

Tiến, Phạm Quỳnh, Nhất Linh, Nguyễn Tuân, Dương Kỵ, Nhật Nham, Lan Khai, Thái

Hữu Thành,… Chúng tôi chọn khảo sát ba tác giả tương ứng với ba kiểu sáng du kí tiêu

biểu lúc bấy giờ, đó là Nguyễn Đôn Phục, Phạm Quỳnh, Mãn Khánh Dương Kỵ.

5.1. Nguyễn Đôn Phục – phong cách du kí truyền thống

5.1.1. Triết lí về "sự đi"

Tiếp nhận văn học hiện đại đã loại suy sự tồn tại đồng thời của tác giả (chủ thể

sáng tạo) với tác phẩm nhưng sẽ làm cho người ta hoài nghi về tư cách phát ngôn của

chủ thể trong tác phẩm văn học phi hư cấu trong mối quan hệ liên văn bản. Một tác

phẩm tự truyện cũng không phải là hoàn toàn là sự thật, là hoàn toàn khách quan khi nó

137

phải đứng trong văn học. Trong thực tiễn của đời sống văn học, người ta còn khéo léo

vận dụng cái gọi là khách quan của thể loại để thực hiện các hành vi phát ngôn của mình.

Nguyễn Đôn Phục là một trường hợp như thế. Những quan niệm về cuộc sống như: sự

chơi thanh cao, trách nhiệm và bản lĩnh nhà văn trước cuộc đời, những sự tốt xấu và lẽ

yêu ghét,... có thể thấy được qua một số phát ngôn trực tiếp của Nguyễn Đôn Phục trong

những tác phẩm du kí.

Chơi theo Nguyễn Đôn Phục, phụ thuộc vào hạng người, sở thích, mục đích mà

có các cách chơi khác nhau. Du hành cũng là một cách chơi và cũng tùy thuộc vào đối

tượng của nó "Người đi chơi cũng có lắm hạng, mà cuộc đi chơi cũng có lắm đường...".

(Bài kí chơi Cổ Loa, Nam Phong, số 87, tr. 203).

Trong bốn hạng người du lịch tương ứng với 4 cách chơi: người phong lưu gặp

đâu chơi đó, hạng người phú quí chơi theo kiểu trưởng giả học làm sang, hạng người

túng quẫn chán đời mà chơi suông, hạng người văn chương chơi cùng sử sách là hạng

người trông ra non nước mà ngắm vào sử xanh (Nam Phong, số 87, tr. 203). Cách chơi

của hạng người văn chương là cách chơi chữ nghĩa, chơi có mục đích, không chơi phiếm,

chơi suông bình thường mà là “cuộc chơi” hướng về quốc hồn quốc túy, chơi theo cốt

cách mà không nệ cổ sùng văn. Cách chơi của Nguyễn Đôn Phục trong du kí là cách

chơi với cái thú thanh cao, cái vui cổ kính không chơi theo kiểu phàm tục.

Du lịch như là một nhu cầu thiết yếu của con người, nó không chỉ là sở thích mà

còn là sự thể hiện nhân cách. Với Nguyễn Đôn Phục, nhân cách con người chi phối tâm

lí du lịch:

"Chao ôi! Cái thú đi du lãm, cũng là cái thú chung của nhân loại, không phải là cái thú

riêng của một mình ai; duy những người có tâm tình với non nước, có ý vị với thế đạo

với nhân tâm, trong khi du lãm, sẽ có cái thú vị riêng vậy."

("Du Tử Trầm Sơn kí", Nam Phong, số 87, tr. 393)

Theo ông, dân làng chơi có thể chia ra thành hai hạng, "một hạng chơi về vật

chất, một hạng chơi về tinh thần: chơi về tinh thần nghĩa là chơi lấy tâm linh, chơi lấy

vận sự, chơi lấy cao thượng, chơi lấy phong lưu,..."

("Ngọc Tân du kí", Nam Phong, số 57, tr. 214).

Đối với Nguyễn Đôn Phục, sự đi của nhà văn là phải “quan phong”, có nghĩa là

"quan sát cho xác đáng, nghị luận cho tinh vi", đi không chỉ thỏa chí du lãm mà còn biết

138

được sự tình, kể ra cho đúng người. Bởi thế nên "Những nhà văn học đi quan phong thời

cái trách nhiệm lại càng quan trọng lắm (...) nếu chỉ quệch quạc lấy dăm ba trang đuểnh

đoảng, ngâm nga lấy một vài khúc tơi bời, để tắc trách cho sự quan phong thì cũng là

vô vị và vô ích vậy" (Nam Phong, số 63, tr. 183)

Nhà văn du lịch khác người bình thường ở chỗ, du lịch cũng là hoạt động văn

nghiệp, có khi là phương tiện để nhà văn tác nghiệp. Sự du lịch của nhà văn cao quí nên

nhà văn cũng có thể trở thành danh nhân một khi kết quả của cuộc hành trình đó làm hài

lòng độc giả bằng những thiên du kí. Các miền đất lạ, các nơi cổ tích, núi non sơn thủy

hữu tình, danh lam thắng tích trở nên đẹp hơn, nổi tiếng hơn cũng nhờ con người khám

phá nó, tôn tạo nó, thăm viếng nó, đề thơ lên nó. Nguyễn Đôn Phục quan niệm về mối

quan hệ giữa danh thắng và danh nhân:

“Gẫm trong thế giới xưa nay, phàm núi nào đã gọi là cái núi mà có trứ danh ở vũ trụ

không phải vì núi ấy cao, núi ấy lạ, núi ấy lắm đá lắm cây lắm chùa lắm tháp, núi ấy

lắm áo quần xe ngựa, lắm sĩ nữ du quan mà trứ danh đâu, chắc là kinh qua có một hồi

danh nhân du thưởng mà trứ danh vậy.”

("Du Tử Trầm Sơn kí", Nam Phong, số 101, tr. 399)

Du kí của Nguyễn Đôn Phục là một sự triết lí về sự đi: đi là sự trở về. Những

bài du kí thăm danh lam, thắng tích, những câu chuyện về các nhân vật lịch sử, tôn giáo

là cách mà Nguyễn Đôn Phục lí giải cho sự trở về cội nguồn của con người, là sự nhắc

nhở con người: nếu bỏ quên quá khứ thì coi chừng tương lai bị đánh cắp. Trong bài Lời

cảm cựu về mấy ngày chơi Bắc Ninh, dụng tâm nghệ thuật của Nguyễn Đôn Phục hướng

đến triết lí sự đi là sự trở về với chính mình, và thông qua câu chuyện gia cảnh để nói

về hoàn cảnh đất nước, thông qua câu chuyện gia đình để tự đánh giá mình: "Kí giả thiếu

thời học chữ nho, thật là người biếng học". Nhờ đến Bắc Ninh, nơi cách Hà Nội không

xa lắm, "đi xe máy xe lửa chỉ trong vài giờ", nhưng nhờ có chuyến đi này tác giả mới

biết: nơi "ông Đổng Thiên phá giặc Ân, ông Lý Thường Kiệt phá quân Tống ở đó", biết

được đây là quê hương của Lý Bát Đế, biết được một điều rất quan trọng với con người:

những cái gần bên mình nếu không ra đi tìm hiểu nó thì cũng không biết gì cả, có đi mới

tìm thấy những tình cảm đã qua mà con người tưởng rằng đánh mất nó.. Đó là triết lí về

lẽ sống của con người theo quan niệm nhà nho là như vậy.

Luận về sự chơi, sự đi du lịch nói trên xuất phát từ cái tâm của Tùng Vân Đạo

Nhân Nguyễn Đôn Phục, cái tâm có trách nhiệm, cái tâm tự trọng noi theo các bậc danh

139

nho. Cái tâm dùng để điều khiển cái tài, cái tài lại dùng tư tưởng để dẫn dắt con chữ biến

hóa trong văn chương, để văn chương khi chuyển sang quốc âm cũng không bạc đãi tinh

hoa Hán học. Đó là cái tạo nên sắc thái văn phong du kí Nguyễn Đôn Phục trong vườn

hoa du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.

5.1.2. Tiếp cận đối tượng trên phương diện lịch sử

Cách chơi và cách viết có mối quan hệ lẫn nhau. Du kí của Nguyễn Đôn Phục

thường tập trung vào các đề tài: chơi cổ tích, chơi núi, chơi xuân. Dù ở đề tài nào,

Nguyễn Đôn Phục lấy điểm nhìn lịch sử làm hệ qui chiếu, dù tả cảnh hay thuật chuyện

du hành cũng để nói chuyện lịch sử, dùng điển tích lịch sử để xây dựng cấu trúc tác

phẩm.

Từ điểm nhìn lịch sử mà thể giới trong các bài du kí: Bài kí chơi Cổ Loa, Cuộc

xem cổ tích miền Hải Dương, Cuộc đi quan phong làng Thượng Cát, Lời cảm cựu mấy

ngày chơi Bắc Ninh, Cuộc chơi Sài Sơn,... Nguyễn Đôn Phục đưa người đọc đến với thế

giới cổ tích của các nhân vật và sự kiện lịch sử mà ông quan niệm "nước nào đã có lịch

sử thì dấu vết của tiền nhân để lại tức là cổ tích, cổ tích tức là quốc hồn" Nam Phong, số

102, tr. 53). Đó là thế giới được xây dựng bởi các tư liệu lịch sử và văn hóa, văn học mà

tác giả tích lũy được. Những tư liệu này chỉ được khơi dậy tại thời điểm tác giả đặt chân

đến địa danh hay di tích mang sự tích đó. Khi đến di tích thành Cổ Loa, Nguyễn Đôn

Phục đã làm sống lại truyền thuyết thành Cổ Loa bởi mục đích tìm kiếm dấu tích lịch sử

chi phối cuộc hành trình này.

“Cuộc đi chơi này, đã là cuộc đi chơi về lịch sử, thì cái lịch sử Loa thành này thế nào

chắc là phải có một đoạn sử bút khá dài, khá kì dị, khá ai oán, khá lâm li kí giả cũng

không dám ngại phiền, xin tả rõ ra đây để những khách hữu tình trong bạn đồng bang

ta cùng xem mà cùng cảm.”

("Bài kí chơi Cổ Loa", Nam Phong, số 87, tr. 203)

Nguyễn Đôn Phục có tài kể chuyện lịch sử, cái tài của một nhà nho kinh thông

chữ nghĩa, hiểu biết về điển tích, điển phạm, giàu xúc cảm và trí tưởng tượng. Câu

chuyện tường thuật du lịch của Nguyễn Đôn Phục đã nhuốm màu sử tích. Nhân vật Mị

Châu là tâm điểm của sử tích (khác với truyền thuyết tô đậm yếu tố thần kì của chiếc nỏ

thần) nên khi đến đoạn cuối câu chuyện, lúc thần Kim Qui xuất hiện, không có cảnh An

Dương Vương giết con, mà chỉ là sự xả thân của nàng để tỏ nỗi oan khuất: "Nói xong,

thì nước mắt với nước máu, nước triều tuôn ra, mà lai láng trong miền Nam Hải. Than

140

ôi! Than ôi! Oan thay! Oan thay!" Giọng kể đầy cảm xúc xuất phát từ tâm khảm của

một con người tự xưng là kí giả, thuộc "giống đa tình thâm bỉ những phường mắt trắng

ngũ luân; bình sinh vẫn kính nàng và thương nàng; khi chép truyện nàng, cũng muốn

tìm ra một cái triết lí, để gỡ tội cho nàng, giải oan cho nàng,..." (Nam Phong, số 87, tr.

207). Cảm quan lịch sử kéo Nguyễn Đôn Phục đi xa hơn để khát quát lên vấn đề mà

chưa có nhà sử học nào đưa ra phán quyết như thế: "Nhận xét ra, lịch sử nước Nam ta,

có hai người đàn bà, thiên cổ vẫn phụ cái án vong quốc. Một là nàng Thục Mỵ Châu.

Hai là bà Lý Chiêu Hoàng. Nhưng Chiêu Hoàng là người bị động, mà Mị Châu lại là

người chủ động..." (Nam Phong, số 87, tr. 208).

Quan điểm lịch sử của Nguyễn Đôn Phục có nhiều sự tiến bộ, gần gũi với quan

niệm của nhân dân, mang nhiều yếu tố thời đại, gợi những ý nghĩa sâu xa về thái độ của

người đời đối với quá khứ, thái độ vị tha và chiêu tuyết cho những nỗi oan khuất. Văn

học như là một chức năng không bị giới hạn bởi những định kiến xã hội và thời đại.

Tiếng nói của nhà văn không chỉ là sự phát ngôn của thời đại mà là tiếng nói lịch sử, là

cầu nối lịch sử với nhân dân. Điểm nhìn lịch sử chi phối nhiều tác phẩm du kí của

Nguyễn Đôn Phục.

Quan niệm lịch sử như là một phương thức nghệ thuật trong mối liên hệ giữa cá

thể và cộng đồng, Nguyễn Đôn Phục cho rằng:

“Phàm con người ta sinh ra ở đời, cái lịch sử thiếu thời của mình, dù vui vẻ, dù gian

nan, dù li kì, dù chuyết lậu thế nào cũng tức là cái lịch sử bắt đầu chú tạo ra cái hình ảnh

mình. Vả lại cái lịch sử trong một con người dù thủa lớn, dù thủa nhỏ thế nào, cũng đều

có trực tiếp với non sông, với nhân vật, với cỏ hoa trong một cõi. Ăn cơm mới há lại

quên chuyện cũ đó hay sao.”

("Lời cảm cựu mấy ngày chơi Bắc Ninh", Nam Phong, số 100, tr. 348).

Lịch sử của con người trong lịch sử non sông đất nước. Lịch sử non sông đất

nước có được chỉ khi con người nhận thức được mình tồn tại, nhận thức được lịch sử

của mình. Quan niệm này thể hiện trong du kí của ông để xây dựng cấu trúc truyện kể

lồng trong tác phẩm du kí: kể chuyện danh nhân lịch sử, văn hóa bằng cảm quan của

người đến thăm di tích gắn liền với nó; kể chuyện mình như là một kiểu nhận thức và

đối ứng lịch sử.

Trong thế giới nghệ thuật du kí của Nguyễn Đôn Phục có nhiều nhân vật không

chỉ đầy đủ tên tuổi, danh tính, dấu tích và công trạng của họ mà còn cả số phận, tính

141

cách thông qua cảm nhận và trí tưởng tượng của tác giả. Mỗi tác phẩm có nhiều nhân

vật, có tên, có tuổi, có gốc tích trong lịch sử; có những nhân vật được tác giả định danh

dựa trên sự cảm phục tài năng của họ. Câu chuyện lịch sử trong du kí của ông chỉ hướng

đến nhân vật quan trọng, hoặc ít ra là ông yêu mến, cảm phục để kể lại. Trong tác phẩm

Cuộc xem cổ tích miền đông bắc tỉnh Hải Dương có nhiều tên nhân vật lịch sử được nêu

ra: Chu Văn An, Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi,

Phạm Sư Mạnh,... và có tên hai nhân vật nữ được tác giả gọi là “tài nữ Nguyễn Thị Lộ,

nữ khảo quan đời Trịnh Nguyễn Thị Du”. Trong tác phẩm này, có hai nhân vật lịch sử

được tác giả kể lại một cách chi tiết: Phạm Sư Mạnh và Nguyễn Thị Du. Cụ Phạm Sư

Mạnh là người được tác giả cảm phục nhất, bởi cụ là người tài năng rộng rãi, khí độ

cứng mạnh, thật là một nhân vật nhập thế, có quan hệ sâu sắc với cuộc đời. Cụ Phạm Sư

Mạnh có đầy đủ nhân cách và bản lĩnh nhà nho nên được tác giả gọi là “Nho tướng đời

Trần. Về tính cách, cụ lại hay thích đi chơi lịch-lãm, những nơi sơn-thủy thanh-kì, đi

đến đâu có thơ ngâm đến đấy, thơ có vẻ phóng-dật hào-hùng” (Nam Phong, số 87, tr.

57). Tác giả còn kể ra được giai thoại ít người biết đến về Phạm Sư Mạnh: “Có một phen

cụ sang sứ Tàu, người Tàu thấy cụ đặt tên là Sư Mạnh, hỏi cụ, cụ cứ thực cụ nói. Người

Tàu bắt cụ ám tả bảy thiên trong sách Mạnh Tử, cụ ám tả không sai một chữ nào, người

Tàu đều lấy làm lạ” (Nam Phong, số 102, tr. 58). Câu chuyện về cụ Phạm Sư Mạnh liên

quan đến rặng núi Kính Chủ, nơi có cái đỗng (động) mà ngày xưa cụ ngồi đọc sách.

Xem cảnh mà nhớ người ngẫm muôn sự là phong thái nhà nho đi du lịch. Nguyễn Đôn

Phục đã xúc động trong sự đồng điệu nhân cách mà thốt lên: “Than ôi! Núi Kính Chủ

kia còn, thì cụ Phạm Sư Mạnh còn, thì học thuyết ông Mạnh Tử cũng nên còn vậy”.

Nguyễn Đôn Phục không phải là nhà nho thủ cựu mà là một nhà nho thức thời.

Thú đọc truyện, ông thích Quan Âm Thị Kính, Kim Vân Kiều Truyện,... là những truyện

về thân phận nữ giới. Kể chuyện lịch sử, ông thường chú trọng đến nhân cách và số phận

những "tài nữ". Đối với Nguyễn Thị Lộ, ông đưa ra lời nhận xét:

“Xem ra cô Thị Lộ cũng là một gái tài hoa yểu điệu, lại là một gái phong vận lẳng lơ;

kẻ lão đại khanh tướng chung tình, ông thiếu niên hoàng đế liếc mắt cũng là phải. Duyên

cô cũng may, số cô cũng kì, mà mệnh cô cũng bạc. Cô xuất hiện trong nhân thế chưa

được mấy ngày, mà cái bộ luật chuyên chế kia đã làm thiệt thòi cho kẻ hữu tình mà vô

tội. Thiên hạ về sau chỉ biết ông Nguyễn Trãi là oan, ít người xét cô cũng là oan.”

("Cuộc xem cổ tích miền đông bắc tỉnh Hải Dương", Nam Phong, số 102, tr. 62)

142

Chuyện bà Tinh Phi tên là Nguyễn Thị Du, người giả trai thi đỗ Trạng nguyên

dưới triều Mạc, “Mạc Chúa thấy dung mạo giống đàn bà, hỏi ra biết là thực, lấy làm

vợ”, sau được chúa Trịnh tin dùng, Nguyễn Đôn Phục đã kể lại giai thoại về bà như sau:

“Đời Trịnh Nghị Vương khoa tân vị thi tiến sĩ, có một quyển văn của tên Nguyễn Thọ

Xuân, văn thì hay mà nhiều nghĩa khó lắm, triều sĩ ít người hiểu, Trịnh Chúa phải đem

quyển văn ấy vào hỏi bà, bà giải thích ra được rõ ràng, rồi tên ấy được đỗ đệ nhất”.

(Nam Phong, số 102, tr. 65)

Nhân vật trong các câu chuyện sử tích của ông thường có dấu hiệu về nhân cách

chí sĩ hoặc mang bóng dáng nhà nho. Đó là bởi cái tâm nho học của ông vậy.

Sự uyên bác lịch sử đã đào luyện ngòi bút của Nguyễn Đôn Phục trở nên linh

hoạt hơn, tinh vi hơn ở tài năng hư cấu lịch sử. Nguyễn Đôn Phục không hư cấu nhân

vật mà chỉ hư cấu sự kiện, không “xâm phạm” về mặt tư tưởng đối với lịch sử dân tộc

mà chỉ dựng bối cảnh để nói về lịch sử gia đình hay của một địa phương. Trong Lời cảm

cựu mấy ngày chơi Bắc Ninh, Nguyễn Đôn Phục thuật lại hoàn cảnh bản thân mình trong

bối cảnh loạn lạc của đất nước lúc ông “tuổi mới lên năm, lên sáu lên bảy, thân mẫu với

một người thứ mẫu phải ẳm, phải dắt ở bên tay, khi chạy đêm chạy ngày, khi ở đây ở

đó, khi chui vào bụi rậm, khi lội qua đồng sâu, khi lẽo đẽo dọc đường, khi xông pha trên

bãi cát,..”. lúc chạy trốn giặc Tàu và giặc Cờ Đen, chạy trốn vì khiếp sợ những kẻ

“nghiện thuốc phiện, đi đến đâu đánh xóc xỉa như sấm, giết người như nhái”. Trong bối

cảnh quân giặc giày xéo khắp nơi, người dân chạy loạn khổ ải thì xuất hiện người hào

kiệt khả kính, theo quan niệm của tác giả, người ấy trong tay lúc nào cũng có năm bảy

mươi tên kinh binh, mà trong lòng lại từ thiện, sẵn lòng bảo hộ tài sản tính mệnh cho

một địa phương. Người mà tác giả nói đến chính là “ông Nguyễn Hữu Thống người làng

Cổ Loa là người hào kiệt vùng đó”. Đây là một kiểu tôn vinh con người thành nhân vật

lịch sử theo quan niệm dân gian. Nguyễn Đôn Phục đến Bắc Ninh, hồi tưởng lại kí ức

những ngày thơ ấu, lúc theo mẹ chạy loạn được người hào kiệt cứu giúp, lúc đi chơi với

bạn hữu trong rừng làm bạn với mấy chú tiều phu, lúc nghe tiếng cười tiếng hát trong

rừng, đến “năm Canh Tí, mình tuổi hai mươi ba mới bắt đầu từ đất Bắc Ninh xuống

tràng thi Nam Định”, ... chỉ là tưởng tượng để nói lên những lời cảm cựu về mảnh đất,

con người đã nuôi dưỡng mình thuở thiếu thời, là lời nhắc nhở đừng quên quá khứ, bởi

“kí giả tự đấy là người Hà Đông, không phải người Bắc Ninh” (Nam Phong, số 100, tr.

355). Đó cũng chính là thái độ du lịch của Nguyễn Đôn Phục, biết ơn những nơi đem

143

đến sự yêu thích và cơ hội giải bày mà “lòng cảm tưởng ấy không phải cuộc đi chơi này

mới phát hiện” (Nam Phong, số 100, tr. 332).

5.1.3. Ngôn từ cổ kính và biểu cảm

Những vấn đề về tính quan điểm của tác giả nói trên chưa thể khái quát thành sự

đại diện cho một kiểu văn bản trong hệ hình thể loại với những đặc điểm phong cách

của nó. Nếu không xem xét hình thức của tính tư tưởng là gì mà chỉ lấy tư tưởng làm

kim chỉ nam để bắt mạch ngữ nghĩa thì tác phẩm không tồn tại trong phạm vi văn

chương, mà chỉ ở dạng thức văn bản, như là đơn vị cao nhất của cấu trúc ngôn ngữ.

Laios Nyrio khi đề cập đến nghĩa và kết cấu của tác phẩm đã đề xuất: "Để khám phá ra

thế giới tư tưởng của tác phẩm, cần phải làm sáng tỏ những nhân tố của hoạt động của

nghĩa ở bên trong tác phẩm. Điều đó cho phép chúng ta theo dõi những con đường của

những thành tố của tác phẩm, trong đó có cả những sự kiện hiện thực, xem chúng hình

thành, biến đổi như thế nào, xem chúng truyền nghĩa của chúng cho các yếu tố cấu thành

khác như thế nào và đồng thời thấy được nhờ những tính qui luật nào các sự kiện của

thực tại có được nghĩa mới trong văn cảnh nghệ thuật" [46]. Quan điểm phương pháp

luận về mối quan hệ chặt chẽ giữa tư tưởng và hiện thực vật chất của kí hiệu văn bản có

thể được sử dụng để tiếp cận du kí Nguyễn Đôn Phục trên phương diện phong cách nghệ

thuật.

Du kí của Nguyễn Đôn Phục như là một hình thức đối thoại nghệ thuật giữa hai

trường phái tư tưởng: cách tân và thủ cựu, trong đó đông đảo nhà văn Hán học bị xếp

chung vào lớp “hủ nho”, theo Lê Văn Siêu (1911-1995), họ là những người “trước đã

cản lối canh tân xã hội, nay là tiếp tục ngăn đường duy tân” [54, tr.342] hay “như những

xe bò gãy bánh ngăn chặn bước đường tiến hóa” [54, tr.346]. Đứng chân trong đội ngũ

làm báo một tờ tạp chí văn hóa của người trí thức là Nam Phong, Nguyễn Đôn Phục

cũng như nhiều nhà nho khác “gắn bó máu thịt với văn chương truyền thống nhưng cũng

đều có thể sử dụng chữ Quốc ngữ, đặc biệt lại được sự hỗ trợ khích lệ của những tờ tạp

chí với chủ trương “điều hòa tân cựu”, “bảo tồn cổ học”…” [68, tr.147] đã phát huy tinh

hoa cổ học vào trong sáng tác để tạo ra một kiểu văn du kí đặc trưng của những thập

niên đầu thế kỉ XX. Dựa vào phương thức tiếp cận tư tưởng – cấu trúc để xác định đặc

điểm phong cách, du kí của Nguyễn Đôn Phục có thể được xem xét ở các yếu tố: kết

cấu và cấu trúc văn bản, phương thức kể chuyện và người trần thuật, tổ chức ngôn ngữ

và sử dụng chất liệu, điển pháp - điển phạm - điển tích, giọng điệu và lời văn.

144

Du kí của Nguyễn Đôn Phục là kiểu du kí “chơi cổ tích”, là sự trải nghiệm lịch

sử, địa danh thắng tích đi, kiểu du kí ra từ sách vở, giáo lí đi ra và đến với những nơi

“cổ tích”; và kiểu du kí tùy hứng, phóng túng bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc, tâm hồn. Nhiều

bài kí “chơi cổ tích” của Nguyễn Đôn Phục cũng bắt đầu bằng hai từ “chơi” và “xem”

(chơi Cổ Loa, chơi Sài Sơn, chơi Bắc Ninh, xem cổ tích, quan phong). Những bài không

có từ “chơi” hoặc “xem” đều được đưa vào mục “Văn uyển” của Nam Phong tạp chí

như các bài Ngọc Tân du kí và Du Tử trầm sơn kí đi kèm với phụ đề thể loại là “tản

văn”. Hai kiểu bài du kí của Nguyễn Đôn Phục thể hiện hai cách chơi của từng kiểu

người: chơi suy nghiệm của kẻ phong nho và chơi đàm văn của văn sĩ. Tuy nhiên, cách

phân ra hai kiểu như thế này chỉ là tương đối, bởi vì dù chơi kiểu gì, dù viết lách nghiêm

túc hay tùy hứng, phóng bút như thế nào thì du kí của Nguyễn Đôn Phục cũng không

vượt ra khỏi quan niệm về sự chơi thanh cao, lịch lãm, mang màu sắc cổ điển được.

Những bài du kí “chơi cổ tích” của Nguyễn Đôn Phục cũng có cốt truyện hành

trình như một số tác phẩm của những nhà văn đương thời nhưng chỉ khác ở yếu tố liên

kết các thành phần cốt truyện trong một chỉnh thể. Yếu tố liên kết cốt truyện trong du kí

của Nguyễn Đôn Phục khá đa dạng và linh hoạt, không phải là mạch cảm xúc tự nhiên

của tác giả thể hiện một cách tự do mà là một sự chủ ý trong cấu trúc chủ đề tác phẩm.

Yếu tố liên kết cốt truyện du kí Nguyễn Đôn Phục thường được thể hiện ở hai

dạng cơ bản: câu chuyện cổ tích lịch sử và lời bình luận của tác giả. Tác phẩm Bài kí

chơi Cổ Loa tiêu biểu cho dạng cấu trúc này. Mở đầu tác phẩm, Nguyễn Đôn Phục dành

một trang văn để luận về sự chơi, cho việc giới thiệu đi chơi Cổ Loa thành chỉ một câu:

“Như ngày rằm tháng tám năm Khải Định thứ chín, lịch Tây năm 1924 vừa rồi, tôi với

ông Phạm Quỳnh, ông Nguyễn Hữu Tiến, ông Phạm Văn Duyệt cùng nhau đi chơi Cổ

Loa thành há vị gì đâu, cũng vì chút cảm tình với lịch sử mà đi chơi vậy.”

(Nam Phong, số 87, tr.203)

Với mục đích là “cuộc đi chơi lịch sử”, chuỗi câu chuyện lịch sử được kể lại:

chuyện An Dương Vương đắc quốc, chuyện An Dương Vương đắp thành và chế nỏ,

chuyện chiến và hòa giữa quân Thục và quân Triệu, chuyện nàng Mị Châu và chàng rễ

xảo quyệt Trọng Thủy, chuyện nỗi oan của nàng Mị Châu. Sau khi kể hết các câu chuyện

liên quan đến nơi cổ tích Loa Thành, tác giả tiếp tục luận bàn về lịch sử rồi mới bắt đầu

câu chuyện đi đến Loa Thành như thế nào. Tưởng rằng di tích Cổ Loa hoành tráng và

đồ sộ lắm, nhưng chỉ vài ba dòng tác giả đã bao quát hết toàn bộ cảnh vật nơi đây:

145

“Đến ga Xuân Kiều thì xuống xe, đi bộ vài mươi bước, trèo lên một cái đống như hình

trán con voi, cao độ ngót vài trượng. Thân đống chia ra hai ngả, như hình cái cánh cung,

một ngả vòng lên phía đông bắc; một ngả chạy thẳng gần đến chỗ trung tâm, rồi lại

chuyển sang phía đông nam. Nhận ra thì hai ngả là hai cánh bờ thành, mà cái đống ấy

tức là chỗ góc thành. Đứng trên đống mà nhìn ra bốn bên, đàng đông thì trực tiếp ngay

con đường Điền Việt thiết lộ; còn tây bắc ba mặt, chỗ thì cánh đồng sâu, chỗ thì mô đất

phẳng, chỗ thì dãy cây dài, chỗ thì thôn trúc biếc;...”

(Nam Phong, số 87, tr. 208)

Sau đó là chuyện đi thăm miếu, thăm đình, thăm nơi thờ An Dương Vương, thăm

bi đình, thăm mả nàng Mị Châu. Đến đâu, tác giả cũng luận bàn sự tích. Phần tả người,

thuật chuyện đi được lồng trong những lời diễn giải đó nên người đọc khó nhận ra. Lối

thuật chuyện kiểu “vòng vo tam quốc” của Nguyễn Đôn Phục được sử dụng như là

phương “trì hoãn” để kéo dài hành trình với ý nghĩa: cuộc thăm Cổ Loa, hành trình về

với lịch sử lâu đời của dân tộc là cuộc hành trình lâu lâu dài.

Lời bình trong tác phẩm của Nguyễn Đôn Phục là những câu văn bình phẩm về

đối tượng, sự liên hệ bản thân và có nhiều câu mang tính chất châm ngôn, triết lí.

“Cho nên xưa nay không gì thú bằng cái cảnh lên lầu, mà cũng không gì buồn bằng cảnh

lên lầu. Nhưng anh em ta thì không thế; khi mới sinh ra đời không dám chọn ngày mà

sinh, khi muốn vỗ nợ đời cũng không dám cả gan mà vỗ, không phải là không có dạ thơ,

nhưng thơ cũng không dám ngâm phí ngâm hoài, không phải là không có nước mắt,

nhưng nước mắt cũng không dám lạm dụng về đường vô ích; khi đăng lâm du lãm, âu

cũng chỉ một niềm trông xa non nước mà ngắm lại sử xanh, để cầu lấy một cái gương

cho thân thế ấy mà thôi.”

(Nam Phong, số 87, tr.210)

Ngoài ra, Nguyễn Đôn Phục cũng thường dùng những đoạn thán văn chứa thán

từ để kết thúc một câu chuyện, một sự việc nào hay bộc lộ tình cảm của mình về người,

vật, việc gặp phải trên lộ trình. Có thể lẩy ra đây những câu chứa thán từ trong các đoạn

thán văn trong Bài kí chơi Cổ Loa: "Chao ôi! Cái thần nỏ ấy..." (Nam Phong, số 87, tr.

205), "Trời kia nở phụ đấy ư! Trời kia nở phụ đấy ư!..." (Nam Phong, số 87, tr.206),

"Trời kia chẳng thấu cho ư! Trời kia chẳng thấu cho ư!..." (Nam Phong, số 87, tr. 207),

"Than ôi! Than ôi! Oan thay! Oan thay!..." (Nam Phong, số 87, tr. 208), "Than ôi! Cái

cây có tội gì..." (Nam Phong, số 87, tr. 209), "Than ôi! Nàng Mị Châu bị oan! Hòn đá

146

này cũng bị oan!..." (Nam Phong, số 87, tr. 209), "Thương ôi! Oan tình chưa tỏ cho

ai!..." (Nam Phong, số 87, tr. 209), "Than ôi! Tự cổ hồng nhan đa bạc phận..." (Nam

Phong, số 87, tr.214), "Than ôi! Nàng Mị Châu xưa kia ở đây!..." (Nam Phong, số 87,

tr.215). Hình thức cảm thán còn có ý nghĩa liên kết trong cấu trúc tác phẩm du kí của

Nguyễn Đôn Phục.

Người trần thuật trong du kí Nguyễn Đôn Phục xuất hiện ở hai vị thế: cá nhân và

người đại diện cho phát ngôn xã hội. Người trần thuật thường xuất hiện trong vai người

kể chuyện xưng “tôi” và người kể chuyện xưng “kí giả”. Người kể chuyện xưng “tôi”

xuất hiện trong vai trò đại diện cho cá nhân mình phát biểu quan niệm, tự thuật bản thân;

xưng “kí giả” trong vai trò là nhà văn, cho phép vượt qua giới hạn hiện thực khách quan

để tiếp cận hiện thực chủ quan. Đơn cử một vài trường hợp sau đây:

Trong bài du kí Lời cảm cựu mấy ngày chơi Bắc Ninh, người kể chuyện xưng

“tôi” trong những trường hợp:

- Phát biểu quan niệm:

"Như trên kia tôi đã nói, phàm đi chơi, sự cảm-tưởng mỗi người mỗi khác, mà trong

một người khi đi chơi mỗi chỗ mỗi khác".

- Tự giới thiệu:

“Ngót ba mươi năm nay, tôi đã là người tỉnh Hà Đông; có chè, pha nước Hà Đông; có

mạ, cấy ruộng Hà Đông; có thơ, vịnh trăng Hà Đông; có vợ lên chùa niệm Phật Thích

Ca Hà Đông, có con ra chợ mua long mã Hà-Đông; có học trò cập môn tặng nem Hà

Đông. Tôi sở dĩ làm người Hà Đông là tôi phụng thờ cái biệt nghiệp của tiên nghiêm tôi

ở La Đình”.

Người kể chuyện nhân xưng là “kí giả” trong những trường hợp:

- Người đi du lịch, quan sát cảnh vật:

“Kí giả bấy lâu ít khi dạo gót đến thành Bắc Ninh..., Kí giả đối với cái đầm ấy là một vị

cố nhân, tình duyên thắm thiết, gặp gỡ buổi sơ đầu...”

- Người “xây dựng” tiểu sử cá nhân:

“Kí giả bấy giờ thân phụ đi làm quan ở Trung Kì,..., Kí giả thuở ấu thời, thân phụ đi

vắng xa..., Kí giả thiếu thời học chữ nho, thật là người biếng học..., Kí giả tự đấy mình

là người Hà Đông…”.

Trong những tác phẩm khác, người kể chuyện nhân xưng “kí giả” lấn át người

147

kể chuyện xưng “tôi” và vấn đề này cũng phản ánh nhận thức của Nguyễn Đôn Phục:

mỗi nhà văn là một “kí giả cuộc đời”, sự du lịch không chỉ để ghi chép những điều mắt

thấy tai nghe hay buông ra những lời giáo huấn suông mà phải làm sao, bằng ngòi bút

của mình làm cho mọi người trong xã hội không bị xa cách với lịch sử, làm cho thời đại

này không bị biệt lập với thời đại khác.

Nguyễn Đôn Phục thường đề tên hiệu của mình là Tùng Vân hay đi kèm với họ

tên của mình: Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục, mặc dù tên hiệu đầy đủ của ông là Tùng

Vân Đạo Nhân, có nghĩa là: người tu tiên để tâm hồn bay theo mây gió. Tên hiệu đầy

đủ này được xưng danh trong vai người kể chuyện ở tác phẩm Du Tử trầm sơn kí. Nhân

vật là một tiên khách du lãm nơi chốn sơn lâm, tự thuật: “Tùng Vân đạo nhân trong mấy

năm nay, cái giấc chiêm bao nó đã không thường thường lẫn quất ở bên mình về cái thú

du sơn nữa...” (Nam Phong, số 59, tr.392). Nhân vật “đạo nhân” đi chơi cảnh núi nên

chỉ biết thiên nhiên, hoa lá mà không bàn chuyện lịch sử, đó là kiểu chơi của người có

phong thái lãng du. Nhân vật dường như say sưa trước cảnh vật, quên hết sự đời.

Trong tâm trạng hoan hỉ hay tự hào về vẻ đẹp quê hương, non nước, người kể

chuyện buột miệng xưng “ta” làm cho câu văn du kí của Nguyễn Đôn Phục trở nên hào

sảng:

“Chao ôi! Ta có phải là người quanh quất đâu xa, mà đất này không phải là đất ta phen

này mới một lần kinh qua; duy phen này, ta nhân cuộc du xuân mà có cảm tình; cho mới

biết cái thói mong mỏi báo đền cho xã hội ấy, đi đâu mà không có cảm tình, chớ bảo

cuộc du hí mà vô ích.”

(Nam Phong, số 57, tr.213)

Khác với một số tác phẩm du kí của một số nhà văn đương thời, nhân vật - người

trần thuật trong du kí Nguyễn Đôn Phục không đại diện cho sự chung, vì thế mà không

có sự nhân xưng ngôi thứ ba “chúng tôi”. Điều đó cũng phản ánh cá tính trong nghệ

thuật du kí Nguyễn Đôn Phục. Tuy nhiên, vấn đề nhân xưng của nhân vật trần thuật

không đại diện cho phong cách du kí mà chỉ đóng vài trò chủ thể phát ngôn mà thôi.

Phong cách văn chương chính là cách sử dụng ngôn ngữ. Nếu bỏ qua vốn từ Hán Việt

khá phong phú mà ông sử dụng nó như là phương tiện nghệ thuật thì sẽ gây nên sự hoài

nghi về phong cách tác giả trong sáng tác văn học đối với du kí Nguyễn Đôn Phục. Từ

Hán Việt là thành quả lớn lao của văn hóa dân tộc mà cha ông chúng ta từ hàng nghìn

năm nay vay mượn và đào luyện nó để trở thành phương tiện giao tiếp chính thức và sử

148

dụng làm chất liệu sáng tác văn chương. Từ Hán Việt đứng bên từ thuần Việt nó càng

làm cho từ thuần Việt thêm lấp lánh, lời văn thêm trang trọng, cổ kính. Ngược lại, từ

thuần Việt là chất kết dính các đơn vị của ngôn ngữ để từ Hán Việt trở thành ngôn ngữ

nghệ thuật, đồng thời tách từ Hán Việt ra khỏi các văn bản ngoài văn học. Từ Hán Việt

không còn là thứ ngôn ngữ “ngoại nhập”, mà nó là hệ quả của quá trình tiếp biến văn

hóa để làm giàu giá trị văn hóa dân tộc, là phương tiện biểu đạt tư duy và tâm hồn người

Việt. Trong đông đảo các nhà văn hiện đại, người sử dụng vốn từ Hán Việt làm chất liệu

sáng tác phong phú như Nguyễn Đôn Phục chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nếu không

có một khả năng huy động vốn từ và sử dụng vốn từ đó làm công cụ của tư duy và sáng

tạo nghệ thuật thì dù có muốn cũng khó viết nên những câu văn đậm đặc từ Hán Việt

đến mức nhuần nhuyễn như Nguyễn Đôn Phục.

Kí hiệu vật chất của ngôn ngữ dân tộc trên báo chí và sách vở bằng chữ Quốc

ngữ thể hiện trên in ấn ở đầu thế kỉ XX khác so với hiện nay. Đó là những từ Hán Việt

và từ láy thường có dấu gạch ngang (-) dính liền ở giữa các tiếng trong từ. Nhìn vào

đoạn văn trên sẽ thấy được tần số xuất hiện từ Hán Việt rất cao. Phần lớn từ Hán Việt

trong du kí Nguyễn Đôn Phục là từ đa âm, nhiều nhất là từ hai âm tiết. Trong những từ

Hán Việt đó có thể phân thành hai loại: từ Hán Việt thông dụng và từ Hán Việt cổ điển.

Từ Hán Việt thông dụng xuất hiện rải rác và được dùng một cách tự nhiên như những

từ thuần Việt, Chỉ có từ Hán Việt cổ điển là những từ được lựa chọn trong mối quan hệ

với tư duy để hình thành thông tin thẩm mĩ của phát ngôn. Những từ này chiếm số lượng

lớn trong du kí của Nguyễn Đôn Phục.

Cái duyên của văn du kí Nguyễn Đôn Phục chính là sử dụng các hình thức văn

chương mang tính cổ điển của văn học truyền thống vào trong tác phẩm văn học mang

tính hiện đại (cả về thể loại lẫn tư duy nghệ thuật). Bên cạnh việc khéo léo và tài hoa

trong sự huy động kho từ vựng Hán Việt của mình, Nguyễn Đôn Phục cũng tỏ ra thông

thạo và điêu luyện trong việc sử dụng các hình thức cổ điển của văn chương truyền

thống như điển pháp, điển phạm, điển tích. Tính chất điển pháp trong tác phẩm du kí

của Nguyễn Đôn Phục chính là phép tắc của hình thức diễn ngôn. Tính khuôn phép của

văn chương cổ điển không cho phép nhà văn thoát li những khuôn mẫu của văn bản

ngôn từ, trong khi đặc điểm chung của du kí là tính chất “kí”, thể hiện tính tự do của

hình thức văn bản, miễn là duy trì được tính trung thực, khách quan của nội dung. Thế

nhưng, đối với Nguyễn Đôn Phục, mỗi văn bản du kí là một phát ngôn chính thức và

149

nghiêm túc nên lối diễn ngôn của trong du kí của ông theo kiểu: có đầu có đuôi, có

duyên có cớ, có trước có sau một cách mạch lạc, chặt chẽ. Trong tác phẩm du kí của ông

còn xen vào một số câu văn mang tính cổ điên, tức là không phải là câu phối ngẫu tự

nhiên mà là sự vận dụng câu văn nghệ thuật trong kho tàng văn học cổ tạo ra sự nhịp

nhàng, uyển chuyển của lời văn.

Văn du kí của Nguyễn Đôn Phục có nhiều đoạn không chấm câu, chỉ ngắt nghỉ

bằng dấu phẩy (,) hoặc dấu chấm phẩy (;) giống như lối biểu đạt của hình thức văn tự

chữ Hán dùng để hành lễ, nghi thức.

Trong nhiều bài du kí, Nguyễn Đôn Phục còn điển tích hóa sự hành văn theo kiểu

viện dẫn hoặc liên tưởng thường gặp trong văn học cổ. Chẳng hạn câu sau đây:

“Trông ra thì thuần là mầu con gái nhà quê, chất phác tự nhiên, lại chẳng khác gì cái

hoa đào ở trong suối Vũ Lăng chưa trải qua một hồi mưa Âu gió Mĩ vậy.”

("Cuộc chơi Sài Sơn", Nam Phong, số 93, tr.245)

Câu văn trên sử dụng điển tích: chàng ngư phủ người đất Vũ Lăng lạc lối vào cõi

Đào Nguyên (theo sự chú thích của tác giả). Những điển tích khác, ông thường tạo ra từ

trong sử sách hay văn chương của dân tộc, nhiều chỗ mới lạ, ông giải thích và có những

sự giải thích thành câu chuyện lịch sử. Một dạng khác của điển tích trong du kí Nguyễn

Đôn Phục là điển tích thơ; thay vì nói lên cảm xúc suy nghĩ trước cảnh vật thì tác giả lại

dẫn ra một bài thơ của một nhân sĩ tiếng tăm nào đó. Du kí của cụ Lê Hữu Trác hay

Trương Vĩnh Ký có nhiều bài thơ ứng tác trước cảnh vật, trước sự việc hữu ý hữu tình,

còn thơ trong du kí Nguyễn Đôn Phục là tích thơ kết hợp với thơ của tác giả đối ứng với

tiền nhân.

Nhân lại nhớ đến cổ nhân đã có một bài thơ vịnh chợ trời rằng:

Hóa công xây đắp biết bao đời,

Này cảnh Sài sơn có chợ trời.

Buổi sớm sương tan trưa nắng dãi,

Ban chiều mây họp tối trăng soi.

(…)

Kí giả nhân đây cũng chắp nối mấy câu, đổi vần trời ra vần chợ, thay thất ngôn

ra ngũ ngôn, biến thể luật ra thể cổ, để kỉ niệm qua về sự lên chợ trời rằng:

Te tái lên chợ trời,

150

Nghĩ mình đã hợm chửa.

(...)

Giá có vạn có nghìn,

Lên đây cũng xếp xó.

May sao móc túi ra,

Còn có năm ba chữ.

Tả lấy phong cảnh trời,

Cho bõ công đi chợ.

("Cuộc đi chơi Sài Sơn", Nam Phong, số 93, tr.245 – 246)

Trong nhiều tác phẩm du kí của các nhà văn thời bấy giờ, cách ghi song ngữ (chữ

Quốc ngữ và chữ Hán) về tên người, tên văn bia bảng hiệu khá phổ biến để minh chứng

cho sự hiện hữu của con người, thắng tích mà các giả chứng kiến, tác giả để tâm đến;

nhưng đồng thời cũng tạo ra tính thông tin cho bài du kí về sự hiện hữu của nhân vật

đồng hiện với một địa danh, địa điểm cụ thể nào đó. Vì thế mà sau mỗi phần trích lược

đều có chú nghĩa. Nhưng trong du kí của Nguyễn Đôn Phục, tác giả ghi ra mà không

chú nghĩa.

Thậm chí cái câu: “Trắc giáng cửu thiên linh, nhập kỳ môn giả do tưởng thần

cung bảo kiếm. Hưng vong thiên tải hận, quá kì địa giả duy kiến cổ mộc hàn

nha”. 陟 降 九 天 靈 o 入 碁 門 者 猶 想 神 弓 寶 劍 o 興 亡 千

载 恨 o 過 棊 地 者 罹 見 古 木 寒 鴉o của ông Nguyễn Tư Giản, thật là

nét bút đại gia trong văn giới bản triều, mà cũng thấy đem khác chung với một

bài thơ của ông huyện doãn họ Bùi.

("Bài kí chơi Cổ Loa", Nam Phong, số 87, tr.211)

Chủ trương của ông chủ bút Nam Phong là nên dùng chữ nho trong văn Quốc

ngữ, còn dùng như thế nào thì theo Phạm Quỳnh: “Phải tùy tính cách, trình độ bài văn

(...) có hạng văn phổ thông nói những sự tầm thường cho ai cũng dễ hiểu (...) hạng văn

tả tình, tả cảnh, du hí, khôi hài đã cao hơn hạng trên một tầng và phải có ý vị lí thú mới

hay, tất có nhiều ý lời ta nói không hết, nhiều cảnh tiếng nôm tả không thấu, phải mượn

răm ba chữ nho cho nó nổi cái ý, chỉnh lời văn và khỏi tục tằn quá,...”[42, tr.91] . Vì thế

mà nhiều tác phẩm du kí dùng nhiều chữ nho của Nguyễn Bá Trác, Đặng Xuân Viện,

Nguyễn Đôn Phục, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Hữu Tiến hiển nhiên được in cả chữ

151

Hán và phiên âm trên Nam Phong. Là biên tập viên đã từng duyệt qua nhiều bài du kí

có sự trích lục những đoạn văn thư bằng chữ Hán của các tác giả đó, thì không thể

Nguyễn Đôn Phục không biết cách người khác từng làm. Ông để nguyên trạng của

những văn tự chữ Hán cùng với phiên âm ra Quốc ngữ nhưng không giải nghĩa ra Quốc

âm như những nhà văn cùng thời chắc phải có ý đồ riêng của ông. Có thể tác giả xác

định đối tượng đọc du kí mình là những học trò cửa Khổng sân Trình; hay các bản văn

tự chữ Hán trong bài du kí của ông không quan trọng nên không cần giải nghĩa; nhưng

cũng có thể là sự dụng tâm của tác giả khi tạo ra chất cổ văn trong du kí của mình buộc

người đọc phải vừa đọc vừa ngẫm, vừa đọc vừa nghĩ, đọc để thấy được cái hay, cái ý vị

của văn chương nước nhà.

Du kí mang trong nó hai yếu tố để hiển thị diện mạo bên ngoài làm cho người ta

nhận ra nó: cách đi và cách viết. Quan niệm về cách đi đối với nhà văn của Nguyễn Đôn

Phục, dù chỉ là đi chơi thì cũng phải là chơi thanh cao, đi để đến những nơi mình muốn,

đi đến thắng tích, đi trải nghiệm lịch sử, để đưa người khác cùng đi. Cách viết của

Nguyễn Đôn Phục bị chi phối bởi văn phong luận lí, một lối văn yêu cầu về cấu trúc

phải chặt chẽ, nói ra phải có lí có tình, kể chuyện phải có đầu, có đuôi, ứng xử phải có

phép tắc, xưng hô phải có trên có dưới. Đó là kiểu văn Nho mà Nguyễn Đôn Phục đã

thấm nhuần từ kinh sách, đã từng trải trong cuộc đời. Vì thế, khi thuật chuyện đi chơi

hay kể chuyện lịch sử, nói chuyện thế sự hay góp tích văn chương, nói với đồng môn

hay giải bày tâm sự với công chúng, lúc nào cũng tha thiết, cũng duyên dáng, cũng trang

nghiêm. Trong vườn hoa du kí Việt Nam đầu thế kỉ XX đầy hương sắc, du kí của Nguyễn

Đôn Phục là thứ trầm hương, khó đọc nhưng đọc rồi thì khó quên.

5.2. Phạm Quỳnh – phong cách du kí hiện đại

Đương thời, văn nghiệp Phạm Quỳnh đã được các nhà văn học sử đánh giá cao.

Trong bộ sách Nhà văn hiện đại (1942), Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Phạm Quỳnh là một

nhà văn bàn luận một cách vững vàng và sáng suốt bất cứ về một vấn đề gì, từ thơ văn

cho đến triết lí, đạo giáo cho đến chính trị, xã hội, không một vấn đề nào là ông không

tham khảo tường tận trước khi đem ra bàn trên mặt giấy” [49, tr.69]. Còn Phạm Thế

Ngũ cho rằng: “Phạm Quỳnh còn mở đưòng cho một loại văn sau này thành một thời,

ấy là loại du kí” [41, tr. 190]. Xét về du kí Quốc ngữ nửa đầu thế kỉ XX, không phải

Phạm Quỳnh là người mở đầu mà là Nguyễn Văn Vĩnh, nhưng với vai trò là chủ bút của

Nam Phong, Phạm Quỳnh là người khởi xướng (ông đã dành riêng một chuyên mục du

152

kí trên tạp chí này), đồng thời là người có nhiều tác phẩm du kí mà những tác phẩm của

ông như là một sự mở đường cho du kí xuất hiện trên văn đàn với tư cách là một thể loại

của văn học Việt Nam hiện đại.

5.2.1. Văn du kí mang tính tư tưởng

Phạm Quỳnh bắt đầu sự nghiệp văn học của mình với các bài dịch thuật và triết

học đăng trên Đông Dương tạp chí (1913 – 1919). Ông vừa là nhà báo, nhà văn, nhà

dịch thuật, nhà nghiên cứu triết học và tôn giáo, nhà phê bình văn học, nhà hoạt động

chính trị xã hội, và am hiểu nhiều lĩnh vực đời sống, văn hóa, chính trị, xã hội, văn học.

Phần lớn trong sự nghiệp văn học của Phạm Quỳnh là các bài dịch thuật, khảo luận triết

học và văn hóa đăng trên Nam Phong. Phạm Quỳnh đến với du kí không phải là người

có máu ham xê dịch như một số nhà văn đương thời mà chỉ nhân các chuyến đi công

cán rồi viết nên những tác phẩm du kí. Trong những sáng tác của mình, ông luôn quan

tâm đến cái đẹp, cái tiến bộ, cái văn minh. Mặt khác, điều ông nghĩ hay ông viết không

phải để thể hiện cái chí lập thân hoặc tu thân mà là vấn đề đống bào, dân tộc, truyền

thống, đạo đức cùng với nhiều vấn đề của đời sống, chính trị, xã hội khác. Bởi thể, khi

đọc Thượng Chi văn tập, có thể nhận ra cái đặc trưng của văn Phạm Quỳnh là kiểu văn

tư tưởng, văn viết ra cốt để nói cái tư tưởng.

Cách thể hiện tư tưởng của Phạm Quỳnh hết sức tự nhiên nhưng cũng rất sâu sắc.

Mở đầu của bài Bình phẩm về tiểu thuyết, Phạm Quỳnh nói đến một bộ tiểu thuyết của

viên quan Tây viết về phong tục Việt Nam được phần thưởng của Bộ thuộc địa và Hội

Văn sĩ nước Pháp. Ông hoài nghi về sự trung thực của những cuốn sách mà những ông

quan Tây viết về Việt Nam, nhưng cuốn sách được giải thưởng này là một cuốn tiểu

thuyết mà giống như du kí có tựa đề “Từ đồng bằng lên mạn ngược” (De la rizièra à la

montagne) thì ông lại thích thú bởi vì nó “khiến cho người đọc có cảm giác như gần như

xa, như mắt thấy tai nghe sự hiển nhiên trước mắt mà tinh thần mơ tưởng đến những

chuyện cổ tích đời xưa...” [52, tr.710]. Ông không muốn người Tây xuyên tạc, coi

thường dân tộc mình nhưng ông cũng không muốn đề cao dân tộc đến cực đoan. Tất cả

những vấn đề đạo đức, luân lí, quốc gia, dân tộc, truyền thống, văn hóa, lịch sử ông đều

qui về giá trị, lấy giá trị làm chuẩn mực. Cái giá trị trong văn chương theo quan niệm

của Phạm Quỳnh là phải chân thật, gần gũi nhưng giàu khả năng biểu cảm.

Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo ở vùng đất có truyền thống khoa

bảng, Phạm Quỳnh lớn lên “Giữa một xã hội náo nức duy tân, ông vẫn tự coi như di lưu

153

của một gia đình Nho học quê mùa muôn giữ lấy nền nếp đạo đức của ông cha, cùng

những đức tính chân thật, cần cù của anh đồ quê, trung thành vối linh hồn của đồng quê,

với tiếng gọi của xứ sở” [41, tr. 153]. Mặt khác, Phạm Quỳnh là một trí thức Tây học,

có điều kiện để tiếp xúc với văn minh phương Tây nên ông có “có cái vốn Pháp học

vững vàng, uyên bác, óc phán đoán sáng suốt của một người từng thú nhận bị chinh

phục bởi bao nhiêu vẻ đẹp mĩ miều, tân tiến của nền văn minh Tây phương” [41, tr.

154]. Vì thế mà tư tưởng của ông là sự dung hòa giữa hai tư tưởng: thủ cựu và canh tân

của tầng lớp trí thức đầu thế kỉ XX. Có thể nói, tư tưởng xuyên suốt văn nghiệp của

Phạm Quỳnh là tư tưởng dân tộc hiện đại. Tư tưởng đó có mầm mống từ trong tư chất,

được đào luyện qua cuộc sống, có điều kiện tiếp thu văn hóa phương Tây, lại luôn bị tác

động với những biến động của đời sống chính trị - xã hội nên nó đã ăn sâu trong tâm

khảm ông và cũng dễ dàng thấm vào trong từng trang viết, trong đó có du kí..

Du kí là một bộ phận quan trọng trong văn nghiệp của Phạm Quỳnh. Đối với ông,

“theo lệ thường, có du lịch phải có du kí” (Nam Phong, số 23, tr. 514). Ông được đi

nhiều nên có cơ hội để viết du kí. Với chín tác phẩm được đăng nhiều kì trên Nam

Phong, Phạm Quỳnh được xem là một trong những nhà du kí tiêu biểu của văn học Việt

Nam nửa đầu thế kỉ XX. Cái chi phối và tạo ra những đặc trưng của du kí Phạm Quỳnh

vẫn là ở tư tưởng mà những cuộc hành trình đối với ông không chỉ là sự trải nghiệm bản

thân mà còn là điều kiện để ông tiếp xúc với những hiện thực của tư tưởng, để bộc lộ tư

tưởng và bồi đắp thêm tư tưởng, kiểm nghiệm những tư tưởng của mình. Trong hoàn

cảnh xã hội Việt Nam thời bấy giờ, việc đi lại không phải là dễ dàng và thuận lợi. Phạm

Quỳnh đến được với các cuộc hành trình để bộc lộ mình bằng những trang du kí không

phải ai cũng có được. Cái làm nên cơ duyên ấy phần lớn do tài năng và nghề nghiệp của

ông. Nhưng cái quan trọng hơn cả là khát vọng mở rộng tầm nhìn và bộc lộ tư tưởng.

Đây cũng chính là yếu tố làm nên cảm hứng chủ đạo trong nhiều tác phẩm du kí của

Phạm Quỳnh. Khát vọng trong du kí là khát vọng hành trình với nhiều ý nghĩa: thay đổi

không gian quen thuộc tìm đến những nơi mới lạ, trải nghiệm bản thân, chinh phục

những trở ngại hay khó khăn, đi tìm cảm giác,... Khát vọng của chủ thể trong du kí Phạm

Quỳnh còn mang tính xã hội. Trong Mười ngày ở Huế, Phạm Quỳnh muốn đến Huế là

để thỏa mãn “được về nơi Đế đô để chiêm ngưỡng cái hình ảnh của Tổ quốc ... đem

những sự kiến văn, sự cảm giác, sự tư tưởng ... thuật lại cho bạn đọc nghe ... cái quan

niệm của quốc dân đến với Tổ Quốc” (Nam Phong, số 10, tr. 198). Trong chuyến công

154

du của Một tháng ở Nam Kì, ông không chỉ cảm nhận công lao của “những kẻ tang bồng,

hồ thỉ, chí khí nam nhi, nay tòng quân ở Thuận hóa, mai viễn thú đất Đồng Nai, vào

sanh ra tử chốn sa tràng mong lập công dân cùng xã tắc” mà còn để “đem lời thành thực

ra mà giãi bày, bàn bạc cùng quốc dân” (Nam Phong, số 20, tr. 208). Chuyến Pháp du,

với tư cách là người đại diện cho Hội Khai trí Tiến Đức, được cử sang Pháp dự hội chợ

triển lãm Marseille và diễn thuyết trước các viện khoa học, tổ chức xã hội và công chúng

Pháp, Phạm Quỳnh nhân cơ hội đó để “quan sát được điều gì hay, khi trở về sẽ biên tập

thành sách để cống hiến các đồng bào” (Nam Phong, số 58, tr. 253). Đi trẩy hội chùa

Hương, Phạm Quỳnh muốn chứng kiến và cảm nhận sự đi tìm lối thoát bằng tín ngưỡng

của những người dân nghèo khổ. Đi chơi Lạng Sơn, Cao Bằng không phải là cuộc phiến

du mà để “lên thăm bạn đồng chí trên đó một lần cho thêm cái mối liên lạc người trong

một hội” (Nam Phong, số 23, tr. 508). Đi sang Lào du lịch, Phạm Quỳnh muốn “trước

là biết quan phong thổ nước Lào, sau là muốn thăm đồng bào ta bên đó” (Nam Phong,

số 158, tr. 6). Những chuyến đi của Phạm Quỳnh không phải để vãn cảnh hay phiếm du

mà để “nuôi được cái lí tưởng cốt yếu, giữ được cái chí hướng thiết thực” (Nam Phong,

số 23, tr. 515). Tư tưởng của Phạm Quỳnh trong du kí là vì đồng bào, vì đất nước, vì

bạn đồng thanh, đồng chí. Tư tưởng đó thể hiện trong du kí ở hai thái độ: tôn vinh, ca

ngợi và chỉ trích, phê phán.

Những truyền thống và đạo lí dân tộc được Phạm Quỳnh gọi là “quốc hồn, quốc

túy”, cần phải được giữ gìn, tôn tạo. Mục đích của chuyến hành trình đến đất kinh kì

của ông là để “tinh thần được cảm cái hồn xưa của loài giống, thân thể gội cái khí thiêng

của núi sông” (Nam Phong, số 10, tr. 198). Những lễ nghi phong kiến qua tế đàn Nam

Giao được Phạm Quỳnh quan sát và miêu tả tỉ mỉ, đồng thời ông nói ra quan điểm của

mình:

“Nhưng bất luận rằng việc tế tự có quan hệ với thể thống trong nước thế nào, phải sinh

trưởng ở nơi không có sự phiền như thế mới biết rằng trong cái phiền ấy có cái thú đặc

biệt, một cái ý nghĩa thâm trầm. Tôi nói đây là lấy cái phương diện nhà hiếu cổ, nhà ái

quốc mà nói. Phàm cái hình thức gì nó biểu được cái hồn xưa của Tổ quốc, dù phiền

phức đến đâu cũng không nên bỏ. Bỏ một cái, bỏ mười cái là xóa mất hình ảnh nước

nhà trong mắt bọn hậu sinh vậy.”

(“Mười ngày ở Huế”, Nam Phong, số 10, tr. 210)

Phạm Quỳnh nhận ra sự cản trở cuộc canh tân đất nước chính là những kẻ tự danh

155

là “quan phụ mẫu”, những người đại diện cho chính quyền quản lí xã hội điều hành đất

nước. Trong Pháp du hành trình nhật kí, hình ảnh bọn quan lại xuất hiện nhiều trong tác

phẩm và đi liền với các từ: “tham lam”, “nhu nhược”, “đê tiện”, “siểm mị”,... Có những

chỗ Phạm Quỳnh sử dụng thủ pháp đòn bẩy kết hợp với kéo dài câu văn:

“Người Tây thường có tính “hiếu thắng” , nghĩa là mạnh bạo tự cường, muốn cho người

khác đối đãi với mình cũng có cái tính ấy; nhưng người Việt Nam ta đối lại, - nhất là

trong bọn quan liêu, - thời lại nhu nhược dút dát quá, nói không dám nói thẳng, đứng

không trông ngay mặt, tựa hồ như kính sợ mà kì thực là siểm mị một cách đê tiện; người

ngoài người ta trông thấy vô nhân cách như thế cũng phải tức thay, tức mà sinh ghét,

ghét mà muốn nhục đả cho xấu hổ để chừa đi, nhưng cũng không biết rằng những kẻ ấy

nhiều khi cũng không biết xấu hổ là gì.”

(“Pháp du hành trình nhật kí”, Nam Phong, số 68, tr. 437)

Tư tưởng Phạm Quỳnh có nguồn gốc sâu xa từ lòng yêu nước thương nòi, truyền

thống đạo lí dân tộc nên tâm hồn ông luôn rộng mở để đón nhận hình ảnh của cảnh đời

cơ cực, lầm than, tìm lối thoát một cách huyễn hoặc ở những di tích tôn giáo. Cùng một

hiện tượng của cuộc sống, như cảnh cúng bái của người đi lễ chùa, trong khi Nguyễn

Văn Vĩnh (trong bài du kí Hương Sơn hành trình) quan niệm là tập tục mê tín dị đoan,

đáng phê phán thì Phạm Quỳnh thấy được cái nguyên căn của nó :

"…cái gốc sự lễ bái là tự cái lòng tín ngưỡng thâm thiết của loài người, thời những khi

ấy phải lấy bụng cẩn trọng mà suy xét, không nên nhất thiết mới báng bổ, không nên

nhất thiết hoài nghi cả. Người ta có cực mới phải cầu, cầu mà đỡ cực được thời chẳng

phải là một sự hay ru? Cái lòng tín ngưỡng của người ta là một mối cao thượng,.."

("Trẩy chùa Hương", Nam Phong, số 22, tr. 361)

Với sự kết hợp giữa ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với tiếp

thu văn hóa hiện đại đã tạo ra cho Phạm Quỳnh một cách nhìn riêng đối với hiện thực.

Hiện thực trong du kí của Phạm Quỳnh là hiện thực khách quan lọc qua tư tưởng, hiện

thực có chủ đích, hiện thực đã được biểu đạt chứ không phải hiện thực được ghi chép,

chụp lại bởi những cách thông thường.

5.2.2. Kết cấu và ngôn ngữ mang tính hiện đại

Du kí truyền thống phản ánh hiện thực bằng phương thức mô tả và biểu cảm,

thường có dung lượng ngắn, thời gian và không gian không lớn. Du kí hiện đại phản ánh

hiện thực bằng các phương thức tự sự và có dung lượng lớn tương ứng độ dài của thời

156

gian, độ lớn của không gian cuộc hành trình. Du kí hiện đại trong văn học Việt Nam đã

có mầm mống từ thế kỉ trước với Tây hành kiến văn kỉ lược (1831) của Lý Văn Phức,

Hải trình chí lược (1834) của Phan Huy Chú, Như Tây sứ trình nhật kí (1864) của Phạm

Phú Thứ, Chuyến đi Bắc Kì năm Ất Hợi (1886) của Trương Vĩnh Ký,... Tuy nhiên, các

tác phẩm này mang nhiều đặc điểm của văn tư liệu, tính nghệ thuật không cao. Đến nửa

đầu thế kỉ XX, xét về nội dung phản ánh, qui mô và hình thức ngôn từ, có thể qui du kí

Việt Nam về hai loại: du kí mang tính truyền thống, du kí mang tính hiện đại. Du kí

mang tính truyền thống đi liền với đề tài danh lam thắng cảnh, lộ trình và thời gian ngắn,

không gian không lớn, thường là một vài địa danh ở một địa phương nào đó. Du kí hiện

đại có cốt truyện hành trình diễn ra nhiều ngày, đến nhiều nơi mới lạ, có nhiều sự kiện,

biến cố, có khi có những diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, việc phân chia như vậy chỉ là

tương đối. Những cuộc hành trình của Phạm Quỳnh thường diễn ra nhiều ngày (ít nhất

là bốn ngày như Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng, nhiều nhất là sáu tháng như Pháp du hành

trình nhật kí) và đi đến những nơi xa xôi hoặc nơi gần thì cũng hẻo lánh, ít người lui tới.

Tuy nhiên, nói đến tính hiện đại trong tác phẩm du kí không phải ở qui mô của tác phẩm

mà là cách sử dụng các phương thức biểu đạt và tổ chức tác phẩm trở thành chỉnh thể

mang tính phổ quát của văn học của thời kì hiện đại. Tính hiện đại về hình thức trong

du kí Phạm Quỳnh có thể tìm hiểu trên nhiều phương diện, ở đây chúng tôi chỉ khảo sát

trên phương diện kết cấu và ngôn ngữ.

Kết cấu trong tác phẩm du kí biểu thị ở cách tổ chức, sắp xếp các sự kiện diễn ra

trong cuộc hành trình và cho mỗi sự kiện để tạo ra tính chỉnh thể của tác phẩm. Xét trên

mối quan hệ của chỉnh thể, hai cấp độ kết cấu này có thể gọi là kết cấu bên ngoài và kết

cấu bên trong; kết cấu bên ngoài là kết cấu của khung văn bản, kết cấu bên trong là kết

cấu biểu thị các sự kiện.

Xét trên cấp độ văn bản, kết cấu tác phẩm du kí Phạm Quỳnh cũng khá đa dạng.

Tác phẩm có dung lượng lớn và được nhiều người biết đến là Pháp du hành trình nhật

kí, kết quả của chuyến Pháp du mang ý nghĩa có một không hai trong cuộc đời ông. Về

kết cấu khung, Pháp du hành trình nhật kí chia thành ba phần: ra đi (kể chuyện hành

trình hơn một tháng từ Hải Phòng sang đến cảng Marseille), trên đất Pháp (kể chuyện

đi thăm những địa danh văn hóa, lịch sử nổi tiếng của nước Pháp), trở về (thuật cuộc

hành trình trở về). Phần đầu và phần sau của tác phẩm chủ yếu được kết cấu theo hình

thức nhật trình thuật lại chuyến hành trình cùng với những cảnh vật, con người mà tác

157

giả chứng kiến trên lộ trình. Với lối kết cấu này, Phạm Quỳnh không chỉ cho người đọc

thấy sự xa xôi và gian nan của chuyến hành trình trên biển của mình mà còn đưa người

đọc đến với các địa danh văn hóa nổi tiếng (bởi mỗi nơi tàu dừng, hành khách lại được

xuống tham quan). Trên đoạn hành trình từ Hải Phòng đi Sài Gòn, từ Sài Gòn đi tiếp

Singapore, khi đến hải cảng ở Singapore, Phạm Quỳnh nhận xét “Cửa Hải Phòng, cửa

Sài Gòn của ta kể cũng khá to, nhưng sánh với cửa Singapore này còn kém xa nhiều”

(Nam Phong, số 58, tr. 258). Từ Singapore đi Penang (Malaysia), một cửa biển nằm ở

phía Tây Malacca, Phạm Quỳnh chọn và giới thiệu một thắng cảnh gọi là Cực lạc, có lẽ

đây là Genting bởi nó nằm trên một ngọn núi cao, phong cảnh rất đẹp lại có tảng đá viết

“Vật vong cố quốc”, vùng đất của người Hoa và ông đã nhận ra: ở đâu người Hoa cũng

gây nên sự nghiệp cơ đồ lớn dù ở đất nước người. Đoạn hành trình từ Penang đi

Colombo, Phạm Quỳnh miêu tả qua loa về ngôi đền của người Chà thờ thần Siva, Vishne

và khi miêu tả về họ, tác giả tỏ thái độ không mấy thân thiện. Trên đoạn hành trình từ

Colombo qua Djibouti, Phạm Quỳnh mới nhận ra ở Sri Lanka đạo Phật được duy trì chứ

không như ở Ấn Độ. Đoạn hành trình từ Djibouti qua Hồng Hải, biển ở đây rất xanh mà

lại gọi là hồng, Phạm Quỳnh đã suy đoán là ở hai bên bờ có những núi đá trơ trọi, ánh

mặt trời chiếu vào như có sắc đỏ, có lẽ vì vậy mà gọi là Hồng Hải. Đoạn hành trình qua

kênh đào Suez tới Port Said (thành phố cảng của Ai Cập), tàu qua eo biển Messina, một

bên là đất của Italia, một bên là đảo Sicily, qua núi lửa Stromboli, Phạm Quỳnh đã thấy

núi lửa ngày đêm phun tro ngùn ngụt, tiếp theo là tàu qua đảo Corse và cập bến Marseille

vừa tròn một tháng. Qua mỗi nơi, đến mỗi địa danh, bao giờ Phạm Quỳnh cũng phát

hiện ra một điều lí thú. Đó cũng là kiểu hành trình khám phá và nhận thức thế giới mà

người phương Tây thường hay làm trong các chuyến du hành của họ ở thế kỉ XIX.

Viết về cuộc hành trình sang Pháp, đã có những tác phẩm như: Trên đường Nam

Pháp, của Trọng Toàn, Đáp tàu đi André Lebon của Cao Văn Chánh. Mỗi tác phẩm này

đều có một kiểu kết cấu khác nhau: Trên đường Nam Pháp có lối kết cấu nhật trình theo

kiểu “trích lục các bức gia thư” của một nhân vật hành trình khác tên là Tùng Hương,

mà tác giả chỉ là người lượm lặt, chấp bút; Đáp tàu đi André Lebon có lối kết cấu trực

quan để thuật chuyện hành trình của mình và miêu tả không gian, cảnh vật, sinh hoạt.

Đối với Pháp du hành trình nhật kí của Phạm Quỳnh, kết cấu nhật trình ở đoạn đầu gợi

cho người đọc về hải trình đi ra thế giới, khám phá và mở rộng mối quan hệ quốc tế.

Nhưng người đọc còn nhận ra trong lối thuật chuyện của Phạm Quỳnh về sự tiếp xúc

158

với các nền văn hóa không chỉ bằng lí trí mà bằng cả cảm giác. Trái ngược với hành

trình ra đi, hành trình trở về được tác giả thể hiện theo lối ghi nhật kí, đơn sơ, ngắn gọn,

không miêu tả, không nhận xét, tưởng chừng như cuộc hành trình trở về diễn ra nhanh

chóng và không có gì để thuật nữa.

Du lịch xứ Lào là một trong những tác phẩm viết về đề tài quốc tế tiêu biểu trong

giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX. Lào là một nước láng giềng của Việt Nam. Dù không có

quan hệ lịch sử sâu nặng với nước ta nhưng nước Lào nằm chung đường xương sống (là

dãy Trường Sơn) với Việt Nam. Vì thế mà nước Lào có một vị trí quan trọng trong mối

bang giao với nước ta. Du lịch xứ Lào là bài du kí viết về câu chuyện du lịch sang nước

Lào nhưng Phạm Quỳnh không hoàn toàn nhấn mạnh đến tính chất du lịch, ông còn

quan tâm đến nhiều vấn đề: lịch sử, chính trị, ngoại giao, định cư của người Việt trên

đất Lào. Sự bề bộn thông tin tạo thường ra cho tác phẩm du kí Phạm Quỳnh kiểu kết cấu

tổng hợp mà Du lịch xứ Lào là một trường hợp tiêu biểu.

Mở đầu tác phẩm là đoạn giới thiệu về đường đi sang Lào, dù không xa so với

hành trình đi sứ đến Yên kinh nhưng nhiều trắc trở. Mặt khác, Lào là nơi không để dành

cho việc đi du lịch, vì “Đường đi đã cách trở, mán mọi còn thú gì” (Nam Phong, số 158,

tr. 5). Cách giới thiệu này cho thấy cuộc du lịch của Phạm Quỳnh không phải là du lịch

bình thường mà là du lịch công vụ. Để nói lên mục đích chuyến đi Lào, Phạm Quỳnh

bắt đầu trình bày những vấn đề về lịch sử mở mang bờ cõi của cha ông ta từ cách tiếp

cận địa hình, địa lí mà ít người nghĩ đến, sau đó mới nói đến việc đi Lào của mình. Với

lối mở đầu như vậy, tác giả không thuật chuyện khởi hành mà đưa ra các vấn đề có tính

luận đề để chuẩn bị một kết cấu theo lối trình bày mang tính tổng hợp trong bài du kí.

Cuộc hành trình xuất phát từ Hà Nội đi đến Huế, rồi từ Huế ra lại Quảng Trị và

sang tỉnh Savanakhet của Lào, sau đó đi đến Thakhek, rồi từ Thakhek lên Vientiane

bằng tàu thủy mất ba ngày. Đi đến đâu, tác giả cũng thuật lại những gì mình thấy và

mình biết, đặc biệt là ở Vientiane, nơi có nhiều di tích Phật giáo. Nửa bài du kí còn lại,

tác giả giới thiệu về địa chí nước Lào và vấn đề người dân An Nam ở Lào qua cách nhìn

của người Tây trong tiểu thuyết của ông Mever. Từ đó, vấn đề người dân An Nam được

tác giả đưa ra bàn bạc cho đến kết thúc tác phẩm. Du lịch xứ Lào là tác phẩm không

hoàn chỉnh về kết cấu khung và cấu trúc lộ trình, thuật chuyện đi mà không thuật chuyện

về, có mở đầu mà không có kết thúc, câu chuyện hành trình bắt đầu từ thuật chuyện du

lịch đến bàn chuyện chính trị. Người đọc cảm thấy bề bộn về thông tin, nhiều chiều về

159

hướng tiếp cận hiện thực nhưng cũng nhận ra được ý đồ của tác giả: câu chuyện nước

Lào không thể kể một lần là hết, cũng không thể đi một lần là thôi mà là câu chuyện của

sự hứa hẹn.

Xét trên cấp độ sự kiện, kết cấu tác phẩm du kí Phạm Quỳnh được sắp xếp và tổ

chức sự kiện trong tác phẩm và mỗi sự kiện cũng có một cấu trúc riêng làm cho diễn

biến cuộc hành trình trở nên phong phú, đa dạng. Trong những cuộc hành trình, nhân

vật đến thăm những địa danh hay di tích nổi tiếng. Mỗi nơi đến là một cuộc tham quan

và được kể lại bằng những cách khác nhau, có khi là câu chuyện về một sự chứng kiến

bất ngờ trước sự việc hay cảnh vật, có khi như một câu chuyện hành trình hoàn chỉnh

về cuộc đi thăm một địa danh nào đó. Trong Pháp du hành trình nhật kí, do đến thăm

nhiều nơi nên các câu chuyện sắp xếp bên nhau tạo ra một chuỗi liên tục, diễn ra theo

mỗi khoảng thời gian nhất định. Có thể nhận ra lối kết cấu của Pháp du hành trình nhật

kí là “đi” – “thăm” – “gặp gỡ”. Về “đi”, mặc dù điểm đến chính là thủ đô Paris nhưng

từ Paris, Phạm Quỳnh đã đi đến nhiều nơi như: Versaille, Saint – Cloude, Maisons

Laffitle,... đi qua những con đường như: Bonapac, Avenue du Route, Sorbonne, Saint –

Germain L’auxerois, Saint – Michel,... Những điểm đến thăm của Phạm Quỳnh là những

di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng như: cung điện Luis thứ 14, điện Le Louvre, bảo tàng

Guimet, đền Pathéon, sở Sorbonne, Đại Pháp đồ thư, thành Reims, nghĩa địa Poubourg

Pavé, tòa báo Le Martin, Le Journal, La Liberte, viện mĩ thuật cổ Le Louvre, viện mĩ

thuật kim Luxembourg,... Những nhân vật mà Phạm Quỳnh gặp gỡ cũng là những người

có vị thế xã hội như: quan thượng thư Sarrant, ông nghị viên Outrey, ông nghị trưởng

Raoul Peret, nhà du lịch Madrolle, ông hội trưởng Đông phương Sevart, chủ nhà báo De

Nalèche,... Với lối kết cấu này, Phạm Quỳnh không chỉ giới thiệu đến người đọc một

nước Pháp văn minh và văn hóa mà còn thể hiện sự hiểu biết phong phú về lịch sử, văn

hóa, văn minh phương Tây. Trong quan hệ quốc tế truyền thống, những sứ giả nước ta

thường có các cuộc hành trình sang Trung quốc và các nước lân cận. Sang đầu thế kỉ

XIX, triều đình mới bắt đầu cử sứ giả sang các nước phương Tây. Vì lần đầu tiên tiếp

xúc với phương Tây, mọi thứ đều mới mẻ nên trong du kí của Lý Văn Phức, Ngụy Khắc

Đản, Phạm Phú Thứ, Phan Huy Chú nặng về ghi chép những cảnh, những sự, những

điều làm cho các tác giả này ngạc nhiên và thán phục. Còn đối với Phạm Quỳnh, dù lần

đầu tiên sang Pháp nhưng ông đã biết nước Pháp qua sách vở, qua những người Pháp đã

từng là cộng sự với ông. Vì thế, du kí của ông không chỉ mang tính chất khảo cứu văn

160

hóa mà còn là sự thể hiện trình độ và nhân cách của ông. Với lối kết cấu xâu chuỗi và

đan xen các sự kiện theo hành vi của nhân vật như trên, đối với những người có nhu cầu

tìm hiểu nước Pháp thì Pháp du hành trình nhật kí quả là một bách khoa toàn thư cả về

du lịch, văn hóa và lịch sử nước Pháp. Vì thế, ý nguyện “quan sát được điều gì hay về

biên tập để cống hiến cho đồng bào” của Phạm Quỳnh đã được thực hiện.

Du kí hiện đại hướng đến tính nghệ thuật của ngôn từ trong việc khai thác những

khả năng diễn đạt của nó. Nếu đem văn du kí của Phạm Quỳnh đặt trong các tác phẩm

du kí cùng thời thì có thể nhận ra việc sử dụng ngôn ngữ của ông như muốn thoát ra

khỏi ảnh hưởng của Hán tự. Nhưng về mặt tiếng Việt thì phải đặt tác phẩm du kí trong

lịch sử của du kí viết bằng chữ Quốc ngữ. Để thấy được điều này, có thể so sánh với

một tác phẩm khác viết bằng chữ Quốc ngữ là Sách sổ sang chép các việc (1822) của

Philipphê Bỉnh (1759-1830), tác phẩm viết bằng chữ Quốc ngữ ở đầu thế kỉ XIX.

Đoạn văn của Philipphê Bỉnh:

"Thói nước người bổn đạo cho cho nam nữ cùng ngồi vuối Vít-vồ cùng Thầy Cả mà

thói Anam là thói lịch sự, cho đến nỗi có nhà thì vợ chồng cũng chẳng ngồi ăn cơm vuối

nhau, vì cha thì ngồi vuối các con blai, mà mẹ thì ngồi vuối các con gái..." [8, tr.132]

Đoạn văn của Phạm Quỳnh:

"Tối ăn cơm ở nhà ông bà V. Từ bữa nhân đến chơi với ông con là André được biết hai

cụ, thì hai cụ cũng có lòng yêu mến, cố hẹn làm thế nào tối hôm nay cũng đến ăn cơm

để nói chuyện. Hai cụ lại hẹn đến trước giờ ăn cơm để nói chuyện được lâu. (...)"

("Pháp du hành trình nhật kí", Nam Phong, số 90, 12/1924, tr.480)

Hai đoạn văn đều dùng chữ Quốc ngữ để miêu tả một bữa cơm, nhưng trong văn

của Philipphê Bỉnh, nhiều từ cổ vẫn còn tồn tại như "vít-vồ" (quây quần), "vưới" (với),

"con blai" (con trai), mà không thấy trong văn Phạm Quỳnh.

So với các nhà du kí cùng thời như Nguyễn Đôn Phục, Nguyễn Bá Trác, Nguyễn

Hữu Tiến, văn du kí của Phạm Quỳnh thoát khỏi ảnh hưởng của Hán tự về mặt từ vựng

và cú pháp và có lượng từ thuần Việt khá lớn, khả năng sử dụng cú pháp tiếng Việt khá

nhuần nhuyễn, phong phú và chuẩn mực.

Về việc dùng từ vay mượn, tiếng Pháp được Phạm Quỳnh sử dụng nguyên dạng,

chủ yếu là danh từ tên riêng. Nhiều người đọc Pháp du hành trình nhật kí cho rằng,

Phạm Quỳnh dùng nhiều tiếng Tây. Cách dùng tiếng Tây của Phạm Quỳnh nhiều khi là

có chủ ý. Chẳng hạn, danh từ riêng "tiếng Tây" trong câu văn tiếng Việt là một lối chơi

161

chữ:

"Đứng cạnh Notre Dame thì sở này ví như một hòn ngọc bội để trên một pho tượng

đồng, hay như cái miệng cười của cô con gái thanh-tân sánh với cái vẻ rực-rỡ nghiêm

trang của một bà mệnh-phụ".

("Pháp du hành trình nhật kí", Nam Phong, số 95, tr. 414)

Nhưng ở những trường hợp khác, Phạm Quỳnh dùng "tiếng Tây" để phụ chú

khi kết hợp với từ Hán Việt.

"Nguyên chỉ có làng sở tại đó mới có quyền chở đò suối, đón khách vào Chùa cùng đưa

khách ở Chùa ra, quyền ấy tức là một cái "chuyên quyền" (monopole) không ai tranh

được."

("Chẩy chùa Hương", Nam Phong, số 23, tr. 363)

hoặc :

"Nghe đâu đời Cách mệnh, nhà thờ này đã dùng làm "điện Chiến thắng" (Temple de la

victoire) và ngày 5 tháng 11 năm 1799, vua Nã Phá Luân bấy giờ còn là tướng Bonaparte

thắng trận trở về, dân mở tiệc mừng ở đấy."

("Pháp du hành trình nhật kí", Nam Phong, số 95, tr. 415)

Phạm Quỳnh có tài diễn thuyết, kể cả sử dụng tiếng Việt hay tiếng Pháp. Là người

có kĩ năng giao tiếp và tài diễn thuyết nên đi đến đâu Phạm Quỳnh cũng chuẩn bị cho

mình những điều kiện cần thiết để diễn thuyết hoặc tiếp xúc với các nhân vật xã hội.

Trong du kí Phạm Quỳnh, ta cũng thường bắt gặp những hoạt động này của nhân vật.

Điều này đã ảnh hưởng đến du kí qua lối hành văn, cách lập luận, cách sử dụng từ ngữ

để thể hiện tư tưởng hoặc bộc lộ quan điểm trước những vấn đề thuộc về lịch sử, văn

hóa hay chính trị - xã hội. Lối hành văn này cũng tham gia vào kết cấu của trần thuật

trong tác phẩm du kí: gặp đối tượng – miêu tả – nhận xét. Có những câu văn có đủ cả

ba thành phần này. Chẳng hạn: " Đi qua con đường d'Ulm, thấy trường Cao đẳng sư

phạm (Ecole Normale Supérieure), trong bọn học sinh thường gọi tắt là “cái nhà đường

d'Ulm” (la maison d'Ulm), nhà cũng thường thôi, không lấy gì làm to lớn đẹp đẽ lắm,

nhưng có cái vẻ nghiêm trang bình tĩnh, thật là một nơi học hành cao thượng" (Nam

Phong, số 70, tr. 276). Có những chỗ, nếu sự việc được thuật lại có tầm quan trọng hay

liên quan đến quan điểm tác giả, thì Phạm Quỳnh sử dụng câu văn kéo dài để cùng lúc

diễn ra nhiều ý khác nhau. Chẳng hạn:

“Có người An Nam thì mới mở mang sinh sản ra được, mới khỏi bế tắc mà giao thông

được với nước ngoài, không thành một cái đất tịch mịc xa xôi để cho mấy nhà du lịch

162

ngoại quốc đến xem các cô "phu sao" với các tượng bụt ốc, mà có thể sinh hoạt theo

cái đời kinh tế ngày nay.”

("Du lịch xứ Lào", Nam Phong, số 159, tr. 112)

Trong nhiều trường hợp, Phạm Quỳnh thường vận dụng thành ngữ, tục ngữ hoặc

ca dao vào trong lời văn của mình. Chẳng hạn câu sau đây được vận dụng thành ngữ để

tăng mục đích phê phán: “Khi họp hội đồng thì chẳng khác chi họp việc làng, tranh nhau

mà nói ồn ào lộn xộn, mà ít ai nói được câu gì cho có nghĩa lý, chỉ bẻ hành bẻ tỏi nhau

những cái vặt chẳng đâu vào đâu” (Nam Phong, số 65, tr. 329). Chất "diễn văn" kết hợp

với chất "hùng biện" trong văn du kí của Phạm Quỳnh không những bộc lộ tư tưởng của

ông trước hiện thực mà còn tạo ra những cung bậc cảm xúc khác nhau, có khi say sưa,

tha thiết, có khi mạnh mẽ, dữ dội có khả năng tạo ra sức lôi cuốn, hấp dẫn đối với người

đọc.

Trên quan điểm lí thuyết diễn ngôn, hình thức nhật trình là ngữ cảnh của lời nói,

cơ sở tồn tại của phát ngôn, nội dung của nó là tiền giả định của phát ngôn mang ý nghĩa

nhận thức; không có nó không thể nói được điều khác, không thuyết phục người khác

tin rằng tính xác thực của không gian và thời gian của lời nói. Những đoạn văn đi liền

sau mục chỉ thời gian của lộ trình là các diễn ngôn chứa các hành động ngôn ngữ: kể,

tả, nhận xét, bình luận, tự thuật, tự cảm,... Hình thức nhật trình trong Pháp du hành trình

nhật kí của Phạm Quỳnh cũng hết sức đa dạng, với các kiểu: nhật trình thông báo, nhật

trình mô tả, nhật trình biên niên, nhật trình tự thuật,... nên hình thức của văn bản ở mỗi

đoạn vì thế cũng thay đổi về cấu trúc, lời văn và phương thức biểu đạt cũng khác nhau.

5.2.3. Văn du kí giàu chất triết luận

Chất triết luận trong tác phẩm văn học thường bị chi phối bởi các quan điểm triết

học của trường phái hay trào lưu văn học mà nhà văn cùng với những tác phẩm của mình

"đứng chân" trong đó. Trong cấu trúc ngôn từ, chất triết luận thường biểu hiện ở các

hình thức diễn giải, các thủ pháp ẩn dụ, tương phản,... Văn du kí Phạm Quỳnh dài dòng

thật, nhưng đó là những “kiến văn” chứ không phải là sự ghi chép lôi thôi dài dòng, thấy

gì ghi đó khi gặp trên lộ trình. Vì thế, có những đoạn du kí thể hiện sự chọn lọc của tác

giả, có đoạn hàm súc đến nổi nhầm tưởng rằng ông tiết kiệm chữ nghĩa. Chẳng hạn

những câu chuyện tường thuật về thời tiết, sinh hoạt trên đường, thời gian du phiếm,...

được ông điểm qua vài dòng qua loa để thiên du kí không bị gián đoạn về mặt thời gian

của cuộc hành trình chứ không nhằm mục đích thuật chuyện. Có những đoạn khá dài

dòng, ở những đoạn đó ông dành thời gian để quan sát và suy ngẫm trước sự vật, sự việc

163

và các hiện tượng cuộc sống của con người, có khi là sự giải bày tâm sự.

Chất triết luận thấm vào trong từng câu văn, không chỉ ở những câu suy nghiệm

biểu cảm mà cả câu văn trần thuật. Khi tả người, câu văn miêu tả của ông vừa đôn hậu

vừa dí dỏm:

"Có lắm bà cụ đã già mà đi son són, như ta đi ngoài đường phố, không ra dáng mệt nhọc

gì, tin rằng việc lễ bái phúc đức thời Phật phù hộ cho, coi đó đủ biết cái lòng tín ngưỡng

mạnh là dường nào. Không gì cảm động bằng chợt đến khúc đường vắng, khuất núi cao,

trông thấy bà lão già tay lần tràng hạt, tay cầm gậy tre, chân đi bước một, miệng đọc

"nam-mô", tiếng vang động bên sườn núi dưới gốc cây, nghe ai oán vô cùng, tưởng như

tiếng tự trong thâm tâm mà ra, kêu được hết cái nỗi đau khổ của loài người."

("Chẩy chùa Hương", Nam Phong, số 22, tr. 368)

Khi đến Nam Kì, ông quan tâm đến báo chí và xuất bản. Khi thấy báo chí ở Nam

Kì phát triển mạnh, sách ở đây bán rất chạy, ông đã suy nghĩ đến cái nghề mới ở Việt

Nam:

"Ôi! Nếu hết thảy các nhà làm báo ai cũng hiểu cái nghĩa vụ của nghề làm báo thì còn

nghề gì đẹp bằng, hay bằng, cao thượng bằng, đủ khiến cho người ta tận tụy một đời mà

theo đuổi cho cùng?"

("Một tháng ở Nam kỳ", Nam Phong, số 17, tr. 277)

Triết lí của Phạm Quỳnh là triết lí đời thường, không phải là thứ triết lí cao siêu,

vì thế mà ông đã nhận ra cái gì cũng có mặt trái của nó:

"Song nghĩ cho cùng, đạo xử thế không phải chỉ có một đường. Cái "nghĩa vụ chủ nghĩa"

kia tuy cần cho đời nay hơn là cái "khoái lạc chủ nghĩa", mà không phải ai ai phải theo

mới nên. Mỗi người có quyền tự do muốn tổ chức cái cuộc đời mình thế nào cũng được."

("Một tháng ở Nam kỳ", Nam Phong, số 17, tr. 284)

Chất triết luận trong văn ông chi phối sự lựa chọn lối viết. Văn du kí của Phạm

Quỳnh không cứng nhắc trong một kiểu cấu trúc văn bản mà có thể biến hóa linh hoạt.

Kết quả chuyến Pháp du “vang danh” của ông không chỉ là thiên du kí Pháp du hành

trình nhật kí mà ông còn viết thêm bài "nghị luận" du kí nữa. Bài Thuật lại chuyện du

lịch ở Paris thể hiện bằng hình thức của cái tôi tự thuật "Tôi bữa nay diễn thuyết ở đây

để thuật lại các ngài nghe những sự kiến văn cảm tưởng của tôi trong mấy tháng du lịch

bên nước Pháp…" (Nam Phong, số 64, tr. 250). Nội dung tác phẩm này trình bày lại

những gì mắt thấy tai nghe trong chuyến du hành ở Pháp mà không nói đến trong Pháp

du hành trình nhật kí. Với tư cách là khách du lịch, bắt đầu thuật về chuyến hành trình,

164

Phạm Quỳnh đưa ra những lời luận bàn, nhận xét về thành phố Paris; sau đó nói đến

những nơi học sinh An Nam sinh sống và học tập, đến xem cuộc họp Nghị viện hội

đồng, mô tả tháp Eiffel. Kiểu hành văn nghị luận trong bài du kí này, như Vũ Ngọc Phan

nhận xét: “Lối văn nghị luận của ông có khi rườm ra như thế, nhưng có khi lại rất giản

dị và rất nhẹ nhàng.” [49, tr.69].

Phạm Quỳnh cũng có những cuộc chơi phiếm, vãn cảnh chùa, thăm những miền

đất chưa đến, đi chơi trong nước chưa đủ ông lại đi ngoài nước, sang Lào, sang Tây.

Những tác phẩm viết trong các chuyến đi này không phải là “hí văn” mà là “triết văn”,

trong đó, ông sử dụng kiểu diễn đạt bằng câu văn khảo cứu khoa học kết hợp với lời

bình luận khách quan. Tác phẩm Một tháng ở Nam kỳ được viết nhân chuyến tham quan

Nam Kì Lục tỉnh thì những câu chuyện du lịch của ông có nhiều đoạn được viết theo lối

văn địa chí văn hóa. Tác phẩm Mười ngày ở Huế được viết trong dịp chứng kiến cuộc

tế lễ ở đàn Nam Giao, ông dùng lối "sử văn" để phản ánh những lễ nghi phong kiến một

cách chi tiết như sợ rằng nếu phải bỏ sót chỗ nào thì sẽ làm mai một đi cái văn hóa lịch

sử vốn từng bị “tam sao thất bổn”. Còn Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng là sự tìm kiếm huyền

thoại về xứ Lạng Sơn, Cao Bằng mà dân gian đã "mời chào" bằng các câu ca dao... Ông

tâm sự:

"Song bà con mình ở giữa Hà Nội mà còn thích nghe tả cảnh Hồ Hoàn Kiếm, thời tất

cho đi chơi Lạng Sơn, Cao Bằng cũng là một cuộc “du lịch” và muốn cho khách làng

văn thưởng cái thú “bầu rượu nắm nem” về cũng phải thuật lại cho đồng nhân nghe."

("Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng", Nam Phong, số 96, tr. 507)

Tính mục đích của cuộc chơi không phải chỉ là thú du lịch bình thường mà là để

biết được non nước, văn hóa phong tục của nước mình chỉ nghe mà chưa tận mắt chứng

kiến, chưa được trải nghiệm. Triết lí trong văn du kí Phạm Quỳnh là triết lí suy nghiệm.

Qua thuật chuyện đi chơi, Phạm Quỳnh đã phát biểu về trách nhiệm nhà văn:

"Làm nhà văn đời này, cái trách nhiệm cũng khá to mà cái tình cảnh cũng khó xử. Mỗi

khi nghĩ đến không khỏi giật mình. Đương lúc cả quốc dân im hơi lặng tiếng, một vài

người gắng gỏi hô hào. Dẫu ngắn hơi, dẫu xấu giọng, nhưng giữa đám thanh âm tịch

mịch, tiếng kêu cũng truyền động đến xa..."

("Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng", Nam Phong, số 96, tr. 514)

Văn du kí Phạm Quỳnh khác người ở chỗ, cái tư tưởng bao giờ cũng được đặt

lên hàng đầu. Vì thế, dù mức độ đậm nhạt khác nhau nhưng bài nào cũng được trang

điểm bởi chất triết luận. Từ bố cục, kết cấu cho đến câu văn, dùng từ, bao giờ cũng phải

165

cân đối, chặt chẽ, lượng thông tin dồi dào, giàu chất trí tuệ. Vũ Ngọc Phan nhận xét:

"Văn ông ai cũng phải nhận là hùng, là dồi dào, thường thường lại có cái giọng thiết tha

kêu gọi, nhưng cũng có người kêu ông dùng nhiều chữ Nho quá làm cho câu văn hóa

nặng nề cả những khi diễn những tư tưởng rất nhẹ nhàng" [49, tr.123-124]. Nghị luận

trong văn du kí Phạm Quỳnh là lối nghị luận giãi bày, lấy tình làm cốt, lấy lí làm văn.

Ông đã nói lên cái tâm sự này của mình rằng: "không phải là muốn khoe với ai cái văn

chương sốc nổi, chỉ muốn đem lời thành thực giãi bày, bàn bạc cùng quốc dân…" ("Một

tháng ở Nam Kì", Nam Phong, số 17, tr. 268). Trong lúc nhiều người chưa bỏ được yếu

tố Hán trong văn du kí của mình thì Phạm Quỳnh đã gần như dứt khoát với Hán văn, né

tránh Hán tự mà xông xáo với văn Quốc ngữ trên nhiều thể loại, trong đó có du kí.

Với những tác phẩm du kí đăng trên Nam Phong đã được nhiều bạn đọc yêu

thích, có thể khẳng định rằng: Phạm Quỳnh nhà văn du kí Việt Nam xuất sắc đầu thế kỉ

XX. Không chỉ là người mở đường cho du kí trên tạp chí này mà ông còn là người cổ

vũ cho những khát vọng "xê dịch", khuấy động phong trào du lịch và viết du kí bằng

chữ Quốc ngữ trong giới báo chí và trí thức Việt Nam. Du kí Phạm Quỳnh có mặt trên

nhiều dạng thức thể loại, tác phẩm nào cũng mang dấu ấn của ông về văn phong và bút

pháp. Trong khi những nhà văn khác còn ảnh hưởng lối viết du kí của các bậc tiền bối

thì du kí của Phạm Quỳnh mang tính cách tân, hiện đại. Với sở trường viết du kí trường

thiên, phần lớn tác phẩm của Phạm Quỳnh đều có một cốt truyện hành trình với lượng

thông tin phong phú. Văn du kí của Phạm Quỳnh là lối văn tri thức, dùng trí tuệ để lôi

cuốn người đọc nên khi gặp điều kiện để phô diễn kho tàng tri thức của mình là Phạm

Quỳnh huy động hết vốn hiểu biết, dù đó là tri thức Đông, Tây hay kim, cổ. Tác phẩm

du kí của Phạm Quỳnh là những diễn ngôn hướng đến công chúng là bạn đọc của Nam

Phong tạp chí, phần đông là tầng lớp trí thức đòi hỏi văn phong chặt chẽ, luận đề được

luận giải minh bạch nên đã làm cho văn du kí của ông có lúc dài dòng, rườm rà, thậm

chí còn rắc rối nữa. Tuy nhiên, tính chân thật và lòng nhiệt tình, say mê văn chương đã

làm dịu bớt phần nào chất triết luận và tính nghị luận, đồng thời làm cho du kí của Phạm

Quỳnh không bị hòa lẫn vào các thể loại của báo chí. Cũng vì tạo ra cái riêng, cái độc

đáo của mình mà khi xây dựng tác phẩm, Phạm Quỳnh không đi theo lối mòn của các

nhà du kí phương Tây trên phương diện kết cấu, bố cục. Không phải là Phạm Quỳnh

không coi trọng tính chỉnh thể của văn bản nghệ thuật, không chăm chút hình thức tác

phẩm mà Phạm Quỳnh muốn đưa du kí tránh xa tiểu thuyết, không bố trí văn bản theo

chương mục, ông cố tình dẫn người đọc theo dấu chân của cuộc hành trình và dòng cảm

166

xúc, suy tư của mình để đi qua hết nơi này đến nơi khác mà không mỏi trí nghĩ. Du kí

Phạm Quỳnh là du kí văn hóa, du kí tri thức nên có thể không hợp với khẩu vị độc giả

là du khách trẻ, nhưng phong cách du kí của ông đã làm nên một lối viết (écriture) có

khả năng trở thành mẫu mực cho tất cả những ai quan tâm và yêu thích nó.

5.3. Mãn Khánh Dương Kỵ - phong cách du kí huyền thoại hóa

Mãn Khánh Dương Kỵ viết du kí dưới cảm quan của nhà sử học mà những cuộc

du lịch của ông là một kiểu hành trình tìm kiếm lịch sử. Ông đã chuẩn bị hành trang của

mình là những tri thức lịch sử và truyền thuyết để tiếp nhận các di tích văn hóa, lịch sử

những nơi ông đến. Mãn Khánh Dương Kỵ quan tâm đến lịch sử văn hóa Chămpa và sự

ảnh hưởng qua lại giữa văn hóa Chămpa với văn hóa Việt. Có lẽ đây là điều lí thú đối

với những nhà sử học và cũng là một phát hiện của Mãn Khánh Dương Kỵ về vấn đề

này. Như vậy, du kí của Dương Kỵ là phương thức tiếp nhận lịch sử từ phía hiện tượng

của nó. Nếu khoảng gần 20 năm về trước, Nguyễn Đôn Phục đã từng đến Loa thành và

suy ngẫm về số phận dân tộc qua các nhân vật lịch sử thì hai mươi năm sau, Mãn Khánh

Dương Kỵ lại xúc động trước số phận của một dân tộc bị hủy diệt bởi sự mở mang bờ

cõi của cha ông mình. Không biết hai nhà du kí có cảm xúc giống nhau không nhưng

đối với Mãn Khánh Dương Kỵ, vấn đề lịch sử Chămpa không phải là dĩ vãng hay là

truyền thống mà là sự hiện hữu trong đời sống của một dân tộc có lịch sử tang thương.

Cùng thời với ông, nhà thơ Chế Lan Viên cũng đã từng lấy sự cảm thương về số phận

dân tộc Chămpa để thể hiện chủ đề trong thơ của mình. Trong du kí Việt Nam nửa đầu

thế kỉ XX, dường như phần lớn các tác phẩm ra đời trong “bào thai” tư tưởng của chủ

thể, mà mỗi câu văn, đoạn văn hay hình ảnh nhận thức được trong cuộc hành trình đều

bị soi chiếu bởi một tư tưởng nào đó, vốn nó đã từng tồn tại trong truyền thống văn học

dân tộc. Trường hợp du kí của Dương Kỵ không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, tính tư

tưởng của Mãn Khánh Dương Kỵ đã chuyển hóa thành tư tưởng nghệ thuật và bút pháp,

phát huy "ý tưởng tự do" của thể loại du kí để tạo ra kiểu sáng tác đặc trưng mang đậm

phong cách của chủ thể.

5.3.1. Cảm quan lịch sử và bút pháp huyền thoại hóa

Du kí của Mãn Khánh Dương Kỵ hình thành từ "cách đi" và "cách viết" như

những nhà văn khác. Đặc điểm du kí những năm bốn mươi của thế kỉ XX không có

nhiều tác phẩm gắn với những cuộc hành trình xa xôi với thời gian gian dài. Du kí giai

đoạn này xuất phát từ các cuộc du lịch ngắn trong nước khá phổ biến thời bấy giờ là đi

xem lễ hội, đi thăm các di tích, danh lam, thăm làng, thăm nơi ở,... Mãn Khánh Dương

167

Kỵ chọn viết du kí của hai đợt du lịch liên quan đến lịch sử và văn hóa Chămpa: Lễ hội

Điện Hòn Chén và di tích kinh đô Chămpa. Ở thời điểm đó, người ta quan tâm đến lịch

sử Đại Việt, lịch sử An Nam mà ít quan tâm đến lịch sử của các cộng đồng dân tộc thiểu

số chung sống trên đất nước Việt Nam. Theo quan điểm của ông, lịch sử dân tộc là lịch

sử tất cả mọi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam chứ không phải duy chỉ là

lịch sử của người Việt. Nhờ các cuộc du lịch, ông có dịp để tìm hiểu mối liên hệ về lịch

sử và văn hóa người Việt với các dân tộc khác mà cụ thể ở đây là dân tộc Chăm.

Mãn Khánh Dương Kỵ không có những thiên du kí trường thiên như Phạm

Quỳnh, hay những tác phẩm du kí trải nghiệm lịch sử như Nguyễn Đôn Phục, mà ông

chỉ có những tác phẩm du kí đoản thiên, nhưng nội dung của nó vượt ra khỏi khuôn khổ

tác phẩm. Cuộc hành trình trong du kí Mãn Khánh Dương Kỵ là cuộc hành trình xuyên

thời gian, không gian, đến những nơi chưa có ai từng đến ở thời đại của ông: kinh đô

Chiêm Thành cách đây chừng mười thế kỉ. Thế giới nghệ thuật du kí của Mãn Khánh

Dương Kỵ là sự trộn lẫn giữa lịch sử và truyền thuyết được tạo dựng bởi bút pháp huyền

thoại làm cho cái thực và cái ảo đồng hiện, khó phân biệt.

Tác phẩm du kí Thiên Y A Na được viết trong dịp đi thăm điện Hòn Chén vào

mùa lễ hội ở thượng nguồn sông Hương. Ngay việc đặt tên cho tác phẩm của ông cũng

biết được mục đích của cuộc hành trình này, đó là đến với nhân vật nằm trong hệ thống

Mẫu thần của người Việt, lại là vị thần của dân tộc Chăm, nước Chiêm Thành. Lễ hội

điện Hòn Chén trước đây gọi là Lễ Vía Mẹ, tổ chức vào trung tuần tháng bảy (Âm lịch),

ngày rước vía Mẹ là ngày mồng 8 tháng 7 (Âm lịch), theo tục của những người theo tín

đồ Thiên Tiên Thanh Giáo, Mẹ sẽ nhập hồn vào một người gọi là "bà cốt" được ăn mặc,

trang điểm đẹp để cứu khổ cứu nạn. Với cảm quan lịch sử, Mãn Khánh Dương Kỵ tạo

dựng những bức tranh đối lập để tạo sự tương phản giữa huyền thoại và hiện thực, giữa

thanh và tục, giữa cao quí và thấp hèn,...

Bức tranh thứ nhất là sự phản chiếu của hai bức tranh trong cái nhìn bao quát ở

Điện Hòn Chén: bức tranh cảnh vật với non xanh nước biếc và bức tranh người ta thi

nhau lên đồng. Ở một nơi "cảnh trí thực vô cùng đẹp, nhưng chỉ tiếc người ta nô nức

kéo nhau lên đây không phải vì cảnh" (Tri Tân, số 121, tr.14), mà để xem "sau khi cúng"

họ "nhảy nhót chán chê". Vì thế, bút pháp tả cảnh hai bức tranh này cũng khác nhau,

hình ảnh và chất liệu ngôn từ cũng khác nhau và được viết bởi hai cảm xúc khác nhau.

Bức tranh cảnh vật thắm đẩm một màu xanh đầy sức sống: "Núi Hòn Chén, tròn trận,

cân cái, giống một chiếc chén khổng lồ làm bằng muôn nghìn nhành cây ngọn lá, úp bên

168

bờ sông Hương". Bức tranh lễ hội đáng lẽ ra là phải hoành tráng và uy nghiêm lắm,

nhưng ngược lại là những cảnh thương tâm, cảnh thông tục.

"Tại bằng nầy, đậu cạnh bờ lau, một em gái nhỏ, ước chừng sáu bảy tuổi đương say sưa

lên đồng dưới sự chăm sóc của bà mẹ. Thực không có gì não lòng bằng thấy em bé ấy,

đáng lẽ bây giờ đã được người mẹ thân yêu ẵm đi ngủ để ngày mai ngoan ngoãn dậy

học bài, đang uốn vặn thân thể bé tí hon, rồi cũng cho “ phép”, cũng nói giọng líu lo,

mặt đỏ cặp mắt lờ đờ.

Tại bằng nọ, một bà đang nhảy một mình với mấy anh cung văn ê a hát, trong lúc ở các

băng khác các bà chen chúc xòe áo mớ ba, uốn lưng mềm mại. Tại sao thế? Người ta

thì thầm bảo nhau rằng bà ấy có bộ cánh gấm sang quá, các bà kia ngắm đến áo quần

trang sức của mình thấy tồi xa nên đã bỏ bằng ấy mà đi nhảy chỗ khác."

("Thiên Y A Na", Tri Tân, số 121, tr.15)

Nhưng nếu dừng lại đó thôi thì sự phản ánh của Dương Kỵ chẳng khác gì mấy so

với kịch bản phóng sự truyền hình ngày nay. Hình ảnh được miêu tả trong du kí của

Dương Kỵ không chỉ để phản ánh sự mê muội của tín dân Việt Nam thời kì trước 1945

mà là sự đề cập đến một hình thức mưu sinh của người dân ở những nước chậm phát

triển dựa vào thần thánh; đó còn là hệ quả của kinh tế và văn hóa không cùng chung con

đường. Dương Kỵ đã vén bức màn tâm linh và hiện ra sự hỗn tạp của đám đông dung

hợp những tâm lí và tính cách khác nhau như: hiếu kì, cầu may, a dua, sám hối của nhiều

hạng người, trong đó có cả tầng lớp trí thức còn đang mơ hồ về lịch sử và văn hóa dân

tộc.

Những bức tranh này chính là cánh cửa mở vào câu chuyện mà tác giả muốn kể

lại về mẫu thần Thiên Y A Na, mà mỗi bức tranh cũng giống như "ông Thiện" và "ông

Ác" đứng canh hai bên cửa đình, chùa của người Việt. Truyền thuyết về Thiên Y A Na

được người An Nam và người Chăm kể khác nhau. Câu chuyện của người An Nam là

một câu chuyện tình diễm lệ giữa chàng thái tử và cô gái hiện thân từ cây trầm. Còn câu

chuyện của người Chăm là câu chuyện về văn hóa tâm linh và văn hóa đa hôn. Vị thần

Thiên Y A Na này, người Việt chỉ cho phép được lấy một chồng và sinh hai con, một

trai, một gái, nhưng người Chăm lại cho lấy đến 97 người chồng, sinh đến 38 con. Tác

giả đã dẫn ra sự tích trên để khẳng định nó là hoang đường. Nhưng tác giả đã chỉ ra ba

điểm giống nhau của hai câu chuyện: tên giống nhau (chữ Chàm Yno Nogar viết ra chữ

Hán thành Thiên Y A Na), đều hiện thân từ cây trầm, đều giúp dân vùng Nha Trang.

169

Điều đó cho thấy, phong tục của các dân tộc có thể khác nhau nhưng sự hướng thiện,

khát vọng một cuộc sống yên lành, hạnh phúc thì luôn giống nhau.

Mãn Khánh Dương Kỵ đưa người đọc vào thế giới huyền thoại của những truyền

thuyết, truyện cổ tích nhưng cũng kéo người đọc trở về với thực tại. Những vấn đề mà

ông đặt ra trong tác phẩm vượt ra ngoài phạm vi của tín ngưỡng và lịch sử, mở rộng

sang các vấn đề về tôn giáo ngoại nhập và ảnh hưởng của nó, về quyền con người trong

đời sống xã hội. Việc nhảy múa của các chị em ở Điện Hòn Chén là vấn đề nữ quyền ở

các nước phương Đông thời đại "Nho trị" về tư tưởng, không chế về hành vi thì họ phải

đi tìm sự tự do (nhảy múa), sự tự do đó phải núp dưới áo choàng của thần thánh, điệu

múa của họ chính là điệu "lên đồng". Những vấn đề đặt ra trong du kí Dương Kỵ đã làm

cho người đọc phải suy nghĩ.

Bên cạnh bút pháp huyền thoại để bộc lộ tư tưởng, Mãn Khánh Dương kỵ có sử

dụng phương pháp chú giải lịch sử để tạo tính thông tin cho tác phẩm. Để tránh đưa quá

nhiều lời bình luận, bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc mà những nhà văn khác thường làm trong

du kí, ông sử dụng hình thức chú giải mà đáng lẽ nó thuộc văn phong khoa học, nhưng

được chấp nhận bởi vì nó nằm trong phạm vi của tính khách quan tác phẩm. Trong

khuôn khổ văn bản, có những chú giải nằm ngoài văn bản, nhiều chú giải là cả một câu

chuyện dài, và không thể thiếu nó.

Chú giải nguồn gốc (trong văn bản):

"Theo một cái bia (bi văn do cụ Phan Thanh Giản soạn, dựng vào năm Tự Đức thứ chín)

hiện còn tại đền Pô Na-ga (Nha Trang) và bài chầu văn (tác giả là cụ Nguyễn Văn Trình)

hiện đồ thờ tại đền ấy, thì bà Thiên- Y-A-Na xuất hiện một cách lạ lùng tại làng Đại An,

tỉnh Khánh Hòa".

("Thiên Y A Na", Tri Tân, số 121, tr.18)

Chú giải sự kiện và bình luận (ngoài văn bản):

"Việc đền Po Nagar bị quân địch tàn phá và tàu địch chìm theo cái bia Chàm ở Đền ấy

thì xảy ra vào năm 774. (...) Ta có thể dựa vào đó mà cho rằng bà Thiên Y A Na đã xuất

hiện ở nước Chiêm Thành không lâu lắm trước năm 774 chăng?"

("Thiên Y A Na", Tri Tân, số 121, tr. 19)

Chú giải bổ sung (ngoài văn bản):

"Xin kể sơ qua chuyện bà Liễu Hạnh để bạn đọc tiện bề so sánh với Thiên-Y. Nguyên

170

bà là công chúa Quỳnh nương ở trên Trời. (...) Sau vì có công giúp vua dẹp loạn, được

phong làm Chế Thắng Hòa Diện Đại Vương. Vua Thiệu Trị phong làm Thượng Đẳng

Thần."

("Thiên Y A Na", Tri Tân, số 121, tr.19)

Chú giải học thuật:

"Theo một cái bia ở Đồng Dương thì vào cuối thế-kỷ thứ IX, nước Chiêm Thành đóng

đô tại đó. Nhưng có nhà học giả nghi rằng không biết nước Chiêm Thành thời ấy đóng

đô tại Đồng Dương hay Trà Kiệu. Về vấn đề này, ông Pinal nói: “Không có một tài liệu

cho ta kết luận rằng vua Chàm đã có một kinh đô gọi là Sinharapura. (...) Nếu như bia

ấy đem từ Trà Kiệu đến Đồng Dương, thì vấn đề này không còn gì khó khăn nữa

(Indrapura à Teslado de I’An Nam es du Champa, của Y. Claeya, trang 22, M)."

("Indrapura", Tri Tân, số 107, tr.15)

Hình thức chú giải văn bản này được xem như là một cách thể hiện quan niệm

nghệ thuật về du kí qua việc tách biệt chức năng thông tin và chức năng thẩm mĩ của tác

phẩm. Mặt khác, đây cũng là lí giải hiện tượng văn hóa bằng điển hình của nó: đối tượng

nói đến chỉ là tiêu biểu, Thiên Y A Na chỉ là một nữ thần trong nhiều nữ thần khác xuất

hiện khắp ba miền Bắc, Trung, Nam của nước Việt Nam như Bà Đen, Bà Điểm, Bà chúa

Núi Sam,... và cả những anh hùng dân tộc trở thành các vị thần theo tín ngưỡng dân gian

như Bà Trưng, Bà Triệu và nhiều người khác nữa, họ đang chuẩn bị trở thành các vị

thần mà lúc này họ đang sống gần ta.

Bút pháp huyền thoại được cảm quan lịch sử điều hướng nên không làm cho tác

phẩm du kí của Mãn Khánh Dương Kỵ lệch sang thể loại hư cấu (fiction) mà chỉ làm

tăng tính nghệ thuật cho tác phẩm ở thể loại phi hư cấu (non-fiction) này mà thôi.

5.3.2. Nghệ thuật dựng cảnh và tạo không khí lịch sử

Cảm quan lịch sử trở thành điểm nhìn nghệ thuật, du kí của Mãn Khánh Dương

Kỵ không đưa người đọc tưởng nhớ về lịch sử của cha ông ở một thời oanh liệt đã qua

như nhiều nhà văn du kí thường làm mà tạo ra hiệu ứng nghệ thuật buộc người đọc phải

chấp nhận một cuộc trải nghiệm lịch sử, ở đó, con người có thể từ trục thời gian này

chuyển sang trục thời gian khác mà không cần phải vòng lại về phía quá khứ hay tương

lai để đến được những nơi duy chỉ tồn tại trong quá khứ. Để làm được điều đó, đòi hỏi

tài năng dựng cảnh và tạo không khí lịch sử của tác giả trong lời trần thuật.

Tác phẩm Indrapura – Đồng Dương không phải là một thiên du kí trường thiên

nhưng nó đã mang cốt truyện du kí mà các sự kiện trên lộ trình của cuộc hành trình liên

171

kết lại để tạo thành cốt truyện:

I. Trên đường vào Đồng Dương – Gặp du côn.

II. Tịnh-xá Indrapura - Theo một người mộ đạo tưởng tượng.

III. Bia lời nguyền của vua Hời.

IV. Tháp Sáng – Một vài ý nghĩ về nghề kiến- trúc của người Chàm.

V. Đến thăm ông tộc trưởng họ Trà.

VI. Đồng-dương tại nhà bảo tàng Parmenter.

Cuộc hành trình bắt đầu từ sông Hàn (Tourane) "Uể oải trong nắng gắt" và kết

thúc tại Bảo tàng Pamenter. Phương tiện của cuộc hành trình là xe đạp. Địa điểm của

cuộc hành trình là làng Đồng Dương, dấu tích của kinh đô nước Chămpa cũ. Như vậy,

câu chuyện du lịch không lớn nhưng độ tương phản của nó rất lớn.

Người kể chuyện trong tác phẩm chuyển từ vị trí này sang vị trí khác trong từng

chặng của lộ trình để làm cho câu chuyện không bị gián đoạn bởi lời nhận xét, suy ngẫm

hay cảm tác trước sự vật và hiện tượng mà tác giả quan sát được trong suốt chuyến đi.

Để tạo ra khung cảnh thời đại của vương quốc Chămpa hưng thịnh, Mãn Khánh Dương

Kỵ đã dựng bối cảnh rất khéo léo: đó là nắng và ảo ảnh.

Cái nắng mùa hè ở miền Trung được miêu tả một cách chính xác, phù hợp với

khung cảnh vùng quê nghèo Quảng Nam: “Sắn trắng, cát trắng. Trông qua những hơi

nóng, thấy nhà cửa cây cối như chập chờn rung động” (Tri Tân, số 107, tr.15). Khi mọi

người đã mệt, những chiếc xe đạp chạy một mạch hơn ba mươi cây số trên những con

đường cát trắng, bây giờ giống như “hai con ngựa sắt khô dầu hí lên ken két”, làm tăng

mệt nhọc để sự tưởng tượng xuất hiện: tác giả như cảm thấy quân Chàm đang ở đâu đây

rất gần và cả “Đồn lính? Chiêm binh huy động trong tiếng tù và, tiếng trống baranon,

dưới sự chỉ huy của mấy ông Snapti hung tợn …” ("Indrapura – Đồng Dương", Tri Tân,

số 107, tr.15). Đó là những đoạn văn miêu tả cảnh sắp bước vào di tích Indrapura, kinh

đô Chiêm Thành xưa. Nhưng khi đã dừng lại, nghỉ ngơi thì khung cảnh đó biến mất, chỉ

còn lại “một khoảng đất: trong cây cỏ lúp xúp lô nhô mấy đống gạch nát; ở giữa, trên

mặt nước đục ngầu một hồ cạn, bầy vịt đang lội và rỉa lông” (Tri Tân, số 107, tr.16).

Chỉ khi bước vào tịnh xá Indrapura, nơi chỉ còn lại đống gạch bỏ hoang, lúc đó xuất hiện

sự tưởng tượng mới: du khách “đứng dậy đi theo anh chàng mộ-đạo Chiêm tưởng-tượng

ấy” để bước vào cung điện có những tu viện, sân có tường bao bọc, những cái tháp xung

quanh tường, tháp chính đồ sộ, nguy nga tráng lệ, có những bậc tam cấp,... gặp những

172

“ông hộ pháp, những tăng và ni ngày đêm nghiên cứu đạo lý uyên thâm và chép những

bài kinh trên đá, trên lá”. Đứng ở đống gạch đổ nát này, chỉ một bước theo chàng mộ

đạo tưởng tượng thôi mà Mãn Khánh đã đến được kinh đô nước Chiêm Thành thời

hoàng kim trong chớp mắt, rồi lại trở về thực tại để suy nghĩ kiến trúc Chămpa đã bị

“người mình gỡ ra xây lên một cái miếu tồi tàn nặng nề xiêu vẹo”. Những cảnh nửa hư

nửa thực như kiểu ghép nối của nghệ thuật điện ảnh đã làm cho cái mất đi của quá khứ

trở lại trong hiện thực, cái hoang tàn của hiện tại trở lại hoành tráng của thời hoàng kim.

Lấp lánh đằng sau bút pháp dựng cảnh này là triết lí nhân sinh: những công trình kiến

trúc văn hóa độc đáo của nước Chiêm Thành sẽ không mất đi nếu không có sự tàn nhẫn

của con người và sự vô tình của thời gian. Du kí Dương Kỵ buộc con người phải suy tư

để nhận ra sự tồn tại của chính mình.

5.3.3. Ngôn từ giàu tính tạo hình

Chất liệu trong du kí của Mãn Khánh Dương Kỵ là một thứ chất liệu đặc trưng

và được nhào nặn. Với vốn từ vựng phong phú để miêu tả đúng cảnh, đúng người, cùng

với vốn từ khoa học, những nguồn tư liệu quí giá và sự am hiểu ngôn ngữ và văn hóa

Chămpa, ông đã làm cho những cái mất đi phải trở về trong ý niệm. Sử dụng chất liệu

này, nhiều bức tranh cảnh vật được ông vẽ lên giàu màu sắc, đường nét và biểu cảm.

Từ cảnh trí thiên nhiên sống động:

“Một buổi chiều vàng vô cùng diễm lệ. Ánh sáng huy hoàng tràn trề trên sườn rặng núi

phương Tây, rồi tưng bừng chảy xuống sông hương đang nhẹ nhàng uốn mình giữa hai

bờ cây rậm lục. Trên trời vô cùng cao trên những đám mây vàng, đỏ, xen vào cỏ từng

vệt mây gợn sóng màu hồng phớt, xanh xanh tím tím tựa hồ những nét bút bồi hồi mà

nhà nghệ sĩ thiên nhiên, trong lúc cao hứng, để lâu e mất bớt vẻ đẹp, vội vã phết lên lụa

mà ghi những cảm giác mong manh…”

("Thiên Y A Na", Tri Tân, số 121, tr.13)

Cho đến đống gạch đá hoang tàn:

“Đến nay, tuy phải qua bao nhiêu lớp bể dâu, những tượng bức chạm, đã bị phá, đẽo,

gãy mẻ nhiều nơi, nhưng cũng không phải vì thế mà bớt đẹp, trái lại, từ tượng Phật to

lớn cho đến các con người bằng đá nho nhỏ, có kẻ không to quá ngón tay cái người lớn,

vẫn “sống” vẫn hoạt động, vẫn làm cho người xem cảm động bồi hồi, đi không muốn

dứt...”

("Thiên Y A Na", Tri Tân, số 121, tr.19)

Dương Kỵ đã làm sống lại tâm hồn của dân tộc Chămpa qua những chữ khắc trên

bia đá còn sót lại mà ông đọc được, và như nghe được cả những câu khấn nguyện lầm

173

rầm của những con người qua các thế hệ trong các buổi cầu kinh: Nomoh Laksmindra

Lokecvara… Ngôn từ của Dương Kỵ là phương tiện đưa du khách vượt qua thời gian

để đi đến nhiều nơi, chiêm ngưỡng và tận hướng những vẻ đẹp của thiên nhiên và sự kì

diệu của văn hóa, tham quan kinh đô Chiêm Thành thế kỉ X. Ngôn từ của Dương Kỵ có

khả năng khơi thông trí tưởng tượng, tri thức văn hóa và như muốn khai quật nó lên từ

trong đống đổ nát.

Mãn Khánh Dương Kỵ không phải người làm du lịch hay hợp đồng quảng bá cho

một công ti du lịch nào đó nhưng ông rất có duyên trong việc tạo không khí cho không

gian du lịch để thu hút du khách. Ông rất linh hoạt trong việc thay đổi các lời văn trong

tác phẩm du kí bằng các giọng điệu khác nhau: say sưa, trữ tình, giễu nhại, bỡn cợt,

trang nghiêm, trầm tỉnh, sôi nổi,... vào đúng lúc, đúng cảnh, đúng người, đúng việc.

Người nghe như cuốn hút theo lời kể của ông mà từng đoạn, từng lời biến hóa như lời

diễn viên kịch trường đang diễn xuất.

Kết cấu tác phẩm du kí của ông cũng hết sức độc đáo. Thông thường, những bài

du kí ngắn, các nhà văn du kí thường bị lối viết tản văn, tùy bút lôi kéo, còn ở Mãn

Khánh Dương Kỵ, nếu có thì chỉ bị loại văn phong lịch sử lôi kéo, nhưng đó là thứ yếu.

Du kí của Dương Kỵ thiên về truyện mà những câu chuyện của ông chất thành những

lớp lang rất khéo giống như người Chăm xây tháp mà không có vôi vữa vậy. Nếu không

tin ý thì không biết ý đồ thiết kế và bố trí các câu chuyện của ông trong tác phẩm du kí.

Đặc biệt ông luôn đan xen hai thứ: chuyện xưa và chuyện nay, dùng chuyện xưa để nói

chuyện nay, lấy chuyện nay để ngẫm chuyện xưa, tất cả đều khéo léo và liền mạch. Lối

kết cấu đó đã làm cho người đọc đọc đến hết tác phẩm mà cảm giác câu chuyện chưa

chấm dứt.

Nghiên cứu văn học truyền thống chỉ tập trung vào văn học tinh anh, bỏ qua văn

học đại chúng, tập trung vào sự bề thế và qui mô bỏ qua sự nhỏ lẻ, tập trung vào đối

tượng đã định hình bỏ qua đối tượng nằm giữa các lằn ranh. Từ thực tiễn này mới nảy

sinh nhiều quan niệm cực đoan và nhận thức sai lệch về một số hiện tượng văn học chưa

được tường minh hoặc tác phẩm văn học mà chủ thể của nó không phải là nhà văn. Lối

tiếp cận đối tượng dựa trên những lí thuyết văn học nảy sinh từ các trào lưu tư tưởng chỉ

có ý nghĩa trong một giai đoạn nhất định là nguyên nhân của các hiện tượng này. Vì thế,

những sáng tác của nhiều người như Dương Kỵ ít người biết đến là là do tính lịch sử

174

của tiếp nhận văn học luôn mang tính thời đại. Từ những năm 60 thế kỉ XX, khi văn học

từ thẩm mĩ chuyển mạnh sang tiêu dùng, từ hình thái kinh điển chuyển sang hình thái

văn hóa đại chúng, từ ý thức hiện đại chuyển sang hậu hiện đại thì nghiên cứu văn học

từ bình diện ngôn ngữ chuyển sang văn hóa học, nghiên cứu các vấn đề văn hóa [59].

Sự ra đời của thi pháp học văn hóa (cultural poetics) đã tháo gỡ những vướng mắc và

làm cho nghiên cứu văn hóa và nghiên cứu văn học xích lại gần nhau, những hiện tượng

đan xen nhau giữa văn hóa và văn học đã được lật lại và giải quyết thỏa đáng.

Xu hướng nghiên cứu liên ngành trong khoa học xã hội và nhân văn đã mở ra

nhiều hướng tiếp cận đối tượng và sử dụng công cụ nghiên cứu. Ngô Đức Thịnh có đề

xuất về cách tiếp cận lịch sử văn hóa với tư cách là "cái tổng thể" để nhận dạng các nền

văn hóa đã từng tồn tại, phát triển trên đất nước ta [73]. Tiếp cận văn hóa đối với văn

học hiện nay đang được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Tuy nhiên vấn đề ngược

lại, tức là tiếp cận văn học đối với văn hóa là điều hiếm thấy. Thế nhưng, cách đây hơn

sáu thập niên, Dương Kỵ đã tiếp cận lịch sử văn hóa bằng văn học. Thông qua các tác

phẩm du kí, những vấn đề về văn hóa như: tín ngưỡng, tập tục, sự tồn tại và ảnh hưởng

các nền văn hóa trong một quốc gia, trình độ nhận thức và những giá trị văn hóa,... được

ông giải quyết bằng phương tiện nghệ thuật. Lối tiếp cận nghệ thuật đối với lịch sử và

văn hóa đã phản bác lại những tư tưởng thiên lệch và cực đoan của các nhà nghiên cứu

mang khát vọng đi tìm cái duy nhất, mang những đặc trưng hoặc tồn tại dạng đặc thù.

Lối tiếp cận này có khả năng mở ra cho loài người những ý tưởng sáng tạo văn hóa,

trong đó mọi sản phẩm và hoạt động của con người, kể cả sản phẩm tiêu dùng đều trở

thành đối tượng nghệ thuật hoặc mang tính nghệ thuật.

Tôn Thất Dương Kỵ là trí thức yêu nước, là nhà cách mạng, nhà giáo, nhà sử học.

Nhưng nhân cách của ông sẽ lớn hơn bởi ông đã từng là Mãn Khánh Dương Kỵ, con

người đã từng dùng văn học để nghiên cứu lịch sử và văn hóa, con người đã tạo ra cầu

nối giữa khoa học và nghệ thuật bằng thể loại du kí. Ông xứng đáng để người đời ghi

nhớ, lịch sử ghi nhận, các thế hệ hậu bối tôn vinh. Không có sự vĩ đại nào về con người

vượt ra khỏi tầm nghệ thuật. Tôn Thất Dương Kỵ cũng nằm trong trường hợp đó.

*

* *

175

Để có một thiên du kí, không phải ai cũng gặp cơ may có được cuộc hành trình.

Khi đã có cuộc hành trình nhưng chưa hẳn đã có tác phẩm du kí. Việc lựa chọn ra ba

phong cách tiêu biểu cho du kí Việt Nam cho thấy bề thế của thể loại này trong văn học

Việt Nam ở vào thời điểm hiện đại hóa văn học. Phạm Quỳnh và Nguyễn Đôn Phục là

hai phong cách du kí có vẻ trái ngược nhau nhưng bổ sung cho nhau để tạo nên đặc điểm

du kí Việt Nam trên Nam Phong tạp chí. Với phong cách du kí Mãn Khánh Dương Kỵ

cho thấy xu hướng không ngừng đổi mới, có khả năng tương tác với các thể loại khác

của du kí Việt Nam giai đoạn 1935 - 1945.

176

KẾT LUẬN

1. Du kí là vấn đề của văn học đương đại. Nhờ sự tác động nhiều mặt của kinh tế

- văn hóa – xã hội trong thời đại khoa học – kĩ thuật và công nghệ phát triển, nhiều vấn

đề của lịch sử và lí luận văn học được nhìn nhận lại. Du kí đã trở thành đối tượng nghiên

cứu không chỉ đối với lí luận và phê bình văn học mà còn của nhiều ngành khác nhau.

Trong thập niên cuối của thế kỉ XX, những cuộc hội thảo quốc tế về du kí đã thu hút

nhiều nhà nghiên cứu đến với du kí. Những vấn đề đặt ra cho những nghiên cứu mang

tính học thuật và nghiên cứu ứng dụng về du kí như: định nghĩa về du kí, xác định loại

hình của du kí, đặc trưng thể loại của du kí, ranh giới phân biệt du kí là thể loại văn học

với thể loại phi văn học,… được đưa ra bàn luận. Những cuộc tranh luận mang tính học

thuật của các nhà nghiên cứu đã gặp nhau ở một số điểm: coi du kí là một thể loại văn

học, đặc trưng cơ bản của du kí là cuộc hành trình của tác giả, đồng thời là nhân vật,

tính thông tin và tính khách quan của du kí lớn hơn những gì mà người ta tưởng nên có

khả năng xâm nhập vào các địa hạt của các ngành khoa học khác,… Trong sự mở rộng

phạm vi của đối tượng nghiên cứu, xu hướng nghiên cứu lịch sử văn học trong mối quan

hệ với văn hóa, như là một môi trường của văn học đã đặt lại vấn đề về quan niệm thể

loại. Trong xu hướng đó, gần đây các nhà nghiên cứu đã đặt ra vấn đề xem lại các tiểu

loại của thể loại kí như: luận án tiến sĩ của Lê Trà My với đề tài Tản văn Việt Nam thế

kỷ XX (từ cái nhìn thể loại) (2008), luận án tiến sĩ của Trần Văn Minh với đề tài Thể

loại tùy bút trong văn học Việt Nam từ 1930 đến 1945 (2011), cùng với nhiều bài báo

đăng trên các tạp chí chuyên ngành. Nhưng ở Việt Nam, nhiều người vẫn quan niệm du

kí là tiểu loại của kí, có người dè dặt định danh du kí là thể tài. Không giống như tản

văn hay tùy bút, là những thể loại phái sinh từ thể kí, du kí ra đời rất sớm trong văn học

viết của nhân loại. Trong lịch sử văn học Việt Nam, du kí ra đời trước cả thể loại kí chữ

Hán, mặc dù sự hình thành thể loại của nó phải trải qua các giai đoạn phát triển với các

hình thức thể loại khác nhau. Du kí Việt Nam có một quá trình phát triển không liên tục

bởi tính đặc thù về phương thức tồn tại của nó. Đến nửa đầu thế kỉ XX, khi hội đủ các

điều kiện như quan niệm về sự đi, phương tiện đi lại được cải thiện, môi trường văn hóa

thay đổi, báo chí và dịch thuật du kí phát triển,…thì du kí đã hưng khởi trở lại. Với một

qui mô lớn, có nhiều tác phẩm, tác giả với nhiều phong cách khác nhau, du kí Việt Nam

nửa đầu thế kỉ XX là một thể loại văn học có vị trí xứng đáng trong nền văn học dân tộc.

2. Du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX nổi lên như là một hiện tượng của sự phát

177

triển văn học. Bắt nguồn từ trong dòng chảy của du kí truyền thống, lại được tiếp thu

tinh thần và văn hóa của thời đại, không gian đi lại được mở rộng, nhận thức về lịch sử,

văn hóa của tầng lớp trí thức được nâng lên, du kí Việt Nam đã phát triển và đi tiên

phong trên con đường hiện đại hóa văn học về sử dụng chất liệu và hoàn thiện thể loại.

Với hàng trăm tác phẩm xuất hiện trên các báo và tạp chí trong gần nửa thế kỉ cùng với

nhiều cây bút xuất sắc đã làm cho thể loại du kí đạt đến đỉnh cao của sự phát triển trong

lịch sử du kí Việt Nam. Từ những chuyến đi ra nước ngoài để công tác, để học tập, để

thăm người thân hay chỉ là cuộc phiếm du, những trí thức Việt Nam đã viết nên những

thiên du kí, nói về những điều mắt thấy, tai nghe, ghi lại những cảm nhận, những suy

nghĩ của mình về đất nước, con người của nhiều quốc gia trên thế giới. Từ đó, họ nhìn

về danh lam, thắng cảnh cũng như con người, văn hóa Việt Nam với những nét ưu và

khuyết bằng tình cảm và khát vọng đối với đất nước. Trong những tác phẩm du kí viễn

du, có thể nhận ra trong đó những khát vọng của người trí thức Việt Nam về sự canh tân

đất nước, về ngày mai của dân tộc. Những người không có cơ may có cuộc hành trình

xuất ngoại đành tìm về những nơi còn ẩn dấu nhiều điều về văn hóa, lịch sử dân tộc mà

người trí thức chưa có dịp chiêm bái nó. Non nước Việt Nam trở nên bao la hơn, xinh

đẹp hơn, giàu truyền thống và bản sắc văn hóa hơn nhờ bước chân của những nhà văn,

nhà báo đi du lịch. Chính những điều này đã làm nên đặc điểm về nội dung của du kí

Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX: phong phú về về tài, đa dạng về cảm hứng. Bên cạnh

những đề tài truyền thống như viết về danh lam thắng cảnh, viết về ngoại quốc, du kí

giai đoạn này xuất hiện một số đề tài mới như: đề tài khảo cứu văn hóa, đề tài lịch sử,

đề tài dân tộc thiểu số. Với những đề tài này, du kí đã vẽ nên bức tranh nhiều màu sắc

khác nhau về non nước và con người Việt Nam. Cảm hứng sáng tác du kí trong giai

đoạn này không hoàn toàn bắt nguồn từ cảm hứng du quan, du lịch mà phần lớn xuất

phát từ tư tưởng. Mỗi tác phẩm mang một tiếng nói khác nhau về đất nước, lịch sử, văn

hóa và con người Việt Nam. Mặc dù không có nhiều tác phẩm du kí trường thiên nhưng

với nhiều bài du kí ngắn viết về nhiều địa điểm khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam, du kí

Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX như là cuộc hành trình tập thể tìm về với dân tộc.

3. Nằm trong dòng chảy của văn học dân tộc trong thời kì hiện đại hóa, du kí Việt

Nam nửa đầu thế kỉ XX nổi lên với tư cách là một thể loại văn học với nhiều đặc điểm

thể loại của nó. Mặc dù trong vườn hoa đa sắc của du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX

nhưng cũng dễ dành nhận ra du kí Việt Nam đang chảy thành hai dòng rõ rệt: một dòng

178

chảy bắt nguồn từ du kí truyền thống của dân tộc, một dòng bắt nguồn từ du kí phương

Tây hiện đại. Không như thơ hay tiểu thuyết phải tìm cách loại trừ nhau, hai dòng chảy

này đồng hành với nhau, bổ sung cho nhau để làm nên đặc điểm hình thức của du kí

Việt Nam. Tác phẩm du kí nằm trong dòng chảy hiện đại có cốt truyện hành trình mà

cấu trúc của nó chi phối bởi lộ trình và trải nghiệm của chủ thể. Tác phẩm du kí nằm

trong dòng chảy truyền thống có cốt truyện sự tích – huyền thoại chi phối bởi điểm đến

và tư tưởng của tác giả. Quá trình đào luyện của văn học đã kéo theo du kí, một thể loại

lấy nguyến tắc tự do làm đối ứng cũng phải qui thuận thành một số kiểu cấu trúc và kết

cấu nhất định để làm nên phong cách thể loại của du kí Việt Nam. Cùng với nó là sự

linh hoạt trong việc sử dụng ngôn ngữ, diễn đạt để tạo ra những tiếng nói riêng, giọng

điệu riêng, cách nhìn riêng đối với sự vật, hiện tượng. Khi chuyển dạng về chất liệu,

nhiều thể loại khác phải ngập ngừng thử nghiệm thì du kí là thể loại đi tiên phong trong

sáng tác bằng chữ Quốc ngữ. Du kí Quốc ngữ Việt Nam nhanh chóng định hình trong

thể loại của nó, đồng thời nó không khước từ chất liệu khác như chữ Hán, chữ Pháp mà

còn sử dụng chất liệu đó như là thủ pháp nghệ thuật.

4. Du kí là thể loại có khả năng tạo ra sự đa dạng về phong cách. Sự phát triển

của du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX đã hình thành nên nhiều phong cách tác giả như

Nguyễn Đôn Phục, Phạm Quỳnh, Dương Kỵ,… Trong sáng tác du kí, cuộc hành trình

được ví như "bột", nhưng chưa thể làm nên "cái bánh" là tác phẩm. Để cuộc hành trình

đi vào trang giấy đòi hỏi chủ thể của nó phải có tư tưởng, thái độ, quan niệm về sự đi.

Đi đến đâu không quan trọng bằng đi với mục đích gì. Nguyễn Đôn Phục có quan niệm

đi là một sự trở về, ngoài việc trở về với cội nguồn, truyền thống dân tộc thì cái quan

trọng là trở về với chính mình. Hành trình đơn giản như đi chơi thì cũng có nhiều hạng

người với nhiều cách chơi. Người trí thức là chơi cao cả, chơi có trách nhiệm, chơi cổ

tích, chơi lịch sử. Còn đối với Phạm Quỳnh, đã chơi là phải đi xa và có đi xa mới viết

thành du kí. Những cuộc hành trình, những chuyến công du đi Pháp, đi Lào, đi Nam Kì,

đi Huế, đi Lạng Sơn – Cao Bằng mà Phạm Quỳnh thực hiện đã trở thành tác nhân của

nhiều tác phẩm du kí. Phạm Quỳnh đã đưa hơi thở của thời đại vào trong du kí, thôi

thúc, giục giã con người tìm kiếm các cuộc hành trình để trải nghiệm bản thân, để mở

rộng tầm nhìn, đi cho biết đó biết đây. Mãn Khánh Dương Kỵ chọn con đường lạc nguồn

lịch sử, tìm trong đống đổ nát hoang tàn về một thời hoàng kim của vương quốc Chămpa

để viết du kí. Tìm về cội nguồn văn hóa, Dương Kỵ đã đưa người đọc thấy được hai mặt

179

phải trái của văn hóa và đời sống tâm linh, tín ngưỡng và cuộc sống đời thường qua

những cái mà người Việt mượn làm chốn múa may đồng bóng kiếm kế sinh nhai, lại là

biểu tượng tín ngưỡng, tinh thần của dân tộc Chămpa. Du kí không phải kén chọn chủ

nhân như tùy bút nhưng nó không cho phép chủ nhân dễ dãi với nó khi đã chọn cách đi.

Vì thế mà Nguyễn Đôn Phục phải đem hết vốn văn hóa truyền thống có trong mình dâng

cho du kí; Phạm Quỳnh đưa cả tinh thần thời đại vào từng trang du kí để làm nên một

phong cách hiện đại; còn Mãn Khánh Dương Kỵ mang tài nghệ phục chế lịch sử vào

văn chương để tạo sắc cho du kí. Đó chỉ là những trường hợp tiêu biểu. Trong du kí Việt

Nam có bao nhiêu cách đi thì có bấy nhiêu cách viết, tất cả cùng nhau làm nên sự phong

phú về nội dung, đa dạng về hình thức để hình thành đặc điểm của du kí Việt nam nửa

đầu thế kỉ XX.

5. Du kí là một thể loại văn học mang tính dân chủ và đại chúng. Làn sóng "đi

Tây" đầu thế kỉ XX có sự tương đồng với làn sóng "đi Tây" ở đầu thế kỉ XXI và đều

xuất phát ở khát vọng của giới trí thức và thế hệ trẻ về sự trải nghiệm, nhu cầu học tập,

khám phá đã tạo ra dòng du kí viễn du. Du kí có khả năng thắp sáng những ước mơ,

đánh thức tâm hồn, khơi dậy sự sáng tạo nên du kí dễ thích nghi với xã hội văn minh,

hiện đại. Trong tương lai không xa, du kí đến với thế hệ trẻ Việt Nam không phải là là

nhu cầu mang tính hiện tượng mà là sự thỏa mãn cho những khát vọng bay cao, bay xa

để tìm hiểu, khám phá chân trời mới của thế giới và bản thân, đưa văn học hòa nhập vào

cuộc sống luôn sôi động và biến động.

Du kí có thể nghỉ chân nhưng không từ bỏ hành trình, cũng không bị các thể loại

khác buộc phải dừng chân ở một thời điểm nào đó bởi chừng nào con người còn có khát

vọng di chuyển, thay đổi không gian, thay đổi chính mình thì vẫn còn du kí. Tuy nhiên,

một khi phương tiện tối tân làm cho người ta di chuyển quá nhanh, người đi lại quá

đông, lại chia thành nhiều hạng người hơn so với trước thì du kí có nguy cơ bị tước đoạt

đi những cái tinh anh hoặc bị hòa lẫn vào trong những cái dung tục, tầm thường của chủ

nghĩa thực dụng và giải trí. Nghiên cứu du kí đương đại phải có trách nhiệm điều hướng

cả trong phê bình và sáng tác để du kí không mất đi những vẻ đẹp nhân văn cao cả của

nó.

180

NHỮNG CÔNG TRÌNH KHOA HỌC

LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN

1. Nguyễn Hữu Lễ, “Yếu tố kì ảo trong du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX”, Kỉ

yếu hội thảo Yếu tố kì ảo và huyền thoại trong văn học, Đại học Khoa học

Huế, 5/2013.

2. Nguyễn Hữu Lễ, “Phong cách du kí Nguyễn Đôn Phục”, Tạp chí Khoa học

Đại học Sư phạm Hà Nội, số 3/2014.

3. Nguyễn Hữu Lễ, “Một số vấn đề phong cách thể loại của du kí”, Tạp chí Ngôn

ngữ và Đời sống, số 6/2014.

4. Nguyễn Hữu Lễ, “Một số vấn đề thi pháp thể loại của du kí”, Tạp chí Khoa

học Đại học Huế, Tập 95, số 7/2014.

5. Nguyễn Hữu Lễ, “Bút pháp nghệ thuật du kí Mãn Khánh Dương Kỵ”, Tạp chí

Sông Hương, số 305, 7/2014.

6. Nguyễn Hữu Lễ, “Những vấn đề thể loại của du kí”, Tạp chí Nghiên cứu Văn

học, số 8/2014.

7. Nguyễn Hữu Lễ, "Vấn đề thể tài du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX", Tạp chí

Nghiên cứu Văn học, số 5/2015.

181

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu tiếng Việt

1. Đào Duy Anh (2005), Hán – Việt từ điển, (tái bản), Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà

Nội.

2. Trần Thị Kim Anh, Hoàng Hồng Cẩm (2010), Các thể văn chữ Hán, Nxb. Khoa học

xã hội, Hà Nội.

3. Bakhtin M. (1991), Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, (Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn, dịch

và giới thiệu), Nxb Thông tin và Thể thao, Trường viết Văn Nguyễn Du, Hà Nội.

4. Bakhtin M. (1993), Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki (Trần Đình Sử dịch, Lại

Nguyên Ân và Vương Trí Nhàn dịch), Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

5. Roland Barthes (2004), “Nhập môn phân tích cấu trúc truyện kể” (Đỗ Lai Thúy

dịch), in trong Sự đỏng đảnh của phương pháp, Nxb. Văn hóa Thông Tin, Hà Nội.

6. Lê Huy Bắc (2008), “Cốt truyện trong văn tự sự”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, Số

7, tr. 34-37.

7. Michel Bideaux (2013), “Raconter ses voyages au XVIIIè siècle”, (Lê Đức Quang

dịch) “Du hành và văn hành thế kỉ XVIII: khi con người thuật lại những chuyến đi”,

Tạp chí Nhà văn, tháng 2.

8. Philipphê Bỉnh (1968), Sách sổ sang chép các việc, Nxb. Đại học Đà Lạt, Sài Gòn.

9. Các Mác và Ăng ghen: Toàn tập (1994), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

10. Nguyễn Huệ Chi (1998), Thơ văn Lí – Trần (Tập 2) Quyển thượng, Nxb. Khoa học

xã hội, Hà Nội.

11. Phan Huy Chú (1994), Hải trình chí lược - Récit sommaire d’un voyage en mer

(song ngữ) Claudine Salmon & Tạ Trọng Hiệp dịch và giới thiệu, Nxb. Association

de l'Archipel, Paris.

12. Tầm Dương (1967), “Bàn về thể kí”, Tạp chí Văn học, Số 2, tr. 36-39.

13. Hàn Đan, Lược sử kí Việt Nam thời Trung đại, http://www.baomoi.com/Luoc-su-

ky-Viet-Nam-thoi-trung-dai/152/6626898.epi

14. Phan Cự Đệ chủ biên (2005), Văn học Việt Nam thế kỉ XX – những vấn đề lịch sử

và lí luận, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

15. Hà Minh Đức (chủ biên) (1995), Lí luận văn học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

16. Hà Minh Đức (chủ biên) (2008), Lí luận văn học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

17. Gerard Genette (2007), “Ngôi” (Phong Tuyết dịch), trong sách Lí luận phê bình văn

học thế giới thế kỉ XX (Lộc Phương Thủy chủ biên), (Tập 2),Nxb. Giáo dục, Hà Nội,

18. Đoàn Lê Giang chủ biên (2011), Văn học cận đại Đông Á từ góc nhìn so sánh, Nxb

TP Hồ Chí Minh.

19. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên (1995), Từ điển thuật

ngữ văn học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

20. Nguyễn Thị Thúy Hằng (2009), “Giá trị văn hóa và văn học của du ký (khảo sát qua

sách Du ký Việt Nam)”, Tạp chí Khoa học Đại học quốc gia Hà Nội, Khoa học Xã

hội và Nhân văn, Số 25, tr. 63-71.

21. Hoàng Ngọc Hiến (1997), Tập bài giảng nghiên cứu văn học, Nxb. Giáo dục, TP

Hồ Chí Minh.

182

22. Tô Hoài (1963), Người bạn đọc ấy, Nxb. Văn học, Hà Nội.

23. Phạm Hổ (1962), “Về bút kí”, Tạp chí Văn nghệ, Số 63, tháng 8, tr.36-38.

24. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách

khoa toàn thư Việt Nam, Tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

25. Edmun Husserl, Phenomenology, Draft A. Bản dịch tiếng Anh của Thomas

Sheehan. The Encyclopaedia Britannica Article. Editorial Notes on the Present

Edition of the EB Article, (Hà Hữu Nga dịch), http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/

26. Nguyễn Vy Khanh, Về một số báo chí Nam Kì thời đầu văn học chữ Quốc ngữ,

namkyluctinh.org/a-tgtpham/.../nvkhanh-LichSuBaoChiThoiDau.

27. Cao Kim Lan (2005), “Mấy vấn đề thi pháp cốt truyện”, Tạp chí Nghiên cứu Văn

học, Số 6, tr. 66-75.

28. Cao Kim Lan (2011), “Tu từ học tiểu thuyết – một phương pháp tiếp cận giàu tiềm

năng”, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 1&2, tr. 47-52.

29. Mã Giang Lân chủ biên (2000), Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam 1900-

1945, Nxb. Văn hóa-Thông tin, Hà Nội.

30. Phong Lê (2007), Đến với tiến trình văn học Việt Nam hiện đại, Nxb. Hội Nhà văn,

Hà Nội.

31. Phong Lê (2007), “Nhân đọc du ký trên tạp chí Nam Phong”,

http://phamquynh.wordpress.com/2013/10/18/du-ky-tren-tap-chi-nam-phong/

32. Phong Lê (2009), “Du ký Việt Nam trên chặng đường hiện đại hóa”, Tạp chí Nghiên

cứu văn học, Số 11, tr. 51-59.

33. Lotman I.M (1994), Về bản chất của nghệ thuật (Trần Đình Sử dịch từ tiếng Nga),

https://lythuyetvanhoc.wordpress.com/.../ju-lotman-về-bản-chất-của-ngh....

34. Lotman I.M (2004), Cấu trúc văn bản nghệ thuật, (Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá

Đĩnh, Nguyễn Thu Thúy dịch), Nxb. Đại học Quốc gia Hà nội.

35. Lotman I.M, Cấu trúc văn bản nghệ thuật, “Chương III: Kết cấu tác phẩm nghệ

thuật ngôn từ” Lã Nguyên dịch, http://languyensp.wordpress.com/2013/04/30/ket-

cau-tac-pham-nghe-thuat-ngon-tu/.

36. Phương Lựu chủ biên (1997), Lí luận văn học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

37. Nam Mộc (1967), “Thể kí và vấn đề người thật việc thật”, Tạp chí Văn học, Số 6,

tr.33-36.

38. Nguyễn Thị Ngân (2012), “Nghiên cứu về Lý Văn Phức và Tây hành kiến văn kỉ

lược”, vanhoanghean.com.vn/...van...văn.../nghien-cuu-ve-ly-van-phuc-va-tac-...

39. Phạm Thị Ngoạn (1971), Tìm hiểu Tạp Chí Nam Phong, (Phạm Trọng Nhân dịch),

Nxb. Ý Việt, Yenes, Pháp.

40. Trần Thị Bích Ngọc (2007), “Lịch sử và phương pháp lịch sử”, Tạp chí Khoa học

xã hội, Số 9&10, tr. 59 – 80.

41. Phạm Thế Ngũ (1998), Việt Nam văn học sử - giản ước tân biên, Nxb. Đồng Tháp

tái bản năm 1998, Tập III Văn học hiện đại (1862-1945).

42. Phạm Xuân Nguyên (2007), “Du ký như một thể tài”, Báo Văn hóa và Thể thao

(26/4).

43. Phạm Xuân Nguyên (2007), “Đọc sách để đi chơi”, Báo Tuổi trẻ (23/3).

44. Lê Nguyễn, (2005), “Tây Hành nhật ký: tập sử liệu quí của người xưa”, Tuần báo

Doanh nhân Sài Gòn, (25/6).

183

45. Trần Thị Tú Nhi (2011), “Nghệ thuật ngôn từ du ký Quốc ngữ Việt Nam giai đoạn

giao thời”, Kỉ yếu Hội thảo khoa học Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư Phạm thành phố

Hồ Chí Minh.

46. Laios Nyrio, Bàn về nghĩa và cấu trúc tác phẩm, Nguyễn Văn Hiến (dịch từ tiếng

Nga), hppt://phebinhvanhoc.com.vn/?p=1841.

47. Hoàng Ngọc Phách (1997), Tố Tâm, (tái bản), Nxb. Đồng Tháp, Đồng Tháp.

48. Vũ Ngọc Phan (1952), Nhà văn hiện đại, Nxb. Vĩnh Thịnh, Hà Nội.

49. Vũ Ngọc Phan (1942) Nhà văn hiện đại, Quyển 1, Nxb. Tân Dân, Hà Nội.

50. Nguyễn Đình Phúc (2010), "Từ phú Trung Quốc đến phú Việt Nam", Tạp chí Hán

Nôm, Số 4, tr. 60-69.

51. Kiều Thanh Quế (2009), Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam, (Nguyễn Hữu Sơn, Phan

Mạnh Hùng sưu tầm), Nxb. Thanh niên, Hà Nội.

52. Phạm Quỳnh (2006), Thượng chi văn tập, Nxb. Văn học, Hà Nội..

53. Lê Quýnh (1993), Bắc hành tùng kí, (Hoàng Xuân Hãn dịch và giới thiệu). Nxb.

Thuận Hóa, Huế.

54. Lê Văn Siêu (1956), Văn học sử Việt Nam, Nxb. Văn học (tái bản), Hà Nội. 1999.

55. Nguyễn Văn Siêu (2010), “Tam Ngô du kí”, Các thể văn chữ Hán Việt Nam, (Trần

Thị Kim Anh, Hoàng Hồng Cẩm sưu tầm, tuyển chọn), Nxb. Khoa học xã hội, Hà

Nội.

56. Nguyễn Hữu Sơn (2012), “Thơ du kí của Phan Thúc Trực”, Tạp chí Đại học Sài

Gòn, Số 12.

57. Nguyễn Hữu Sơn (sưu tầm và biên soạn) (2013), Phạm Quỳnh – Tuyển tập du kí,

Nxb. Tri thức, Hà Nội.

58. Nguyễn Hữu Sơn (2007), "Thể tài du kí trên tạp chí Nam Phong", Tạp chí Nghiên

cứu Văn học, Số 4-2007, tr. 21-38.

59. (60) Nguyễn Hữu Sơn (2007), “Du ký về vùng văn hóa Sài Gòn – Nam Bộ trên Nam

phong tạp chí”, Tạp chí Kiến thức ngày nay, Số 619, phát hành ngày 20/10, tr. 5-11.

60. Nguyễn Hữu Sơn (2008), “Du ký viết về Sài Gòn – Gia Định nửa đầu thế kỷ XX từ

điểm nhìn những năm đầu thế kỷ XXI”, Tạp chí Khoa học xã hội (Viện Khoa học

xã hội vùng Nam Bộ), Số 11, tr. 39-49.

61. Nguyễn Hữu Sơn (2008), “Du ký của người Việt Nam viết về nước Pháp và mối

quan hệ Việt – Pháp giai đoạn cuối thế kỷ XIX – nửa đầu thế kỷ XX”, in trong Tuyển

tập Báo cáo tóm tắt Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ ba Việt Nam hội nhập

và phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện KHXH Việt Nam tổ chức), tháng

12, tr. 328-329.

62. Nguyễn Hữu Sơn (2009), “Du ký viết về Hà Tiên nửa đầu thế kỷ XX”, Tạp chí Kiến

thức ngày nay, Số 688, phát hành ngày 20/9, tr. 5-9.

63. Nguyễn Hữu Sơn (2011), "Đạm Phương nữ sử và những trang du ký viết về xứ

Huế", Tạp chí Kiến thức ngày nay, Số 751, phát hành ngày 20/6, tr. 9-13.

64. Nguyễn Hữu Sơn (2013), “Thể tài văn xuôi du ký chữ Hán thế kỷ XVIII-XIX và

những đường biên thể loại”, Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 810, phát hành ngày

10/02, tr. 8-11.

65. Nguyễn Hữu Sơn (2007), Du kí Việt Nam – tạp chí Nam Phong 1917-1934, (Tập 1,

2, 3), Nxb. Trẻ, Hồ Chí Minh.

184

66. Kathryn Van Spanckeren, Phác thảo văn học Mỹ, 1997,

http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/doc_amliterature_v.html

67. Trần Đình Sử (1999), Thi pháp văn học trung đại. Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

68. Phạm Xuân Thạch (2004), “Báo chí và quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam”

trong sách Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam 1900 – 1945, Mã Giang Lân

(chủ biên), Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.

69. Đỗ Ngọc Thạch (2010), "Thi pháp học – lịch sử và vấn đề", Tuần báo Văn nghệ, Số

34, phát hành ngày 21/8.

70. Nguyễn Thành (1999) “Nguyễn Văn Vĩnh và Hương Sơn hành trình”, Báo Nhân

Dân cuối tuần, Số 35, phát hành ngày 29-8.

71. (73) Ngô Đức Thịnh (2005), "Một cách tiếp cận về văn hóa lịch sử Việt Nam", Tạp

chí Văn hoá dân gian, Số 2.

72. Spalding Blair Thomas (1927), Á Châu huyền bí, Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Nxb. Văn

hóa - Thông tin, Hà Nội, 2005.

73. Quang Thông, (2002), Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh, Viện Ngôn ngữ học

Việt Nam, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.

74. Nguyễn Đức Thuận (2007), Tìm hiểu văn trên Nam Phong tạp chí, Luận án, Mã số:

62.22.34.01, Viện Văn học.

75. Bùi Đức Tịnh (2004), Lược khảo lịch sử văn học Việt Nam từ khởi thủy đến cuối thế

kỉ XX, (tái bản), Nxb. Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh.

76. Nguyễn Văn Toại (2007), Nguyễn Hãng – tác phẩm, Nxb. Văn hóa Thông tin. Hà

Nội.

77. Tomachevski B.V. (2001), “Hệ chủ đề”, trong sách Nghệ thuật như là thủ pháp,

NXB Hội nhà văn, Hà Nội, tr. 205 – 273.

78. Huỳnh Văn Tòng (1973), Lịch sử báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến năm 1930, Nxb.

Trí Đăng, Sài-Gòn.

79. Võ Thị Thanh Tùng (2013), “Tính cách người Nam Bộ - dấu ấn đặc sắc trong du kí

Nam Bộ nửa đầu thế kỉ XX”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm thành phố

Hồ Chí Minh, Số 44, tr.138-146.

80. Tynhianov I.U. (2002), Sự tiến triển của văn học, Đào Tuấn Ảnh dịch, Nxb. Văn

học, Hà Nội.

81. Quang Uyển (1997), “Phạm Phú Thứ – Cuộc đời, con người và sự nghiệp”, Nxb.

Đà Nẵng.

82. Nguyễn Khắc Xuyên (1968), Mục lục phân tích Nam Phong tạp chí, Trung tâm học

liệu Bộ giáo dục, Sài Gòn.

Tài liệu tiếng nước ngoài

83. Abrams, M.H. (2009), A Glossary of Literature terms, Cornell University.

84. Michael Cronin (2000), Across the Lines: Travel, Language, and Translation, Dubin

University.

85. Teun Adrianus van Dijk (1976), Pragmatics of language and literature (North-

Holland studies in theoretical poetics 2), American Elsevier Pub.

86. George Forster (1790), A journey from Bengal to England, (tác phẩm có tên đầy đủ

là: A journey from Bengal to England: through the northern part of India, Kashmire,

185

Afghanistan, and Persia, and into Russia, by the Caspian-Sea xuất bản lần đầu tiên

năm 1790 công bố tại Anh (London: in R. Faulder, 1798) và tái bản nhiều lần bằng

nhiều thứ tiếng, lần sau cùng vào năm 1970, New York.

87. Gasparov ML (1996), A History of European Versification (transl. by GS Smith &

Marina Tarlinskaja), Oxford: Clarendon Press.

88. Indira Ghos (1998), Women Travelers in Colonial India: The Power of the Female

Gaze, OUP India.

89. Peter Hulme and Tim Youngs (2002), The Cambridge Companion to Travel

Writing, Cambridge University Press.

90. Liam C. Kelley (1998), “Batavia Through the Eyes of Vietnamese Envoys”,

Explorations in Southeast Asian Studies, (A Journal of the Southeast Asian Studies

Student Association), Tract 5, Vol 2, No1.

91. Claire Linsay (2009), Contemporary Travel Writing of Latin America (Du kí đương

đại châu Mỹ Latin), Routledge, New York – London.

92. Alison Martin collecter (2012), Travel narrative in translation 1750 – 1830,

Publisher: Routledge.

93. Vladimir Propp (1960), Theory and History of Folklore, (English translation by

Anatoly Liberman, Manchester University Press, 1984).

94. James H. Robinson and Henry W. Rolfe (1909), Petrarch: The First Modern

Scholar and Man of Letters (GP Putnam's Sons, 1898; Havard University 2006).

95. Richard E. Strassberg, Inscribed Landscapes (1994), Travel Writing From Imperial

China (Berkeley: University of California Press).

96. Bernard Schweizer (2001), Radicals on the Road: The Politics of English Travel

Writing in the 1930s, Publisher: University of Virginia Press.

97. Carl Thompson (2011), Travel Writing. Milton Park, Abingdon, Oxon; New York:

Routledge

98. Tomachevski B. V. (1925), Theory of Literature, Moscow. Aspect Press, 1996

(1999).

99. Balazs Venkovits, (2012) The Study of Hungarian Travel Writing: Challenges,

Opportunities, and Findings (Nghiên cứu du kí Hungari - thách thức, cơ hội và phát

triển), My Fulbright Experience (Budapest: Fulbright Bizottság).

100. Tim Youngs (2013), The Cambridge Introduction to Travel Writing, Cambridge

University Press, Nottingham Trent University.

101. Barbotte M (1952), Les sources d'inspiration de P. Bourget L'Affaire Chambige et

Le Disciple, France réelle, Paul Estèbe.

102. Jean Grondin (1989), Kant et le problème de la philosophie: L’apriori, (Kant và vấn

đề của triết học: sự tiên nghiệm), J. Vrin, Paris, tr.69.

103. Kant I. (1781), Critique de la raison pure, Paris: Flammarion, Tradiction: J. Barni.

104. Jean Marquet (1928): Les cinq fleurs: L’Indochine expliquée, Publisser: Direction

de l'Instruct. publ. Ha Noi.

105. Paul Ricoeur (1990), “L'identité personnelle et l'identité narrative”, Soi-même

comme un autre (Chính mình như người khác), Éditions Seuil.

106. Стеценко Е.А (1999), “История, написанная в пути…” B Записки и книги

путешествий в американской литературе XVII–XIX вв ("Lịch sử, ghi chép trên

186

những chặng đường…", Sách và du kí trong văn học Mỹ thế kỉ XVII – XIX), М.

ИМЛИ РАН.

107. Гуминский В.М (2001), “Путешествие”, Литературный энциклопедический

словарь ("Du kí", Từ điển Bách khoa văn học), М. Сов. энцикло- педия.

108. Гуминский В.М. (1979), Проблема генезиса и развития жанра путешествий

в русской литературе (Vấn đề nguồn gốc và sự phát triển thể loại du kí trong văn

học Nga, Luận án tiến sĩ), Москва.

109. Михайлов B. A. (1999), Эволюция жанра литературного путешествия в

произведениях писателей XVIII-XIX веков (Sự phát triển thể loại du kí trong các

tác phẩm của nhà văn Nga thế kỷ XVIII-XIX, Luận án tiến sĩ Ngữ văn). Волгоград,

Москва.

110. Шачкова В. А. (2009), Жанр путешествия в творчестве Марка Твена конца

60 70-х годов XIX века (Thể loại du kí trong sáng tác của Mark Twain những năm

60 – 70 thế kỉ XIX. Luận án tiến sĩ), Москва.

111. Шачкова B. A. (2008), “Путешествие” Как жанр художественной

литературы: Bопросы теории (Du kí như là một thể loại tiểu thuyết: những vấn

đề lí thuyết), Вестник Нижегородского университета им. Н.И. Лобачевского,

№ 3, с. 277–281

112. Томашевский Б. В. (1925). Теория литературы . Поэтика (Lí thuyết văn học.

Thi pháp). Москва.

113. 章尚正 (2002), 中国旅游文学, 福建人民出版社; 第 1 版 (2002 年 8 月 1),

(Trương Thượng Chính (2002), Văn học du lịch Trung Quốc, Nxb. Nhân dân Phúc

Kiến).

114. 许 宗 元 (2006), 旅 游 文 学 论 纲 (Xu Zongyuan, Một số vấn đề lí thuyết du

kí), Journal of Shanghai Normal University (Philosophy & Social Sciences) pp.5-

17.

187

PHỤ LỤC

1. KHẢO SÁT DU KÍ TRÊN TẠP CHÍ NAM PHONG

STT SỐ NĂM BÀI TÁC GiẢ GHI

CHÚ

1 10 4-1918 Mười ngày ở Huế Phạm Quỳnh

2 17 11-1918 Một tháng ở Nam Kỳ Phạm Quỳnh

3 19 1-1919 Một tháng ở Nam Kỳ Phạm Quỳnh

4 20 2-1919 Một tháng ở Nam Kỳ Phạm Quỳnh

5 21 3-1919 Ngày xuân chơi núi Đạm Phương Văn uyển

6 22 4-1919 Đi tàu bay Phan Tất Tạo

7

23 5-1919

Chẩy chùa Hương Thượng Chi (P.Q)

8 Vịnh cảnh chơi chùa Hương

Tích

Nghĩa viên Nguyễn

Văn Đào

Thơ lục

bát

9 24 6-1919

Núi Dục Thúy (Dịch sách

Tang thương ngẫu lục) Đông Châu

Tồn cổ

lục

10 25 7-1919 Bài ký chơi núi Phật Tích Nguyễn Hữu Tiến

Tồn cổ

lục

11 27 9-1919 Bài ký chơi núi Cổ Tích

Liễu Viên Dương

Mạnh Huy Văn uyển

12

28 10-1919

Kí núi Dục Thúy Đạm Trai Văn uyển

13 Đêm tháng sau chơi hồ Hoàn

Gươm Hội Nhân Văn uyển

14 29 11-1919 Hạn mạn du kí Nguyễn Bá Trác

15

32 2-1920

Cùng các phái viên Nam Kỳ Thượng Chi

16 Bài kí phong thổ tỉnh Tuyên

Quang Nguyễn Văn Bân

17 38 8-1920 Hạn mạn du kí Nguyễn Bá Trác

18 39 9-1920 Hạn mạn du kí Nguyễn Bá Trác

19 40 10-1920 Hạn mạn du kí Nguyễn Bá Trác

20 41 11-1920 Hạn mạn du kí Nguyễn Bá Trác

21 42 12-1920 Hạn mạn du kí Nguyễn Bá Trác

22 43 1-1921 Hạn mạn du kí Nguyễn Bá Trác

23 44 2-1921

Hành trình mạn ngược từ

Cao Bằng xuống Phú Thọ

Thái Phong Vũ Khắc

Tiệp

24 48 6-1921 Sứ hoa nhàn vịnh Phùng Khắc Khoan

(dịch chữ

Hán)

188

25 Bài kí chơi chùa Thầy Lê Đình Thắng

26 49 7-1921 Sứ hoa nhàn vịnh Phùng Khắc Khoan

(dịch chữ

Hán)

27 50 8-1921 Sứ hoa nhàn vịnh Phùng Khắc Khoan

(dịch chữ

Hán)

28 51 9-1921 Sứ hoa nhàn vịnh Phùng Khắc Khoan

(dịch chữ

Hán)

29 52 10-1921 Sứ hoa nhàn vịnh Phùng Khắc Khoan

(dịch chữ

Hán)

30 53 11-1921 Sứ hoa nhàn vịnh Phùng Khắc Khoan

(dịch chữ

Hán)

31 55 1-1922 Ba Bể du kí

Nhạc Anh Hoàng

Văn Trung

32

56 2-1922

Tổng thuật về việc phái bộ

Bắc Kỳ đi quan sát đường xe

lửa Vinh – Đông Hà Phạm Quỳnh

33 Sứ hoa nhàn vịnh Phùng Khắc Khoan

(dịch chữ

Hán)

34 57 3-1922

Ngọc tân du kí Nguyễn Đôn Phục

35 Ai Lao hành trình Trần Văn Huyến

36 58 4-1922 Pháp du hành trình nhật kí Phạm Quỳnh

37 59 5-1922

Pháp du hành trình nhật kí Phạm Quỳnh

38 Du Tử Trầm Sơn kí Nguyễn Đôn Phục

39 60 6-1922 Pháp du hành trình nhật kí Phạm Quỳnh

40 61 7-1922 Nam Tống du đàm Trần Thuyết Minh

41 62 8-1922

Ngự giá Âu du tổng thuật NP (Phạm Quỳnh)

Túy Vân du kí Nguyễn Bá Kỉnh

42

63 9-1922

Câu chuyện đi chơi nước Ai

cập Tân Đình

43 Pháp du hành trình nhật kí Phạm Quỳnh

44 Cuộc đi quan phong làng

Thượng Cát

Tùng Vân Nguyễn

Đôn Phục

45 64 10-1922

Thuật lại chuyện du lịch ở

Paris Phạm Quỳnh

46 65 11-1922 Pháp du hành trình nhật kí Phạm Quỳnh

47

66 12-1922

Pháp du hành trình nhật kí Phạm Quỳnh

48 Du lịch về phía nam nước

Tàu

Nguyễn Đôn Phục

(dịch)

(dịch chữ

Hán)

189

49

68 2-1923

Pháp du hành trình nhật kí Phạm Quỳnh

50 Du lịch về phía nam nước

Tàu

Nguyễn Đôn Phục

(dịch)

(dịch chữ

Hán)

51

69 3-1923

Pháp du hành trình nhật kí Phạm Quỳnh

52 Du lịch về phía nam nước

Tàu

Nguyễn Đôn Phục

(dịch)

(dịch chữ

Hán)

53 70 4-1923 Pháp du hành trình nhật kí Phạm Quỳnh

54 71 5-1923 Sự tích đất Hải Ninh Trần Trọng Kim

55 73 7-1923 Pháp-du hành-trình nhật-ký Phạm Quỳnh

56 75 9-1923 Pháp du hành trình nhật kí Phạm Quỳnh

57

77 11-1923

Pháp du hành trình nhật kí Phạm Quỳnh

58 Một tập du kí của cụ Lãn

Ông (dịch) Nguyễn Trọng Thuật

Dịch chữ

Hán

59 78 12-1923

Một tập du kí của cụ Lãn

Ông (dịch) Nguyễn Trọng Thuật

Dịch chữ

Hán

60

79 1-1924

Pháp du hành trình nhật kí Phạm Quỳnh

61 Một tập du kí của cụ Lãn

Ông (dịch) Nguyễn Trọng Thuật

Dịch chữ

Hán

62

80 2-1924

Pháp du hành trình nhật kí Phạm Quỳnh

63 Một tập du kí của cụ Lãn

Ông (dịch) Nguyễn Trọng Thuật

Dịch chữ

Hán

64 81 3-1924 Pháp du hành trình nhật kí Phạm Quỳnh

65 82 4-1924

Một tập du kí của cụ Lãn

Ông (dịch) Nguyễn Trọng Thuật

Dịch chữ

Hán

66 Chơi Vịnh Hạ Long Nguyễn Hữu Tiến

67

83 5-1924

Pháp du hành trình nhật kí Phạm Quỳnh

68 Thăm miếu ông Khổng Thượng Chi (dịch)

Dịch tiếng

Pháp

69 Một tập du-ký của cụ Lãn

Ông (dịch) Nguyễn Trọng Thuật

Dịch chữ

Hán

70

84 6-1924

Pháp du hành trình nhật kí Phạm Quỳnh

71 Bài kí phong thổ tỉnh Vĩnh

Yên Nguyễn Văn Bân

72

85 7-1924

Pháp du hành trình nhật kí Phạm Quỳnh

73 Một tập du kí của cụ Lãn

Ông (dịch) Nguyễn Trọng Thuật

Dịch chữ

Hán

74 86 8-1924 Pháp du hành trình nhật kí Phạm Quỳnh

75 87 9-1924 Bài kí chơi Cổ Loa Nguyễn Đôn Phục

190

76 88 10-1924 Pháp du hành trình nhật kí Phạm Quỳnh

77 89 11-1924 Pháp du hành trình nhật kí Phạm Quỳnh

78 90 12-1924

Cuộc du quan làng Bản Mún Ph. T. L 5 bài thơ

79 Pháp du hành trình nhật kí Phạm Quỳnh

80

91 1-1925

Pháp du hành trình nhật kí Phạm Quỳnh

81 Cuộc đi chơi năm tầng núi Nguyễn Đôn Phục

82 Một buổi đi xem đền Lý Bát

Đế Phạm Văn Thư

83 92 2-1925 Pháp du hành trình nhật kí Phạm Quỳnh

84 93 3-1925

Pháp du hành trình nhật kí Phạm Quỳnh

85 Cuộc đi chơi Sài Sơn Nguyễn Đôn Phục

86

94 4-1925

Pháp du hành trình nhật kí Phạm Quỳnh

87 Qua chơi mấy nơi cổ tích

Ninh Bình

Đông Châu Nguyễn

Hữu Tiến

88 95 5-1925 Pháp du hành trình nhật kí Phạm Quỳnh

89

96 6-1925

Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng Phạm Quỳnh

90 Cuộc chơi trăng trên sông

Nhuệ Nguyễn Mạnh Hồng

91

100 10-1925

Pháp du hành trình nhật kí Phạm Quỳnh

92 Lời cảm cựu mấy ngày chơi

Bắc Ninh Nguyễn Đôn Phục

93 Cuộc thưởng ca ở làng Hữu

Thanh Oai Nguyễn Mạnh Hồng

94 101 11-1925 Cuộc chơi trăng sông Nhuệ Mai Khê

95

102 12-1925

Cuộc xem cổ tích miền Hải

Dương Nguyễn Đôn Phục

96 Một cuộc lãng du

Tuyết Minh Dương

Đình Tẩy

97 Hành trình đi Faifoo

Tuyết Minh Dương

Đình Tẩy

98 105 3-1926 Hành trình chơi núi An Tử

Kiếm Hồ Nguyễn

Thế Hữu

99 106 4-1926 Hành trình chơi núi An Tử

Kiếm Hồ Nguyễn

Thế Hữu

100 107 5-1926

Thăm Hương Cảng và

Quảng Đông Hồng Nhân (dịch) Bản dịch

101 108 6-1926 Thăm Hương Cảng và

Quảng Đông Hồng Nhân (dịch) Bản dịch

191

102 Cảnh Lạc hương Tùng Vân

103

109 7-1926

Hương Sơn du kí Minh Phượng

104 Thăm Hương Cảng và

Quảng Đông Hồng Nhân (dịch) Bản dịch

105 112 10-1926

Học sinh An Nam ở bên

Pháp Thôn Đảo

106 116 2-1927

Bài kí chơi Bàn Thành và

đền Hiển Trung Trần Quang Hoàng

107 122 10-1927 Mấy ngày chơi Thất Khê Nguyễn Thế Xương

108 124 12-1927 Thăm Phú Quốc Đông Hồ

109 129 5-1928

Lược kí đi đường bộ từ Hà

Nội vào Sài Gòn

Mẫu Sơn Mục

N.X.H

110 135 11+12-1928

Các nơi cổ tích đất Nghệ

Tĩnh Nguyễn Đức Tánh

111 136 1-1929

Các nơi cổ tích đất Nghệ

Tĩnh Nguyễn Đức Tánh

112 137 2-1929

Các nơi cổ tích đất Nghệ

Tĩnh Nguyễn Đức Tánh

113 138 3-1929

Các nơi cổ tích đất Nghệ

Tĩnh Nguyễn Đức Tánh

114 139 4-1929

Các nơi cổ tích đất Nghệ

Tĩnh Nguyễn Đức Tánh

115 140 5-1929

Các nơi cổ tích đất Nghệ

Tĩnh Nguyễn Đức Tánh

116 141 6-1929 Các lăng điện xứ Huế Nguyễn Đức Tánh

117 142 7-1929

Truyện kí một bậc cao tăng

nước Tàu Hoàng Châu (dịch) Giới

thiệu du

kí 118 143 8-1929

Truyện kí một bậc cao tăng

nước Tàu Hoàng Châu (dịch)

119 145 12-1929 Định Hóa châu du kí Đặng Xuân Viện

120 147 2-1930 Hòa Lan du kí Hồng Xuân (dịch) Bản dịch

121 150 5-1930 Cảnh vật Hà Tiên

Đông Hồ và Nguyễn

Văn Kiểm

122 151 6-1930 Cảnh vật Hà Tiên

Đông Hồ và Nguyễn

Văn Kiểm

123 152 7-1930 Cảnh vật Hà Tiên

Đông Hồ và Nguyễn

Văn Kiểm

124 153 8-1930 Cảnh vật Hà Tiên

Đông Hồ và Nguyễn

Văn Kiểm

192

125 154 9-1930 Cảnh vật Hà Tiên

Đông Hồ và Nguyễn

Văn Kiểm

126 155 10-1930 Cảnh vật Nhật Bản Trọng Toàn (dịch) Bản dịch

127 156 11-1930

Tập thơ đi Tây của Đức Khải

Định Khải Định

128 157 12-1930

Quảng Xương danh thắng Thiện Đình

129 Cuộc đi chơi Huế Phục Ba

130

158 1-1931

Du lịch xứ Lào Phạm Quỳnh

131

Một mình giữa bể Đại Tây Hồng Nhân

Giới

thiệu sách

Du kí

132 159 2-1931 Du lịch xứ Lào Phạm Quỳnh

133 160 3-1931 Tây Đô thắng tích Thiện Đình

134 161 4-1931 Quần phương nông tuế khảo Nhàn Vân Đình

135

163 6/1931

Bà Nà du kí Huỳnh Thị Bảo Hóa

136 Chơi cảnh Sầm Sơn Phạm Vọng Chi Văn uyển

137 Ninh Bình phong vật chí Thiện Đình

138 164 7-1931 Thụy Anh du kí Đặng Xuân Viện

139 168 1-1932 Quảng Yên du kí Nhãn Vân Đình

140 175 8-1932 Thăm lăng Sĩ Vương Nguyễn Trọng Thuật

141 176 9-1932 Trên đường Nam-Pháp Trọng Toàn

142 181 2-1933

Ngự giá Nam tuần hành trình

kí Song cử Hoàng Yến

143 183 4-1933

Ngự giá Nam tuần hành trình

kí Song cử Hoàng Yến

144 184 5-1933 Nam du đến Ngũ Hành Sơn Nguyễn Trọng Thuật

145 185 6-1933 Nam du đến Ngũ Hành Sơn Nguyễn Trọng Thuật

146 190 11-1933

Lược thuật hành trình cuộc

ngự giá Bắc tuần Mỹ Ngọc

147 197 6-1934

Chùa Bút tháp – Lăng Kinh

Dương Vương Đồ Nam

148 198 6-1934 Chơi Phú Quốc Mộng Tuyết

149 199 7-1934 Chơi Phú Quốc Mộng Tuyết

150 200 8-1934 Lại tới Thần kinh Nguyễn Tiến Lãng

151 204 9-1934 Lại tới Thần kinh Nguyễn Tiến Lãng

152 207 11-1934 Tết chơi biển Trúc Phong

193

2. KHẢO SÁT DU KÍ TRÊN TẠP CHÍ TRI TÂN

STT SỐ NĂM BÀI TÁC GiẢ

GHI

CHÚ

1 17 3/10/1941 Dâng hương đền Kiếp

Hoa Bằng và

Cách Chi

2 19 17/10/1941 Một cuộc hành hương

Trúc Khê - Lê

Thanh

3 31 14/1/1942 Am Tiên Hoàng Minh

4 36 25/2/1942 Thăm chùa Bà Đanh Vân Thạch

5 38 11/3/1942 Dâng hương đền miếu Hát Hoa Bằng

6 41 7/4/1942 Thăm cảnh Hoa-lư Khái Sinh

7 46 19/5/1942

Sau tám năm trở lại thăm

Laokay Nhật Nham

8 47 26/5/1942

Sau tám năm trở lại thăm

Laokay Nhật Nham

9 53 7/7/1942 Ban Mê Thuột

Biệt Lam Trần

Huy Bá

10 54 14/7/1942 Ban Mê Thuột

Biệt Lam Trần

Huy Bá

11 55 21/7/1942 Ban Mê Thuột

Biệt Lam Trần

Huy Bá

12 57 4/8/1942

Thăm trại thanh niên Tương-

mai Minh Tuyền

13 58 11/8/1942 Từ Hanoi đến hồ Ba-bể Nhật Nham

14 59 18/8/1942 Từ Hanoi đến hồ Ba-bể Nhật Nham

15 60 25/8/1942 Từ Hanoi đến hồ Ba-bể Nhật Nham

16 61 1/9/1942 Từ Hanoi đến hồ Ba-bể Nhật Nham

17 62 8/9/1942 Từ Hanoi đến hồ Ba-bể Nhật Nham

18 64 22/9/1942

Vài nơi danh thắng có quan hệ

với Trần Sử

Nguyễn Đan

Tâm

19

65 29/9/1942

Cuộc hành hương đền thờ cụ

Nguyễn Trãi, một vị đại anh

hùng có công lớn giúp vua Lê

trong cuộc bình Ngô

Vô Ngã

20 66 6/10/1942 Từ Hanoi đến hồ Ba-bể Nhật Nham

21 67 13/10/1942 Từ Hanoi đến hồ Ba-bể Nhật Nham

22 68 20/10/1942 Từ Hanoi đến hồ Ba-bể Nhật Nham

194

23 69 27/10/1942 Từ Hanoi đến hồ Ba-bể Nhật Nham

24 70 3/11/1942 Từ Hanoi đến hồ Ba-bể Nhật Nham

25 71 10/11/1942 Từ Hanoi đến hồ Ba-bể Nhật Nham

26 72 17/11/1942 Từ Hanoi đến hồ Ba-bể Nhật Nham

27 73 24/11/1942 Từ Hanoi đến hồ Ba-bể Nhật Nham

28 74 1/12/1942 Từ Hanoi đến hồ Ba-bể Nhật Nham

29 77 24/12/1942 Hà Nội - Viên trong hai giờ Vũ Nhật

30 78 31/12/1942 Hà Nội - Viên trong hai giờ Vũ Nhật

31 103 15/7/1943

Một vài kiến văn trong dịp đi

thăm làng Bối Khê Vũ Nga

32 104 22/7/1943

Một vài kiến văn trong dịp đi

thăm làng Bối Khê Vũ Nga

33 105 29/7/1943

Một vài kiến văn trong dịp đi

thăm làng Bối Khê Vũ Nga

34 107 12/8/1943 Indrapura (Đồng Dương) Dương Kỵ

35 108 19/8/1943 Indrapura (Đồng Dương) Dương Kỵ

36 109 26/8/1943 Indrapura (Đồng Dương) Dương Kỵ

37 110 2/9/1943 Indrapura (Đồng Dương) Dương Kỵ

38 116 14/10/1943 Một buổi đi thăm làng Dừa

Thi Nham Đinh

Gia Thuyết

39 117 21/10/1943 Một buổi đi thăm làng Dừa

Thi Nham Đinh

Gia Thuyết

40 119 4/11/1943 Đi thăm Đông Dương học xá

Cách Chi và

Mạnh Phan

41 121 18/11/1943 Thiên Y A Na Dương Kỵ

42 122 25/11/1943 Thiên Y A Na Dương Kỵ

43 149 6/7/1944 Bốn năm trên đảo Cac-ba Vân Đài

44 154 10/8/1944 Bốn năm trên đảo Cac-ba Vân Đài

45 156 24/8/1944 Bốn năm trên đảo Cac-ba Vân Đài

46 157 7/9/1944 Bốn năm trên đảo Cac-ba Vân Đài

47 158 14/9/1944 Bốn năm trên đảo Cac-ba Vân Đài

48 168 1/12/1944 Hai tháng ở gò Óc-eo

Biệt Lam Trần

Huy Bá

49 169 7/12/1944 Hai tháng ở gò Óc-eo

Biệt Lam Trần

Huy Bá

50 170 14/12/1944 Hai tháng ở gò Óc-eo

Biệt Lam Trần

Huy Bá

195

51 172 28/12/1944 Hai tháng ở gò Óc-eo

Biệt Lam Trần

Huy Bá

52 173 4/1/1945 Hai tháng ở gò Óc-eo

Biệt Lam Trần

Huy Bá

53 174 11/1/1945 Hai tháng ở gò Óc-eo

Biệt Lam Trần

Huy Bá

54 175-178 18/1/1945 Năm ấy ở Pháp Lê Văn Ngôn Kí ức

55 179 1/3/1945 Tết Đà-lạt Trịnh Như Nghê

Tạp

văn

3. KHẢO SÁT TÁC PHẨM DU KÍ TRÊN CÁC BÁO VÀ TẠP CHÍ KHÁC

ST

T

TÊN

BÁO/TẠP

CHÍ

SỐ NGÀY/THÁNG

/NĂM TÁC PHẨM TÁC GIẢ

1 Đông dương

tạp chí

41,42,4

3,44,45

26/2 đến

26/3/1914 Hương Sơn hành trình

Nguyễn Văn

Vĩnh

2 Phụ nữ Tân

văn 1->43

Từ 5/1929

đến 1931

Sang Tây – Mười tháng ở

Pháp

Phạm Vân

Anh (Đào

Trinh Nhất)

3 Phụ nữ Tân

văn

15,17,

20 22/ 7/1929

Đáp tàu André Lebon

Cao Văn

Chánh

4 An Nam tạp

chí 25 1932 Một sự đi chơi Laokay Tản Đà

5 An Nam tạp

chí 32 1932 Mấy bước đường rừng Tản Đà

6 Tiểu thuyết thứ

Năm 7 7/11/1938

Vài trang du kí Từ Hanoi

tới Toulouse

Phạm Huy

Thông

7 Loa 14 5/1934 Một buổi săn đêm Lan Khai

8 Nam Kỳ tuần

báo 68 1/1944

Mười lăm ngày với Mọi có

đuôi

Thái Hữu

Thành

9 Nam Kỳ tuần

báo 58-65 1943

Giống Mọi ở Đồng Nai

Thượng

Thái Hữu

Thành

10 Nam Kỳ tuần

báo 58-82 1944

Ngải Mọi ở Đồng Nai

Thượng

Thái Hữu

Thành

11 Nam Kỳ tuần

báo 85 6/1944 Mọi "Xà Niên"

Thái Hữu

Thành

12 Nam Kỳ tuần

báo 19 1/1943 Viếng Tây Đô Thiếu Sơn

196

13 Nam Kỳ tuần

báo 44 7/1943 Đêm cuối cùng ở Hà Tiên

Trường Sơn

Chí

14 Nam Kỳ tuần

báo 74->76 1944 Miền thượng du Bắc Kỳ Ngọc Ước

15 Nam Kỳ tuần

báo

39,45,4

7,51,54

,58 1943

Hai mươi lăm ngày đi tìm

dấu người xưa Khuông Việt

16 Nam Kỳ tuần

báo 74 3/1944 Tôi ăn tết ở Côn Lôn Khuông Việt

17 Nam Kỳ tuần

báo

74,75,7

6 3/1944 Miền thượng du Bắc Kì Ngọc Ước

18 Tiểu thuyết thứ

bảy 7 12/1944 Trên Lái Thán Trần Cư

19

Báo Thời vụ 76->78

4-

>15/11/193

8 Nước non Cao Bằng Ngô Tất Tố

20 Tao đàn 5+13 1939 Mọi rợ Lan Khai

21 Thanh Nghị 12,17 1942 Kỉ niệm Phan Thiết

Đinh Gia

Trinh

22 Thanh Nghị 29-31 1943

Người Mường Châu Ngọc

Lặc

Nguyễn

Thiệu Lâu

23 Phong hóa 97 8/1932 Đêm sông Hương Tam lang

24 Phong Hóa

151-

182 1935 Đi Tây Nhất Linh

25 Phong Hóa 179 1941 Đi vô Huế Lê Ta

4. KHẢO SÁT CÁC TÁC PHẨM DU KÍ TÁI BẢN GẦN ĐÂY

1. Nhiều tác giả, Đi tàu đi Tây du kí, Vương Trí Nhàn tuyển chọn và giới thiệu, Nxb. Hội Nhà

văn, Hà Nội, 2002.

2. Nam Cao, Đường vô Nam, báo Tiền phong ngày 20/1/1946

3. Phạm Quỳnh (1922), Pháp du hành trình nhật kí, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2004.

4. Nguyễn Hữu Sơn (tuyển chọn và giới thiệu), Du kí Việt Nam – tạp chí Nam Phong (1917-

1934), (3 tập), Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2007.

5. Nguyễn Tuân (1939), Một chuyến đi, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2001.

6. Lại Nguyên Ân – Nguyễn Hữu Sơn (2000), Tạp chí Tri Tân (1941 - 1945) – truyện và ký,

Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội.

7. Phạm Quỳnh (2013), Tuyển tập du ký, (Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn, giới thiệu), Nxb. Tri

thức, Hà Nội.